Áp dụng Luật An toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp

04/11/2011 15:12

(Baonghean) - Luật An toàn thực phẩm được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 28/6/2010 có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2011. Một trong những điểm nhấn của luật đó là phân công quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm theo ngành, quản lý theo chuỗi sản xuất. Mỗi ngành sẽ chịu trách nhiệm quản lý lĩnh vực được phân công trong suốt quá trình sản xuất đến khi sản phẩm tiêu thụ trên thị trường. Với sự phân cấp quản lý theo chuỗi sản xuất đã góp phần tránh sự chồng chéo trong quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cơ sở sản xuất, gắn trách nhiệm cụ thể cho từng ngành.

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao nhiệm vụ: quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất ban đầu nông, lâm, thủy sản, muối; quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với ngũ cốc, thịt và các sản phẩm từ thịt, thủy sản và sản phẩm thủy sản, rau, củ, quả, trứng và các sản phẩm từ trứng, sữa tươi nguyên liệu, mật o­ng và các sản phẩm từ mật o­ng, thực phẩm biến đổi gen, muối và các nông sản thực phẩm khác theo quy định của Chính phủ; quản lý an toàn thực phẩm đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý. Như vậy, nhiệm vụ kiểm soát an toàn thực phẩm của Ngành là rất nặng nề, liên quan đến nhiều công đoạn, nhiều lĩnh vực, với đối tượng quản lý chủ yếu là tầng lớp nông, lâm, ngư nghiệp có trình độ nhận thức còn hạn chế.

Do đó, để Luật An toàn thực phẩm đi vào trong đời sống sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản có hiệu quả thì cần có sự tham gia của toàn ngành cùng với sự phối hợp các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể để thực hiện một số giải pháp như sau:

Thứ nhất: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân: các cơ quan quản lý nhà nước các cấp cần tổ chức phổ biến các quy định của Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất - kinh doanh, tác hại của thực phẩm không an toàn; cần nhấn mạnh cho người sản xuất hiểu được vấn đề đảm bảo VSATTP chính là bảo đảm đến quyền lợi, lợi ích của chính mình.

Thứ hai: Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, đặc biệt là năng lực quản lý chất lượng nông lâm thủy sản. Hiện nay, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đã được thành lập, là đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm triển khai công tác quản lý chất lượng, VSATTP trong sản xuất nông lâm thủy sản. Theo đó sẽ đầu tư thiết bị phục vụ, công tác quản lý, trước mắt đầu tư xây dựng phòng kiểm nghiệm có khả năng kiểm nhanh một số chỉ tiêu an toàn thực phẩm thông thường như: kiểm tra chất bảo quản thực phẩm, vi sinh.

Thứ ba: Sớm quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất nông sản, thủy sản thực phẩm theo hướng tập trung, áp dụng các quy tắc quản lý thực phẩm theo hướng an toàn, bền vững, đảm bảo truy xuất nguồn gốc; có chính sách hỗ trợ các cơ sở tiên phong trong việc áp dụng các quy tắc quản lý thực phẩm tốt trong sản xuất như: GMP, GAP, VietGap...

Thứ tư: Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi sản xuất. Thông qua công tác kiểm tra để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.


Lê Anh Tường

Mới nhất
x
Áp dụng Luật An toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO