Áp giá trần - Sữa đồng loạt giảm giá

20/06/2014 10:39

(Baonghean) - Quyết định số 1079/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về áp trần giá sữa quy định mức giá tối đa trong khâu bán buôn đối với 25 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi bắt đầu có hiệu lực từ ngày 11/6 và bán lẻ từ ngày 21/6. Tính đến thời điểm này đã có 176 nhãn hàng sữa lưu hành trên thị trường công bố giảm giá; theo bảng giá bán buôn các doanh nghiệp đăng ký, giá sữa đã giảm khoảng từ 30.000 - 140.000 đồng/hộp tùy loại...

Khách hàng lựa chọn sản phẩm sữa tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Phong Sắc - TP. Vinh.
Khách hàng lựa chọn sản phẩm sữa tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Phong Sắc,
Thành phố Vinh.

Trước thời điểm 1/6, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương và Bộ Tài chính đưa ra quyết định áp trần giá sữa, nhiều người tiêu dùng e ngại, quy định này khó đi vào cuộc sống, bởi sự lách luật của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa vốn diễn ra lâu nay. Nhưng thật bất ngờ, hiện tại giá sữa đã rục rịch giảm và đà giảm giá này vẫn chưa dừng lại. Đây không chỉ là tín hiệu vui cho các gia đình có con nhỏ mà người kinh doanh ở khâu bán lẻ cũng nhẹ lòng, bởi khi giá quá cao người tiêu dùng quay lưng lại với sản phẩm khiến doanh số bán giảm, lợi nhuận thu về cũng thấp. Chị Trần Thị Minh, ở khối 8- phường Trung Đô chia sẻ: Trước đây mỗi tháng gia đình tôi chi khoảng hơn 1 triệu đồng để mua sữa cho các con, giờ giá sữa giảm mạnh như vậy, hàng tháng tôi cũng tiết kiệm được vài trăm nghìn đồng”. Chị Nguyễn Thu Hiền - chủ cửa hàng kinh doanh sữa trên đường Hồ Tùng Mậu (TP. Vinh) cho biết: “Sữa Enfagrow A + 3 hương Vanila hộp 900g của hãng Mead Johnson Nutrition hiện có giá bán buôn tại công ty là 444.000 đồng/hộp thì mức giá bị khống chế mới phải hạ tới 135.000 đồng/hộp, giảm 30%. Hiện giảm mạnh nhất là sữa Abbott Grow 3, từ mức 419.000 đồng/hộp giá bán buôn xuống chỉ còn 258.000 đồng/hộp, khoảng chênh lệch này lên tới 38%. Với giá trần bán buôn đã công bố, cộng thêm 15% để tính giá tối đa bán lẻ thì hiện tại các sản phẩm sữa đã giảm đáng kể. Tại cửa hàng chúng tôi, đầu tháng 6 lượng người mua sữa còn hạn chế do tâm lý chờ đợi giảm giá, song mấy ngày nay số lượng khách bắt đầu tăng mạnh, thậm chí có nhiều người mua cả thùng 6 hộp, 10 hộp”.

Khảo sát tại các siêu thị, đại lý, cửa hàng kinh doanh mặt hàng sữa, ngay từ đầu tháng 6 đã nhận được thông báo chính thức của các nhà sản xuất, phân phối, đồng thời được nhân viên của hãng đến thống kê số lượng hàng tồn những sản phẩm nằm trong danh mục áp trần để chuẩn bị cho việc giảm giá. Phía công ty cũng cam kết sẽ hỗ trợ toàn bộ phần tiền chênh lệch giữa mức giá cũ và mức giá mới để cửa hàng yên tâm tiếp tục bán sản phẩm. Tuy nhiên, mức giảm giá của các mặt hàng sữa không thực sự đồng đều và không phải cửa hàng sữa nào cũng giảm giá bán lẻ theo quy định mới, lý do một số nơi đưa ra là phải đến hạn chót ngày 21/6 mới chính thức áp dụng giá trần. Đơn cử như tại một cửa hàng kinh doanh trước cổng chợ Hưng Dũng, TP. Vinh, sữa Frisolac Gold 2 bán với giá 485.000 đồng, sữa Similac GainPlus IQ 900g giá 425.000 đồng/hộp, nhưng ở một cửa hàng khác trên đường Nguyễn Thái Học lại chỉ bán với giá 472.000 đồng và 412.000 đồng/hộp... Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, giá bán ra còn tùy thuộc vào từng cửa hàng, ở những cửa hàng có lượng nhập nhiều, có diện tích trưng bày sản phẩm lớn thì sẽ được bù giá; đối với các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, nhập sữa từ nguồn không chính thống sẽ phải tự cân đối nên thường giảm giá ít hơn so với quy định.

Việc nhà sản xuất không cung cấp thông tin rõ ràng cũng đang khiến nhiều khách hàng hoang mang về chất lượng của những sản phẩm được áp giá trần này. Tại một cửa hàng sữa trên đường Lê Hồng Phong (TP. Vinh), khi được hỏi về loại sữa Enfagrow A+3 loại 900g, người bán hàng có giới thiệu là loại sữa này có hai loại: loại cũ giá 480.000 đồng/hộp, nay được giảm xuống còn 430.000 đồng/hộp; loại mới ra được áp dụng giá bán trần thì có giá 350.000 đồng/hộp. Về mẫu mã bao bì, loại sữa mới chỉ khác với loại cũ duy nhất ở biểu tượng góc trên bên trái có ghi chữ “Mới”. Khi được hỏi về sự chênh lệch giá quá lớn giữa hai loại sữa như vậy, người bán hàng trả lời - “chúng tôi cũng không rõ, nhập hàng thế nào thì bán thế ấy, có lẽ loại sữa cũ có thành phần “mát” hơn chăng”. Một khách hàng đang mua sữa tại cửa hàng này băn khoăn: “Liệu sản phẩm mới khi hạ giá thành thì có đủ chất dinh dưỡng như sản phẩm cũ? Giá bán tại các cửa hàng sữa hiện không thống nhất, khi chính thức áp giá trần với sữa bán lẻ thì có còn xảy ra tình trạng loạn giá không? Tôi nghĩ Nhà nước cần yêu cầu doanh nghiệp niêm yết giá công khai ngay trên mỗi hộp sữa, có như vậy người tiêu dùng mới nắm rõ được cửa hàng có tuân thủ theo đúng quy định"...

Chị Nguyễn Thị Thu Trang, chuyên viên phòng Quản lý giá và Công sản - Sở Tài chính Nghệ An cho biết: Thực hiện Quyết định số 1079/QĐ- BTC ngày 25/4 - 2014 của Bộ Tài chính, Công văn số 135/CQLG - THPTDB ngày 5/6/2014 của Cục Quản lý giá về việc việc áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, sở Tài chính đã có Thông báo số 1670/TB về việc xác định giá tối đa khâu bán buôn, bán lẻ và đăng ký giá đối với mặt hàng sữa cho trẻ em gửi tới 26 tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh sản phẩm sữa có trụ sở chính trên địa bàn tỉnh. Đồng thời trình UBND tỉnh thành lập tổ công tác liên ngành để triển khai thực hiện biện pháp bình ổn giá; thiết lập đường dây nóng tại sở nhằm giải đáp thắc mắc và tiếp nhận thông tin phản ánh của tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai... Đặc biệt, tổ chức kiểm tra việc niêm yết giá bán và mức giá bán lẻ tại các đơn vị bán lẻ đảm bảo không vượt quá 15% giá bán buôn tối đa của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu và không được cao hơn giá bán lẻ trước khi Nhà nước công bố áp dụng biện pháp bình ổn giá. Xử lý nghiêm và công khai trên phương tiện thông đại chúng những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Trên địa bàn tỉnh ta, các tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm sữa chủ yếu là chi nhánh, nhà phân phối cấp 1, 2, các đại lý, cửa hàng bán lẻ. Tính đến ngày 17/6 mới chỉ có 5 đơn vị thực hiện gửi thông báo mức giá cho sở, trong đó có 4 đơn vị là nhà phân phối sữa Việt Nam Vinamilk (Công ty TNHH EB Vinh, Công ty TNHH An Thọ, Công ty TNHH Minh Tuấn, Doanh nghiệp tư nhân Thành Đạt) không có quyền quyết định giá, giá bán ra do Công ty Cổ phần sữa Việt Nam quy định; họ đã thực hiện giá tối đa và đăng ký giá với Sở Tài chính Hồ Chí Minh, Sở Tài chính Nghệ An sẽ công bố mức giá này lên trang Web của ngành. Về một số loại sản phẩm chưa có quy định áp giá trần, Bộ Tài chính đã có Quyết định 1079/QĐ-BTC quy định, mức giá trần của 25 mặt hàng đã áp giá sẽ có tác dụng làm chuẩn, làm căn cứ để cho doanh nghiệp tiếp tục tính toán, xác định giá trần đối với các mặt hàng còn lại, và yêu cầu các công ty cũng phải thực hiện áp giá các loại sữa tương đương giống như với giá các sản phẩm sữa nằm trong danh sách áp giá trần đã được quy định.

Không chỉ là niềm vui của các bà mẹ đang nuôi con nhỏ, 25 mặt hàng sữa bị áp giá trần theo quy định cũng nhận được sự quan tâm của cả cộng đồng xã hội với hy vọng, không riêng gì mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi mà nhiều mặt hàng sữa khác cũng được cơ quan quản lý giá đánh giá lại và áp giá trần. Bởi hiện nay nhiều mặt hàng sữa dành cho trẻ từ 1- 10 tuổi, sữa cho người cao tuổi vẫn đang đứng ở mức cao.

Anh Châu

Mới nhất
x
Áp giá trần - Sữa đồng loạt giảm giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO