'Anh cả đỏ miền Tây' và những ký ức biên giới

(Baonghean.vn) - Là một người lính, và là người dân tộc thiểu số đầu tiên giữ cương vị bí thư huyện ủy, với ông Vi Hải Thành, “còn sức khỏe, còn khả năng thì sẽ còn nỗ lực góp phần xây dựng huyện biên giới Kỳ Sơn vươn lên thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu".

Cuộc vận động “5 không”

Một chiều cuối Đông, trong màn sương mù bảng lảng của núi rừng Kỳ Sơn, tại căn nhà của ông Lầu Xông Giơ nằm ven một con dốc ở bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn, hai người bạn già ôm chầm lấy nhau mừng mừng, tủi tủi. Ấy là cuộc gặp mặt với nhiều cảm xúc, tâm tư giữa ông Vi Hải Thành - nguyên Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn và Lầu Xông Giơ - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nậm Cắn.

Hai con người tóc đã hoa râm, những nếp nhăn hằn in trên khuôn mặt, nhưng ánh mắt vẫn tinh anh, trí nhớ minh mẫn. Cùng với hơi rượu nồng, bao ký ức lại cuộn chảy theo từng câu chuyện của hai người đồng chí về một thời đồng cam cộng khổ.

Niềm vui gặp lại người bạn một thời công tác. Ông Vi Hải Thành (trái) và ông Lầu Xông Giơ (phải). Ảnh: Hoài Thu
Niềm vui gặp lại người bạn một thời công tác. Ông Vi Hải Thành (trái) và ông Lầu Xông Giơ . Ảnh: Hoài Thu
Ông Lầu Xông Giơ nhớ lại: “Anh Thành là Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn hơn 10 năm (2003 - 2014). Hồi đó, tiếp nối người tiền nhiệm, anh Thành đã kêu gọi cán bộ, nhân dân các dân tộc huyện Kỳ Sơn thực hiện Cuộc vận động “5 không”, một việc làm đã góp phần thay đổi đáng kể tình hình phát triển của Kỳ Sơn lúc bấy giờ. Đó là: Không trồng cây thuốc phiện; Không truyền đạo trái phép; Không tranh chấp đất đai; Không di dịch cư sang Lào; Không đưa hàng hóa bán cho thổ phỉ”.

Chiều hội ngộ hôm đó, ông Vi Hải Thành cùng ông Lầu Xông Giơ đã dắt tay nhau đi dọc triền núi của bản Trường Sơn, ngắm lại nơi chốn xưa kia từng mọc bạt ngàn sắc tím, đỏ, hồng, trắng… đầy mê hoặc của một loài hoa mà người dân quen gọi là “cây mê muội” - hoa thuốc phiện. “Những năm 1990, tệ nạn buôn bán và sử dụng thuốc phiện diễn ra nhan nhản. Trên các sườn núi bạt ngàn hoa thuốc phiện, đặc biệt là ở các xã biên giới. Nậm Cắn cũng vậy, dọc các sườn núi kia đều là nơi trồng loài hoa chết chóc ấy” - vừa chỉ tay lên sườn núi xa xa ông Lầu Xông Giơ vừa nhớ lại.

Tiếp lời người chiến hữu, ông Vi Hải Thành cho hay, lúc bấy giờ, để thực hiện triệt xóa “cây mê muội”, huyện Kỳ Sơn đã 3 lần tổ chức họp già làng, trưởng bản để tuyên truyền, thống nhất chủ trương. Sau đó, huyện ủy phân công các đồng chí thường vụ đi đến tận 11 xã, vào tận từng nhà, lên tận cái rẫy của người dân để vận động bà con chặt bỏ cây thuốc phiện.

Thời gian đầu việc làm này gặp phải sự chống đối quyết liệt, thậm chí bí thư huyện ủy đến rẫy vận động đã bị dọa “cho ăn viên đỏ đỏ”  (viên đạn - P.V). Thậm chí, sự chống đối còn lên đến đỉnh điểm khi có đoàn vào bản vận động chặt bỏ cây thuốc phiện đã bị ngấm ngầm bỏ thuốc độc vào cơm, may mà có người phát hiện kịp.

Ông Lầu Xông Giơ cũng nhớ lại, thực hiện chủ trương này, cán bộ, đảng viên là những người tích cực, gương mẫu thực hiện trước. Sau khoảng 2 năm vừa kiên quyết, vừa bền bỉ vận động, cơ bản diện tích cây thuốc phiện trên địa bàn Kỳ Sơn thời bấy giờ đã được triệt xóa, chỉ còn tồn tại ở những vùng thâm sơn cùng cốc mà một số đối tượng vẫn giấu giếm trồng. Sau giai đoạn này, huyện giao cho các xã kiểm tra chéo lẫn nhau để tăng cường kiểm soát việc tái trồng cây thuốc phiện.

'Anh cả đỏ miền Tây' và những ký ức biên giới ảnh 2
'Anh cả đỏ miền Tây' và những ký ức biên giới ảnh 3
'Anh cả đỏ miền Tây' và những ký ức biên giới ảnh 4
Ông Vi Hải Thành gặp lại những người bạn một thời chiến đấu và cán bộ xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Hoài Thu

Một trong những việc khác mà thời đương nhiệm, nguyên Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hải Thành tích cực cùng với các thế hệ cán bộ kiên quyết thực hiện, ấy là vận động người dân không “tiếp tay” cho thổ phỉ, tức là không bán lương thực, thực phẩm cho thổ phỉ.

Những năm 2000, nạn phỉ cướp bóc, hoành hành ở đất bạn Lào và ở các địa bàn Kỳ Sơn rất nghiêm trọng, nhất là các tuyến biên giới, cửa khẩu. Cán bộ huyện đi cơ sở phải có công an, bộ đội bảo vệ vì sợ phỉ tấn công.

Sau đó, phía nước bạn thực hiện tiêu diệt thổ phỉ, bọn chúng dạt sang các tuyến biên giới với Việt Nam, trong đó có Kỳ Sơn. Cuộc chiến chống lại lực lượng thổ phỉ ở Kỳ Sơn cũng đã khiến nhiều người hi sinh, đặc biệt là lực lượng bộ đội biên phòng, ví như các anh hùng, liệt sĩ Và Tổng Khư, Và Bá Giải, Phạm Xuân Phong, Nguyễn Cảnh Dần…

Sau khi vận động được người dân không bán lương thực cho phỉ, chính quyền huyện lại vận động phỉ ra đầu hàng, trả lại sự bình yên cho các bản làng. “10 năm trên cương vị bí thư huyện ủy mà ông Vi Hải Thành đảm nhận là một trong những quãng thời gian hòa bình không tiếng súng khi nạn thổ phỉ được đẩy lui cho tới tận ngày nay” - ông Lầu Xông Giơ cho hay.

Cựu chiến binh Vi Hải Thành. Ảnh: Hoài Thu
Cựu chiến binh Vi Hải Thành. Ảnh: Hoài Thu
Xây đắp quan hệ hữu nghị Việt Nam - Lào

Ông Lầu Xông Giơ nhấp ngụm rượu nồng, đôi mắt xa xăm khi nhắc tên những đồng đội đã không còn. “Những cựu binh, thế hệ mà bọn trẻ bây giờ vẫn gọi là 4X, 5X - những người còn lại như anh em mình ngày càng ít đi. Sau lần gặp này, biết có còn hội ngộ” – ông Lầu Xông Giơ vừa nói vừa nắm chặt tay ông Vi Hải Thành.

Qua giây phút bùi ngùi, 2 người lính Cụ Hồ năm nào lại trở về với câu chuyện còn kể dở. Kỳ Sơn là huyện có 192 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào. Vì vậy, “việc giữ yên biên giới và giữ mối quan hệ hữu nghị sắt son lâu đời với nước bạn Lào đóng vai trò hết sức quan trọng” – nguyên Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn cho hay.

Cũng bởi vậy, cùng với nhiều thế hệ cán bộ Kỳ Sơn, việc thực hiện giao lưu hữu nghị với nước bạn Lào được ông Vi Hải Thành đặc biệt chú ý. Vì đường sá đi lại quá khó khăn, các tỉnh của Lào có ý định đề nghị bỏ giao ban, ông đã thuyết phục duy trì và đề ra chủ trương vào ngày 19/5 hàng năm 3 tỉnh nước bạn Lào giao ban với Việt Nam tại Kỳ Sơn, còn lại sẽ luân phiên giao ban tại các tỉnh nước bạn 3 năm 1 lần.

Ngoài ra, với vai trò là Tỉnh ủy viên, ông Vi Hải Thành cũng là người tích cực xin chủ trương cho Kỳ Sơn tăng cường đối ngoại với nước bạn Lào bằng nhiều việc làm thiết thực như mời các đoàn ngoại giao nước bạn Lào đi tham quan các địa danh của Việt Nam, hỗ trợ khám, chữa bệnh cho cán bộ, người dân Lào.

Bên cạnh đó là nỗ lực duy trì chợ biên giới Nậm Cắn, vừa để nhân dân 3 huyện của Lào trao đổi, đi lại vừa để cán bộ các huyện biên giới của hai nước có dịp gặp gỡ, giao lưu, trao đổi thông tin, tình hình của nhau nhằm thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị.

Những nỗ lực của ông trong tăng cường hữu nghị với nước bạn Lào, giữ ổn định biên giới được cán bộ, người dân Kỳ Sơn ghi nhận, gọi ông với cái tên trìu mến “Anh Cả Đỏ” miền Tây.

Núi rừng Kỳ Sơn
Mùa lúa chín nơi núi rừng Kỳ Sơn. Ảnh P.V
Ngồi quây quần bên những người bạn, nhớ lại những tháng năm hoạt động sôi nổi, ánh mắt vị Bí thư huyện ủy năm nào ngời sáng, nụ cười hiền hậu vẫn nở trên môi. Song ánh mắt ấy có lúc trầm ngâm khi nhắc nhớ đến những người đồng chí, bạn bè người còn người mất. Những người như ông Lầu Xông Giơ nay cũng không còn nhiều, và có dịp để gặp nhau cũng dần ít đi khi ai cũng đã bước sang cái tuổi xưa nay hiếm.
Với ông, những cái tên như Mùa Nỏ Tu, Hoàng Xuân Lương, Lầu Chông Vừ, Moong Biên Phòng, La Thị Thúy, Lô Máy, Lô Toán, Nguyễn Trọng Kỷ, Bùi Trầm, sau này là Vi Hòe, Lô Minh Hoạt... luôn gợi những thân thuộc, đi vào ký ức không bao giờ quên, “họ sẽ mãi là hành trang để tôi tiếp tục cống hiến, hoạt động vì một Kỳ Sơn ngày càng ổn định, vươn lên thoát nghèo; để đồng bào các dân tộc Kỳ Sơn mỗi khi Tết đến, Xuân về ai cùng được ấm no, hạnh phúc” – ông Vi Hải Thành chia sẻ.
Ông Vi Hải Thành hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Kỳ Sơn. Trước đó, ông đã có 8 năm làm Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy (1992 - 2000) và 11 năm là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kỳ Sơn (2003 - 2014). Ông là người đầu tiên của Kỳ Sơn được tuyên dương điển hình học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh cấp Trung ương.

tin mới

Cá nhân vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường để xảy ra sự cố môi trường sẽ bị xử phạt như thế nào?

Cá nhân vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường để xảy ra sự cố môi trường sẽ bị xử phạt như thế nào?

(Baonghean.vn) - Cá nhân vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường để xảy ra sự cố môi trường sẽ bị xử phạt như thế nào? Pháp nhân vi phạm quy định này sẽ bị xử phạt bao nhiêu?. Vấn đề quan tâm của ông Nguyễn Văn Trì (Thanh Chương, Nghệ An).

Bắt ổ nhóm trộm, tiêu thụ hơn 2 tấn chó ở Nghệ An

Bắt ổ nhóm trộm, tiêu thụ hơn 2 tấn chó ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An vừa chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan phá thành công chuyên án, triệt xóa ổ nhóm trộm hơn 2 tấn chó, do các đối tượng mang nhiều tiền án, tiền sự thực hiện, bước đầu bắt giữ 3 đối tượng.

Hồ Sỹ Bé bị tuyên phạt 20 năm tù về tội Giết người. Ảnh: Như Bình.

Sát hại hàng xóm chỉ vì 'tự ái vặt'

(Baonghean.vn) - Chỉ vì lời khích bác của người trong xóm, Hồ Sỹ Bé (Đô Lương) đã dùng dao cướp mạng sống của người láng giềng là trụ cột chính của gia đình có 5 miệng ăn... Hành vi của Bé để lại nỗi đau cho bao người, trong đó có cả người mẹ của gã.

Lừa gia công hàng cao cấp trên mạng, chiếm đoạt tiền tỷ

Lừa gia công hàng cao cấp trên mạng, chiếm đoạt tiền tỷ

Lê Thị Thúy Hà đưa ra thông tin cần người gia công các mặt hàng cao cấp, những người muốn nhận gia công các mặt hàng này cần phải đặt trước tiền cọc. Tuy nhiên, trên thực tế những nguồn vật liệu này được Lê Thị Thúy Hà mua trôi nổi trên thị trường và Lê Thị Thúy Hà cũng không có đầu mối tiêu thụ.