Anh Sơn: Phát triển vùng chuyên canh

02/06/2014 21:30

(Baonghean) - Anh Sơn là huyện trung du miền núi, tiềm năng đất đai rộng lớn, đa dạng, thích nghi với nhiều loại cây trồng. Những năm qua, sản phẩm từ cây mía, cây chè đã khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và khu vực, góp phần đưa kinh tế Anh Sơn phát triển bền vững.

Xóm 12 (làng Khe) xã Long Sơn mở ra trước mắt cả một không gian trù phú của những đồi chè công nghiệp. Cả xóm hiện có 120 hộ tham gia trồng chè, với diện tích 150 ha ( chiếm 2/3 diện tích chè toàn xã). Để giữ ẩm cho cây chè, bà con đã đào đắp 137 hồ đập tại các chân đồi. Ông Nguyễn Văn Bình - xóm trưởng xóm 12, phấn khởi cho biết: “Ở xóm chúng tôi, bình quân mỗi hộ có trên 1 ha chè công nghiệp, 100% hộ trồng chè được trang bị máy hái chè phục vụ cho công tác thu hoạch. Nếu tính giá thu mua chè ổn định 330 ngàn đồng/tạ chè búp tươi như năm nay thì mỗi hộ trồng chè có thể thu về 150-200 triệu đồng/ha/năm. Trên mảnh đất đồi núi này, không cây gì hiệu quả bằng cây chè ”. Với xã Long Sơn và nhiều địa phương khác, cây chè công nghiệp đang là cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng cho bà con nông dân.

Mô hình chè công nghiệp của hộ anh Nguyễn Quang Hợp (xóm 11- Hoa Sơn).
Mô hình chè công nghiệp của hộ anh Nguyễn Quang Hợp (xóm 11- Hoa Sơn).

Rời Long Sơn, ngược lên một số xã khó khăn về thủy lợi như Thành - Bình-Thọ của huyện, là màu xanh của cây mía nguyên liệu. Toàn vùng hiện có trên 800 ha mía, năng suất đạt 57-60 tấn/ha. Nguồn thu của nông dân từ trồng mía khoảng 10 tỷ đồng/năm. Ông Phạm Ngọc Cảnh - Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Sơn, cho biết: Trước đây, vùng đất này chuyên canh cây lúa vệ, ngô, lạc, đậu nhưng hiệu quả không cao. Từ khi chuyển sang quy hoạch trồng mía bán cho Nhà máy đường, đời sống người dân dần được cải thiện . Sau dồn điền đổi thửa, xã đã quy hoạch được 400 ha mía nguyên liệu tập trung. Năng suất mía đạt bình quân 57 tấn/ha, nhiều vùng mía được đầu tư cao tại các xóm 2, 3 ,10, năng suất đạt 60 tấn/ha. Trong cơ cấu kinh tế của địa phương, cây mía chiếm 1/4 tỷ trọng về thu nhập.

Cây chè, cây mía nguyên liệu là 2 trong số 5 cây trồng chủ lực (chè, mía, cao su, cây lúa, ngô) được xác định là thế mạnh trong phát triển kinh tế trên địa bàn huyện Anh Sơn. Ông Nguyễn Công Thế, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Anh Sơn, cho biết: Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 03 của BCH Đảng bộ huyện, 01 năm thực hiện Chỉ thị 08 của BTV Tỉnh ủy về dồn điền đổi thửa, khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn. Toàn huyện đã thực hiện dồn đổi trên 4,7 ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp, bình quân 3,7 thửa/hộ (trước đây 7-8 thửa/hộ), mỗi hộ có 2-3,0 vùng sản xuất. Gắn với chuyển đổi ruộng đất, nhiều xã như Lĩnh Sơn, Hùng Sơn, Long Sơn, Phúc Sơn, Tường Sơn đã đầu tư, huy động tốt sức dân để xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng.

Từ chuyển đổi ruộng đất, Anh Sơn đã hình thành các vùng chuyên canh tập trung. Đó là vùng cây chè công nghiệp với tổng diện tích trên 2.300 ha, tập trung chủ yếu ở các chân đồi xã Long Sơn, Phúc Sơn, Hội Sơn, Hoa Sơn, Hùng Sơn, Đức Sơn. Sản lượng chè búp tươi đạt 17-20 ngàn tấn/năm. Huyện đã xây dựng mô hình trồng chè theo hướng VietGAP tại Hùng Sơn, mô hình trồng chè bón phân qua lá tại Phúc Sơn tăng sản lượng chè đạt 15 - 20%. Vùng trồng mía, với trên 1600 ha, tập trung chủ yếu gồm 800 ha tại vùng Thọ Sơn, Thành Sơn, Bình Sơn, 330 ha tại Hoa Sơn và Xí nghiệp chè Tháng 10... Sản lượng mía vụ ép 2012-2013 đạt 102 ngàn tấn, vượt 10 ngàn tấn so với dự kiến. Vùng thứ 3 là vùng cây lương thực. Hiện toàn huyện có trên 6.000 ha lúa, trong đó vụ xuân trên 3000 ha, vụ hè thu mùa 2700 - 3000 ha. Năng suất lúa bình quân đạt 49 tạ/ha, sản lượng lúa đạt trên 29000 tấn. Đây là nguồn lương thực chủ lực, góp phần phát triển chăn nuôi, tiêu dùng cho bà con trong huyện. Cùng với cây lúa, huyện cơ cấu trên 6.100 ha ngô trên đất bãi và đất 2 lúa (chiếm 8-10 % tổng diện tích ngô cả tỉnh), năng suất ngô trong 4 năm liền kề (2010-2013) đạt 45 tạ/ha, cao hơn 8,3 tạ/ha so với bình quân chung của tỉnh (37 tạ/ha), sản lượng ngô bình quân đạt trên 27 ngàn tấn, giá trị thu nhập đạt 55-60 triệu đồng/ha ngô. Trên 70% sản lượng ngô phục vụ phát triển chăn nuôi hàng hóa trên địa bàn….

Hàng chục năm nay, một số cây trồng chủ lực như chè, mía trên địa bàn huyện Anh Sơn, phát triển gắn với công nghiệp chế biến. Trên địa bàn toàn huyện hiện có 3 nhà máy thu mua, chế biến chè búp tươi năng suất 125 tấn/ngày, đó là Nhà máy chè đen Anh Sơn, Nhà máy chè Bãi Phủ, Xưởng chế biến chè Hùng Sơn. Bên cạnh đó, 8 xưởng chế biến chè mini tại Phúc Sơn, Long Sơn, Cẩm Sơn, Hùng Sơn, Lạng Sơn đạt 25-30 tấn chè búp/ngày. Các sản phẩm chè đen, đường Sông Lam của tỉnh ta đã tham gia vào thị trường trong nước và khu vực. Các sản phẩm bầu, bí xanh, dưa hấu, chè Gay ở Tào Sơn, Cẩm Sơn, Tường Sơn, Cao Sơn, Lĩnh Sơn… làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

Tuy nhiên, việc phát triển các loại cây trồng chủ lực còn gặp nhiều khó khăn. Năng suất, chất lượng các loại cây trồng chưa cao; việc bố trí các loại cây trồng chưa hợp lý. Công tác tổ chức sản xuất liên kết 3 nhà chưa đảm bảo. Theo ông Nguyễn Văn Bình- xóm trưởng xóm 12, xã Long Sơn thì, mặc dù sản phẩm chè búp bà con làm ra rất lớn, song giá chè nhiều năm vẫn điệp khúc “được mùa, rớt giá”. Hoặc do tình trạng ùn tắc nguyên liệu nên nhà máy không thu mua kịp. Không ít các mùa thu hoạch, do khó khăn về giao thông, điện, nhiều hộ bà con không nhập bán được sản phẩm, nhiều hộ phải bán cho tư thương, bị ép giá. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư mới và thâm canh cho cây chè.

Định hướng cho việc phát huy hiệu quả các cây trồng chủ lực, UBND huyện Anh Sơn đang xây dựng đề án “Phát triển các loại cây, con chủ lực trên địa bàn huyện Anh Sơn đến năm 2020, định hướng đến 2030”. Với đề án này, huyện xác định rõ từ nay đến 2015 (tính đến 2020) phát triển 5 cây chủ lực đó là: 6 ngàn ha lúa, 1.000 ha lúa chất lượng cao, 5.900 ha ngô, tăng năng suất ngô thâm canh, mở rộng trồng mới chè công nghiệp vùng Thành - Bình - Thọ, đưa tổng diện tích chè đạt 3200 ha, ổn định 1.800 ha mía, phấn đấu đạt trên 3.400 ha cao su, mở rộng trồng 700-1.000 ha cao su tiểu điền. Bên cạnh đó, huyện chú trọng các cây trồng có triển vọng, bao gồm cây sắn, cây ớt cay, ngô ngọt, trồng hoa và cây cảnh. Khuyến khích việc nâng cấp dây chuyền, công nghệ chế biến. Khuyến khích doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng mô hình liên doanh liên kết. Xúc tiến đầu tư cho công nghiệp chế biến xuất khẩu, tìm kiếm thị trường.

Bài, ảnh: Lương Mai

Anh Sơn: Phát triển vùng chuyên canh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO