Âm vang Điện Biên

07/05/2014 08:56

(Baonghean) - Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nghệ An đã đóng góp không ít sức người sức của; lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”… Tổng Bí thư Lê Duẩn từng đánh giá: “Không có Thanh - Nghệ - Tĩnh, không có chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Từ trung tuần năm 1953 đến đầu năm 1954, khi biết quân và dân ta chuẩn bị mở các chiến dịch lớn tại Lai Châu, Tây Bắc, Thượng Lào và ráo riết tập trung cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, thực dân Pháp vừa tăng cường đối phó với ta ở chiến trường Tây Bắc, vừa cho máy bay, tàu chiến bắn phá, càn quét dữ dội ở vùng tự do thuộc Liên khu IV. Riêng Nghệ An, máy bay Pháp và đại bác từ tàu chiến ngoài biển đã tập trung đánh phá ác liệt ở các trọng điểm huyết mạch giao thông hoặc cơ quan kháng chiến như: Bến Thủy (TX. Vinh), Hoàng Mai (Quỳnh Lưu), Cát Văn (Thanh Chương), Cửa Hội, Cửa Lò (Nghi Lộc), Cửa Vạn (Diễn Châu). Đặc biệt, ngày 29/4/1953, máy bay Pháp dã man ném 126 quả bom xuống thôn Mậu Lâm (nay là xã Nghi Lâm, Nghi Lộc) làm chết 78 người dân trong đó có 18 trẻ em, làm bị thương 45 người khác. Sự tàn bạo của kẻ thù khiến tinh thần yêu nước căm thù giặc trong nhân dân lên cao độ.

Học sinh Trường Tiểu học Mường Pồn (huyện Điện Biên) dâng hương, tìm hiểu gương hy sinh anh dũng của liệt sỹ Bế Văn Đàn. Ảnh: Trần Duy Ngoãn
Học sinh Trường Tiểu học Mường Pồn (huyện Điện Biên) dâng hương, tìm hiểu gương hy sinh anh dũng của liệt sỹ Bế Văn Đàn. Ảnh: Trần Duy Ngoãn

Ông Hà Văn Tải, 83 tuổi, cán bộ nghỉ hưu ở xã Hưng Lộc (TP Vinh) nhớ lại: Giữa năm 1953, ông được cử làm chính trị viên một đại đội dân công của huyện Yên Thành và đóng trong một ngôi làng của đồng bào Thổ ở vùng bến Lở (nay thuộc xã Nghĩa Quang, Nghĩa Đàn). Dân công lao động cật lực với tinh thần “làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”. Thấy thế bà con các làng lân cận cũng tham gia với dân công nên đại đội của ông bao giờ cũng vượt chỉ tiêu trên giao. Đồng thời, hàng nghìn người dân các huyện Yên Thành, Nghi Lộc, Diễn Châu cũng góp sức tu sửa đường 34 (Bảo Nham - Quán Hành), kênh Nhà Lê chạy trên địa bàn được nạo vét đảm bảo cho thuyền bè chở hàng chục tấn qua lại. Sông Lam đoạn Bến Thủy (Vinh) - chợ Tràng (Đô Lương) cũng được tăng sức vận chuyển.

Du khách nghe thuyết trình khi về thăm Đồi A1
Du khách nghe thuyết trình khi về thăm Đồi A1

Chỉ trong một thời gian ngắn, hệ thống giao thông bộ, đường thủy nội địa từ vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh ra các tỉnh Liên khu III được nối liền với chiến khu Việt Bắc, Tây Bắc. Từ đây, việc vận chuyển bộ đội, vũ khí, lương thực, thực phẩm và các loại hàng khác bằng xe cơ giới hoặc thuyền bè chi viện cho các chiến trường nhanh hơn, nhiều hơn.

Cuối năm 1953, đầu năm 1954, cả Nghệ An bừng bừng khí thế với quyết tâm “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả cho chiến thắng”. Trong khi dân công đang ồ ạt làm đường bộ, khơi thông đường thủy nội địa thì 20 nghìn lượt dân công, 1.500 tài xế xe đạp thồ cùng 33.000 dân công Hà Tĩnh chia làm 2 cánh tiến quân vào mặt trận. Một cánh có nhiệm vụ vận chuyển trên 4.600 tấn gạo và các nhu yếu phẩm khác bám sát bộ đội phục vụ Chiến dịch Trung Lào. Cánh còn lại theo Quốc lộ 1A vào huyện Kỳ Anh, vượt đèo Ngang vào phục vụ chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa.

Ông Hồ Sắc, 85 tuổi, hiện ở xã Quỳnh Bảng, nhớ lại: Vào đợt 3 chiến dịch, Đại đội Quỳnh Lưu còn vượt đèo La Bối, Ca Rong mở tuyến mới để chuyển gạo và vũ khí cho Đoàn 66 đang truy kích địch ở Thị xã Thà Khẹt. Lúc này gạo thiếu, thương binh nhiều, dân công bàn nhau rút phần ăn còn 4 lạng gạo mỗi ngày và tự nguyện 2 ngày ăn cháo để dành gạo cho bộ đội. Cuối tháng 12/1953, Chiến dịch Trung Lào thắng lợi, dân công cũng hoàn thành khóa thứ nhất. Ông Hồ Sắc cùng nhiều người khác hưởng ứng lời kêu gọi của cấp trên lại hồ hởi xung phong đăng ký tiếp khóa phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Khóa này tỉnh huy động 33.000 dân công, 2.000 xe đạp thồ với nhiệm vụ vận chuyển 3.000 tấn gạo từ Quỳnh Lưu qua Thanh Hóa ngược lên suối Rút (tỉnh Hòa Bình). Khi sắp tới địa điểm bàn giao thì ông được phổ biến, đoàn Nghệ An tiếp tục vận chuyển số gạo trên lên Mộc Châu (Sơn La). Tuy đường dài thêm 100 cây số nhưng số lương thực và các nhu yếu phẩm do đoàn dân công Nghệ An vẫn đến đúng theo kế hoạch, phục vụ kịp thời bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên.

Ông Mai Ất, hiện là Chủ tịch Hội Cựu TNXP Nghệ An, nguyên Chủ tịch UBND TP. Vinh, từng là đội viên TNXP bám trụ ở đèo Pha Đin kể lại, lúc đó Nghệ An có 13.000 TNXP tham gia phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong thời gian từ giữa năm 1953 đến kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, TNXP Nghệ An sát cánh cùng bộ đội công binh mở thêm 82 km đường mới từ suối Rút lên Mộc Châu, sửa chữa đường 13 từ Yên Bái đi ngã ba Cò Nòi (Sơn La); mở các đường nhánh, đường kéo pháo, đường ngầm qua các suối Tà Vài, Hát Lót ở Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu. Ngoài ra các đội viên TNXP còn phá bom nổ chậm, lấp hố bom, chống lầy, vận chuyển hàng hóa. Các con đèo nổi tiếng ngoằn ngoèo trở thành tọa độ lửa như Pha Đin, Lũng Lô… không nơi nào không có mặt TNXP Nghệ An. Và, 100 đội viên TNXP quê Nghệ An đã anh dũng ngã xuống trên những chặng đường đó.

Bà Trần Thị Ánh, 84 tuổi, hiện trú ở khối Phong Định, phường Hưng Dũng (TP Vinh), kể: Tháng 2 năm 1952, bà cùng 10 thanh niên trong làng, trong đó có 6 nữ tình nguyện tham gia TNXP được nhập vào Đoàn TNXP Nghệ An và được trên điều ra làm đường từ suối Rút (Hòa Bình) lên Mộc Châu (Sơn La). Tại đây, bà được phân công làm trung đội trưởng một trung đội con gái của hai huyện Nam Đàn và Hưng Nguyên. Thôi thì đào đá, chặt cây, lát đường, bà và các đồng đội của mình cứ làm băng băng. Nhiều chị em bị sốt vẫn không chịu nghỉ. Gian khổ, bom đạn thế mà vẫn rất yêu đời. Những bài hát như “Qua miền Tây Bắc”, “ Anh lục quân ơi” vang cả núi rừng, nhất là khi có bộ đội hành quân qua.

Ngày 7/5/1954, sau “56 ngày đêm/ Khoét núi ngủ hầm/ Mưa dầm cơm vắt/ Máu trộn bùn non/Gan không núng chí không mòn”, quân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp; tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng của địch.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tỉnh Nghệ An đã huy động hơn 8 vạn thanh niên gia nhập quân đội, hơn 10 vạn 5.000 dân quân du kích, hơn 1 triệu lượt người đi dân công phục vụ kháng chiến. Riêng Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nghệ An đã huy động hơn 60.000 dân công tham gia chiến dịch. Kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Nghệ An có 96 tập thể và cá nhân được Chính phủ khen thưởng, 8 đồng chí được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Điển hình là Anh hùng liệt sỹ Trần Can (quê ở Sơn Thành (Yên Thành) nổi tiếng trong trận giáp lá cà với địch trên cao điểm 507; Anh hùng Đặng Đình Hồ (xã Phong Thịnh, Thanh Chương) dũng mãnh như hổ với lối đánh thọc sâu, chia cắt, khiến quân Pháp nhiều phen khiếp sợ; Anh hùng Phan Tư (quê ở Thọ Thành, Yên Thành) nổi tiếng bởi sự gan dạ, mưu trí trong những lần phá thác trên sông Nậm Na mở đường tiếp tế lên mặt trận Điện Biên.

Chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại, tinh thần Điện Biên Phủ bất tử tiếp tục tạo nên nguồn lực vô cùng to lớn cho quân và dân cả nước nói chung, Nghệ An nói riêng tiếp tục chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược, vững bước đi lên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Việt Long

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Âm vang Điện Biên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO