Bài 1: Hiệu quả từ các tổ tiết kiệm và vay vốn

13/08/2014 14:19

(Baonghean) - LTS: Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) ở cơ sở không những là tổ chức chuyển tải nhanh nhất, hiệu quả nhất nguồn vốn ưu đãi của nhà nước đến hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, mà còn thực hiện việc quản lý, giám sát, thu nợ vốn… Bởi vậy, các tổ chức nhận ủy thác (từ Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội) luôn quan tâm đến việc phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ TK&VV ở cơ sở, xem đây là nền tảng quan trọng quyết định sự thành công của chương trình tín dụng ưu đãi ở tỉnh ta. Báo Nghệ An xin giới thiệu chuyên đề về nâng cao chất lượng của tổ TK&VV, hiệu quả, hạn chế từ các tổ chức nhận ủy thác cũng như giải pháp khắc phục.

Ông Nguyễn Văn Hòa - Tổ trưởng Tổ TK&VV số 5, Hội Cựu chiến binh xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ cho hay: “Tổ có 34 thành viên tham gia vay vốn với dư nợ 1.271 triệu đồng. Toàn bộ nguồn vốn do Hội CCB nhận ủy thác từ Ngân hàng CSXH, được các thành viên vay vốn đầu tư vào trồng rừng, phát triển chăn nuôi trâu, bò và làm dịch vụ kinh doanh. Điển hình là gia đình ông Võ Đình Môn vay 75 triệu đồng mở rộng nghề trồng rừng, gia đình ông Nguyễn Văn Sơn, Hoàng Văn Lâm, Phạm Văn Thông… mỗi hộ vay 30 triệu đồng để chăn nuôi trâu, bò rất hiệu quả. Do quản lý tốt nguồn vốn và đầu tư đúng mục đích, nên tổ TK&VV số 5 hiện không xảy ra trường hợp nợ quá hạn”. Hiện tại, Hội CCB Tân Kỳ nhận ủy thác từ Ngân hàng CSXH để thực hiện 10 chương trình cho vay, như: hộ nghèo, cận nghèo, học sinh - sinh viên, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, nước sạch VSMT, nhà ở, sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn, trồng rừng… Đây là những chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước đối với các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn này, Hội CCB Tân Kỳ luôn chú trọng đến việc phát triển các tổ TK&VV tại các xã, thị trấn và kiện toàn đội ngũ tổ trưởng vay vốn. Hội CCB phối hợp với Ngân hàng CSXH tổ chức các lớp nghiệp vụ về công tác cho vay vốn, sử dụng vốn… Một trong những yếu tố quan trọng giúp cho Hội CCB Tân Kỳ thực hiện tốt công tác ủy thác là tăng cường việc kiểm tra, giám sát hoạt động cho vay vốn tại các tổ, qua đó phát hiện và xử lý kịp thời hiện tượng vay ké, xâm tiêu, trả chậm. Với những cách làm thiết thực này đã từng bước nâng cao chất lượng tín dụng và hiện nay với tổng số 3.160 hộ vay vốn ở 83 tổ TK&VV của Hội CCB nhận ủy thác, thì số dư nợ hiện là 71.783 triệu đồng, nhưng nợ quá hạn chỉ có 17 triệu đồng. Hội CCB Tân Kỳ trong nhiều năm liền là một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác nhận ủy thác nguồn vốn của Ngân hàng CSXH.

Người dân xã Quế Sơn - Quế Phong được hỗ trợ nguồn vốn đầu tư phát triển chăn nuôi bò.
Người dân xã Quế Sơn - Quế Phong được hỗ trợ nguồn vốn đầu tư phát triển chăn nuôi bò.

Quyết tâm sử dụng tốt nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước, Hội CCB tỉnh chú trọng đến chất lượng hoạt động của mạng lưới tổ TK&VV ở cơ sở và kiên quyết không thành lập tổ TK&VV nếu chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Đến nay vẫn còn có 20 Chi hội CCB ở cơ sở không nhận ủy thác vốn. Ông Cao Lưu - Trưởng Ban kinh tế - Hội CCB tỉnh cho biết: “Chúng tôi xác định tổ TK& VV là yếu tố quyết định trong việc quản lý và thu hồi vốn, do vậy đã hướng dẫn cơ sở tuyển chọn đội ngũ cán bộ của tổ TK&VV có phẩm chất, năng lực đáp ứng được yêu cầu, đồng thời chú trọng công tác xét duyệt, thẩm định đối tượng cho vay vốn, yêu cầu cán bộ tổ phải đến tận hộ tìm hiểu, xác định rõ mục vay, số lượng vốn cần vay… Thậm chí trong một số trường hợp cần thiết, cán bộ của tổ TK&VV cùng hộ dân trực tiếp đi mua giống, phân bón đưa về tận gia đình rồi hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho người dân. Hiện nay, tại 460 xã trên địa bàn tỉnh có tổng số 1.725 tổ TK&VV của Hội CCB với tổng số 55.385 hộ tham gia vay vốn. Phần lớn các tổ TK&VV của Hội CCB hoạt động có hiệu quả và thông qua tổ chức này, hộ nghèo đã được vay 361.148 triệu đồng, hộ cận nghèo vay 132.146 triệu đồng, học sinh sinh viên vay 561.921 triệu đồng…”.

Một tổ chức khác thực hiện tốt nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng CSXH là Hội Liên hiệp Phụ nữ Nghệ An. Hội xác định tổ TK&VV có vai trò quan trọng quyết định sự thành công của việc quản lý, sử dụng và thu hồi vốn, nên từ việc thành lập tổ, lựa chọn cán bộ… đều thực hiện nghiêm túc, bởi vậy, cho đến nay tổ TK&VV của Hội LHPN hoạt động tại 5.399 xóm với 2.919 tổ, thu hút 104.271 thành viên tham gia. Mặc dù mạng lưới tổ TK&VV phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh, nhưng Hội LHPN luôn chú trọng đến công tác tập huấn, đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ TK&VV. Từ đầu năm 2014 đến nay, các cấp hội đã phối hợp với các ban, ngành mở 803 lớp tập huấn chuyển giao KH - KT cho 88.380 hội viên về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Đồng thời phối hợp với Ngân hàng CSXH tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách liên quan đến tín dụng ưu đãi.

Hàng tháng Ngân hàng CSXH phối hợp với tổ chức hội ủy thác cấp xã rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động của các tổ TK&VV để có hướng kiện toàn, củng cố kịp thời đối với các tổ có thay đổi về ban quản lý… Có thể thấy rằng, Hội Phụ nữ các cấp đã thực hiện nghiêm túc 6 công đoạn ủy thác cho vay. Nguồn vốn nhận ủy thác được các cấp hội quản lý tốt, bình xét cho vay đúng đối tượng, thành viên sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả. Hiện nay, tổng dư nợ gần 2.322 tỷ đồng. Qua kiểm tra, đánh giá của các cấp, ngành liên quan, thì có gần 78% tổ TK&VV của Hội Phụ nữ hoạt động tốt, gần 21% tổ loại khá... Bà Lê Thị Hương Giang - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho rằng: “Từ các nguồn vốn ủy thác, phụ nữ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đã được vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, được tập huấn kiến thức về chuyển giao KH - KT, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế nên nhiều thành viên vay vốn đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi hình thức sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt có giá trị kinh tế cao, phát triển kinh tế gia đình theo hướng trang trại, chăn nuôi đại gia súc, trồng cây ăn quả, phát triền nghề truyền thống… góp phần giải quyết việc làm, từng bước cải thiện, nâng cao mức sống gia đình”.

Một trong những yếu tố quan trọng tạo thành công của các chương trình tín dụng ưu đãi, là mạng lưới tổ TK&VV. Ông Nguyễn Văn Vinh - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH Nghệ An cho biết: “Thông qua các tổ chức nhận ủy thác, đã thành lập 8.130 tổ TK&VV hoạt động tại 5.399 xóm, bản trên địa bàn toàn tỉnh, nhờ vậy không những tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn, mà còn hỗ trợ tích cực trong việc quản lý, giám sát, thu hồi nợ tại cơ sở… Thời gian qua, các tổ chức nhận ủy thác các cấp đã tích cực phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng CSXH đẩy mạnh các chương trình tín dụng tại địa phương, nhờ vậy đến nay, tổng dư nợ của các tổ chức nhận ủy thác đạt 6.237 tỷ đồng và trong 7 tháng đầu năm 2014, các tổ TK&VV đã tiến hành bình xét đối tượng cho vay vốn với số tiền 1.041 tỷ đồng, đồng thời qua mạng lưới này, đã tích cực huy động tiền gửi được hơn 262 tỷ đồng nhằm hỗ trợ thêm nguồn vốn cho vay”. Rõ ràng, với sự hỗ trợ rất tích cực của các tổ chức nhận ủy thác (gồm Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên), thời gian qua đã tạo ra nhiều kênh hỗ trợ vốn cho người nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

(còn nữa)

Hoàng Vĩnh - Quỳnh Lan

Mới nhất

x
Bài 1: Hiệu quả từ các tổ tiết kiệm và vay vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO