An ninh biển: Ảnh hưởng hòa bình khu vực Châu Á

22/05/2014 20:48

(Baonghean) - Có thể nói, khu vực châu Á - Thái Bình Dương là khu vực xảy ra tranh chấp về phân định lãnh thổ và đường biển nhiều hơn hẳn các khu vực khác trên thế giới. Tranh chấp đảo Điếu Ngư/Senkaku là vấn đề nổi cộm trong quan hệ Trung - Nhật, gây căng thẳng trong mối quan hệ hai nước. Tranh chấp Biển Đông được xem là thước đo mức độ căng thẳng hay ôn hòa trong quan hệ Trung Quốc - ASEAN. Các nước liên quan đến tranh chấp lãnh thổ khu vực Châu Á, bao gồm Trung Quốc, ASEAN, v.v... đều là những thành viên trọng yếu của khu vực này, do đó mối quan hệ giữa các nước có ảnh hưởng quan trọng, quyết định tới sự tồn tại, hòa bình và ổn định của toàn khu vực.

Những tranh chấp về chủ quyền biển đảo tại khu vực châu Á cũng tăng lên trong thời gian gần đây. Sự việc Trung Quốc hạ giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam thời gian vừa qua đang khiến dư luận quốc tế lo ngại nguy cơ gia tăng thêm bất ổn tại khu vực biển Đông. Sự lo lắng này là hoàn toàn có cơ sở. Xét về vị trí địa lý, biển Đông là một vùng biển nửa kín, có diện tích khoảng 3,5 triệu km2 nằm ở rìa Tây Thái Bình Dương, thuộc khu vực Đông Nam Á. Tiếp giáp biển Đông có nhiều nước Đông Nam Á (Việt Nam, Philippin, Indonesia, Brunei, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Campuchia) và Trung Quốc. Chính vì vậy, Biển Đông có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của hàng trăm triệu dân của các nước này.

Xét về khía cạnh kinh tế, biển Đông cũng là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên biển quan trọng cho đời sống và sự phát triển kinh tế của các nước xung quanh, đặc biệt là nguồn tài nguyên sinh vật (thuỷ sản), khoáng sản (dầu khí), du lịch... Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch, nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - châu Á, Trung Đông - châu Á. Đây cũng được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ 2 của thế giới khi mỗi ngày có khoảng từ 150 - 200 tàu các loại qua lại Biển Đông, trong đó có khoảng 50% là tàu có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải từ 30.000 tấn trở lên. Không chỉ vậy, cũng có rất nhiều nước ở khu vực Đông Á có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào con đường biển này, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và cả Trung Quốc. Đây là mạch đường thiết yếu vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông. Như vậy có thể thấy rằng, vùng biển này hết sức quan trọng đối với tất cả các nước trong khu vực về địa - chiến lược, an ninh, giao thông hàng hải và kinh tế. Vì vậy, sự bất ổn trên vùng biển này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích an ninh, chính trị, kinh tế của các nước khu vực.

Tàu Trung Quốc xịt vòi rồng vào các tàu kiểm ngư và cảnh sát biển của Việt Nam.
Tàu Trung Quốc xịt vòi rồng vào các tàu kiểm ngư và cảnh sát biển của Việt Nam.

Không chỉ liên quan tới kinh tế, theo các nhà phân tích, một số tranh chấp chủ quyền khu vực Châu Á còn gây nên những mâu thuẫn trong quan hệ giữa nước lớn và nước lớn. Ví dụ, một số nước lớn mặc dù không phải là nước có liên quan đến tranh chấp song lại có lợi ích thiết yếu trong khu vực tranh chấp này. Chính vì vậy, diễn biến tranh chấp chủ quyền toàn khu vực từ đó cũng ảnh hưởng gián tiếp đến quan hệ nước đó và những nước có tranh chấp, gây nên bất ổn trong khu vực.

Diễn biến trong tranh chấp chủ quyền khu vực dù ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến bất kỳ mối quan hệ song phương nào cũng đều kéo theo “phản ứng dây chuyền” cho những mối quan hệ khác, từ đó ảnh hưởng đến diễn biến cục diện chính trị và an ninh của toàn bộ khu vực. Hơn nữa, sự xuất hiện của các nước lớn - vốn đóng vai trò là lực lượng thống trị chủ đạo trên quy mô toàn thế giới - sẽ khiến sự ảnh hưởng không chỉ giới hạn trong khu vực Châu Á mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến cục diện thế giới cũng như hòa bình và an ninh thế giới.

Thanh Hiền

Mới nhất
x
An ninh biển: Ảnh hưởng hòa bình khu vực Châu Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO