Ấn tượng nông nghiệp Hàn Quốc

07/04/2014 21:46

(Baonghean) - Hàn Quốc là nước công nghiệp, nhưng đối với nông nghiệp vẫn luôn được chú trọng. Vì thế hiện nay Hàn Quốc đã có không ít nông sản hàng hóa mang tính độc quyền, đem lại kinh tế cao. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp Hàn Quốc hiện đang đứng trước thách thức của thời tiết khí hậu băng giá mùa Đông. Liên kết, hợp tác đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp đang là cơ hội tốt mở ra nhiều triển vọng cho 2 nước Việt Nam - Hàn Quốc…

Phát triển nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật và liên kết

Xuống máy bay, khoác áo ấm tầng trong lớp ngoài mà cái giá lạnh thực sự gây cảm giác mạnh về cái lạnh mùa Đông của đất nước Đại Hàn. Chị Hạnh - Hướng dẫn viên người Việt (quê Quảng Ninh) là một cô gái với bộ quân phục màu ghi, nhanh nhẹn, lại làm dâu người Hàn, cho biết: Hàn Quốc thuộc vùng khí hậu ôn đới, mùa Đông kéo dài 6 tháng, bắt đầu từ tháng 10 năm trước đến hết tháng 4 năm sau. Cao điểm của mùa mùa Đông là tháng 1 đến tháng 3, thời tiết hanh heo, nhiệt độ ngoài trời thường xuống thấp. Ban ngày 1-2 độ C, ban đêm âm 4-5 độ C có nơi âm tới 10 độ C. Đây cũng là giai đoạn tuyết rơi, cỏ cây bị cháy vàng úa. Từ sân bay quốc tế vào trung tâm thủ đô, rồi từ trung tâm thủ đô đến Công viên Everlan hai bên đường phần lớn tuyết phủ dày một lớp trắng xóa. Giá lạnh đã gây trở ngại, đe dọa lớn đến sản xuất nông nghiệp của bán đảo Đại Hàn. Tưởng thời tiết khí hậu khắc nghiệt như vậy, sản xuất nông nghiệp sẽ đình đốn, người Hàn khó có được bữa rau trong mùa Đông giá lạnh. Thế nhưng vào bữa thật bất ngờ trong bữa ăn, rau nhiều hơn thịt cá. Bên cạnh món kim chi truyền thống là rau xà lách tím tươi xanh, cam quýt vàng lịm như vừa mới được hái từ vườn vào. Chủ nhà hàng cho biết, các thực phẩm tươi sống đều do đất nước Đại Hàn sản xuất.

Cam ở đảo JeJu Hàn Quốc. Ảnh: V.Đ
Cam ở đảo JeJu - Hàn Quốc. Ảnh: V.Đ

Trên đường tới thăm đỉnh núi Bình Minh nơi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, những vườn cam quả trĩu cành và những trang trại nông nghiệp công nghệ cao trải dài khắp nơi. Thật khó tưởng tượng khi mà đất đai ở đây không phải là bờ xôi ruộng mật, nói theo lối người Việt “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, địa hình đồi núi chiếm 70-80%, thời tiết hanh heo giá lạnh dưới 0 độ C, chẳng mấy thuận cho sản xuất, thế mà mùa này trên các trang trại, các loại cây trồng nông nghiệp vẫn đâm chồi mẩy lộc, đơm bông kết trái. Hòn đảo JeJu ngày xưa từng được biết đến vì có cái nhiều nhất: nhiều đá, nhiều gió, còn bây giờ người ta biết tới nó vì đảo có nhiều quýt nhất khu vực. Quýt ở đây phát triển khắp nơi, 2 bên đường, trong các vườn hộ, trên các trang trại núi đồi. Vì vậy, Người Hàn thường gọi đảo JeJu là đảo Quýt.

Thời điểm này dẫu đã cuối mùa quả ngọt nhưng các khu vườn quýt vẫn trĩu cành, chín vàng rộm. Được đi nhiều nước trong khu vực châu Á và thưởng thức nhiều loại cam, quýt nhưng có lẽ quýt ở xứ Kim Chi này vẫn có cái đặc biệt cả về chất lượng, hương vị và mẫu mã. Trong các vườn cam, quýt cây nào quả cũng trĩu cành và trăm quả như một, da căng mịn mà trên lớp da của nó không một vết màu khác ngoài màu vàng, trông rất bắt mắt. Không chỉ có mẫu mã đẹp mà quýt cam ở đây có hương vị riêng, vừa thơm vừa dịu ngọt, ăn một muốn ăn hai, giá cũng rẻ. Tại các điểm du lịch 1 kg cam giá 3 won (10 quả), tương đương 60 ngàn Việt Nam đồng. Theo người dân thì giá tại vườn còn rẻ hơn, và mua nhiều còn được khuyến mại, nhưng do năng suất cao nên mỗi ha thường cho thu nhập 10-15 triệu Won (200-300 triệu đồng Việt Nam).

Không chỉ có quýt, mà nhiều sản phẩm nông nghiệp ở đây cũng đã có thương hiệu nhờ sớm thực hiện cuộc cách mạng xanh và cách mạnh sinh học trên đồng ruộng. Đặc biệt, Hàn Quốc đã giành được thành tựu quan trọng về giống nông nghiệp. Bằng phương pháp lai tạo, nhân cấy mô, Hàn Quốc đã tạo được nhiều bộ giống rau củ quả cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như đã sản xuất được giống rau cao sản như giống cải củ Song Jeong, cải thảo Summukking và giống hành lá Huk Keun Jang. Qua sản xuất tại nhiều địa phương cải thảo, cải củ đã tạo đột phá về năng suất. Nếu năng suất cải thảo, cải củ của Việt Nam hiện chỉ đạt bình quân 20-25 tấn/ha/vụ thì Hàn Quốc đã đạt 50-70 tấn/ha/vụ. Ngoài chú trọng giống, nông dân Hàn Quốc còn quan tâm đầu tư thâm canh vào thủy lợi tưới phun sương nhỏ giọt, thực hiện che phủ ni lon chống sương giá và côn trùng phá hoại. Một số trang trại sản xuất các loại cây trồng có giá trị còn đầu tư nhà che phủ chống tuyết rơi, gắn với hệ thống đèn sưởi ấm, bảo đảm cho cây trồng phát triển.

Nhờ có bước phát triển trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, Hàn Quốc đã sản xuất được nhiều nông đặc sản hàng hóa nội tiêu và xuất khẩu mang tính độc quyền đem lại giá trị kinh tế cao như nấm linh chi và hồng sâm.

Điều đáng nói là việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản đang được gắn kết với nhau trong một chuỗi liên kết gần như kép kín. Trong chuỗi liên kết đó doanh nghiệp đóng vai trò chính, song hành hỗ trợ nông dân về vốn, giống, hướng dẫn kỹ thuật và nhất là tiêu thụ sản phẩm; Nông dân cam kết chung thủy với doanh nghiệp khi có sản phẩm bán cho doanh nghiệp theo giá thỏa thuận, tuyệt đối không tự ý bán ra ngoài. Sự liên kết đó đã giúp hoạt động sản xuất của ngành Nông nghiệp ngày càng lớn mạnh hình thành các tập đoàn sản xuất không chỉ chú trọng khâu đầu tư sản xuất ra nông sản mà còn đầu tư xây dựng các dây chuyền chế biến và mạng lưới tiêu thụ, tạo ra sự phát triển nông nghiệp bền vững. Chẳng hạn, hiện Hàn Quốc đã có tập đoàn đầu tư sản xuất và tiêu thụ sâm; tập đoàn sản xuất và tiêu thụ nấm linh chi…

Các tập đoàn sản xuất không chỉ đầu tư thâm canh sản xuất ra nông sản mà còn nghiên cứu chế biến các nông sản thô thành các mặt hàng tinh có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Bằng cách đó, không chỉ có mặt hàng thô, hồng sâm và nấm linh chi còn được tinh chế thành nhiều sản phẩm có nhiều tính năng, vừa bồi bổ sức khỏe vừa hỗ trợ chữa bệnh. Chỉ riêng hồng sâm, người ta đã chế biến ra hàng trăm sản phẩm khác nhau, ngoài đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng sức khỏe, còn hỗ trợ chữa bệnh và làm đẹp. Vào siêu thị bán sản phẩm từ sâm, không ít du khách hoa mắt bởi rất nhiều sản phẩm trưng bày bán và giá cả không hề rẻ: Sâm khô 300g giá trên 400 USD, cao sâm viên 225 USD, sâm tẩm mật ong 215 USD, kem dưỡng da hồng sâm 175 USD…Nấm linh chi có đến hàng chục sản phẩm khác nhau: Cao linh chi tẩm mật ong, viên linh chi, trà linh chi, nước uống linh chi, cao hồng sâm linh chi…

Với những bước đi và cách làm đó đã góp phần vừa khai thác tiềm năng, đất đai và lợi thế vừa nâng cao đời sống của người nông dân và giải quyết việc làm cho nhiều người. Hiện thu nhập của nông dân Hàn Quốc đạt trên 32 triệu won/năm, tương đương 23 ngàn USD, cá biệt có những nơi như làng Shindo, tỉnh Gyong Sangbuk chuyên trồng táo, ớt, rau, đậu… thu nhập bình quân 70 triệu won/người/năm. Chính mức thu nhập của người nâng dân được nâng lên nên đã góp phần đưa thu nhập bình quân GDP của Hàn quốc cũng tăng trưởng nhanh. Từ một nước lạc hậu đến nay Hàn Quốc đứng trong tốp của các nước phát triển G20 và là nước có nền kinh tế lớn mạnh thứ 4 của châu Á, với mức thu nhập bình quân đầu người năm 2010 khoảng 20.000 USD.

Mô hình liên doanh trồng ớt cay Hàn Quốc xuất khẩu tại huyện Tân Kỳ. Ảnh: Xuân Hoàng
Mô hình liên doanh trồng ớt cay Hàn Quốc xuất khẩu tại huyện Tân Kỳ. Ảnh: Xuân Hoàng

Cơ hội của ta

Mặc dù đã đạt được thành tựu to lớn, nhưng sản xuất nông nghiệp của Hàn Quốc đang đứng trước những khó khăn, do thời tiết giá lạnh, khiến chi phí giá thành sản xuất cao mà chất lượng và số lượng cũng ảnh hưởng. Để làm ra các sản phẩm rau trong mùa Đông, giá thành phải tăng gấp 4, gấp 5 lần so với mùa Hè. Và trên thực tế nhiều năm tuyết rơi kéo dài nhiều tháng liền nên không thể sản xuất được rau tươi trong khi nhu cầu lại đòi hỏi thường xuyên buộc phải nhập khẩu rau củ, quả từ nước ngoài. Nhưng lại đặt ra sản phẩm nhập khẩu khó kiểm soát được dư lượng các hóa chất nguy hại và giá cả lại đắt.

Vì thế, gần đây một số tổ chức và doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đang cố gắng tìm kiếm đối tác liên kết với doanh nghiệp Việt Nam sớm triển khai dự án thử nghiệm sản xuất rau quả tươi sống ở một số địa phương, theo phương thức doanh nghiệp đầu tư giống, hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc thu hái, bao tiêu sản phẩm, nông dân trồng thâm canh và bán sản phẩm lại theo giá thỏa thuận. Tại xã Yên Lạc, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, trong vụ đông xuân 2013- 2014 này đã triển khai dự án trồng thử nghiệm 5 loại rau củ (cải thảo, cải củ, ớt, hành và khoai tây) giống của Hàn Quốc và đã cho kết quả khả quan. Năng suất cải thảo và cải củ đạt 53-54 tấn/ha, giá trị thu nhập ước đạt trên 220 triệu đồng/ha, gấp hơn 2 lần so với các mô hình đối chứng.

Đối với Nghệ An, theo trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tân Kỳ, vụ đông xuân 2013-2014 đang triển khai thí điểm mô hình liên kết sản xuất ớt sạch (110 ha ) với giống Chỉ địa Trang nông -138 do Công ty CP đầu tư Vintechco Việt Đức (Hà Nội) phối hợp với một công ty Hàn Quốc thực hiện. Kết quả ban đầu cho thấy mô hình sản xuất rất khả quan, năng suất đạt bình quân trên 7tấn/ha, sản lượng 800 tấn và điều quan trọng chất lượng và mẫu mã đều đạt tiêu chuẩn quy định. Toàn bộ sản phẩm làm ra được đóng gói xuất khẩu và giá bán tại thị trường Hàn Quốc với giá 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện nhà đầu tư mua tại ruộng với giá đang thấp (5.000 đồng/kg) nhưng tính ra thu nhập đạt trên 1,5 triệu đồng/sào/vụ.

Kết quả đó mới trong phạm vi hẹp và có phần mang tính tự phát nhưng đã mở ra cơ hội tốt trong hợp tác phát triển nông nghiệp giữa 2 quốc gia nói chung và Nghệ An - Hàn Quốc nói riêng trong thời gian tới. Qua đó khai thác tiềm năng lợi thế, giải quyết việc làm và đặc biệt nâng cao đời sống của người dân.

Văn Đoàn

Ấn tượng nông nghiệp Hàn Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO