Anh Sơn, mùa Thu ấy...

17/08/2012 22:35

(Baonghean) Huyện Anh Sơn là một trong những "địa chỉ đỏ" của phong trào cách mạng. Nơi đây từng thành lập được chính quyền Xô Viết trong cao trào cách mạng 1930- 1931, cũng là nơi giành được chính quyền sớm trong Tổng khởi nghĩa (1945) bằng chiến tích công phá đồn Kim Nhan và bao vây, đánh chiếm phủ đường. Đã 67 năm kể từ mùa Thu lịch sử, mảnh đất này đã có nhiều đổi thay.

Gần đây, chúng tôi có dịp về quê với mong muốn được gặp gỡ, tiếp xúc với những nhân chứng lịch sử để tìm hiểu về không khí đấu tranh cách mạng, nhưng được biết, toàn huyện Anh Sơn hiện nay chỉ còn 2 cán bộ lão thành và 11 cán bộ tiền khởi nghĩa còn sống. Những chứng nhân lịch sử này đều đã ở độ tuổi trên dưới 90, người thì đau ốm vì tuổi già, người thì đầu óc không còn minh mẫn, người lại theo con cháu đến cư trú ở nơi khác... Rất may, một thầy giáo về hưu giới thiệu về ông Nguyễn Hữu Vơn, theo lời thầy thì "có thể khai thác được chút ít về lịch sử đấu tranh cách mạng ở Anh Sơn". Lòng khấp khởi trên đường tìm về xã Long Sơn, mới được biết ông bà đã xuống Thành phố Vinh sống với vợ chồng người con trai đầu. Cuối cùng thì chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Hữu Vơn ở Vinh.



Vợ chồng ông Nguyễn Hữu Vơn.

Hay tin có nhà báo, lại là đồng hương đến thăm, ông Vơn rất vui. Khi hỏi về không khí thời kỳ đấu tranh cách mạng trên quê hương Anh Sơn, cặp mắt của ông như sáng hơn, những nếp nhăn như đang mờ dần để nhường chỗ cho nét rạng ngời trên khuôn mặt của cụ già ở tuổi 87. Với ông, ký ức về những ngày tháng ấy vẫn còn vẹn nguyên và tươi mới.

Qua lời kể, chúng tôi được biết, ông sinh ra và lớn lên ở xã Long Sơn, trong một gia đình có nhiều thành viên sớm giác ngộ và tham gia phong trào đấu tranh cách mạng. Khi còn ở lứa tuổi thiếu niên, ông Vơn được các đảng viên đi trước vận động tham gia đội tuồng để khắc sâu tinh thần yêu nước và ý chí đấu tranh cách mạng đối với quần chúng nhân dân. Đội tuồng của ông lúc đó đã đi hết các thôn xóm, làng quê để biểu diễn những vở tuồng ca ngợi truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam thông qua các vị anh hùng như Trưng Trắc- Trưng Nhị, Mai Thúc Loan, Nguyễn Trãi... Đội tuồng đi đến đâu, bà con nhân dân ở đó đón tiếp nồng nhiệt. Sau đó, ông được cử làm Đội trưởng Đội Thiếu niên cứu quốc, rồi Bí thư Đoàn Thanh niên Cứu quốc.

Khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, Nguyễn Hữu Vơn được cử vào Đội Tự vệ có nhiệm vụ trấn áp kẻ thù, bảo vệ quần chúng cách mạng khi biểu tình và đấu tranh đánh chiếm đồn Kim Nhan và phủ đường. Đất nước giành được độc lập, ông Vơn tiếp tục tham gia hoạt động rồi chuyển sang công tác ở ngành Bưu điện cho đến ngày nghỉ hưu. Qúa trình tham gia cách mạng của ông được Đảng, Nhà nước ghi nhận thông qua các danh hiệu cao quý, trong đó phải kể đến Huân chương chống Pháp hạng Nhất, Huân chương chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Ba..., và mới đây nhất là Huy hiệu 60 năm tuổi đảng. Và giờ đây, niềm vui sướng, tự hào lớn nhất của ông là được nhìn thấy cảnh đất nước bình yên, quê hương đổi mới, con cháu thành đạt và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của xã hội.


Về diễn biến của phong trào Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 ở Anh Sơn, ông Nguyễn Hữu Vơn vẫn còn nhớ rõ. Ông cho biết, vào ngày 15/8/1945, nhận được tin Nhật đầu hàng đồng minh, Việt Minh liên tỉnh phát lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Một ngày sau, Phủ uỷ Việt Minh lập tức tổ chức bàn định kế hoạch thực hiện, thành lập Uỷ ban khởi nghĩa gồm 7 người do đồng chí Phan Hoàng Tiêm và Nguyễn Trung Lục phụ trách.

Tiếp theo, ngày 18/8, Việt Minh Anh Sơn tổ chức cuộc biểu tình nhằm mục đích tập hợp quần chúng cách mạng và thăm dò thái độ của quân Nhật. Từ rạng sáng, khắp các ngả đường, quần chúng nhân dân từ các tổng hàng ngũ chỉnh tề lần lượt tiến về sân vận động trung tâm (thuộc Thị trấn Đô Lương ngày nay) mang theo vô số lá cờ đỏ có sao vàng và các loại biểu ngữ. Các đội Tự vệ đao kiếm trong tay, sΩn sàng trấn áp kẻ thù khi chúng manh động. Đồng chí Phạm Như Cương- đại diện Việt Minh tiến lên lễ đài và đứng lên diễn thuyết, hàng vạn quần chúng hướng lên và nghe rõ từng lời kêu gọi tất cả cùng nhau vùng dậy đập tan mọi xiềng xích và áp bức, giành lấy độc lập, tự do của đại diện Việt Minh.

Rồi tất cả cùng hô vang "Độc lập muôn năm!". Một tốp lính Nhật kéo đến yêu cầu gặp người chỉ huy để thương lượng. Đồng chí Phạm Như Cương trả lời: "Nhân dân chúng tôi đứng lên đánh đổ thực dân Pháp và phong kiến Nam triều, Nhật đã đầu hàng đồng minh nên các ông đừng can thiệp". Trước khí thế đấu tranh hừng hực của quần chúng cách mạng, bọn lính Nhật phải rút đi. Quần chúng trở về cùng reo hò trong niềm vui thắng lợi, đồng thời khẩn trương chuẩn bị cho ngày tổng khởi nghĩa sắp sửa diễn ra. Những ngày này khắp vùng quê Anh Sơn luôn rực màu cờ và biểu ngữ, hàng ngày xe ô tô của Việt Minh chạy dọc tuyến đường 7 để thông báo tin vui từ khắp các nơi trên cả nước giành được chính quyền và đọc lệnh Tổng khởi nghĩa để cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng.


Thời gian này, vùng Đặng Thượng, nơi có đồn Kim Nhan, tập trung đông lính Nhật, Phủ uỷ Việt Minh Anh Sơn trực tiếp chỉ đạo việc đánh chiếm để vô hiệu hoá bọn lính Nhật, đồng thời làm lung lay tinh thần của bọn hào lý trong vùng. Đêm 22/8/1945, các đội Tự vệ chia thành 4 hướng tiến vào chiếm đồn, bọn cai và lính đồn Kim Nhan lập tức hạ vũ khí đầu hàng. Lúc này, hàng vạn quần chúng từ Quan Lãng xuống, từ Tri Lễ, Đại Điền lên, từ Lãng Điền, Hội Tiên qua tràn vào chứng kiến cảnh địch đầu hàng vô điều kiện và tận mắt chứng kiến lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cổng đồn, nơi từ lâu tưởng chừng như "bất khả xâm phạm".

Rồi quần chúng lập tức trở về các vùng quê, tiếp tục đấu tranh đánh đổ bọn hào lý, giành chính quyền về tay nhân dân. Toàn bộ hệ thống chính quyền địch từ tổng đến làng trong vùng Đặng Thượng về tay Việt Minh, Uỷ ban Cách mạng lâm thời được thành lập. Các đồn địch trong phủ Anh Sơn lần lượt vào tay cách mạng. Sáng 23/8, quần chúng khắp nơi kéo về phủ đường Anh Sơn để chứng kiến giờ phút huy hoàng trong lịch sử đấu tranh cách mạng và đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời, từ thân phận nô lệ trở thành người công dân làm chủ đất nước. Chính quyền cách mạng lâm thời chính thức ra mắt nhân dân. Niềm vui như ngập tràn cả không gian, tất cả mọi người cùng hoà chung niềm phấn khởi khi trở thành công dân của một nước Tự do, Độc lập...




Mô hình phát triển cây chè công nghiệp ở xã Hùng Sơn (Anh Sơn).Ảnh: Diệp Anh.

Ngừng một lát, rồi ông Vơn hỏi chúng tôi về tình hình quê hương, vì lâu nay do sức khỏe nên ông không đi thăm thú các làng xã trên đất Anh Sơn. Chúng tôi kể ông nghe về những đồi chè bát ngát ở vùng Bãi Phủ (Đỉnh Sơn) và Hùng Sơn, những cánh đồng mía bát ngát ở Thành - Bình - Thọ, về những cánh đồng và bãi bồi quanh năm tốt tươi ngô lúa và những chiếc cầu nối nhịp dòng Lam. Và mới đây, trong kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, huyện Anh Sơn có nhiều em học sinh đạt điểm cao, được xếp vào tốp đầu của tỉnh. Ông Vơn vui lắm, nét mặt càng trở nên rạng ngời, cặp mắt đầy tin tưởng và chúng tôi đọc ở đó dòng suy nghĩ: Sự tranh đấu và hy sinh của những người đi trước đã không uổng phí!.


Công Kiên

Mới nhất
x
Anh Sơn, mùa Thu ấy...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO