Amazon: Khi lá phổi xanh của thế giới không còn xanh

20/03/2015 08:01

(Baonghean) - Rừng Amazon - lá phổi xanh của thế giới đang bị bệnh. Đây là thông tin xấu nhất đối với các nhà khoa học nói riêng và loài người nói chung được công bố trên tạp chí Nature xuất bản hôm thứ 5.

Thứ 5 ngày 19/3, tạp chí Nature vừa công bố một kết quả nghiên cứu khổng lồ của 100 nhà nghiên cứu kéo dài hơn 3 thập kỷ nhằm theo dõi những tác động của việc ấm lên toàn cầu đến sự phát triển của khu rừng nhiệt đới Amazon. Nghiên cứu đã đưa ra một kết quả đáng báo động: rừng Amazon đang ngày càng hấp thụ ít khí CO2 hơn.

Mặc dù đã được dự kiến trước nhưng các số liệu nghiên cứu một lần nữa khiến cho các nhà khoa học phải giật mình. Theo đó, vào những năm 1990, rừng Amazon hấp thu khoảng 2 tỷ tấn CO2 từ bầu khí quyển. Đến năm 2000, con số này đã giảm xuống chỉ còn 1/3. Còn hiện tại, lượng khí CO2 được Amazon hấp thụ mỗi năm chỉ còn khoảng 1 tỷ tấn. Nếu với đà này, các nhà khoa học ước tính trong hơn 2 thập kỷ nữa thì hiệu quả của “đầm lầy cacbon” Amazon sẽ còn khoảng 500 tấn mỗi năm.

Một phần khu vực rừng Amazon ở Peru,  giáp biên giới với Brazil. Ảnh: AFP
Một phần khu vực rừng Amazon ở Peru, giáp biên giới với Brazil. Ảnh: AFP

Jérôme Chave – nhà nghiên cứu tiến hóa và đa dạng sinh học đồng thời cũng là đồng tác giả của nghiên cứu cho biết “Hậu quả trước tiên là khiến cho lượng CO2 tích tụ ngày một nhanh hơn trong bầu khí quyển” và cuối cùng sẽ dẫn tới hiện tượng suy thoái trên toàn cầu. Theo ông Roel Brienen – nhà nghiên cứu thuộc Đại học Leeds (Anh), nhiều người nghĩ rằng nếu lượng CO2 tiếp tục tăng thì rừng Amazon sẽ tiếp tục hấp thụ CO2 tuy nhiên các nghiên cứu khoa học lại chứng minh được điều ngược lại.

Để chứng minh các kết luận của mình, bắt đầu từ những năm 1980, các nhà nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm trên 320 địa điểm, với mỗi điểm rộng 1 ha và kéo dài trên 6 triệu km2 ở lưu vực sông Amazon. Sau khi nghiên cứu tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ tử vong của thảm thực vật, các nhà khoa học nhận thấy tỷ lệ tử vong ở khu vực Amazon tăng trung bình lên 30%.

Damien Bonal – Nhà nghiên cứu thuộc phòng thí nghiệm Hệ sinh thái rừng (INRA) lý giải, một phần tỷ lệ tử vong của thảm thực vật ở Amazon là do 2 đợt hạn hán nghiêm trọng hồi năm 2005 và 2010. Tuy nhiên, Bonal cũng nhấn mạnh việc tử vong trên thảm thực vật đã bắt đầu từ trước năm 2005. Mặc dù cơ chế tác động tiêu cực của quá trình biến đổi khí hậu lên thảm thực vật không hoàn toàn rõ ràng nhưng các nhà khoa học cho rằng đây là nguyên nhân chính lý giải cho hiện tượng tăng tỷ lệ tử vong ở Amazon. Một số nhà khoa học cũng không loại trừ khả năng do tình trạng thiếu chất dinh dưỡng, ngập úng hoặc sốc nhiệt… cũng góp phần dẫn đến tình trạng trên.

Báo động hơn nữa, tình trạng tử vong của thảm thực vật của các lưu vực rừng nhiệt đới lớn khác ở Nam Á, xích đạo châu Phi cũng đang trong tình trạng tương tự như ở Amazon. Các nhà khoa học thậm chí còn lo ngại về tình trạng này hơn cả việc chặt phá rừng tại các khu vực nói trên. Ông Bonal cảnh báo “Hạn hán nghiêm trọng cũng gây ảnh hưởng dến khu vực này nhưng điều này không có nghĩa là nhất thiết phải giống những gì đang xảy ra ở Amazon”. Ông Bonal nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiến hành nghiên cứu thêm ở các khu vực rừng nhiệt đới ở Nam Á, xích đạo châu Phi trước khi mọi chuyện quá muộn.

Chu Thanh (Theo Le Monde 19/3)

Mới nhất
x
Amazon: Khi lá phổi xanh của thế giới không còn xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO