Ảm đạm thị trường tín dụng

11/07/2012 14:57

(Baonghean.vn) - Quý 2/2012 đánh dấu việc hạ lãi suất khá mạnh tay của Ngân hàng Nhà nước ở cả huy động lẫn cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Song qua tìm hiểu ở một số ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cho thấy nhu cầu vay mới hiện không nhiều, do đó tín dụng tăng trưởng chưa khả quan. 6 tháng đầu năm 2012, trên địa bàn tỉnh có 17/35 ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng âm.

Trong 3 năm gần đây (2009 - 2011), Nghệ An luôn có mức tăng trưởng dư nợ bình quân 40,7%; Dư nợ khối Ngân hàng thương mại và Quỹ tín dụng tăng 37,7%; Dư nợ khối Ngân hàng phát triển, Ngân hàng chính sách xã hội tăng 53%. Song, trong 6 tháng đầu năm 2012, dư nợ cho vay toàn địa bàn chỉ tăng 3.933 tỷ đồng (bằng 6,56%), trong khi cùng kỳ năm 2011 dư nợ tăng 20%. Từ tháng 4/2012 đến nay, lãi suất huy động lẫn cho vay đã giảm khoảng 4 lần, với tổng mức giảm từ 4- 6%, song tỷ lệ tăng trưởng tín dụng lại rất “ì ạch”, 17/35 ngân hàng trên địa bàn tỉnh có mức tăng trưởng tín dụng âm. Ngay Chi nhánh Ngân hàng Công thương (Vietinbank) Nghệ An, 6 tháng đầu năm 2012 dư nợ giảm hàng trăm tỷ đồng. Ông Trần Hoài Nam - Phó Giám đốc Vietinbank Nghệ An lý giải: “Trong mọi thời điểm, Ngân hàng đều muốn tăng trưởng tín dụng, hiện ngân hàng rất muốn cho vay nhưng nhiều khách hàng sản xuất, kinh doanh không hiệu quả nên giảm nhu cầu vay vốn. Nhiều khách hàng làm ăn không hiệu quả, ngân hàng phải thu hồi nợ. Doanh nghiệp đối mặt với hàng hoá ứ đọng, khó tiêu thụ, vốn về chậm nên giảm nhu cầu vay vốn. Không ít doanh nghiệp thua lỗ, không có đầu ra rõ ràng, ngân hàng không dám cho vay, sợ rủi ro nợ xấu gia tăng. Trong giai đoạn này tìm được khách hàng tốt để cho vay quả là không dễ. Trước đây, có những doanh nghiệp lớn vay vốn ngân hàng 50 tỷ đồng, 100 tỷ đồng, 300 tỷ đồng, nay không làm ăn được họ phải trả vốn cho ngân hàng, khiến dư nợ giảm mạnh”.



Lãi suất đã giảm mạnh nhưng khả năng hấp thụ vốn
của doanh nghiệp còn yếu.

Giám đốc Ngân hàng Techcombank chi nhánh Nghệ An- ông Phan Nam Thái cho biết: “6 tháng đầu năm 2012, Techcombank Nghệ An dư nợ tăng trưởng -7%. Sở dĩ tăng trưởng âm, do các nguyên nhân sau: Doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, không có nhu cầu vay vốn; Doanh nghiệp bên bờ vực phá sản muốn vay vốn để đảo nợ các ngân hàng khác, không đủ điều kiện để vay vốn; Nợ xấu trên thị trường tín dụng đang gia tăng nên chúng tôi cũng thận trọng, không dám cho vay…”

Thực tế cho thấy, lãi suất mới chỉ thực sự giảm mạnh ở những ngân hàng thương mại lớn như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank… Còn lại nhiều ngân hàng thương mại cổ phần khác, lãi suất cho vay tuy có giảm hơn trước nhưng vẫn còn cao, khiến doanh nghiệp e ngại, do đó tăng trưởng tín dụng ở các ngân hàng này vẫn bấp bênh.

Trước thực tế ảm đạm của thị trường tín dụng 6 tháng đầu năm 2012, nhiều tổ chức tín dụng trên địa bàn đã có những giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ thúc đẩy khơi thông nguồn vốn, kỳ vọng tăng trưởng dư nợ trong thời gian tới. Hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp ưu tiên nguồn vốn và áp dụng ngay các mức lãi suất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước để cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn trên địa bàn và các doanh nghiệp nhỏ, vừa... Các chi nhánh thuộc hệ thống Ngân hàng Công thương đang chỉ đạo thực hiện đánh giá lại chất lượng tín dụng của các doanh nghiệp vay vốn theo từng tháng để có các giải pháp phù hợp như điều chỉnh lãi suất, cơ cấu lại nợ, cho gia hạn nợ hoặc điều chỉnh kỳ hạn nợ nhằm tháo gỡ khó khăn cho cả doanh nghiệp và ngân hàng; Các chi nhánh Ngân hàng Đầu tư trên địa bàn tỉnh đang chỉ đạo thực hiện các giải pháp ưu tiên đối với những đơn vị trả nợ trước hạn sẽ không tính phí và căn cứ vào tình hình cụ thể của doanh nghiệp và đánh giá của ngân hàng để cho vay mới theo lãi suất hiện hành; Ngân hàng Ngoại thương cũng có những giải pháp như đánh giá chất lượng tín dụng, khả năng tài chính, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp để áp dụng chính sách ưu tiên trong cơ chế lãi suất. Tại các tổ chức tín dụng này, các doanh nghiệp đang còn dư nợ, ký hợp đồng lãi suất thả nổi với ngân hàng đều được hưởng lãi suất giảm khi có điều chỉnh giảm; Các doanh nghiệp vay vốn với lãi suất cố định được xem xét điều chỉnh giảm từ 1-2% dựa trên đề xuất hợp lý của khách hàng.

Với những nỗ lực từ phía các tổ chức tín dụng, hy vọng trong thời gian tới nền kinh tế sớm phục hồi “sức khoẻ”, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp sẽ tốt hơn để “hút” được lượng vốn lớn từ các tổ chức tín dụng chảy ra đầu tư cho nền kinh tế phát triển.


Quỳnh Lan

Mới nhất
x
Ảm đạm thị trường tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO