Anh - EU: Bên nào chịu xuống thang?
(Baonghean.vn)- Thủ tướng Anh David Cameron vừa bắt đầu một chiến dịch ngoại giao được đánh giá là chưa từng có, nhằm gia tăng vị thế của Anh cũng như đạt được những mục tiêu cải cách EU. Sự kiện này đã đánh dấu một giai đoạn cam go mới trong nhiệm kỳ Thủ tướng sau chiến thắng ngoạn mục của đảng Bảo thủ của ông Cameron tại cuộc bầu cử Hạ viện hồi đầu tháng. Qua đó, tương lai của nước Anh: đi hay ở Liên minh châu Âu sẽ được định đoạt.
Thủ tướng Anh David Cameron hội đàm cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker. Nguồn BBC.COM.
|
Mở màn bằng cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean- Claude Juncker, Thủ tướng Anh David Cameron sẽ tiến hành chiến dịch ngoại giao chưa từng có tại nhiều nước như Đan Mạch, Hà Lan, Đức, Pháp.
Theo đó, nội dung chính được thảo luận với lãnh đạo các nước này sẽ là việc cải tổ Liên minh châu Âu và việc Anh có tiếp tục là thành viên của khối này hay không. Song song với đó, dự kiến ngày 28/5 tới đây, Chính phủ Anh sẽ đệ trình lên Quốc hội nước này quy định về quyền bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên của Anh trong EU.
Những động thái này được đánh giá là chuẩn bị cho sự kiện vào cuối tháng Sáu tới, Thủ tướng Cameron sẽ đưa ra những yêu cầu đầu tiên của London để cải tổ Liên minh châu Âu trước cuộc họp Hội đồng châu Âu.
Tất cả các bước đi này nằm trong lộ trình thúc đẩy đàm phán về mối quan hệ của Anh với EU cùng với cam kết sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU của nước này như đã hứa với cử tri.
Theo giới quan sát, lộ trình này của Thủ tướng Cameron là không hề dễ dàng, bởi tuyên bố về việc thực hiện cuộc trưng cầu ý dân từ khi được đưa ra đã vấp phải nhiều phản ứng khác nhau của các nước trong khối.
Trong khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker từng ngỏ ý sẵn sàng tìm kiếm một giải pháp công bằng cho Anh tại EU, thì Đức và Pháp lại khẳng định sẽ không vội vàng thay đổi các hiệp ước EU.
Thậm chí theo một số nguồn tin, cả Tổng thống Pháp Hollande và Thủ tướng Đức Merkel ngay từ đầu đã bác bỏ một số yêu cầu của Thủ tướng Anh Cameron.
Vào lúc này, Thủ tướng David Cameron đang được ví như đứng ở trên dây, vừa phải giữ lời hứa với cử tri, vừa phải có các bước đi đủ cứng rắn để gây sức ép nhưng cũng phải đủ mềm dẻo để thuyết phục Liên minh châu Âu. Vì cả ông Cameron và các nhà lãnh đạo EU đều hiểu rằng, kịch bản Anh ra khỏi EU sẽ là bi kịch đối với cả đôi bên.
Cụ thể về phía Thủ tướng Cameron, ông đang phải đối diện với nhiều sức ép trong nước. Thứ nhất phải kể đến, đó là số người nhập cư vào Anh năm 2014 đã tăng mạnh lên 320.000 người. Đây được cho là thất bại chính trị lớn nhất của ông Cameron kể từ khi nhậm chức năm 2010 với cam kết giảm số người nhập cư xuống mức dưới 100.000 người mỗi năm.
Khó khăn càng lớn khi Liên minh châu Âu đang phải tiến hành kế hoạch phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người tỵ nạn cho các nước thành viên, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Không chỉ vậy, quan điểm của Brussels luôn là “cho phép di chuyển tự do giữa các nước thành viên là một trong 3 nguyên tắc cốt lõi của Hiệp ước châu Âu và không thể thay đổi”.
Bên cạnh vấn đề nhập cư thì các chính sách về phúc lợi xã hội cũng là những mục tiêu cải cách mà ông Cameron phải đặt trọng tâm thảo luận và mặc cả với EU. Ông Cameron cũng gặp khó trước những yêu cầu có tính khiêu khích của các nghị sĩ cánh hữu và giới truyền thông trong nước có khuynh hướng bài châu Âu.
Về phía Liên minh châu Âu, các nhà lãnh đạo chủ chốt dù khẳng định sẵn sàng lắng nghe và thương thuyết với Anh, nhưng cũng cảnh báo rằng, đàm phán với Anh sẽ phải có giới hạn nhất định. Bởi EU dù muốn giữ Anh ở lại nhưng không phải bằng mọi giá và nhiều thành viên cũng cho rằng, Anh hiện nay đã có nhiều khoản ưu tiên so với các nước khác.
Tính ra, Anh là nước duy nhất được giảm trừ tiền đóng góp cho ngân sách chung của khối. Anh cũng không tham gia khu vực miễn thị thực “Schengen” và khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Vì thế, có thể nhiều nước không muốn Anh rời đi nhưng cũng không muốn Anh có thêm quá nhiều sự ưu tiên và buộc phải thay đổi cả khối theo ý tưởng của một quốc gia.
Như thế, cả Liên minh châu Âu và Anh đều đang có những cái lý và cái khó riêng. Thủ tướng Cameron cũng đã thừa nhận đàm phán là không dễ dàng. Đây có lẽ cũng là điều ông đã lường trước khi đưa ra cam kết với cử tri để giành được nhiều lá phiếu trong cuộc bầu cử hồi đầu tháng. Vì thế, Liên minh châu Âu hay Anh sẽ phải xuống thang, EU có cải cách và Anh sẽ đi hay ở Liên minh châu Âu, điều này lại đang phụ thuộc phần lớn vào tài thương thuyết của Thủ tướng Cameron.
Phương Hoa
TIN LIÊN QUAN |
---|