Áp trần giá sữa: Lợi ích cho người tiêu dùng
Mặc dù vẫn còn một số lo ngại về độ khó khi Bộ Tài chính thực hiện biện pháp áp trần giá các mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, hầu hết người tiêu dùng và rất nhiều chuyên gia kinh tế đều đặt hy vọng và tin tưởng vào kết quả khả quan của phương án này.
Giải quyết thực trạng giá sữa ở nước ta cần kết hợp nhiều biện pháp chứ không chỉ riêng việc áp trần giá. |
Nhiều hy vọng
Mới đây, Bộ Tài chính đã có phương án đề xuất bình ổn giá sữa theo Luật Giá tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4. Đề xuất này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và theo đó, DN phải thực hiện đăng ký giá đối với sản phẩm sữa trẻ em dưới 6 tuổi, thời gian đăng ký là 6 tháng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng sẽ quy định giá tối đa đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, thời gian áp trần giá là 12 tháng. Chính vì thế, khi thông tin chính thức được công bố với những tính toán rằng, bình quân mỗi hộp sữa cho trẻ dưới 6 tuổi được bán ra khi áp trần giá sẽ rẻ hơn 50.000-70.000 đồng, nhiều người tiêu dùng đã tỏ ra rất phấn khởi.
Cũng nói về vấn đề này, chuyên gia kinh tế TS. Ngô Trí Long cho rằng, việc áp trần giá sữa được rất nhiều người kỳ vọng sẽ ổn định được thị trường sữa, nhưng cũng không nên kỳ vọng quá mức vì muốn khả thi phải kết hợp với nhiều biện pháp khác nữa. Áp trần giá sữa sẽ giúp người tiêu dùng được hưởng lợi, đồng thời, buộc các DN sữa phải luôn phấn đấu, giảm bớt các chi phí cho kinh doanh, quảng cáo để hạ thấp hơn mức giá trần nhằm bán được nhiều sản phẩm, khuyến khích các DN cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề này là nếu xác định sai giá trần, DN không có lãi sẽ phải thôi sản xuất, kinh doanh khiến người tiêu dùng thiếu hoặc không còn sản phẩm để tiêu dùng.
Còn theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, việc thanh tra 5 DN sữa mới đây cũng tìm ra được các vấn đề về thuế, về giá nhưng phải làm liên tục. chọn được trọng điểm thì mới giải quyết được các vấn đề cơ bản. Dùng biện pháp hành chính để kiểm tra giá sữa chỉ là giải pháp tình thế. “Khi áp dụng biện pháp này, người tiêu dùng vẫn có thể được lợi nhưng không lâu dài”, ông Vũ Vinh Phú nhận định.
Chặn những chiêu lách luật
Theo khảo sát của phóng viên, trên thị trường đã xuất hiện những thông tin về việc một số sản phẩm sữa “lách” áp trần giá bằng cách giảm khối lượng, giữ nguyên mức giá hoặc thay đổi bao bì, thêm một số chất để lấy cớ tăng giá sản phẩm. Chủ một đại lý sữa trên phố Quan Nhân, Hà Nội xác nhận có biết được thông tin này, dự tính khoảng giữa tháng 5 sẽ có những thay đổi như hộp sữa 900gr giảm xuống 850gr với mức giá giữ nguyên.
Về chuyện DN sữa “lách luật”, ông Vũ Vinh Phú cho biết: “Tăng giá không có nghĩa là tăng giá thô thiển. DN sản xuất và kinh doanh sữa có rất nhiều chiêu để lách luật như thay đổi bao bì, mẫu mã, thêm vài chất trong sữa công thức… ,với hàng trăm loại sữa, hàng trăm công thức pha chế cùng hàng trăm nhà cung cấp thì các cơ quan quản lý khó có thể kiểm tra được. Đây là vấn đề rất phức tạp”.
Để ngăn chặn các chiêu lách luật này, theo TS. Ngô Trí Long thì khi quy định giá trần sẽ phải kèm theo chất lượng hàng hóa chứ không thể chung chung, đối với mặt hàng sữa bột công thức, phải quy định rõ sản phẩm đó có đạt đủ khối lượng, hàm lượng vi chất hay không. Cho nên DN sản xuất và kinh doanh sữa không dễ đối phó với chính sách này. Điều quan trọng là Nhà nước phải tính toán điều kiện, chính sách sao cho hợp lý với sự đa dạng của mặt hàng này hiện nay.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, Nhà nước phải quản lý thị trường sát sao, nắm được đầu ra, đầu vào, doanh thu, lợi nhuận của DN để đưa ra những chiến lược điều chỉnh kịp thời.
Cho rằng việc áp trần giá sữa chưa giải quyết được tận gốc của thực trạng giá sữa “bát nháo” hiện nay, ông Vũ Vinh Phú đã đề xuất 3 vấn đề cần được giải quyết hơn cả. Đầu tiên là sản xuất, cần thúc đẩy DN nội chuyển sang thị trường sữa bột còn nhiều bỏ ngỏ, hướng người tiêu dùng sang dùng sữa nội. Lệch pha về cơ cấu sản xuất sẽ không giải quyết được cơ bản. Thứ hai, tổ chức lại hệ thống phân phối. Cuối cùng là phải kiểm soát được thị trường, nắm được thông tin để xử lý tình huống nếu có DN nào bán quá giá, tăng giá vô lý. 3 vấn đề này phối hợp lại, kết hợp cả với các bên Thuế, Hải quan, Công thương… thì mới giải quyết được gốc rễ vấn đề.
PGS.TS Nguyễn Văn Nam - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại: Tăng cạnh tranh và siết quản lý Biện pháp áp trần giá sữa sẽ có một vài hiệu quả trước mắt, nhưng các DN sữa ngoại đều là những DN tầm cỡ quốc tế với kinh nghiệm lâu năm nên có thể dễ dàng tìm được chiêu bài để đối phó. “Móng tay” của DN rất nhọn nên Nhà nước phải tạo được “vỏ quýt” thật dày thì DN mới không chọc thủng được. Theo đó nên quản lý bằng biện pháp kinh tế thay vì hành chính thì mới giải quyết được vấn đề hiệu quả. Nhà nước nên học theo một số nước trên thế giới đã áp dụng biện pháp quản lý giá bằng cách khuyến khích cạnh tranh công bằng, phá vỡ thế độc quyền. Muốn làm được như thế, Nhà nước phải có các chính sách hỗ trợ DN sữa nội mạnh lên, thành đối thủ cạnh tranh tầm cỡ. Bên cạnh đó, ở khâu NK cần tạo thuận lợi cho nhiều DN cùng vào, không để một số công ty chiếm thị phần lớn hoạt động theo kiểu “một mình một chợ”, tạo thành “phường hội” để thống nhất đồng loạt tăng giá. Điều quan trọng nữa, Nhà nước phải quản lý được thị trường một cách sát sao, tận nơi tận chốn, nắm được đầu ra, đầu vào, doanh thu, lợi nhuận của DN để đưa ra những chiến lược điều chỉnh kịp thời. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas): Người tiêu dùng hoan nghênh Thời gian qua, người tiêu dùng rất hoan nghênh hành động của Nhà nước và các cơ quan chức năng trong việc bình ổn giá sữa. Tôi cho rằng biện pháp áp trần giá sữa mà Bộ Tài chính đề xuất đã được Chính phủ thông qua chắc chắn sẽ có tác động tích cực và lâu dài đến thị trường và người tiêu dùng, vấn đề quan trọng là tổ chức thực hiện như thế nào. Nhà nước phải dùng mọi biện pháp để quản lý chứ không thể để thị trường trôi nổi với giá sữa cao vô lý, tôi tin rằng biện pháp này không được thì Nhà nước sẽ dùng biện pháp khác. Người tiêu dùng có thể dùng quyền lựa chọn để tẩy chay những mặt hàng sữa có hành vi “lách luật”. Ông Phạm Văn Nhán - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu: Chưa có gì cụ thể Việc áp trần giá sữa mới chỉ dành cho các sản phẩm sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi, nên các sản phẩm của công ty không bị ảnh hưởng. Nhưng nếu có cả quy định về áp trần giá sữa cho các sản phẩm sữa nước thì DN chắc chắn sẽ chấp hành, bởi đây đều là những quy định của Nhà nước từ việc nghiên cứu thị trường và qua đánh giá của người tiêu dùng. Hiện chưa có gì cụ thể nên DN phải chờ đợi kết quả mới đưa ra được các phương án kinh doanh hợp lý. Hơn nữa, việc áp trần giá sữa sẽ ảnh hưởng chủ yếu đến các DN lớn, còn các DN nhỏ, sản lượng thấp không có gì đáng ngại. |
Theo báo Hải quan