Bài 1: Hiệu quả từ sự đồng thuận
Trong giai đoạn hiện nay, việc huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng cơ sở vật chất (CSVC) trường học là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, làm thế nào để xã hội, cha mẹ học sinh (CMHS) đồng lòng hưởng ứng, không có “lời ra tiếng vào” là vấn đề cần đặt ra.
(Baonghean) Trong giai đoạn hiện nay, việc huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng cơ sở vật chất (CSVC) trường học là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, làm thế nào để xã hội, cha mẹ học sinh (CMHS) đồng lòng hưởng ứng, không có “lời ra tiếng vào” là vấn đề cần đặt ra.
Dẫn chúng tôi đi xem cơ sở vật chất của trường, thầy Hà Văn Tôn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Diễn Kỷ (Diễn Châu) hào hứng khoe: “Đầu năm học này, nhà trường ốp lại gạch nhà vệ sinh, lát gạch toàn bộ đường đi bộ trong sân trường, tôn tạo lại sân tập thể dục và đầu tư xây dựng hố rác có sàng lọc. Toàn bộ hết khoảng 100 triệu đồng từ tiền vận động xã hội hóa đấy...”. Vào dịp hè, nhà trường khảo sát tình hình cơ sở vật chất, xác định các hạng mục cần đầu tư, sửa chữa, lập dự trù và đưa ra bàn bạc với Ban Đại diện CMHS, trình UBND xã phê duyệt. Sau khi được chính quyền duyệt và cho chủ trương, nhà trường vận động CMHS đóng góp. Việc huy động trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện của CMHS, không bắt buộc, không phân chia đồng đều mức đóng góp cho mỗi người; CMHS được tham gia tất cả các khâu từ khảo sát, chọn đơn vị thi công, nghiệm thu công trình, quyết toán.
Từ nguồn đóng góp xã hội hóa, Trường Tiểu học Diễn Kỷ (Diễn Châu) xây dựng lớp học khang trang với đầy đủ trang thiết bị dạy học.
Ông Nguyễn Đăng Long, Trưởng ban đại diện CMHS nhà trường cho biết: “Việc huy động đóng góp từ CMHS không phải là nhiều. Song, điều quan trọng là sự công khai, minh bạch trong thu chi, việc sử dụng nguồn xã hội hóa hợp lý, đầu tư những cái thiết thực phục vụ cho học tập của con em nên được phụ huynh đồng tình ủng hộ. Năm học này, nhà trường đã hoàn thành các công trình trên từ kinh phí đóng góp của CMHS và không có bất kỳ lời phàn nàn nào”.
Trường Tiểu học Giang Sơn Tây (Đô Lương) đứng chân trên địa bàn xã miền núi, lại vừa chia tách nên gặp rất nhiều khó khăn. Hiểu rằng xã hội hóa không chỉ là vấn đề vận động đóng góp bằng tiền, nhà trường đã huy động sự vào cuộc tích cực từ các tổ chức đoàn thể bằng ngày công và hiện vật. Hội Cựu chiến binh đảm nhận trồng cây xanh, lắp đường điện; Đoàn Thanh niên nhận san mặt bằng sân tập thể dục; Hội Phụ nữ nhận dọn dẹp vệ sinh khu vực trường. Đặc biệt, chính quyền xã đã vận động mỗi cán bộ, công chức xã trên địa bàn đóng góp 2 ngày lương, mỗi người dân ủng hộ 10.000đ, cán bộ công chức trường đóng góp 2 ngày lương để nâng cấp cơ sở vật chất nhà trường; kêu gọi doanh nghiệp ủng hộ ghế ngồi... Trong quá trình vận động, công tác thu chi đều có sự tham gia bàn bạc của Ban đại diện CMHS, giám sát công trình cũng có sự tham gia của CMHS và sau khi công trình hoàn thành đều có thanh, quyết toán rõ ràng, công khai minh bạch để CMHS được biết.
Ngay sau khi Nhà nước có chủ trương ngừng thu khoản tiền xây dựng từ CMHS, ngành Giáo dục và Đào tạo Anh Sơn đã nhanh chóng tham mưu UBND huyện ra Quyết định số 929/QĐ-UBND.VX ngày 18/7/2008 phê duyệt ngày hành động xã hội hóa giáo dục; đồng thời chỉ đạo điểm tại 3 trường thuộc 3 xã Tường Sơn, Phúc Sơn và Khai Sơn. Ngay trong ngày phát động đã thu được 188 triệu đồng. Từ đó đến nay, mô hình này được nhân rộng ra toàn huyện với những điều chỉnh phù hợp thực tiễn và yêu cầu từng năm học.
Năm 2008, ngành đưa ra chủ trương: “Tự tâm, tự nguyện, không áp đặt, bảo đảm nguyên tắc dân chủ cơ sở và xã hội hóa giáo dục”. Năm 2009, ngành mở rộng mô hình dân chủ trực tiếp bằng hình thức vận động, đối thoại trực tiếp với các xã, thị thông qua mạng trực tuyến của ngành. Năm 2010, ngành đưa ra phương châm: “Tham mưu tốt, liên kết rộng, nội lực mạnh, hài hòa cao, đồng thuận lớn”... Vì vậy, mỗi năm huy động nguồn vốn từ sự đóng góp của phụ huynh học sinh, của thầy cô giáo, các nhà hảo tâm, các tổ chức, đoàn thể trong và ngoài huyện để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy, học được khoảng 4 tỷ đồng. Tính đến nay đã có 58/63 trường học khang trang, chiếm tỷ lệ 92%. Môi trường giáo dục cơ bản xanh, sạch, đẹp. Có 31/63 trường học đạt chuẩn quốc gia.
Điển hình xã Thạch Sơn- xã đặc thù có nhiều hộ giáo dân, chỉ trong vòng 30 phút phát động đã thu được gần 55 triệu đồng. Xã Thành Sơn thu được 95 triệu đồng, xây dựng và trao tặng nhà trường 45-50 công trình lớn nhỏ khác nhau. Ngoài ra, nhân dân còn đóng góp hiện vật như cồng chiêng, khung dệt vải thổ cẩm, chày đôi giã gạo... để giáo dục truyền thống văn hóa quê hương, làng bản cho học sinh. Ông Nguyễn Đức Vĩnh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tâm sự: “Việc kêu gọi sự ủng hộ của CMHS là không khó, cái chính là phải tạo được sự đồng thuận. Điều đó đòi hỏi hiệu trưởng phải đặt cái tâm lên hàng đầu, không bị cám dỗ bởi những lợi ích cá nhân, việc sử dụng những đồng tiền đóng góp của CMHS phải minh bạch, công khai thì sẽ được CMHS tin tưởng, hết lòng ủng hộ. Và đặc biệt, việc kêu gọi ủng hộ, đóng góp cũng phải phù hợp, vừa sức dân”. Đối với những công trình xã hội hóa, CMHS phải là người giám sát. Các khoản xã hội hóa phải được ghi chép, quản lý thống nhất qua hệ thống sổ sách theo dõi, kế toán của nhà trường. Mọi khoản thu, chi phải công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật. Sau khi nghiệm thu công trình, phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí cho toàn thể CMHS được biết. Khi những mạnh thường quân thấy được các sản phẩm, hạng mục thiết thực cho con em mình, họ sẽ thoải mái, vững tin và đặt nhiều niềm tin đối với trường học nơi con em mình học tập.
Nếu như Anh Sơn có ngày “Hành động xã hội hóa giáo dục” vào 12/9 hàng năm thì Thanh Chương lại có ngày “Vì bậc học mầm non” duy trì gần 5 năm nay. Tháng hành động vì trẻ em hàng năm, Thanh Chương đã kêu gọi các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp hiện vật, tiền của, tặng quà, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho các trường học mầm non. Hay như ở Quỳnh Lưu, chủ trương xã hội hóa giáo dục được Huyện ủy ban hành thành NQ 09 năm 2008 (Nghị quyết chuyên đề “Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục”). Từ đó đến nay, Quỳnh Lưu huy động được trên 60 tỷ đồng đầu tư cho giáo dục, trong đó riêng năm học 2011-2012 đạt 13,528 tỷ đồng...
Khi Nhà nước có chủ trương ngừng thu khoản tiền xây dựng từ CMHS thì xã hội hoá giáo dục là giải pháp để thực hiện mục tiêu đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Ở các địa phương, mỗi nhà trường, bằng nhiều hình thức khác nhau đã kêu gọi được sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của phụ huynh, tạo nên nguồn lực tổng hợp để đầu tư chăm lo cho giáo dục. Chỉ tính riêng năm học 2011-2012, toàn tỉnh huy động được trên 105 tỷ đồng. Dù rằng, số tiền thu được từ nguồn xã hội hóa chưa phải là nhiều, song so với nguồn thu từ xây dựng như trước đây thì lớn hơn gấp nhiều lần (Theo qui định thu tiền xây dựng, mầm non: 80.000đ/cháu/năm; tiểu học 100.000đ/học sinh/năm; THCS 120.000đ/học sinh/năm và THPT 150.000đ/học sinh/năm còn xã hội hóa trung bình mỗi năm 300-400.000đ/học sinh). Qua đó nói lên rằng, nếu chỉ dựa vào nguồn thu theo qui định sẽ không huy động được sức mạnh tổng hợp, không khai thác được nội lực từ phụ huynh, lòng hảo tâm của các mạnh thường quân để xây dựng môi trường học tập tốt hơn cho thế hệ tương lai.
Song bên cạnh những ưu việt của nó, vấn đề xã hội hóa giáo dục vẫn còn tồn tại những bất cập như: một số trường “mượn tay” Ban đại diện CMHS để kêu gọi đóng góp nhiều khoản vô lý; đưa ra mức sàn huy động chung đối với mỗi học sinh thay bằng đóng góp tự nguyện; nhà trường “thỏa thuận” mức đóng góp với CMHS.... nạn lạm thu xảy ra trong nhà trường không thể kiểm soát được. Nhưng điều đáng bàn nhất, vấn đề mà CMHS quan tâm nhất chính là việc chi các khoản xã hội hóa giáo dục ở các nhà trường đã hợp lý? Liệu các nhà trường đã chi đúng, chi đủ? Ai giám sát việc thu chi và việc thu chi đó có minh bạch, công khai?
(Còn nữa)
Thanh Phúc