Anh Sơn: Hạn chế từ quản lý dự án

19/10/2014 10:36

(Baonghean) - Những năm gần đây, huyện Anh Sơn đã tranh thủ những nguồn vốn của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, tỉnh và các tổ chức phi chính phủ đầu tư nhiều dự án lớn, góp phần tạo những chuyển biến tích cực. Mặc dù vậy, hiện nay vẫn nhiều dự án đang dang dở, thi công kiểu nửa vời khiến người dân mong mỏi trông chờ.

(Baonghean) - Những năm gần đây, huyện Anh Sơn đã tranh thủ những nguồn vốn của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, tỉnh và các tổ chức phi chính phủ đầu tư nhiều dự án lớn, góp phần tạo những chuyển biến tích cực. Mặc dù vậy, hiện nay vẫn nhiều dự án đang dang dở, thi công kiểu nửa vời khiến người dân mong mỏi trông chờ.

Chúng tôi tìm đến vùng đầu nguồn đập Ba Cơi, thuộc xã Long Sơn. Đây là vùng đất trù phú với những đồi chè bạt ngàn nằm ẩn khuất giữa những rừng keo nguyên liệu. Thế nhưng, người dân trong khu vực này lại không khỏi băn khoăn khi nói đến con đường nguyên liệu Nhân Tài - Già Giang. Theo thiết kế, đường nguyên liệu Nhân Tài – Già Giang sẽ đi qua đầu nguồn đập Ba Cơi, nối với con đường nhựa qua khu vực rừng núi của các xã Long Sơn, Cao Sơn, Lĩnh Sơn và đường Hồ Chí Minh; trên đầu nguồn khe nước đập Ba Cơi được thiết kế một cây cầu kiên cố. Từ năm 2006, sau khi dự án đường nguyên liệu được triển khai, nhiều tốp công nhân đã về đo đạc, dựng lán để thi công, nhưng đến nay cầu vẫn chưa thấy đâu. Vì chưa có cầu nên đường chưa thể thông. Mùa cạn, nước đập xuống thấp, người dân lấy ván và kết nứa làm cầu. Mùa nước dâng, những bó nứa lớn được kết thành bè rồi dùng dây thừng để kéo bè qua đập. Có nhà ở ngay mé đập nước, ông Trần Văn Bàn cho biết, gia đình ông đã vào sống ở vùng đất này hơn 10 năm, khai khẩn đất hoang, trồng được 2 ha chè, 10 ha keo nguyên liệu. Khi có chủ trương làm đường nguyên liệu đi qua, người dân ai cũng vui mừng phấn khởi. “Không hiểu sao đường làm dang dở rồi dừng lại, người dân muốn bán rừng keo, muốn bán chè hoặc trâu, bò, lợn, gà cũng rất vất vả”, ông Bàn chia sẻ.

Tuyến đường Nhân Tài – Già Giang sau 8 năm vẫn chưa thi công xong
Tuyến đường Nhân Tài – Già Giang sau 8 năm vẫn chưa thi công xong

Được biết, năm 2006, huyện Anh Sơn tổ chức cho các nhà thầu tiến hành khởi công Dự án “Cải tạo nâng cấp đường giao thông Nhân Tài đi Già Giang” gồm các tuyến: Hội Sơn đi Phúc Sơn; Long Sơn – Cao Sơn – Lĩnh Sơn và tuyến Phúc Sơn – Long Sơn với chiều dài 35,465 km. Đây là tuyến đường có ý nghĩa chiến lược trong việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện Anh Sơn, mở ra hướng phát triển cho vùng nguyên liệu trồng rừng, mía và chè của các xã trên. Đồng thời, tuyến đường này còn có ý nghĩa về mặt an ninh, quốc phòng, nối các xã vùng gần vành đai biên giới. Dự án có mức đầu tư hơn 40,4 tỷ đồng, gồm 3 tuyến, được phân thành 6 gói thầu. Tại Quyết định số 2251/QĐ-UBND ngày 12/7/2005 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kết quả 6 gói thầu của dự án nêu rõ, tiến độ thực hiện của các gói thầu từ 270 đến 360 ngày. Sau khi khởi công, các nhà thầu huy động nhiều máy móc, công nhân vào làm đường với tinh thần quyết tâm rất cao. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, việc thi công gặp nhiều khó khăn, nhiều đoạn đường bị dừng thi công. Hiện nay, 4 gói thầu đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, còn gói thầu số 1 và gói số 5 đang bị chậm trễ. Trước thực tế ấy, UBND huyện Anh Sơn đã nhiều lần có tờ trình xin được thay nhà thầu, đồng thời xin UBND tỉnh điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án. Ngày 9/1/2014, UBND tỉnh đã phê duyệt điểu chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 51,906 tỷ đồng. Huyện cũng đã chấm dứt hợp đồng với 2 nhà thầu là Công ty CPXD số 5 và Công ty CPXD công trình Cảng Nghệ Tĩnh, thay bằng các nhà thầu khác. Cây cầu ở vị trí đầu nguồn đập Ba Cơi cũng đang được điều chỉnh thiết kế để phù hợp với mực nước mới sau khi thực hiện dự án nâng đập,…

Đập Khe Đá, xã Long Sơn bị chậm tiến độ
Đập Khe Đá, xã Long Sơn bị chậm tiến độ

Chúng tôi tìm đến khu vực đập Khe Đá. Đây là con đập giữ nước, có nhiệm vụ tưới tiêu, cung cấp nước sinh hoạt cho các cánh đồng trong xã Long Sơn. Năm 2010, UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật Dự án xây dựng hồ chứa nước Khe Đá có tổng mức đầu tư 6,796 tỷ đồng. Năm 2011, gói thầu số 1 bao gồm toàn bộ phần xây lắp công trình được triển khai, thời gian thực hiện là 6 tháng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự án vẫn đang còn dang

dở. Có mặt tại chân công trình, chúng tôi không tìm thấy bóng dáng công nhân nào làm việc, một số vật liệu được nhà thầu phủ bạt kín. Phần nền của chân đập được ghép đá hộc, nhưng chưa hoàn thiện. Ông Nguyễn Văn Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn lo lắng: “Mùa mưa lũ đang về, nếu công trình không thể hoàn thành thì sẽ trở thành túi chứa nước và nếu vỡ đập thì chưa biết điều gì sẽ xảy ra!”

Cũng chậm tiến độ đã nhiều năm, Dự án “Xây dựng bản tái định cư Thung Chanh” xã Thọ Sơn còn bế tắc hơn. Đây là dự án do UBND huyện Anh Sơn làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 12,6 tỷ đồng, có diện tích 40 ha, xây dựng mới 54 ngôi nhà ở cho các hộ đồng bào Thái từ bản Khe Trằng Thượng và Khe Trằng Hạ về sinh sống. Dự án được thực hiện từ năm 2009, nhưng đến nay chỉ còn lại một ít mô đất đá còn sót lại trên đập tràn Khe Trắng. Còn lại các hạng mục khác của công trình đến nay vẫn đang ở tình trạng “treo”. Hiện nay, huyện Anh Sơn đang làm thủ tục để chuyển dự án từ Phòng Dân tộc miền núi huyện về Ban Quản lý dự án huyện để quản lý và thực hiện các bước triển khai tiếp theo.

Đến thời điểm này, ngoài những dự án bị chậm tiến độ dài hạn như đã nói ở trên, huyện Anh Sơn còn có các dự án dở dang như Dự án đường tả ngạn Sông Lam, Dự án đường cứu hộ, Dự án đường nguyên liệu mía xã Thọ Sơn, đường vào xi măng Hợp Sơn,... Tất cả đều là những dự án có ý nghĩa kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh quan trọng. Khi nói về nguyên nhân của sự chậm trễ, dang dở của một loạt dự án trên địa bàn, bà Võ Thị Hồng Lam - Chủ tịch UBND huyện cho rằng, ngoài do điều kiện thời tiết của địa phương quá khắc nghiệt, nhiều công trình đang thi công dang dở thì bị mưa, lũ cuốn, thì việc nguồn vốn rót cho các dự án nhỏ giọt qua từng năm và các năng lực nhà thầu yếu đã ảnh hưởng nhiều đến tiến độ của các công trình, dự án.

Có thể nói, ngoài những nguyên nhân như trên, thì việc chậm tiến độ của một loạt dự án trên địa bàn huyện Anh Sơn chính là do sự thiếu sâu sát, chủ động của chủ đầu tư (UBND huyện) cũng như sự yếu kém của Ban Quản lý dự án huyện. Ví dụ như Dự án đường Nhân Tài – Già Giang, chủ đầu tư đã không kịp thời phối hợp tốt với chủ đầu tư Dự án nâng cao đập Ba Cơi để kịp thời có các điều chỉnh cho phù hợp, cũng như ràng buộc trách nhiệm cho nhau. Đến khi nước ngập cao thì mới lo đi làm lại thiết kế cầu và đường, vừa tốn kém, vừa khiến việc thi công bị chậm trễ. Tại các dự án khác như tái định cư Thung Chanh, đập Khe Đá chủ đầu tư đã không làm tốt việc khảo sát địa hình, dẫn đến những phát sinh không đáng có khi thi công dự án. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng đã thiếu đôn đốc Ban Quản lý dự án (đơn vị quản lý các Dự án như đường Nhân Tài – Già Giang, đập Khe Đá), Phòng Dân tộc miền núi (quản lý Dự án tái định cư Thung Chanh) trong quản lý dự án và không kịp thời báo cáo, điều chỉnh các phát sinh, giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án,… Bà Võ Thị Hồng Lam thừa nhận năng lực yếu của Ban quản lý dự án của huyện và giải thích, từ trước năm 2012, huyện không có cán bộ là kỹ sư giao thông, thủy lợi, cầu đường, dẫn đến việc thẩm định các dự án có nhiều hạn chế.

Năm 2014, huyện Anh Sơn được ngân sách cấp trên bố trí vốn cho 108 dự án, với tổng kế hoạch vốn 137,82 tỷ đồng. Trong đó có 1 dự án từ nguồn Ngân sách Trung ương, 17 dự án từ Trái phiếu Chính phủ, 48 dự án thuộc nguồn ngân sách xây dựng cơ bản tập trung của tỉnh và 42 dự án thuộc ngân sách từ chương trình mục tiêu của tỉnh. Bên cạnh đó, còn có các dự án chuyển tiếp từ các năm trước. Vì vậy, bên cạnh việc tìm kiếm nguồn vốn, huyện Anh Sơn cần phải có biện pháp cụ thể trong kiện toàn, nâng cao năng lực cán bộ quản lý dự án, lựa chọn các nhà thầu, đơn vị thiết kế đủ năng lực, chủ động bám sát công trình, dự án để kịp thời xử lý vướng mắc, phát sinh trong quá trình thi công,… Làm được như vậy mới có thể đảm bảo tiến độ thi công các dự án, tránh lãng phí, tốn kém và phát sinh chi phí đầu tư.

Bài, ảnh: Nguyên Khoa

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Anh Sơn: Hạn chế từ quản lý dự án
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO