Bài 1: Cần nhận rõ kế hoạch nguy hiểm!
(Baonghean) - Trong thời gian gần đây dư luận trong nước và thế giới rất quan tâm đến việc Trung Quốc xây dựng các căn cứ quân sự trên đảo Gạc Ma và đảo Chữ Thập mà Trung Quốc đã chiếm của Việt Nam ngày 19/3/1988. Phóng viên Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng, PGS – TS Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Khoa học Bộ Công an về vấn đề này. Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi.
TIN LIÊN QUAN |
---|
P.V: Thưa Thiếu tướng Lê Văn Cương, thời gian vừa qua dư luận cho rằng, Trung Quốc đang có những hành động leo thang nguy hiểm nhằm độc chiếm Biển Đông. Xin Thiếu tướng giải thích rõ hơn các hành động của Trung Quốc tại Trường Sa?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đúng là trong nhiều tháng gần đây, cụ thể từ tháng 5/2014 dư luận trong nước và thế giới đã xôn xao việc Trung Quốc xây dựng cải tạo một số đảo chìm ở Trường Sa đã chiếm của Việt Nam, đó là đảo Gạc Ma và đảo Chữ Thập, với ý đồ hình thành các căn cứ quân sự ở ngay giữa trung tâm quần đảo Trường Sa. Đây là sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982, Tuyên bố ứng xử giữa các bên trên Biển Đông DOC mà Trung Quốc đã ký với các nước ASEAN năm 2002. Và để che đậy hành động vi phạm này, ngày 1/5 đến 15/7/2014, Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Âm mưu của Trung Quốc là thu hút sự chú ý của Việt Nam và cộng đồng quốc tế về hành động này, làm cho dư luận tập trung vào giàn khoan Hải Dương 981 mà sao nhãng việc xây dựng căn cứ quân sự, để họ yên tâm xây dựng trái phép ở trên Trường Sa.
Tại đảo Gạc Ma, Trung Quốc đã bơm cát lên và xây dựng gần xong căn cứ quân sự với sân bay có đường băng dài 1.800m, máy bay tiêm kích J8, J10 của Trung Quốc có khả năng cất và hạ cánh. Phía dưới bến cảng Gạc Ma, tàu 5.000 tấn của Trung Quốc có thể cập bến được. Song song với đảo Gạc Ma, từ tháng 4/2014, Trung Quốc cải tạo đảo Chữ Thập, nằm trong quần thể 6 đảo mà Trung Quốc đánh chiếm của Việt Nam ngày 14/3/1983. Đảo Chữ Thập là đảo chìm, khi thủy triều rút thì chỉ nổi mỏm ở phía Nam. Về quy mô, đảo Chữ Thập lớn hơn gấp 3 lần đảo Gạc Ma. Trung Quốc cũng đã và đang bơm cát, tiến hành cải tạo đảo chìm thành một đảo nổi nhân tạo, thành một căn cứ quân sự thứ 2 của Trung Quốc ở Trường Sa. Khi hoàn thành, đảo Chữ Thập có đường băng dài gần 2.000m, tàu 5.000 tấn có thể cập bến được. Nếu năm nay hoàn thành, thì căn cứ quân sự của Trung Quốc ở đảo Chữ Thập và Gạc Ma còn lớn hơn căn cứ quân sự của Mỹ ở Ấn Độ Dương.
![]() |
Trung Quốc đang tiến hành xây dựng quy mô lớn ở Gạc Ma. Ảnh BBC |
Đây là âm mưu, ý đồ cực kỳ nguy hiểm của Trung Quốc. Ở Biển Đông, đảo Chữ Thập và đảo Gạc Ma có vị trí vô cùng quan trọng về mặt tiến công, phòng thủ chiến lược đối với Trung Quốc. Được biết, Hạm đội Hải Nam ở phía Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc) là hạm đội hải quân mạnh nhất của Trung Quốc. Từ quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc lấn chiếm của Việt Nam, vòng qua đảo Chữ Thập, đến đảo Gạc Ma, 4 quần thể này tạo thành vành đai chiến lược phòng thủ từ xa. Khó có tàu sân bay nào từ Biển Đông có thể tiếp cận với Trung Quốc. Hệ thống đó cũng tạo thành một thế tấn công từ 3 phía mà khó có tàu chiến nào bao vây và tấn công Trung Quốc được. Vì thế, vị trí của đảo Chữ Thập và Gạc Ma có ý nghĩa quan trọng, tạo ra vành đai chiến lược vừa phòng thủ, vừa tấn công. Hầu hết quần đảo Trường Sa hiện nay mà Việt Nam quản lý, gồm 21 đảo, cả đảo nổi và đảo chìm, hầu hết đều ở ngoài đảo Chữ Thập và đảo Gạc Ma.
Điều này có nghĩa rằng, khi căn cứ quân sự tại đảo Gạc Ma và đảo Chữ Thập hoàn thành, thì nguy cơ các đảo của Việt Nam bị cô lập hoàn toàn là rất lớn. Và biết đâu nguy cơ một lúc nào đấy Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, thì quá trình tiếp tế, vận tải, hậu cần của chúng ta từ biển miền Trung, từ Nam bộ đến các đảo ở Trường Sa là cực kỳ khó khăn. Chúng ta ở vào thế cô lập, bị động, khi ấy nếu Trung Quốc thực hiện các biện pháp khác, có lẽ chưa cần đánh cũng có khả năng thu phục được toàn bộ đảo Trường Sa rồi. Cho nên đó là âm mưu cực kỳ nguy hiểm.
Vì thế, đây là lúc cộng đồng quốc tế và Việt Nam cần lên tiếng mạnh mẽ trước ý đồ, âm mưu của Trung Quốc. Đây là thủ đoạn cực kỳ nguy hiểm trong quá trình độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
P.V: Các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông nói chung, Trường Sa nói riêng đã vi phạm luật pháp quốc tế và cam kết như thế nào, đề nghị Thiếu tướng phân tích rõ?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Các hành động gây hấn của Trung Quốc không phải bây giờ mới tiến hành. Về mặt lịch sử, Hiệp định Giơnevơ ký 20/7/1954 giữa Việt Nam Dân chủ cộng hòa ký với Cộng hòa Pháp, tại Điều 4, Hiệp định này xác định Việt Nam dân chủ cộng hòa Hà Nội quản lý vùng biển đảo phía Bắc vĩ tuyến 17. Việt Nam Cộng hòa Sài Gòn quản lý vùng biển đảo ở phía Nam vĩ tuyến 17, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hiệp định 1954 này Trung Quốc đã đặt bút ký vào đấy. Về mặt lịch sử thì bản thảo Hiệp định đầu tiên Trung Quốc cũng đã giúp Việt Nam khởi thảo ra để thương thảo với Pháp và Mỹ, trong giai đoạn từ ngày 8/5 đến 22/6/1954. Ngày 20/7/1954, Việt Nam ký với Pháp Hiệp định 1954, trong đó nói rằng Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam. Ngày 21/7/1954, cộng đồng quốc tế cũng có cuộc họp quốc tế tại Giơ-ne-vơ, có cả các quốc gia dự như: Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Canada, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Cuộc họp nói rằng cộng đồng quốc tế tôn trọng độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Nghĩa là Trung Quốc đã 2 lần ký xác định Hiệp định Giơnevơ. Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đã được một Hiệp ước quốc tế có giá trị pháp lý cao nhất xác nhận. Điều này bác bỏ toàn bộ quan điểm của Trung Quốc. Trung Quốc không có một cơ sở pháp lý nào về Hoàng Sa và Trường Sa. Sau Hiệp định Giơnevơ, Trung Quốc đã dồn lực lượng đánh chiếm một vùng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, lúc đó do Việt Nam Cộng hòa Sài Gòn quản lý. Lần đầu tiên Trung Quốc dùng biện pháp quân sự chiếm một cụm đảo ta vào năm 1956. Lần thứ 2 vào tháng Giêng năm 1974, Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, lúc ấy do Việt Nam Cộng hòa Sài Gòn quản lý. Lần thứ ba, ngày 14/3/1988, Trung Quốc dùng lực lượng đánh chiếm 6 đảo của Việt Nam ở Trường Sa, và cuối năm 1988, Trung Quốc lại đánh chiếm một đảo nữa. Như vậy trong năm 1988, từ ngày 14/3 đến cuối năm, Trung Quốc đã dùng biện pháp quân sự đánh chiếm 7 đảo chìm của Việt Nam ở Trường Sa. Như vậy là từ năm 1954, Trung Quốc đã 3 lần dùng biện pháp quân sự đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một bộ phận các quần đảo của Việt Nam ở Trường Sa.
Những hành động quân sự của Trung Quốc đã vi phạm Điều 1, Khoản 1 của Hiến chương Liên Hợp quốc. Điều này nói rằng mục đích của Liên Hợp quốc là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Trung Quốc là một Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an. Trung Quốc cũng đã vi phạm Điều 2, Khoản 3 của Hiến chương Liên Hợp quốc nói rằng tất cả các thành viên phải giải quyết tranh chấp quốc tế của họ bằng biện pháp hòa bình, theo cách không làm nguy hại đến hòa bình, an ninh quốc tế và công lý. Điều 2, Khoản 4, Hiến chương Liên Hợp quốc cũng quy định tất cả các thành viên của Liên Hợp quốc từ bỏ việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hay nền độc lập của bất kỳ quốc gia nào.
Về Công ước Liên Hợp quốc năm 1982, họ đã vi phạm Điều 516, Điều 76 quy định về quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thêm lục địa của các nước ven biển, trong đó có Việt Nam. Điều 81 nói rằng, mọi hoạt động tiến hành khoan thăm dò hay bất kỳ vì lý do gì phải được sự cho phép của các quốc gia ven biển. Việc cải tạo và xây dựng căn cứ quân sự tại đảo Gạc Ma và đảo Chữ Thập là hoàn toàn trái với Điều 81. Điều 279 nói rằng, các quốc gia thành viên phải có nghĩa vụ giải quyết mọi tranh chấp xảy ra giữa họ với các nước khác bằng biện pháp hòa bình theo đúng Điều 2, Khoản 3 của Hiến chương Liên Hợp quốc, và mục đích này cần phải tìm ra các giải pháp bằng phương pháp hòa bình đạt được nêu ở Điều 33, Khoản 1 của Hiến chương.
Điều 33 nêu rằng, các quốc gia trong các cuộc tranh chấp cần sử dụng các biện pháp hòa bình và không phương hại đến hòa bình và an ninh quốc tế, thì việc cải tạo đảo Gạc Ma, đảo Chữ Thập của Trung Quốc từ đầu năm 2014 cho đến nay là vi phạm Hiến chương Liên Hiệp quốc, Điều 1, Điều 2, Khoản 3, Điều 3, Khoản 4, Điều 33, Điều 56, Điều 76, Điều 279 của Công ước về Luật Biển năm 1982 và có thể cả Điều 81. Đó là toàn bộ những hành động Trung Quốc đã vi phạm. Về mặt cam kết, thì việc cải tạo đảo Gạc Ma và đảo Chữ Thập cũng như những ứng xử của họ ở Trường Sa đã vi phạm nghiêm trọng những cam kết mà lãnh đạo Trung Quốc ký và tuyên bố với các nước. Đầu tiên, là Công ước về Luật Biển (DOC) mà Trung Quốc đã ký với ASEAN năm 2002, trong DOC có một điều khoản nói rằng: Khi chưa giải quyết được các vấn đề tranh chấp, các bên liên quan không có những hành động thay đổi hiện trạng làm phức tạp thêm vấn đề. Trung Quốc đã vi phạm DOC. Về mặt tuyên bố, Trung Quốc đã vi phạm 4 tuyên bố:
Tuyên bố thứ nhất, năm 2011, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Trung Quốc đã ký tuyên bố chung với ông Tập Cận Bình, nêu 5 nguyên tắc giải quyết tranh chấp Biển Đông. Trong đó có vấn đề nói rằng, trong quá trình giải quyết tranh chấp, không có bên nào xâm phạm, làm thay đổi hiện trạng làm cho tình hình Biển Đông bất ổn và mất an ninh trong khu vực. Trung Quốc đã tuyên bố nhưng lại phản lại lời tuyên bố của mình.
Tuyên bố thứ hai: Vào tháng 6/2013, khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sang thăm Trunng Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã ký tuyên bố chung với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, trong đó Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết rằng Việt Nam, Trung Quốc sẽ tìm biện pháp giải quyết tranh chấp ở Biển Đông một cách thỏa đáng, đảm bảo lợi ích giữa các bên. Trong khi chưa tìm ra giải pháp, thì không bên nào làm phức tạp thêm tình hình, thay đổi hiện trạng. Và họ đã phản bội cam kết mà mình đã ký.
Giữa năm 2013, khi Hội nghị cấp cao ASEAN +1, tại cuộc hội kiến các nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát biểu rằng: Trung Quốc và ASEAN có chung vận mệnh, sướng khổ cùng nhau. Vì thế Trung Quốc và ASEAN cần sớm tiến tới có một hiệp định hợp tác hữu nghị phát triển ở khu vực này. Họ đã cam kết rằng hòa bình, ổn định khu vực rồi lại phá bỏ cam kết của mình.
Cam kết nữa là, vào tháng 10 năm 2013, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sang Hà Nội và đã ký tuyên bố chung với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong đó phần Biển Đông, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng nói rằng hai bên sẽ tìm cách hòa giải bằng biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp Biển Đông. Hai bên Trung Quốc và Việt Nam thành lập một tổ công tác thường trực trên Biển Đông đảm bảo cho Biển Đông ổn định.
Như vậy, trong vòng 3 năm, họ đã 4 lần cam kết nhưng lại lần lượt phủ nhận các cam kết của mình. Những hành động của Trung Quốc từ đầu năm 2014 cho đến nay trong việc cải tạo đảo Gạc Ma và đảo Chữ Thập là sự vi phạm Hiến chương Liên Hợp quốc, vi phạm Công ước về Luật Biển năm 1982, vi phạm tuyên bố các bên ứng xử trên Biển Đông DOC, vi phạm 4 cam kết mà nguyên thủ Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường đã cam kết với các nước ASEAN và Việt Nam. Từ điều này, tôi nhớ tới một lần vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước, khi một nhà báo nước ngoài hỏi ông Khô - lô - sốp lúc bấy giờ là Tổng Bí thư Đảng cộng sản Liên Xô: “Ông nghĩ gì về lãnh đạo Trung Quốc?” Ông Khô - lô -sốp đã nói rằng: “Chỉ những kẻ ngu mới tin lãnh đạo Trung Quốc nói”. Tôi cho rằng ý trên hoàn toàn đúng. Chính họ đã chà đạp lên luật pháp quốc tế, bất chấp luật pháp quốc tế và chính Trung Quốc đã quay lưng lại với những điều họ cam kết với cộng đồng quốc tế nói chung, Việt Nam nói riêng.
Nhiều học giả quốc tế cho rằng, khi gặp phải những khó khăn chính trị, bất ổn xã hội, lãnh đạo Trung Quốc thường vu cáo nước ngoài đang đe dọa Trung Quốc để hướng dư luận ra bên ngoài, thậm chí họ còn tạo ra xung đột quân sự với láng giềng để dẹp yên bất ổn trong nước. Về ý kiến của các học giả nước ngoài, tôi hoàn toàn đồng ý. Chúng ta hãy trở lại lịch sử Trung Quốc, từ năm 1949 đến bây giờ, mỗi khi tình hình Trung Hoa mất ổn định về chính trị, kinh tế, xã hội thì họ thường đẩy vấn đề ra bên ngoài để nhắn nhủ người trong nước hãy tạm thời dẹp yên mâu thuẫn nội bộ để hướng vào kẻ thù bên ngoài. Chúng ta nhớ lại năm 1958 - 1962, trong giai đoạn này Chủ tịch Mao Trạch Đông sử dụng đường lối 3 ngọn cờ hồng và nhảy vọt về kinh tế.
Đây là một đường lối tả khuynh sai lầm, sau đó nhà nhà làm gang thép, cả hàng nghìn huyện làm gang thép và sản xuất ra hàng trăm triệu tấn gang thép như sắt rỉ không sử dụng được. Chính sách 3 ngọn cờ hồng và đại nhảy vọt về kinh tế năm 1958 - 1962 đã làm cho 37 triệu người Trung Quốc chết đói, một xã hội tan nát. Để cứu vãn tình hình, lãnh đạo Trung Quốc đã phát động chiến tranh xâm lược Ấn Độ. Đó là bài học thứ nhất. Trong 10 năm cách mạng văn hóa (1966 - 1976), Chủ tịch Mao Trạch Đông phát động cách mạng văn hóa để tiêu diệt các đối thủ của mình. Trong 10 năm cách mạng văn hóa, Mao Trạch Đông đã dùng hồng vệ binh giết 20 triệu đảng viên và người Trung quốc ưu tú. Lần này, cả Đảng Cộng sản Trung Quốc tan nát. Để cứu vãn tình hình trong nước, Mao Trạch Đông đã phát động cuộc chiến chống Liên Xô và vu cáo Liên Xô xâm lược. Chúng ta nên nhớ rằng, năm 1969, Liên Xô không hề có hành vi nào đe dọa Trung Quốc, Mao Chủ tịch đã nói dối 650 triệu người Trung Quốc rằng họ đang đứng trước mối đe dọa từ Liên Xô, vì thế chuyện trong nước tạm thời để tính sau rồi phát động chiến tranh trên sông Xy-a-mua với Liên Xô năm 1969.
Lần thứ ba vào 1976, Mao Trạch Đông chết, “bè lũ 4 tên” cũng tan rã, sụp đổ, trong đó có vợ bé của Mao Trạch Đông là bà Giang Thanh bị kết án xử tử, sau đó được giảm án thành chung thân. Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền trong bối cảnh Đảng, Nhà nước, xã hội tan nát như vậy, nên ngày 17/2/1979, Đặng Tiểu Bình phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới. Sau đó thì kết bè, kết đảng với Mỹ và cộng đồng quốc tế bao vây, cấm vận Việt Nam.
Lịch sử mách bảo chúng ta rằng trong 3 lần Trung Quốc gặp vấn đề lớn trong nước họ đều đẩy vấn đề ra bên ngoài. Tôi cho rằng dư luận và các học giả nói như vậy là có cơ sở. Mọi cư xử của Trung Quốc trên Biển Đông đều có căn nguyên từ nội tình trong nước của Trung Quốc. Cho nên trong quá trình tìm biện pháp ứng phó với hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, một mặt hết sức quan trọng, chúng ta phải theo dõi sát nội tình của Trung Quốc, đặc biệt là tình hình chính trị - xã hội của họ. Ngày hôm kia, kết thúc Hội nghị Trung ương 3, khóa 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây là một hội nghị đặc biệt quan trọng, bởi từ năm 1949 cho đến bây giờ, lần đầu tiên có một cuộc họp Trung ương khóa 18 chỉ bàn về pháp trị và đảng trị, tức là bằng mọi cách để cho quyền lực ở Trung Quốc tuân theo pháp luật và đảm bảo vai trò của đảng, khắc phục tha hóa, tham nhũng và hủ bại.
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng và hủ bại của Trung Quốc đến một giai đoạn cực kỳ khó khăn, phúc tạp. Qua nhiều thế kỷ trầm tích, thành ung nhọt, đến bây giờ thì tham nhũng, hủ bại trong bộ máy nhà nước ảnh hưởng đến tình hình chính trị, đe dạo đến Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bên ngoài ánh hào quang phát triển rực rỡ thì tình hình chính trị xã hội cực kỳ phức tạp. Năm 1998, ông Chu Dung Cơ là một thủ tướng có quyết tâm chống tham nhũng. Ông nói “hãy chuẩn bị sẵn 100 bộ quan tài và dành cho tôi một bộ. Tôi sẵn sàng bỏ mạng trong cuộc chiến này nếu như nó mang lại cho đất nước sự ổn định về kinh tế lâu dài và sự tin tưởng của quần chúng vào chính quyền, vào Đảng”. Ông Tập Cận Bình ngày 26/6/2014 vừa rồi đã nói trong cuộc họp Bộ Chính trị rằng: Tôi không sợ chết, không sợ mất danh dự, sẵn sàng lao vào cuộc chiến tranh chống tham nhũng.
Trong vòng 18 tháng vừa rồi, đã có 50 quan chức cấp cao của Trung Quốc, cấp từ Thứ trưởng trở lên ở Trung ương, Chủ tịch và Phó Chủ tịch tỉnh, 3 Ủy viên Bộ Chính trị bị bắt. Việc Chu Vĩnh Khang - Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, cùng với 2 Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương là Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng cùng hàng loạt các quan chức cấp cao khác là việc chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc. Tình hình chính trị, xã hội của họ cực kỳ phức tạp, kinh tế sau thời gian dài phát triển, 9 - 11%, bây giờ chững lại ở mức 7 - 7,5%. Đây là nền kinh tế tăng trưởng bong bóng, nợ công khổng lồ, rất nhiều vấn đề. Nên khi nghiên cứu tìm đối pháp, chúng ta phải quan tâm đến vẫn đề nội bộ, phải theo sát nội bộ Trung Quốc để dự đoán được hành xử của họ trên Biển Đông như thế nào. Điều này tới đây chúng ta phải theo dõi cho bằng được.
P.V: Xin cảm ơn Thiếu tướng!
(Còn nữa)
Ngô Kiên (Thực hiện)