Anh Sơn: Quy hoạch bền vững vùng nguyên liệu chè

04/03/2011 11:45

Anh Sơn là vùng nguyên liệu chè công nghiệp tập trung, lớn, nằm trong diện quy hoạch của tỉnh. Xuất phát từ tình hình sản xuất chè trong những năm gần đây, đề án điều chỉnh, bổ sung phát triển chè công nghiệp thực sự đã mở ra tính bền vững và năng lực tư duy mới trên chính cây chè công nghiệp trong tương lai của Anh Sơn.

Anh Sơn là vùng nguyên liệu chè công nghiệp tập trung, lớn, nằm trong diện quy hoạch của tỉnh. Xuất phát từ tình hình sản xuất chè trong những năm gần đây, đề án điều chỉnh, bổ sung phát triển chè công nghiệp thực sự đã mở ra tính bền vững và năng lực tư duy mới trên chính cây chè công nghiệp trong tương lai của Anh Sơn.

Mười năm qua (kể từ năm 2001), xác định cây chè là cây mũi nhọn kinh tế huyện đã có những chủ trương kịp thời. Huyện uỷ, HĐND, UBND đã có Nghị quyết phát triển chè, tập trung chỉ đạo quy hoạch, giao chỉ tiêu KH hàng năm, kiểm tra đôn đốc.

Đồng thời hàng năm có cơ chễ hỗ trợ 15 đồng/hom, hỗ trợ lãi suất vay trồng chè định mức vay 5 triệu đồng/ha với thời gian hỗ trợ 36 tháng, hỗ trợ xây dựng hồ đập nhỏ, hỗ trợ làm đường vào vùng chè, kinh phí chỉ đạo. Bốn đơn vị xí nghiệp chế biến chè là Xí nghiệp chè đen Anh Sơn, xí nghiệp chè Bãi Phủ, xí nghiệp chè tháng 10 và Xưởng chế biến Hùng Sơn với tổng công suất trên 100 tấn chè búp tươi /ngày(cả chè xanh và chè đen). Sản lượng chè búp tươi cung cấp cho nhà máy chế biến đạt từ 13-15 ngàn tấn.


Tập huấn kỹ thuật hái chè cho cán bộ đoàn xã Hùng Sơn (Anh Sơn) - Ảnh: Sỹ Thuần


Trên đà những thuận lợi, bà con nông dân đã gắn bó với trồng chè như một cơ hội mới, biết lợi dụng điều kiện địa hình, xây dựng hàng trăm hồ đập nhỏ trong vùng chè, giữ ẩm cho chè như tại Hùng Sơn, Phúc Sơn.. Nhờ vậy quy mô sản xuất chè hộ gia đình (ngoài XN chè quản lý) tăng nhanh, từ năm 2000 trên địa bàn huyện mới có 170 hộ trồng chè, năm 2004 lên 1066 hộ, đến nay đã có gần 1500 hộ trồng thuộc 11 xã trên địa bàn.

Diện tích chè của các xã trên 1000 ha, chiếm gần 52%, các xí nghiệp và tổng đội Nghệ An chiếm 48% tổng diện tích. Đặc biệt việc mở thêm vùng chè mới phía tả ngạn Sông Lam (Hùng Sơn, Đức Sơn, Cẩm Sơn) đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động và làm giàu cho nhiều hộ nông dân. Theo đánh giá hiện khoảng 80% diện tích chè được trồng từ năm 1998 đến năm 2008, 20% diện tích trồng trước năm 1997 (chủ yếu là giống chè LDP2 ) đang cho năng suất, sản lượng cao.


Tuy nhiên, những năm gần đây trong quá trình chỉ đạo trồng chè tại Anh Sơn bộc lộ những khó khăn về quy hoạch, năng suất, trong công tác chuẩn bị trồng mới, cơ chế hỗ trợ trồng chè...

Theo như báo cáo từ phòng NN huyện Anh Sơn từ năm 2003 huyện được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu chè cho đến nay vẫn chưa lập được bản đồ chi tiết theo lô, thửa của từng đơn vị để quản lý, chỉ đạo trồng mới hàng năm. Một số địa phương như Lạng Sơn, Đức Sơn trong vùng quy hoạch hàng năm đều được giao chỉ tiêu nhưng không năm nào hoàn thành kế hoạch.

Năm 2006 diện tích chè Anh Sơn gần 1500 ha, năm 2007 trồng được 205 ha, năm 2008 trồng được 173 ha, năm 2009 trồng gần 59 ha, năm 2010 trồng được 60 ha, tổng diện tích chè hiện có của Anh Sơn tính đến cuối 2010 hiện đạt gần 2000 ha, trong đó 1700 ha chè kinh doanh và 232 ha chè kiến thiết cơ bản. Do hạn hán kéo dài, vụ hè thu mùa 2010 vừa qua đã làm gần 250 ha chè bị chết (chủ yếu là chè trồng mới năm 2008 và 2009), trên 140 ha chè bị thiệt hại trên 70% và gần 540 ha bị thiệt hại từ 30-70%. Như vậy hiện tổng diện tích chè bị ảnh hưởng lên tới 930 ha.


Tính về năng suất, sản lượng chè búp tươi trên địa bàn huyện Anh Sơn từ năm 2007 đến nay đạt khoảng trên 10.000 tấn, năng suất bình quân mới đạt 8 tấn/ha, như vậy còn thấp so yêu cầu đặt ra, trong khi nhiều đồi chè đã đạt trên 25 tấn/ha như Hùng Sơn, Phúc Sơn, Long Sơn..Nguyên nhân này do sự thâm canh không đều giữa các đồi chè, vườn chè nên kéo năng suất xuống thấp.

Cộng với đầu tư kinh phí trồng mới chưa đảm bảo định mức quy trình kỹ thuật dẫn đến khai hoang làm đất chậm, không đủ phân hữu cơ, trồng chậm..Quá trình chỉ đạo chưa thực sự gắn bó mật thiết với người trồng trong khi cơ chế chính sách của tỉnh và huyện thấp, các đơn vị xí nghiệp chưa thể tính thêm được gì mới để hỗ trợ bà con.


Giá thu mua nguyên liệu chè thời gian gần đây trên địa bàn Anh Sơn không tăng hoặc tăng không đáng kể. Tính theo giá thị trường 1kg chè búp tươi chỉ đạt 0,5 kg thóc, đây cũng là nguyên nhân bà con không mặn mà với cây chè...

Để thực hiện mục tiêu nghị quyết đại hội huyện Đảng bộ khoá 19 đề ra, đến năm 2015 trồng mới thêm 500 ha chè, trồng lại diện tích già cỗi, diện tích bị chết do nắng hạn, đưa diện tích chè toàn huyện lên 2500 ha, sản lượng chè búp tươi 25 ngàn tấn/năm, UBND huyện Anh Sơn đã xây dựng Đề án bổ sung, điều chỉnh quy hoạch chè công nghiệp giai đoạn 2011-2015. Trong đó phân chỉ tiêu Hùng Sơn 60 ha, Cẩm Sơn, Đức Sơn, Long Sơn mỗi xã 50 ha, Xí nghiệp Bãi Phủ 40 ha.

Còn lại là các xã khác và đơn vị chè đen Anh Sơn. Huyện chỉ đạo từng đơn vị và các xã trong vùng quy hoạch tiến hành rà soát lại diện tích. Khả năng đầu tư để quản lý và tổ chức chỉ đạo trồng mới hàng năm nhằm thực hiện tốt quy trình kỹ thuật thâm canh tăng năng suất. Trên tinh thần đó đưa giống mới, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng phục vụ sản xuất. Có cơ chế mới hỗ trợ người trồng. Huyện tiến hành kêu gọi và khuyến khích thu hút các nhà đầu tư có chính sách phù hợp thúc đẩy vùng chè công nghiệp huyện nhà phát triển.


Lương Mai

Mới nhất
x
Anh Sơn: Quy hoạch bền vững vùng nguyên liệu chè
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO