Bác Hồ với quê hương Nghệ An

Bác Hồ với giáo dục và các cháu học sinh tỉnh nhà trong hai lần Người về thăm quê

*** 11/06/2024 14:57

Suốt cuộc đời thực hiện khát vọng "Độc lập cho dân tộc, dân chủ cho nhân dân", Bác Hồ chỉ về thăm quê hương được hai lần, nhưng hình ảnh quê hương không bao giờ phai mờ trong trái tim Người.

Quê hương nghĩa trọng tình cao

Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình

Bác tranh thủ từng giờ, từng phút để đến được nhiều nơi, nhiều ngành nghề, mọi lứa tuổi. Đặc biệt, Bác đã dành sự quan tâm và những tình cảm sâu sắc đối với giáo dục và các cháu học sinh tỉnh nhà.

Sau hơn nửa thế kỷ xa cách, tháng 6/1957 Bác về thăm quê hương lần thứ nhất. Bác dành thời gian đến thăm Trại trẻ miền Nam (nay là Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Nghệ An). Mặc dù hoàn cảnh kinh tế của miền Bắc lúc bấy giờ đang khó khăn, nhưng các cháu vẫn được ưu tiên cao: 20 đồng mỗi tháng gồm cả ăn uống và mua sắm đồ dùng sinh hoạt. Sau hai năm xây dựng, đến khi Bác về thăm, Trại đã có hai dãy nhà dài, một dãy làm nhà chuyên môn và phòng họp, một dãy làm nơi ở của các cháu và nhà ăn, trạm xá.

bac-ho-tham-vuon-hoa-nghin-viec-tot.jpg
Ảnh tư liệu từ bài viết "Câu chuyện Bác Hồ thăm vườn hoa nghìn việc tốt": Sáng mồng một Tết Đinh Mùi (9-2-1967), Bác Hồ về Tam Sơn gặp mặt đại biểu các dân tộc tỉnh Hà Bắc họp ở chùa Cảm Ứng.

Khuôn viên trại gọn gàng, xinh xắn. Cô cháu xếp hàng đón Bác ở cổng chính nhưng Bác lại xuất hiện lối cổng sau xem nơi ăn ở của các cháu. Sau đó Bác đi lên lớp học, xem bàn ghế, đồ chơi và cuối cùng đứng nói chuyện giữa sân.

Bác ân cần hỏi: "Các cháu có khỏe cả không? Các cháu học có chăm ngoan không?". Rồi Bác căn dặn cô giáo: "Phải giữ gìn vệ sinh tốt và chăm lo tình cảm tốt nữa. Các cháu xa bố mẹ, người thân, thiếu tình cảm". Với các cháu, Bác âu yếm dặn: "Phải nghe lời cô giáo. Phải giữ gìn vệ sinh thật tốt và phải nhường nhịn nhau". Bác chia kẹo cho các cháu, ôm từng cháu vào lòng với tình cảm trìu mến, thân thương của người ông đối với lớp măng non của đất nước.

Trong buổi nói chuyện với đại biểu nhân dân tại Hội trường tỉnh (nay là Sân vận động thành phố Vinh), Bác đã đề cập đến ngành giáo dục "Tỉnh ta có hơn 7 vạn học sinh. Thế là khá, nhưng trong đó chỉ có 32 học sinh gái ở cấp 3 và 865 học sinh gái ở cấp 2 là ít. Thế thì các cháu gái phải cố gắng, các vị cha mẹ đừng tiếc công mà giữ con gái ở nhà, không cho các cháu đi học. Tỉnh ta cũng đã có 5 vạn cháu bé học vỡ lòng. Đó là bước đầu có sự phát triển về văn hóa".

Tại đây, Bác đã biểu dương 2 đơn vị có phong trào bình dân học vụ tốt, đó là huyện Con Cuông và xã Diễn Liên (Diễn Châu). Dù bận rộn biết bao công việc nhưng Bác vẫn luôn dõi theo và động viên, khích lệ kịp thời. sự quan tâm ấy không chỉ bằng lời nói mà được thể hiện qua từng hành động, trong mỗi việc làm cụ thể.

Tháng 12/1961, Bác về thăm quê hương lần thứ 2. Bác đến xã Vĩnh Thành (Yên Thành) và thăm nhà trẻ của xã. Bác chia kẹo cho các cháu, căn dặn các cô giữ trẻ: "Muốn chăm sóc tốt các cháu thì trước hết ta cần có tình thương mà các cháu thì cháu nào cũng dễ thương cả". Tại đây, Bác căn dặn các cháu học sinh phải góp phần bảo vệ cây mà các cụ đã trồng: "Các cháu phải giúp vào việc chăm sóc cây. Khi chăn trâu bò, đừng để chúng làm gãy cây". Lời của Bác nhẹ nhàng, dễ hiểu. Bác còn lưu ý để vừa sức của các cháu "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, làm theo sức của mình".

de-cac-chau-lam-chu.jpg
Hình ảnh Bác Hồ với thiếu nhi. Ảnh tư liệu

Cũng trong dịp vào thăm quê hương lần thứ hai, Bác đến thăm Trường Sư phạm miền núi Nghệ An (sau là Trường Trung cấp sư phạm miền núi Nghệ An). Giọng Bác từ tốn, trầm ấm hỏi thăm từng cháu về sức khỏe, ăn uống "các cháu ăn có no không? ăn có phải trả tiền không? học có vui không?". Bác tươi cười, đôi mắt sáng dịu dàng, đầm ấm xiết bao. Bác căn dặn: "Nhà trường phải chú ý đến cả những việc nhỏ. Môi trường sư phạm phải trong lành và chuẩn mực". Lời dạy của Bác thật giản dị mà sâu sắc, thấm thía và có giá trị đối với mỗi cán bộ, giáo viên không chỉ hôm nay mà cả mai sau. Bác còn hỏi thăm từng cháu người dân tộc thiểu số. Bác nói: "Đồng bào miền núi đời sống còn nghèo, con em xuống Vinh học vất vả lắm. Các học viên dân tộc Kinh học ở đây cũng là xác định lên miền núi phục vụ lâu dài. Nhà trường cần quan tâm động viên họ cho tốt".

Bác mong muốn nhà trường: "Đoàn kết tốt; học tốt, dạy tốt; nâng cao đời sống". Bác đến thăm và chúc các cháu tiến bộ. Lời Người sao mà thân thiết, chứa chan tình cảm và xúc động như cha nói với con, như ông nói với cháu. Ở Bác không thấy một vị lãnh tụ cao xa mà gần gũi, bình dị, mến thương.

Trong buổi nói chuyện với cán bộ và đồng bào tỉnh nhà (ngày 09-12-1961), Bác nhấn mạnh: "Văn hóa, giáo dục có tiến bộ, tuy vậy tỉnh ta vẫn còn một số người mù chữ, phải giải quyết càng sớm càng tốt".

Nói chuyện với hàng vạn cán bộ và nhân dân xã Kim Liên, Bác nhắc nhở: "Phải quan tâm chăm sóc các cháu thiếu nhi, đừng để các cháu gầy gò, ốm yếu, đau mắt hột". Hầu như vấn đề gì Bác cũng đề cập đến và có những lời khuyên hết sức thiết thực. Mỗi lời nói, mỗi câu hỏi thăm cũng đã thể hiện được tình cảm của Bác đối với các thầy cô giáo và các cháu học sinh. Bác không chỉ chăm lo việc học chữ, trau dồi kiến thức, bồi dưỡng năng lực mà cả quan tâm đến sức khỏe, sinh hoạt trong đời sống thường ngày của các thầy, cô giáo và các cháu học sinh. Dù bận trăm công nghìn việc, Bác Hồ vẫn luôn dành thời gian chăm lo sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà. Tấm lòng cao cả, tình cảm ấm áp, thân thương của Người đã sưởi ấm, tiếp thêm sức mạnh cổ vũ cho toàn ngành, cho thầy, cô giáo và các cháu học sinh vượt qua mọi khó khăn vươn lên không ngừng. Bác luôn là hình ảnh đẹp nhất, kính trọng nhất, gần gũi nhất trong mỗi trái tim Việt Nam.

quay-quan-ben-bac.jpg
Bác Hồ quây quần bên cạnh các cháu thanh thiếu nhi. Ảnh tư liệu

Thấm nhuần lời dạy của Bác, xúc động trước những tình cảm Bác dành cho, các thế hệ giáo viên và học sinh tỉnh nhà đã nỗ lực phấn đấu dành được nhiều kết quả cao. Nghệ An thuộc tốp 5 địa phương dẫn đầu về học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế. Năm 2022, Nghệ An có 1 học sinh đạt Huy chương Vàng Olympic Tin học Châu Á - Thái Bình Dương, 1 học sinh đạt Huy chương Bạc Olympic Tin học quốc tế; 1 học sinh đạt Huy chương Đồng Olympic Toán học quốc tế; có 97 học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia, trong đó, có 6 giải Nhất. Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Nghệ An xếp thứ 20, tăng 14 bậc so với năm 2021. Tạo dấu ấn quan trọng trong sân chơi toàn quốc, khuyến khích học sinh tích cực, sáng tạo, ứng dụng kiến thức, kỹ năng được học vào cuộc sống. Trong năm có 2 học sinh đạt 2 giải Nhất và 3 giải Nhì Hội thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai"; đạt 2 giải Nhất, 3 giải Ba, 2 giải Chuyên đề và 3 giải Khuyến khích Cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc năm 2022"; đạt 1 giải Nhì Cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Ngoài ra, có 1 dự án đạt giải Nhất vòng bình chọn và đạt giải Ba chung cuộc, cuộc thi cấp quốc gia "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp"; đạt hạng Nhì toàn đoàn tại Hội thao Giáo dục quốc phòng và an ninh học sinh THPT toàn quốc; đạt 2 giải Tư tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia. Đó là những bông hoa tiêu biểu ngát hương kính dâng lên Bác.

Nhân dịp kỷ niệm 67 năm ngày Bác Hồ về thăm quê lần thứ nhất (16/6/1957- 16/6/2024), 63 năm ngày Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai (09/12/1961- 09/12/2024), chúng ta cùng nhau nhớ về những lời dạy, tình cảm và những mong mỏi của Bác đối với giáo viên, học sinh cả nước nói chung, tỉnh nhà nói riêng. Mỗi lời dạy của Người đều trở thành động lực lớn lao để các thế hệ giáo viên, học sinh quyết tâm giành thắng lợi. Sự nghiệp giáo dục có những bước phát triển mới theo tư tưởng về giáo dục đậm chất nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

Bác Hồ với giáo dục và các cháu học sinh tỉnh nhà trong hai lần Người về thăm quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO