Áp thuế 2% với vàng trang sức: Doanh nghiệp lo thuế "nuốt" tiền công
Nhìn nhận việc áp thuế 2% đối với vàng trang sức hàm lượng cao không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu, song doanh nghiệp lo mất lợi thế cạnh tranh.
Mặt hàng vàng trang sức, kỹ nghệ và các sản phẩm có hàm lượng vàng từ 95% trở lên phải chịu thuế xuất khẩu 2% thay vì 0% từ ngày 7/5, theo Thông tư 36.
Lãnh đạo Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA) cho rằng Bộ Tài chính phải tăng thuế nhằm ngăn chặn hiện tượng xuất khẩu vàng nguyên liệu trá hình. Trên thực tế, vàng nữ trang có hàm lượng 75% là phổ biến, rất ít các sản phẩm có hàm lượng 95-99%. Do đó, đối tượng chịu điều chỉnh của quy định này rất hẹp.
Phó phòng kinh doanh Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), ông Nguyễn Công Tường cũng cho biết, mấy năm gần đây, SJC gần như không xuất khẩu vàng nên Thông tư 36 không ảnh hưởng gì đến hoạt động của công ty.
Một "đại gia" trong lĩnh vực vàng trang sức là PNJ cũng cho hay, tất cả các thị trường trang sức, kỹ nghệ xuất khẩu của công ty hiện tại và sắp tới đều là những sản phẩm trung và cao cấp có hàm lượng vàng tối đa 75%. Do đó, quy định tăng thuế suất xuất khẩu nữ trang hàm lượng cao hơn tăng lên 2% không ảnh hưởng và gây khó khăn cho mảng xuất khẩu.
Tăng thuế suất xuất khẩu nữ trang lên 2% là nhằm ngăn chặn hiện tượng xuất khẩu vàng nguyên liệu trá hình, đồng thời khuyến khích phát triển nữ trang cao cấp để cạnh tranh với thế giới.
Tuy nhiên, Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji lại cho rằng việc áp thuế suất 2% với hàng trang sức, mỹ nghệ có hàm lượng từ 95% trở lên chưa hợp lý.
"Theo thông lệ quốc tế, loại vàng có hàm lượng dưới 99% được coi là vàng trang sức, mỹ nghệ, nên không có lý do gì lại phân biệt để đánh thuế", vị này nói.
Trong khi đó, các doanh nghiệp vàng bạc đá quý thuộc các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ… đều được hưởng thuế xuất khẩu 0%, nếu như Việt Nam tăng thuế xuất khẩu lên sẽ khiến doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh với các quốc gia này.
Bên cạnh đó, từ ngày 1/1/2015, các nước trong khu vực Đông Nam Á đều áp dụng thuế nhập khẩu tất cả các loại vàng bằng 0%, trong đó có Việt Nam, trong khi doanh nghiệp nội xuất ra lại bị áp thuế 2%.
Đại diện Doji cũng cho rằng, quan điểm đánh thuế vàng trang sức hàm lượng từ 95% để hạn chế chảy máu vàng nguyên liệu và khuyến khích phát triển ngành nữ trang cao cấp (hàm lượng nhỏ) là không cần thiết. "Người tiêu dùng trong và ngoài nước thích dùng vàng trang sức hàm lượng cao. Do đó không có lý do gì để hạn chế các doanh nghiệp phát triển loại sản phẩm này. Đó là chưa kể việc xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ còn tạo việc làm cho hàng vạn lao động ở các làng nghề, đồng thời giúp giải phóng lượng vàng đang nằm chết trong dân...", ông bình luận.
Vị này cho biết thêm, hiện nay có thể tạm phân ra dòng trang sức có hàm lượng vàng nhỏ và dòng có hàm lượng từ 95% trở lên. Với dòng đầu tiên, các doanh nghiệp vàng Việt Nam rất khó cạnh tranh với nước ngoài để xuất khẩu vì họ được nhập khẩu nguồn nguyên liệu rẻ, thiết bị và công nghệ sản xuất hiện đại hơn nên tạo ra các sản phẩm nữ trang cao cấp đẹp, giá lại rẻ. Đồng thời, chính sách vĩ mô của các quốc gia này cũng rất ổn định để khuyến khích phát triển thị trường vàng bạc đá quý.
"Do đó, chúng ta chỉ có thể cạnh tranh ở phân khúc thứ hai, và chủ yếu là hưởng tiền gia công 2-3%. Đây cũng là thị trường đầy tiềm năng vì không chỉ ở Việt Nam mà người tiêu dùng thế giới đang hướng đến xu hướng mua vàng vừa để làm trang sức, lại có thể bảo toàn được giá trị ", ông nhấn mạnh.
Đại diện Doji cũng cho hay, nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước thích vàng trang sức hàm lượng cao, công ty ông đã đầu tư hàng trăm tỷ vào hệ thống máy móc, thiết bị để phục vụ cho việc sản xuất các loại trang sức này. Nhưng nếu bị đánh thuế suất 2% thì doanh nghiệp không thể thực hiện xuất khẩu được mặt hàng này vì tiền thuế sẽ "nuốt" hết tiền công.
Theo Vov.vn