Ăn trầu lợi hay hại?
Tôi đọc báo thấy nói ăn trầu làm người ta bị ung thư vùng miệng, nhưng có người lại bảo lá trầu rất nên thuốc.
Mẹ tôi đã 75 tuổi nhưng vẫn thích ăn trầu. Tính ra bà đã ăn trầu hơn 50 năm.Thực hư việc này thế nào?
(Bách Lê)
Trả lời
Lá trầu (trầu không) tên khoa học là piper betle, thuộc họ hồ tiêu.
Theo kết quả phân tích thành phần hoạt chất trong lá trầu: có 85,4% nước, 3,1% protid, 0,8% chất béo và 6,1% đường.
Ngoài ra lá trầu còn chứa nhiều canxi, carotene, các vitamin gồm vitamin C, thiamin, riboflavin và niacin. Trong lá trầu còn chứa nhiều tannin, đường, ester và tinh dầu.
Tinh dầu có mùi thơm, vị cay, màu vàng nhạt được gọi là chavicol, có tác dụng sát trùng mạnh đối với các loại vi trùng như tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, vi khuẩn subtilis và trực trùng coli nên được dùng làm thuốc chữa lỵ và sốt rét.
Lá trầu tốt cho sức khỏe nhưng nên dùng với liều lượng thích hợp (Ảnh: T.G.T)
Một số tác dụng trong y học
- Lá trầu được dùng từ rất lâu như một chất kích thích tiêu hóa và chống đầy hơi. Nó còn được dùng làm thuốc cầm máu.
- Chữa tiểu ít và bí tiểu: pha dịch ép lá trầu với một ít sữa loãng rồi uống sẽ giúp đi tiểu dễ dàng.
- Chữa suy nhược thần kinh: dịch ép của vài lá trầu hòa một muỗng mật ong, uống mỗi ngày hai lần, là thuốc bổ thần kinh rất tốt.
- Chữa nhức đầu: đắp hoặc dán lá trầu lên chỗ đau sẽ có tác dụng làm giảm các cơn đau đầu dữ dội.
- Chữa bệnh đường hô hấp: lấy vài lá trầu ngâm vào dầu mù tạt và đun nóng, sau đó bôi lên ngực sẽ có tác dụng chữa ho và khó thở.
- Chữa táo bón ở trẻ em: lấy cuống trầu nhúng vào dầu đu đủ tía rồi nhét vào hậu môn, trẻ lập tức hết táo bón.
- Chữa viêm họng: nghiền nát vài lá trầu rồi trộn với mật ong, uống vào sẽ có tác dụng chữa viêm họng, ho, hen, khó thở.
- Tác dụng chống viêm: dùng lá trầu vò nát và đắp tại các chỗ sưng đau như trong trường hợp bị viêm khớp sẽ thấy hiệu quả ngay.
Tuy lá trầu có những công dụng tốt như trên nhưng không nên lạm dụng, vì trong những vùng có nhiều người theo tục lệ ăn trầu có trường hợp bị ung thư miệng và môi.
Đôi khi các triệu chứng như khó tiêu, viêm lợi chảy mủ, ung thư lưỡi và gò má vẫn có thể xảy ra ở những người nhai trầu vô độ.
Theo Tuổi Trẻ - NT