Vô xứ Nghệ

Anh hùng LLVTND Võ Đại Huệ: Bảo vệ biên cương với lời thề son sắt

Trương Quế Phương (Hội Sử học Nghệ An) 20/12/2024 16:27

Trải qua hàng ngàn năm đấu tranh để giành và giữ nền độc lập dân tộc, đặc biệt là trong thời đại Hồ Chí Minh, những người con trên quê hương Xô viết anh hùng đã dũng cảm chiến đấu, sẵn sàng hy sinh với lời thề son sắt “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập lực lượng vũ trang nhân dân (22/12/1944 - 22/12/2024), xin giới thiệu đôi nét về Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Liệt sĩ Võ Đại Huệ và những người thân (vợ và hai con) trong gia đình của đồng chí.

Võ Đại Huệ, sinh năm 1952 tại xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc, thân phụ là ông Võ Văn Dụ và thân mẫu là bà Võ Thị Bường làm nghề nông. Ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, ném bom xuống kho xăng thành phố Vinh. Năm 1968, theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, hàng vạn thanh niên các trường học đã xếp bút nghiên, hăng hái lên đường đi chiến đấu.

z6148378427063_9856ad58a0ce34ad8536082e425e3105(1).jpg
Anh hùng LLVTND Võ Đại Huệ.

Võ Đại Huệ nhập ngũ năm 16 tuổi, sau mấy tháng học tập, huấn luyện ở miền Bắc, anh được biên chế lính bộ binh. Từ năm 1969 đến 1972, Võ Đại Huệ tham gia chiến đấu chống Mỹ ở các chiến trường của tỉnh Quảng Trị, đường 9, Khe Sanh và Tây Nguyên. Mang dòng máu tuổi trẻ của quê hương Xô viết anh hùng, chiến đấu trên các mặt trận, Võ Đại Huệ đã lập nhiều thành tích trong chiến đấu nên đã được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công.

Năm 1973, Võ Đại Huệ được điều ra Bắc học tập tại trường sĩ quan Lục quân I. Năm 1975, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Võ Đại Huệ được cấp trên điều động chuyển sang lực lượng Công an vũ trang nhân dân, làm giáo viên giảng dạy khoa chiến thuật của trường sĩ quan biên phòng.

Ngày 10/6/1975 (âm lịch), Võ Đại Huệ kết duyên cùng cô gái trong làng là Hoàng Thị Bích Nhật, sinh năm 1953, làm kế toán của công ty thương nghiệp huyện Nghi Lộc. Sau ngày cưới, vợ chồng Võ Đại Huệ cũng như hàng ngàn cặp vợ chồng trẻ mới làm lễ cưới sau ngày miền Nam giải phóng, hai đầu đất nước lại có chiến tranh, tháng 8/1978, Võ Đại Huệ nhận lệnh lên biên giới đóng chốt ở huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Trước khi lên đường đi chiến đấu, đồng chí được nghỉ phép mấy ngày về thăm gia đình. Lúc ấy, Võ Đại Huệ mới 27 tuổi, người vợ trẻ 26, con trai đầu lòng là Võ Trọng Hùng mới lên ba và vợ anh đang mang thai đứa con thứ hai. Hai cha con chưa biết mặt nhau, cũng chưa biết con trai hay gái.

Vì nhiệm vụ thời chiến, trước lúc tạm biệt, Võ Đại Huệ bịn rịn nắm chặt tay vợ, con và dặn vợ rằng:“Tình hình chiến sự rất căng thẳng, nếu anh có mệnh hệ gì thì em ở lại nuôi hai con, chăm sóc bố mẹ già thay anh …”. Sau này, khi kể lại cho chúng tôi nghe những lời dặn dò của chồng, bà Nhật nghẹn ngào trong tiếng nấc: “ … Có ngờ đâu đó là lời dặn dò vĩnh biệt trước lúc anh Huệ lên đường đi chiến đấu … Cha con chưa được biết mặt nhau”.

Trước những lời đe doạ và thách thức ngông cuồng của kẻ xâm lược phương Bắc, thực hiện lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc:“Không có gì quý hơn độc lập tự do”, hàng triệu tướng lĩnh trong quân đội và nhân dân Việt Nam đã hăng hái sẵn sàng đánh trả kẻ thù từ khi chúng vừa đặt chân sang lãnh thổ đất Việt Nam. Thiếu uý Võ Đại Huệ làm đại đội trưởng chỉ huy đại đội 11, tiểu đoàn 3, Bộ đội Biên phòng cùng các chiến sĩ Trung đoàn 16, lên đường hành quân ra biên giới làm nhiệm vụ chốt giữ tại huyện Mường Khương tỉnh Lào Cai với một lời thề son sắt:“Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”…

uploaded-daotuanbna-2024_02_17-_1-2941.jpeg
Ngày 17/2/1979, Trung Quốc huy động hơn 60 vạn quân mở cuộc tấn công tổng lực, đồng loạt, bất ngờ toàn tuyến biên giới phía Bắc, với chiều dài trên 1.000km từ Quảng Ninh đến Lai Châu. Cuộc tấn công được chia làm 2 cánh, một từ Quảng Ninh đến Cao Bằng và một từ Cao Bằng đến Lai Châu. Trong ảnh, cầu Bằng Giang và một phần trung tâm thị xã Cao Bằng bị địch phá hủy. Ảnh: Nguyễn Trân/TTXVN

Ngày 17/2/1979, quân địch có xe tăng thiết giáp yểm trợ, ồ ạt nhả đạn tấn công, khống chế tất cả các tỉnh biên giới phía Bắc nước ta. Thiếu uý Võ Đại Huệ, đại đội trưởng đã dũng cảm, kiên cường chỉ huy đại đội 11, tiểu đoàn 3, trung đoàn 16, Bộ đội biên phòng đánh trả quyết liệt bộ binh địch. Dưới làn pháo và xe tăng bắn xối xả, ngay từ trận đầu, Võ Đại Huệ đã chỉ huy tổ B 40 bắn cháy 2 xe tăng của bọn bành trướng tại ngã ba Mạn Tuyến. Trước đòn đánh trả của bộ đội Việt Nam do đại đội trưởng Võ Đại Huệ chỉ huy, buộc dàn xe tăng của địch phải lùi lại.

Lợi dụng quân lính đông như kiến, bọn giặc liền ra lệnh cho xe tăng của chúng rẽ sang hướng khác để tránh hoả lực đang chặn đánh của đại đội Võ Đại Huệ chỉ huy. Chúng ngoan cố xông thẳng vào trung tâm huyện Mường Khương. Học tập gương sáng đánh xe tăng của anh hùng Cù Chính Lan trên đường quốc lộ số 6 năm xưa, Võ Đại Huệ quyết không cho chúng nó chạy thoát. Nhanh như chớp, đồng chí dẫn tổ B40, chạy tắt đường, nhả đạn đón đánh, thêm 4 chiếc xe tăng trúng đạn bốc cháy ngùn ngụt.

Sáng ngày 18/2/1979, bọn xâm lược tập trung hoả lực, cả ba mũi đã nã pháo tới tấp lên núi Na Khuy. Mặc dù vừa trúng đạn bị thương, nhưng Đại đội trưởng Võ Đại Huệ vẫn dũng cảm, kiên cường, mưu trí, bình tĩnh chỉ huy đơn vị chiến đấu để giữ vững trận địa, đã đánh lùi 11 đợt tấn công của kẻ thù. Đơn vị đã tiêu diệt 300 tên giặc (riêng đại đội trưởng Võ Đại Huệ đã tiêu diệt 48 tên, trong đó có tên chỉ huy chiếc xe tăng đi đầu).

bien-gioi11-860.jpg
Chiến sĩ Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Đoàn H54 bộ đội địa phương tỉnh Hoàng Liên Sơn dũng cảm giữ chốt, tiêu diệt hàng trăm tên địch ngày 17/2/1979. Ảnh: Nguyễn Trân/TTXVN

Chiều ngày 18/2/1979, quân địch được viện trợ, tăng cường bao vây trận địa, hòng tiêu diệt lực lượng quân của đại đội Võ Đại Huệ. Vì không cân sức, để tránh tổn thất, bảo vệ lực lượng, Chỉ huy mặt trận đã lệnh cho đại đội Võ Đại Huệ phải rút lui khỏi vòng vây để tiếp tục chiến đấu. Nhận được lệnh cấp trên, Võ Đại Huệ đã nhanh chóng chỉ huy đại đội mở đường máu, phá vòng vây, di chuyển đội hình ra ngoài. Để chặn đường rút lui của quân ta, kẻ thù đã tập trung nhả đạn xối xả vào người chỉ huy, Võ Đại Huệ đã bị thương, lại tiếp tục trúng đạn. Đồng chí Võ Đại Huệ đã anh dũng hy sinh khi đang làm Đại đội trưởng, chỉ huy Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 16, tại mặt trận huyện Mường Khương tỉnh Lào Cai, khi anh mới 27 xuân xanh…

Liệt sĩ Võ Đại Huệ được truy thăng quân hàm từ Thiếu uý lên Trung úy và truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Ngày 19/12/1979, Liệt sĩ Võ Đại Huệ được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Để ghi nhớ công lao của Anh hùng - Liệt sỹ Võ Đại Huệ, tháng 12/2013, HĐND tỉnh Lào Cai đã ban hành Nghị quyết đặt tên đường phố Võ Đại Huệ nằm ở phường Bắc Cường, thuộc địa bàn khu đô thị mới thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Phần mộ của Anh hùng Liệt sĩ Võ Đại Huệ hiện đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.

Đồng chí Võ Đại Huệ hy sinh năm 27 tuổi, vợ mới 26 tuổi, con trai đầu là Võ Trọng Hùng lúc đó mới lên 3 tuổi, con gái sinh năm 1979, đặt tên là Võ Thị Hồng Thanh. Khi đồng chí Võ Đại Huệ hy sinh, bà Nhật đang mang thai, cha con chưa biết mặt nhau. Sau khi đồng chí Võ Đại Huệ hy sinh, ba mẹ con bà Nhật sống cảnh mẹ goá con côi, thời bao cấp kinh tế khó khăn. Mặc dù gian khổ, đói nghèo, nhưng nhớ lời chồng dặn, bà Hoàng Thị Bích Nhật vẫn luôn trung hậu đảm đang, thay chồng nuôi dạy hai con khôn lớn nên người, quyết nối chí người cha đã hy sinh vì dân, vì nước.

Tự hào, noi gương và học tập người cha anh hùng, cả hai người con của liệt sĩ Võ Đại Huệ: con trai của anh là Võ Trọng Hùng sinh năm 1977 và con gái là Võ Thị Hồng Thanh (sinh năm 1979) đều rèn luyện phấn đấu trở thành hai chiến sĩ bộ đội biên phòng như người cha kính yêu. Anh trai Võ Trọng Hùng, hiện mang quân hàm Trung tá, Phó đồn trưởng đồn biên phòng Tam Quang, huyện Tương Dương. Thời kỳ còn là trạm trưởng, trạm cửa khẩu Thông Thụ, đồng chí Võ Trọng Hùng đã lập nhiều thành tích trong cuộc đấu tranh chống các đối tượng vận chuyển tiền giả và ma tuý vào nội địa, vượt qua biên giới vào Việt Nam.

Noi gương cha, Võ Trọng Hùng thường động viên anh em chiến sĩ biên phòng: phải thường xuyên nâng cao tinh thần cảnh giác, khi đi tuần tra phải chú ý, bất chấp địa hình, hoàn cảnh, thời tiết. Là người chỉ huy, Võ Trọng Hùng luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, anh luôn nói với anh em bộ đội biên phòng rằng: “Cửa khẩu phải trở thành con mắt tinh tường mới soi được hành vi của kẻ xấu”. Từ năm 24 tuổi, được học tập nghiệp vụ chính quy của các trường, trở thành người đồng chí của cha, Võ Trọng Hùng luôn vượt khó, vượt khổ, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó. Trung tá Võ Trọng Hùng đã 3 lần được khen thưởng là Chiến sĩ thi đua và nhiều bằng khen các cấp. Khi hỏi thăm đến người cha kính yêu mà Võ Trọng Hùng không còn nhớ mặt, anh tâm sự: “Trong cuộc sống và trên chặng đường công tác, cứ mỗi lần gặp phải khó khăn gian khổ, tôi lại nghĩ chưa thấm gì so với sự hy sinh quả cảm của cha mình, nên tôi lại cố gắng để vượt lên …

Tháng 12, kỷ niệm 80 năm ngày thành lập lực lượng vũ trang nhân dân, nhớ đến công ơn của các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu và hy sinh vì đất nước, vì nhân dân, cho chúng ta có cuộc sống bình yên và hạnh phúc hôm nay. Bài viết như nén hương thơm thảo của hậu thế, kính dâng lên các anh hùng liệt sĩ như Võ Đại Huệ. Họ đã chiến đấu và hy sinh để cho nhân dân ta hôm nay được hưởng cuộc sống thanh bình, ấm no và hạnh phúc.

Mới nhất

x
Anh hùng LLVTND Võ Đại Huệ: Bảo vệ biên cương với lời thề son sắt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO