Bà nội trợ vẫn cẩn trọng với giá đỗ
Mặc dù cơ quan chức năng đã công bố giá đỗ ở Hà Nội an toàn nhưng nhiều bà nội trợ vẫn e dè với loại thực phẩm này và chọn cách tự làm để đảm bảo an toàn.
Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) công bố kết quả kiểm tra cho thấy giá đỗ trên địa bàn thành phố Hà Nội không nhiễm chất độc hại, tuy nhiên thông tin trên cũng không làm giảm nỗi lo của các bà nội trợ đối với loại thực phẩm này.
Giá đỗ vốn là loại thực phẩm được người Việt ưa thích, với giá thành rẻ và dễ chế biến nhiều món ngon. Tuy nhiên, từ khi liên tục có thông tin phát hiện giá đỗ bị ủ hóa chất độc hại kích thích sinh trưởng, loại rau này đã bị “thất sủng” hẳn trên thị trường. Do thời gian ủ giá đỗ khá lâu nên các cơ sở sản xuất muốn rút ngắn thời gian, họ sử dụng các loại hóa chất kích thích hạt đậu xanh nhanh bung vỏ. Sản phẩm ra lò là loại giá đỗ thân mập mạp, trắng bóng, không có rễ. Nếu sử dụng quá liều lượng cho phép, các chất độc hại kích giá đỗ trắng mập có nguy cơ gây nhiều loại bệnh, ảnh hưởng gan, tim, thận và tàn phá cơ thể người.
Khá nhiều bà nội trợ tỏ ra không tin tưởng vào giá đỗ bán ở ngoài chợ, kể cả khi có kết quả giám định giá đỗ không độc hại mới đây của Cục BVTV. Các chủ hàng rau đều đảm bảo rau của mình là sạch nhưng khi niềm tin đã không còn thì khó có thể khiến người tiêu dùng quay lại. Chị Oanh (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết khoảng hai tháng trở lại đây gia đình chị không mua giá ở chợ về ăn vì lo mua phải loại giá nhiễm hóa chất độc hại. Bác Thái (Nguyễn Ngọc Nại, Hà Nội) cũng lắc đầu với giá làm sẵn ngoài chợ vì bác cho rằng có thể lúc cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm tra thì không phát hiện ra độc hại, nhưng vào lúc khác, do người khác làm thì không thể kiểm soát được. Vì thế, để cho an toàn nhất, bác Thái từ bỏ luôn thói quen mua giá ngoài chợ.
Và giải pháp của chị là đầu tư một chiếc máy làm giá đỗ. Với số tiền không quá đắt, chị Oanh có thể yên tâm phần nào về những cọng giá đỗ sạch sẽ do gia đình tự làm ra. “Mỗi lần ra chợ mua khoảng vài lạng đỗ xanh nguyên hạt là tôi có thể làm được mẻ giá đỗ ăn trong cả tuần. Chỉ mất khoảng 2 đến 3 ngày ủ giá, của nhà tự làm, tự bơm nước, nhặt rễ nên khi ăn rất yên tâm chứ không độc hại như giá ủ hóa chất ngoài chợ” chị chia sẻ.
Những chiếc máy làm giá đỗ như của chị Oanh có giá trên thị trường dao động từ 400-700 nghìn đồng và nhanh chóng trở thành sự lựa chọn an toàn của các bà nội trợ. Bên cạnh đó cũng có nhiều người không mua máy mà tìm cách làm giá thủ công. Bác Hồng (60 tuổi, khu tập thể Nghĩa Tân) bày cách tự ủ giá truyền thống của mình: “Đơn giản nhất tôi ngâm giá đỗ qua 12 tiếng, để vào rổ và ủ khăn lên, tưới nước liên tục cũng có thể làm được một mẻ giá đỗ ngon, đảm báo vệ sinh an toàn thực phẩm.”
Trong khi giá đỗ làm sẵn trở nên ế ẩm ở các chợ thì mặt hàng đậu xanh nguyên hạt trở nên đắt hàng hơn. Chủ một cửa hàng khô ở chợ Cầu Giấy cho biết, từ vài tháng nay, lượng khách quen thường xuyên mua đậu xanh nguyên hạt về tự làm giá đỗ tại nhà ngày một nhiều hơn.
Theo EVA -NM