Ăn rau sống thế nào cho sạch?
Tôi hay dùng nước muối ngâm rau sống trước khi ăn. Xin hỏi làm như vậy có loại trừ được mầm bệnh?.
"Gia đình tôi rất hay ăn rau sống, mỗi lần dùng tôi thường ngâm nước muối loãng. Nhưng gần đây nghe trên đài, báo nói nhiều đến bệnh sán lá gan. Vậy không biết cách ngâm nước muối như trên có loại trừ được mầm bệnh không?".
Rau sống có rất nhiều với vitamin C, A, E, khoáng chất và một số yếu tố vi lượng. Các vitamin trong rau sống được bảo toàn nguyên vẹn không bị hao hụt so với khi nấu chín. Nhưng nếu rau sống không bảo đảm vệ sinh (tưới bón phân tươi, phân bắc hay phân chuồng chưa ủ kỹ, sử dụng thuốc trừ sâu không đúng quy định) thì lại là món ăn mang theo mầm bệnh, trong đó có bệnh sán lá gan như bạn đã biết.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, hiện bệnh sán lá gan lớn ở người đã xuất hiện ở 45 tỉnh thành trong cả nước với trên 2.000 người mắc. Nguyên nhân là người dân có thói quen ăn gỏi, tôm, cua, cá, rau sống có chứa ấu trùng sán lá gan. Sán lá gan lớn ký sinh trong gan làm hủy hoại gan, hút chất dinh dưỡng, lâu ngày dẫn đến áp-xe, xơ hóa gan, ung thư gan...
Ngoài nhiễm sán lá gan, ăn rau sống không sạch còn gây nhiễm các loại ký sinh trùng khác hoặc nhiễm độc thuốc trừ sâu cấp tính và mạn tính.
Để bảo đảm cho món rau sống được an toàn, bạn cần nhặt sạch rồi rửa nhiều lần bằng nước sạch, rửa trực tiếp từng lá dưới vòi nước chảy là biện pháp hiệu quả nhất để loại trừ trứng giun sán, vi khuẩn gây bệnh và dư lượng hóa chất trừ sâu còn bám trên lá rau. Ngâm rau sống vào dung dịch thuốc tím loãng hoặc nước muối loãng đều không diệt được trứng giun sán.
Nếu địa phương bạn là nơi có nhiều người mắc bệnh sán lá gan thì không nên ăn gỏi, ăn sống các loại rau thủy canh. Nếu có các biểu hiện như rối loạn tiêu hóa, ngứa, nổi mẩn, vàng da, sốt, đau hạ sườn phải thì cần đi khám (siêu âm, xét nghiệm máu, phân).
Theo Sức Khỏe & Đời Sống - NT