Bài 1: Con đường huyết mạch

25/02/2014 09:17

(Baonghean) - Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A là công trình trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa dân sinh đáp ứng sự phát triển của đất nước theo hướng công nghiệp hiện đại và nhu cầu giao thông ngày càng cao. Với riêng tỉnh Nghệ An việc nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A có vai trò quan trọng trong thúc đẩy kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, tạo tiền đề thực hiện hiệu quả Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị. Vì vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị, người dân vào cuộc và đặt quyết tâm rất cao trong việc giải phóng mặt bằng để triển khai dự án đúng tiến độ. Tuy nhiên, hiện nay công tác GPMB đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ…

(Baonghean) - Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A là công trình trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa dân sinh đáp ứng sự phát triển của đất nước theo hướng công nghiệp hiện đại và nhu cầu giao thông ngày càng cao. Với riêng tỉnh Nghệ An việc nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A có vai trò quan trọng trong thúc đẩy kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, tạo tiền đề thực hiện hiệu quả Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị. Vì vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị, người dân vào cuộc và đặt quyết tâm rất cao trong việc giải phóng mặt bằng để triển khai dự án đúng tiến độ. Tuy nhiên, hiện nay công tác GPMB đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ…

Nối hai miền đất nước

Trong suốt chiều dài lịch sử qua các thời kỳ, Quốc lộ 1A luôn giữ vị trí quan trọng đối với đất nước Việt Nam. Từ thời Việt Nam bị chia cắt thành Đàng Trong và Đàng Ngoài, Quốc lộ 1A được hình thành từng đoạn song song với tuyến đường thủy để quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy từ Quy Nhơn tiến vào Nam đánh tan hàng vạn quân Xiêm ở Rạch Gầm - Xoài Mút. Tiếp đó từ Phú Xuân, Quang Trung Nguyễn Huệ theo trục xuyên Việt thủy và bộ, hành quân thần tốc ra Bắc đánh tan 20 vạn quân Thanh thì con đường này chính thức được hình thành, hiện diện theo đường cong kỳ diệu của hình chữ S thiêng liêng. Tuy nhiên, phải đến thời nhà Nguyễn sau khi thống nhất đất nước, Quốc lộ 1A mới được tu bổ và hoàn thiện thành đường “Cái quan” từ Bắc đến Nam. Đến thời Pháp đô hộ, chúng tiến hành mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A và xây dựng tuyến đường sắt xuyên Việt để thuận lợi cho việc thực hiện chính sách cai trị và khai thác thuộc địa...

Nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn tránh Vinh   Ảnh: Sỹ Minh
Nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn tránh Vinh Ảnh: Sỹ Minh

Trong kháng chiến chống Mỹ, Quốc lộ 1A đã góp phần quyết định vào thắng lợi lịch sử của dân tộc ta. Khi non sông về một mối, việc lớn đầu tiên của ngành Giao thông là khôi phục tuyến đường sắt Thống Nhất, khai thông và nâng cấp Quốc lộ 1A...

Trong thời kỳ đổi mới, nhà nước ta đã cải tạo Quốc lộ 1A đi qua Cửa Khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến huyện Năm Căn (Cà Mau) với tổng chiều dài 2.300 km quy mô 2 làn xe. Đây là tuyến đường quan trọng hàng đầu Việt Nam, đi qua 31 tỉnh, thành, nối liền 4 thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ, nên Quốc lộ 1 còn được gọi là Quốc lộ xuyên Việt hay tuyến đường huyết mạch. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đầu tư thực hiện giai đoạn 2 xây dựng đường Hồ Chí Minh và làm một số đoạn đường bộ trên cao tốc Bắc - Nam, nằm rất gần với Quốc lộ 1A, cũng với mục đích nối thông suốt giữa 2 miền Nam và Bắc.

Sự cấp thiết phải nâng cấp, mở rộng

Hiện nay, trục xuyên Việt chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trước hết là đối với đường bộ. Cụ thể là: đường Hồ Chí Minh hạn chế sức thu hút do chưa hoàn thiện (sạt lở trong mùa mưa) và sự phát triển kinh tế - xã hội dọc tuyến còn ở mức thấp; đường cao tốc Bắc - Nam phải đến năm 2030 mới cơ bản hoàn thành, do vậy lưu lượng hoạt động của giao thông đường bộ tuyến Bắc - Nam đổ dồn vào Quốc lộ 1A. Trong khi đó, tuyến đường này hiện nay quá nhỏ hẹp so với yêu cầu thực tế, đặc biệt đã bị xuống cấp nghiêm trọng nhiều nơi, gây nên tình trạng quá tải, ẩn chứa nhiều hiểm họa về tai nạn giao thông, hay xảy ra ách tắc kéo dài cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội. Sự lựa chọn Dự án mở rộng Quốc lộ 1A - tuyến đường huyết mạch Bắc - Nam trở thành vấn đề cấp thiết để thực hiện chiến lược đột phá phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ yêu cầu CNH, HĐH đất nước, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh cũng như sự liên thông, giao lưu kinh tế - văn hóa, xã hội hai miền Nam - Bắc.

Ách tắc giao thông trên tuyến QL 1a đoạn quai ngã 3 Yên Lý Diễn Yên Diễn Châu
Ách tắc giao thông trên tuyến QL 1A đoạn qua ngã 3 Yên Lý (Diễn Yên, Diễn Châu)

Vì vậy, trong bối cảnh lĩnh vực xây dựng cơ bản đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, ngoài vốn Ngân sách Nhà nước (NSNN) và Trái phiếu Chính phủ (TPCP), Chính phủ cho phép Bộ GTVT kêu gọi đầu tư mà hình thức chủ yếu là BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) để triển khai Dự án mở rộng Quốc lộ 1A từ 2 làn xe lên 4 làn xe từ Hà Nội đến Cần Thơ. Toàn tuyến được chia thành 40 dự án, tiểu dự án. Trong đó đầu tư theo hình thức BOT gồm 18 dự án, dài 608 km, tổng mức đầu tư 50.624 tỷ đồng; Đầu tư bằng vốn NSNN- TPCP gồm 21 dự án, tiểu dự án có chiều dài 696 km, tổng mức đầu tư 46.233 tỷ đồng; đầu tư bằng vốn vay ADB gồm 1 dự án, dài 49 km, tổng mức đầu tư 4.368 tỷ đồng. Trong đó, tổng kinh phí dành cho giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1A là 7.350 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành vào năm 2016.

Ách tắc giao thông trên tuyến QL 1a đoạn quai ngã 3 Yên Lý Diễn Yên Diễn Châu
Ách tắc giao thông trên tuyến QL 1 A đoạn qua ngã 3 Yên Lý (Diễn Yên, Diễn Châu)

Một trong những khâu then chốt quyết định đến tiến độ của dự án mở rộng Quốc lộ 1A là công tác giải phóng mặt bằng. Xác định tầm quan trọng và quy mô lớn cả về giá trị đầu tư, mức độ ảnh hưởng cũng như ý nghĩa kinh tế – xã hội và phát triển của dự án, Chính phủ đã Quyết định thành lập Ban chỉ đạo GPMB. Đây cũng là dự án đầu tiên thành lập Ban chỉ đạo GPMB từ Trung ương tới cơ sở, kể cả cấp huyện. Ban chỉ đạo Trung ương do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng ban. Chính phủ đã giao cho UBND các địa phương có tuyến đường đi qua phải dồn sức lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng đoạn quốc lộ đi qua địa phương mình. Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là mọi cấp, mọi ngành, các tổ chức chính trị, xã hội và mỗi người dân cần xem đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và ưu tiên số 1.

Riêng Nghệ An, dự án nâng cấp Quốc lộ 1A đi qua địa bàn có tổng chiều dài tuyến chính 73,8 km qua Thị xã Hoàng Mai (14 km), huyện Quỳnh Lưu (12,25 km), Diễn Châu (28,05 km), Nghi Lộc (13,96 km) và Thành phố Vinh (5,54 km) được chia thành 6 dự án và giao cho 5 chủ đầu tư thi công. Trong đó liên doanh Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4 và 319 là chủ đầu tư đoạn qua Thị xã Hoàng Mai và Quỳnh Lưu dài 19,83 km; PMU 85 làm chủ đầu tư đoạn đi qua Thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu dài 4,67 km; PMU 1 làm chủ đầu tư đoạn đi qua huyện Quỳnh Lưu và Diễn Châu dài 18,9 km; Sở Giao thông - Vận tải Nghệ An làm chủ đầu tư đoạn Diễn Châu - Quán Hành dài 23,4 km và Quán Hành- Quán Bánh dài 5,9 km đi qua các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc và Thành phố Vinh; Ban quản lý dự án ATGT- Bộ GTVT làm chủ đầu tư dự án cầu vượt đường sắt dài 1,1 km đi qua địa bàn Thành phố Vinh. Cũng như cả nước, đối với tỉnh ta, dự án hoàn thành có ý nghĩa rất lớn trong việc mở rộng giao thương, phát triển kinh tế, xã hội, thu hút đầu tư tạo tiền đề để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 26 về Nghệ An của Bộ Chính trị. Đồng thời góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông - vốn từ trước đến nay là một vấn đề nóng trên địa bàn tỉnh với nhiều vụ tai nạn thảm khốc đã xảy ra trên Quốc lộ 1A. Mà một trong những nguyên nhân chính là do đường nhỏ hẹp, quá tải xuống cấp, trong khi phương tiện lưu thông hàng ngày quá đông.

Do đường nhỏ hẹp nhiều vụ tai nạn xảy ra trên Quốc lộ 1a
Do đường nhỏ hẹp nhiều vụ tai nạn xảy ra trên Quốc lộ 1A

Để thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A, nhiều hộ dân dọc 2 bên tuyến đường (thuộc Thị xã Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, TP. Vinh) nằm trong diện phải giải tỏa, bị ảnh hưởng hoặc phải tái định cư vì lợi ích quốc gia với tổng kinh phí giải phóng mặt bằng hơn 1 nghìn tỷ đồng. Xác định rõ vai trò của công tác giải phóng mặt bằng đối với tiến độ dự án, sau khi ban hành Quyết định số 04/2010/QĐ/QĐ-UBND ngày 19/1/2010 về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ngày 25/11/2010, UBND tỉnh tiếp tục có Công văn số 7418/UBND-CN thống nhất việc bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi để thực hiện Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Nghệ An. Đối với vấn đề tái định cư được thực hiện theo Quyết định số 10/2012/QĐ- UBND ngày 4/2/2012 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An ban hành kèm Quyết định 04. Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là các ngành, các cấp, địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động tham mưu vận dụng chính sách phù hợp, đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch, công bằng và đúng pháp luật tạo sự đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng trên Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Nghệ An.

Quyết định thu hút vốn đầu nâng cấp mở rộng QL 1a của Thủ tướng Chính phủ
Quyết định thu hút vốn đầu tư nâng cấp mở rộng QL 1A của Thủ tướng Chính phủ

Công văn số 7418/UBND-CN ngày 25/11/2010, UBND tỉnh Nghệ An thống nhất việc bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi để thực hiện Dự án Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Nghệ An như sau:

1. Đối với tài sản trên đất và đất đai của các hộ gia đình, cá nhân đã giải tỏa trong quá trình thi hành chính sách qua các thời kỳ hoặc các dự án trước đây, nay thực hiện theo Khoản 3, Điều 5 và khoản 3, Điều 15, Quyết định 04/2010/QĐ-UBND ngày 19/1/2010 của UBND tỉnh.

2. Đối với các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nằm trong hành lang giao thông trước thời điểm Nghị định 203/HĐBT ngày 21/12/1982 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) cho đến nay, nay bị thu hồi đất để mở rộng đường theo quy hoạch thì được bồi thường về đất đai theo quy định. Việc xác định đất ở, đất vườn để được bồi thường thực hiện theo qui định tại Điều 6, Quyết định số 04/2010/QĐ-UBND ngày 19/1/2010 của UBND tỉnh.

3. Đối với các hộ gia đình đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cấp có thẩm quyền mà trong giấy chứng nhận ghi rõ phần diện tích đất nằm trong chỉ giới hành lang an toàn giao thông là đất vườn thì được bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất thu hồi theo quy định đối với đất vườn liền kề đất ở (cùng thửa đất ở)

4. Các hộ chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì căn cứ vào nguồn gốc sử dụng đất, loại đất, diện tích đất và thực tế sử dụng đất của các hộ dân để lập phương án đền bù theo quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: Nhóm phóng viên

Mới nhất
x
Bài 1: Con đường huyết mạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO