Bác Hồ với quê hương Nghệ An

Cử nhân Vương Thúc Quý - Thầy giáo của Bác Hồ thời niên thiếu

Phan Quý 11/06/2024 10:11

Cách nhà ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc về phía Tây khoảng gần 200 mét, có một ngôi nhà gỗ, lợp ngói vảy, ngôi nhà rất bình dị của một người rất đặc biệt đối với Bác Hồ kính yêu, người mà trong cả 2 lần về thăm quê năm 1957 và năm 1961, Bác đều nhắc đến với niềm thương mến, kính trọng sâu sắc.

bna-1.jpg
Nhà Cử nhân Vương Thúc Quý - thầy giáo của Bác Hồ.

Đó chính là "Cử nhân Vương Thúc Quý - Thầy giáo của Bác Hồ thời niên thiếu" - một thầy đồ nổi tiếng thông minh, học giỏi, tài hoa và giàu lòng yêu nước.

Vương Thúc Quý sinh năm Nhâm Tuất (1862), là con của tú tài Vương Thúc Mậu, người cầm đầu đội Chung nghĩa binh chống Pháp hưởng ứng Chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi. Vương Thúc Quý đậu cử nhân trường Nghệ khoa Tân Mão (1891), vốn là người thông minh, mẫn tiệp, cụ được xếp vào hàng tứ hổ ở Nam Đàn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 cùng với tên tuổi lừng danh của Phan Bội Châu.

Nặng lòng yêu nước, căm thù thực dân Pháp và triều Nguyễn, sau khi đậu cử nhân, cụ không đi thi nữa, cũng không ra làm quan mà ở nhà dạy học và tham gia các hoạt động cứu nước. Ngôi nhà của cụ là nơi thường xuyên lui tới đàm luận của các sĩ phu, các nhà yêu nước nổi tiếng đương thời như Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân, Trần Văn Lương, Nguyễn Sinh Sắc...

Ngày 14/7/1901, Vương Thúc Quý tham gia đánh úp thành Nghệ An cùng với Phan Bội Châu, Trần Hải... nhưng sự việc bị bại lộ, nhờ có tổng đốc Đào Tấn che chở nên thoát nạn.

Năm 1904, Vương Thúc Quý tham gia thành lập Hội Duy Tân, tích cực vận động quyên góp tài chính và tuyển chọn thanh niên cho phong trào Đông Du.

Đầu năm 1907, Vương Thúc Quý xây dựng tủ sách Tân thư, lập nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục tại Làng Sen.

Giữa năm 1907, cụ lên đường đi Trung Quốc hợp lực với Phan Bội Châu nhưng không may đến Nam Định thì ốm nặng phải quay về. Ngày 19/7/1907 cụ từ trần, trước khi tắt thở chỉ trăng trối: "Phụ thù vị báo, thử sinh đô hư" nghĩa là "Thù cha chưa báo được, đời này thật uổng".

Sau khi trở về Làng Sen sinh sống (sau tháng 7/1901), ông Nguyễn Sinh Sắc gửi 2 cậu con trai sang học thầy cử Vương. Lớp học đặt trước bàn thờ cụ Vương Thúc Mậu. Học trò không đông phần lớn là anh em bạn hữu có tư chất thông minh và giàu nghị lực. Nội dung bài học không theo lối "Tầm chương trích cú" mà thường gắn với hiện tình nóng bỏng của đất nước:

"Ái quốc mạc vong tổ

Ẩm hà đương tư nguyên

Thực quả đường tư thụ

Cựu sỉ dĩ nan vong"

Nghĩa là:

"Yêu nước không quên tổ

Uống nước phải nhớ nguồn

Ăn quả nhớ người trồng cây

Nỗi nhục xưa không quên".

Hằng ngày, trước giờ học, thầy thường thắp đèn đốt hương để tưởng niệm người cha đáng kính của mình - cụ Tú tài Vương Thúc Mậu, một lãnh tụ Cần Vương chống Pháp ở Kim Liên. Một hôm, thầy lỡ tay làm dầu trên đĩa chảy xuống đế đèn. Nhân sự việc đó thầy liền ra cho trò một vế đối “Thắp đèn lên dầu vương ra đế” để thăm dò khí chất học trò. Một học trò nhanh ý, lấy ngay hình ảnh cây hương thầy vừa đốt để đối lý: “Đốt hương rồi gió quạt bay tàn”.

Riêng trò Nguyễn Tất Thành xin đối: “Cưỡi ngựa dong thẳng Tấn lên Đường". Thầy khen cả hai câu, nhưng với câu của trò Nguyễn Tất Thành, thầy cho rằng đối thoát hơn, nhiều ý hơn, không gò bó với nghĩa đen của từng từ. Vương và đế ở đây đều có 2 nghĩa (“vương” là chảy, còn có nghĩa là Vua; “đế” là đế đèn, còn có nghĩa là Hoàng đế. “Tấn” có nghĩa là tiến, vừa có nghĩa là thời nhà Tấn; “Đường” là đường đi lại, vừa có nghĩa nhà Đường). Nhà Tấn vừa lập ngôi Vương mà nhà Đường đã lập ngôi Đế. Câu đối không chỉ chỉnh về ý, lời, ý nghĩa sâu rộng mà đã thể hiện khí phách của người thiếu niên ở độ tuổi 12 này.

Trong thời gian học tập ở đây, Nguyễn Tất Thành được thầy tin yêu và đặt nhiều kỳ vọng. Chính thầy đã tạo điều kiện để Nguyễn Tất Thành được tiếp xúc với các nhà nho yêu nước, trong đó có cụ Phan Bội Châu – nhà chí sĩ yêu nước nổi tiếng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Có thể nói rằng đây chính là môi trường văn hóa, môi trường tư tưởng tốt đẹp để góp phần ươm mầm tài năng, nghị lực tạo điều kiện để cậu bé Nguyễn Sinh Cung- Nguyễn Tất Thành phát triển toàn diện, ghé vai gánh vác sơn hà.

Cử nhân Vương Thúc Quý - Thầy giáo của Bác Hồ thời niên thiếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO