Ngọn núi gắn liền với thời niên thiếu của Bác Hồ
Núi Chung - quần thể di tích thắng cảnh nổi tiếng của Nam Đàn, cách di tích Hoàng Trù và di tích Làng Sen tầm 1 km, một địa danh vừa mang vẻ đẹp phong cảnh của thiên nhiên, vừa mang vẻ đẹp của lịch sử. Nơi gắn liền những kỷ niệm tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất.
Núi Chung rộng khoảng 100ha, núi không cao lắm, ngọn cao nhất là 48,6 m, nổi lên trên cánh đồng rộng lớn, bát ngát khu vực xã Kim Liên, xung quanh phía xa là các dãy núi bao bọc.
Nơi đây gắn liền những kỷ niệm tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất.
Vào những buổi sáng trong xanh hay buổi chiều xế bóng, đứng trên đỉnh núi Chung, phóng tầm mắt ra xa, chúng ta như được ngắm nhìn một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, núi non hùng vĩ, những di tích, danh thắng ghi dấu các anh hùng hào kiệt đất Hồng Lam từ xưa tới nay. Danh sĩ nổi tiếng Nguyễn Thiếp (1723 - 1804) đã từng vịnh ngọn núi này:
“Chung Sơn tại đỉnh hình Vương tự
Kế thế anh hùng vượng tử tôn”.
Nghĩa là:
“Núi Chung trên đỉnh có hình chữ Vương
Đất này đời đời con cháu sẽ nở rộ những anh hào”.
Phía Đông Nam, ngoài những dãy núi hùng vĩ, là dòng sông Lam nước trong xanh uốn khúc, cảnh vật nên thơ. Xa hơn, sang Hà Tĩnh tại làng Đức Thái, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh là quê hương Phan Đình Phùng - linh hồn của cuộc khởi nghĩa Hương Khê.
Phía Nam và Tây Nam là núi Thiên Nhẫn, trùng trùng điệp điệp như đàn ngựa nối đuôi nhau. Trên núi này, có Lục Niên Thành, đại bản doanh của Lê Lợi năm 1424.
Phía Tây là rú (núi) Đụn (tên chữ Hùng Sơn) – “Danh sơn khí thiêng mây khói tụ”, dưới chân núi có vệ Vạn An, thành lũy căn cứ chống quân xâm lược nhà Đường vào năm 722 của Mai Thúc Loan; Làng Đan Nhiệm, quê hương Phan Bội Châu – nhà chí sĩ yêu nước …
Núi Chung từ lâu đã đi vào lịch sử, nơi có nhiều di tích nổi tiếng như Đền Thánh Cả thờ Xuân Lâm tướng quân, 1 trong 10 tướng giỏi của triều Trần, chùa Bảo Quang Tự (thường gọi là chùa Đạt)… Đây cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng: Cuộc dấy binh khởi nghĩa chống quân xâm lược của Tú tài Vương Thúc Mậu (1885 – 1886). Vào đầu thế kỷ XX, các nhà yêu nước như Phan Bội Châu, Nguyễn Sinh Sắc, Vương Thúc Quý, Trần Văn Lương… hay lên đây làm thơ văn và bàn về thời cuộc.
Từ khi Đảng ra đời, Núi Chung là điểm họp bí mật của Chi bộ Đảng tổng Lâm Thịnh. Lá cờ búa liềm đã từng tung bay trên đỉnh núi, bất chấp sự đàn áp của kẻ thù hòng dìm những chiến sĩ Xô Viết kiên trung trong bể máu.
Bấy nhiêu chứng tích ghi dấu ở một ngọn núi nhỏ, quả thực là thiêng liêng, kỳ vĩ. Phải chăng ngọn lửa thiêng từ ngọn núi này đã nung nấu tâm can, hun đúc ý chí những người con kiên trung của Kim Liên, Nam Đàn; đặc biệt là cậu bé Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành mà sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại?
Theo tài liệu của Khu di tích Kim Liên, một số cụ già trong làng cũng sống thời niên thiếu với Bác Hồ ở Làng Sen - Làng Chùa vẫn kể lại rằng, thuở nhỏ cậu Nguyễn Sinh Cung hay cùng bạn bè lên núi Chung vãn cảnh và bày ra nhiều trò chơi sáng tạo rất vui nhộn như kéo co, trốn tìm, đánh trận giả… Tại gò Dăm Sim vẫn phảng phất những trận cười như nắc nẻ trong những cuộc kéo co kịch liệt của đám trẻ Làng Sen mà phần thắng thường thuộc về phe cậu Nguyễn Sinh Cung. Tinh nghịch hơn, nhiều lúc cậu còn nháy mắt đám "thuộc hạ" giả vờ thua làm cho các cu cậu bên kia ngã nhoài ra đám cỏ, có bạn lăn cả xuống hố để kết thúc bằng tràng pháo cười khoan khoái. Những lùm cây ở lưng chừng núi là nơi diễn ra các trận đánh giả do cậu Cung đạo diễn, làm sống dậy trong các bạn nhỏ những trang sử oai hùng của dân tộc. Sau những trận tập kích, rượt đuổi mệt nhoài, đám trẻ lại thư thái ngồi trên lưng trâu thả diều với tiếng sáo khoan thai, hít thở không khí trong lành nơi hương đồng, gió nội.
Thú vị nhất là những buổi dạo chơi trèo lên đỉnh núi, với sự hiểu biết sâu sắc của mình, Nguyễn Sinh Cung giới thiệu cho các bạn về những sự tích lịch sử, những anh hùng hào kiệt mà tên tuổi gắn liền với non sông đất nước, truyền cho các bạn niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước và nuôi dưỡng ý chí đánh đuổi quân thù, giải phóng quê hương.
Và tự hào thay "lãnh tụ nhỏ" của đám trẻ Làng Sen, Làng Chùa, sau bao năm tìm đường cứu nước đã trở thành lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam; Người làm rạng rỡ non sông, đất nước Việt Nam, là niềm tự hào của người dân Nghệ An./.