Anh Sơn: Nhiều công trình cấp nước bị bỏ hoang

20/10/2014 10:59

(Baonghean) - Mặc dù được đầu tư với kinh phí rất lớn, nhưng nhiều công trình cung cấp nước sinh hoạt trên địa bàn huyện Anh Sơn không phát huy hiệu quả. Thực tế này đặt ra sự cấp thiết của việc kiểm tra, đánh giá lại năng lực, hiệu quả các công trình để tìm giải pháp đầu tư, vận hành phù hợp với đặc thù địa phương. 

(Baonghean) - Mặc dù được đầu tư với kinh phí rất lớn, nhưng nhiều công trình cung cấp nước sinh hoạt trên địa bàn huyện Anh Sơn không phát huy hiệu quả. Thực tế này đặt ra sự cấp thiết của việc kiểm tra, đánh giá lại năng lực, hiệu quả các công trình để tìm giải pháp đầu tư, vận hành phù hợp với đặc thù địa phương.

Hiện nay, 2 bản Vĩnh Kim và Yên Hòa thuộc thôn 11, 12, xã Hoa Sơn (Anh Sơn) có gần 300 hộ dân chủ yếu là dân tộc Thái sinh sống, đồng bào vốn quen sử dụng nước từ các khe suối, nước giếng đào để sinh hoạt. Năm 2007, thông qua Chương trình 134/CP, xã Hoa Sơn được đầu tư công trình nước tự chảy đầu nguồn tại 2 bản Vĩnh Kim, Yên Hoà. Công trình có 9 bể nước cộng đồng, hệ thống chứa lọc nước đầu nguồn, hệ thống ống dẫn nước từ nguồn đến điểm đầu các bể lọc cộng đồng với số vốn đầu tư gần 1 tỷ đồng từ nguồn tài trợ của Đan Mạch và nguồn hỗ trợ, đóng góp của nhân dân theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Tuy nhiên đến nay, công trình nằm phơi mưa, phơi nắng. Bể nước đầu nguồn hư hỏng, bỏ không, đường ống dẫn nối từ mạch nguồn bị bể trong lòng đất, nhà tắm, vòi nước và nắp bê tông đều không còn.

Công trình nước sạch bị bỏ hoang 6 năm nay ở xóm 1, xã Hoa Sơn (Anh Sơn).
Công trình nước sạch bị bỏ hoang 6 năm nay ở xóm 1, xã Hoa Sơn (Anh Sơn).

Ông Lương Văn Thái - Trưởng bản Vĩnh Kim, cho biết: “Sau một thời gian thi công, vận hành chạy thử thì ống dẫn nước về bản bị vỡ, công trình bỏ hoang nhiều năm không thấy ai ngó ngàng đến”. Ông Nguyễn Văn Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Hoa Sơn, cho biết: Người dân đã có nhiều kiến nghị lên xã và trong các kỳ họp tiếp xúc cử tri của HĐND huyện. Tuy nhiên, đến nay không thấy động thái gì. Xã mong cấp trên sớm tìm giải pháp khắc phục, đầu tư lại hệ thống đường ống dẫn để người dân được sử dụng nguồn nước từ công trình.

Năm 2002, công trình nước sạch lấy nước từ nguồn tự chảy tại bản Cao Vều 1 thuộc xã Phúc Sơn (Anh Sơn) đã được hoàn thiện với hệ thống bể chứa nước, hệ thống đường ống, bể lọc trên đỉnh đồi, trụ cấp nước cho các hộ. Người dân trực tiếp góp công, thuê nhân lực rải đường ống dẫn về tận các hộ. Công trình được tài trợ từ Dự án chương trình nước sạch Danida, do xã làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 539 triệu đồng. Tuy nhiên, khi chuẩn bị bàn giao thì hệ thống ống dẫn nước bị voi giẫm vỡ, nguồn nước dẫn về các hộ vẩn đục. Đến nay, toàn bộ hệ thống ống dẫn bị mục nát, ống kẽm gỉ sét, nhà thầu không quyết toán được công trình đã bỏ dở và không có thêm một động thái nào. Ông Lê Văn Tráng - Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn, cho biết: Khó khăn nhất là khắc phục công trình này phải đầu tư lại từ đầu, chi phí lớn, trong khi đó nguồn ngân sách địa phương eo hẹp, không thể bố trí.

Theo kết quả rà soát sơ bộ, toàn huyện Anh Sơn hiện có 9 công trình nước sạch lấy nước từ nguồn tự chảy và nguồn nước ngầm, được tài trợ bởi các dự án nước sạch từ nguồn vốn ODA, Chương trình 134, 135, các dự án do Đan Mạch tài trợ, vốn đóng góp Nhà nước và nhân dân. Quy mô đầu tư từ 1 - 1,5 tỷ đồng/công trình, thời gian xây dựng cách đây 7 - 14 năm, đa phần do UBND huyện Anh Sơn làm chủ đầu tư, (chỉ trừ công trình tại xã Phúc Sơn do xã làm chủ đầu tư). Tuy nhiên, đến nay chỉ có 2 công trình cấp nước sạch tại thôn 8, thôn 9, xã Hoa Sơn và công trình nước sạch Thị trấn Anh Sơn phát huy hiệu quả. Các công trình này do Tổ hợp tác và Công ty MTV cấp nước Nghệ An quản lý; còn lại 7 công trình nước sạch được xây dựng bị bỏ hoang hóa, nhiều công trình chưa xong bàn giao đã hư hỏng, đắp chiếu hàng chục năm. Nhiều năm qua, hàng nghìn hộ dân và chính quyền địa phương có liên quan trong vùng thụ hưởng dự án cấp nước sạch có nhiều thắc mắc, kiến nghị lên các cấp, ngành, song đến nay vẫn chưa được quan tâm, giải quyết.

Nguyên nhân thực trạng trên là do quá trình khảo sát, đầu tư dự án nước sạch chưa đánh giá hết khả năng cấp nước của công trình và nguồn nước. Quá trình duy tu, bảo dưỡng thiếu vốn. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Công Thế - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Anh Sơn thì phần lớn các công trình này duy trì mô hình quản lý cộng đồng, không có ban duy tu, bảo dưỡng, nên quản lý vận hành yếu; ý thức bảo vệ công trình của địa phương, người dân chưa tốt, việc giám sát của cấp trên và hội đồng liên quan không đồng bộ.

Hiện huyện Anh Sơn đang tập trung rà soát, đánh giá lại năng lực, hiệu quả các công trình để có giải pháp đầu tư, thay đổi thiết kế phù hợp, xây dựng mới các quy chế quản lý, vận hành, bảo dưỡng công trình. Ông Nguyễn Hữu Sáng - Phó Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn, cho biết: Huyện đang tập trung hình thành bộ máy quản lý có hiệu quả theo hai hướng: Một là, sẽ triển khai chuyển giao cho các công ty, doanh nghiệp ngành nước quản lý. Tuy nhiên, điều này huyện không hoàn toàn chủ động vì phải lệ thuộc vào nhu cầu của đối tác, doanh nghiệp. Hướng thứ 2 là hình thành các tổ hợp tác quản lý để cụ thể hóa trách nhiệm vận hành các công trình, đề ra các quy chế như: thu phí dịch vụ theo quy định hợp pháp, bảo dưỡng công trình đối với các công trình nước sạch cộng đồng. Bên cạnh đó, huyện tập trung huy động vốn để nâng cấp, cải tạo, phát huy hiệu quả các công trình theo nhiều phương thức như huy động vốn doanh nghiệp, dự án, vốn Nhà nước và nhân dân cùng đầu tư…

Lương Mai

Mới nhất

x
Anh Sơn: Nhiều công trình cấp nước bị bỏ hoang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO