Bài 1: Không cho đất nghỉ
Con sông Mai Giang rẽ nguồn từ xã Quỳnh Phương (huyện Quỳnh Lưu) xuôi xuống cửa biển Lạch Quèn, dài gần 10 km, chia tách 7 xã: Quỳnh Phương, Quỳnh Liên, Quỳnh Bảng, Quỳnh Lương, Quỳnh Minh, Quỳnh Nghĩa và Tiến Thủy thành vùng bãi ngang của huyện. Vùng bãi ngang này có 1.500 ha đất sản xuất, từ bao đời nay người dân ở vùng đất này sinh sống bằng nhiều nghề: trồng rau, làm muối, đánh bắt hải sản, nuôi tôm… rất năng động và hiệu quả.
(Baonghean) - Con sông Mai Giang rẽ nguồn từ xã Quỳnh Phương (huyện Quỳnh Lưu) xuôi xuống cửa biển Lạch Quèn, dài gần 10 km, chia tách 7 xã: Quỳnh Phương, Quỳnh Liên, Quỳnh Bảng, Quỳnh Lương, Quỳnh Minh, Quỳnh Nghĩa và Tiến Thủy thành vùng bãi ngang của huyện. Vùng bãi ngang này có 1.500 ha đất sản xuất, từ bao đời nay người dân ở vùng đất này sinh sống bằng nhiều nghề: trồng rau, làm muối, đánh bắt hải sản, nuôi tôm… rất năng động và hiệu quả.
Đây không phải là lần đầu tiên tôi đến vùng Bãi ngang Quỳnh Lưu, nhưng vẫn như bao lần trước, tôi cứ “mê” với những cánh đồng rau xanh mướt mát bám sâu vào khu dân cư trù phú. Đấy là hình ảnh người nông dân tất bật với các công đoạn làm đất, tưới nước, từng tốp người mải mê thu hoạch rau, và những chuyến xe ô tô chở đầy rau quả lần lượt rời bãi ngang đi tiêu thụ. Độ ra Tết đến tháng 4, ở các xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Lương, Quỳnh Minh đang là chính vụ hành hoa. Từ xa đã trông thấy những đám hành xanh mướt, đan xen những mảng bạc, ấy là những vạt hành người ta đã thu hoạch, vừa mới làm đất để trồng lại. Không khí nơi đây ngậy mùi hăng nồng của cây gia vị. Với người dân vùng bãi ngang, họ luôn khái niệm “không cho đất nghỉ, tấc đất là tấc vàng”.
Đang tinh mơ, gió biển ùa vào, tiết trời thêm se lạnh, trên con đường bê tông, rẽ qua xóm nhỏ, nối từ Tỉnh lộ 537B ra bờ biển, chúng tôi gặp ngay những người nông dân đang mải mê trên cánh đồng rau. Chị Nguyễn Thị Thảo ở xóm 3, xã Quỳnh Minh tươi cười khoe rằng, dạo trước Tết, cây hành hoa bán tại chỗ 3 – 4 nghìn đồng/kg người sản xuất cũng có lãi rồi, thời điểm này nhảy lên 8 – 10 nghìn đồng/kg, như thế là trúng đậm. Làm nghề này bấp bênh lắm, vì giá cả thất thường. Biết vậy, nhưng bà con vẫn chấp nhận với thị trường, vì đây là nghề truyền thống, giàu hay nghèo đều phụ thuộc vào cây rau. Vì thế, mùa nào thứ ấy, vùng bãi ngang này lúc nào cũng tràn ngập rau.
Nói vậy thôi, dân bãi ngang trồng rau thu nhập còn gấp mấy lần dân vùng khác trồng lúa. Nhờ biết áp dụng các tiến bộ KHKT, người dân ở đây quanh năm trồng rau theo hình thức thâm canh, mỗi năm quay vòng từ 4 – 6 vụ (tùy loại rau). Nhà chị Thảo có 3 đám đất, tổng cộng gần 600 m2 chuyên thâm canh rau. Mỗi đám, gia đình chị khoan 1 cái giếng ở góc ruộng, để cung cấp nước tưới tại chỗ. Mỗi cái giếng được khoan sâu 5 – 6 mét, tiền công của mỗi cái giếng chỉ hơn 2 triệu đồng. Chỉ cần ấy diện tích đất, gia đình chị Thảo mỗi năm thu lãi cả trăm triệu đồng.
Tôi băn khoăn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật khi người nông dân phun thuốc trừ sâu cho rau, người dân xã Quỳnh Lương bộc bạch: Nói thật với các chú, trồng rau nếu không phun thuốc thì lấy rau mô mà bán, vì rau thường có nhiều loại sâu ăn lá về đêm. Nhưng vấn đề là phun vào thời điểm nào. Với chúng tôi, thời gian đầu, người trồng rau phải phun thuốc vào ban đêm, ban ngày tập trung tưới nước, làm cỏ. Khi nào rau phát triển đến giai đoạn còn khoảng 15 ngày nữa thu hoạch, tuyệt đối không phun bất cứ loại thuốc trừ sâu nào nữa. Rau xanh bãi ngang Quỳnh Lưu nói chung đã có “thương hiệu” trên thị trường từ miền Trung ra miền Bắc, nếu bà con chúng tôi không tuân thủ quy trình sản xuất rau an toàn thì bán cho ai.
Từ chỗ trồng theo lối quảng canh những năm 1990 của thế kỷ trước, hàng chục năm nay người dân vùng bãi ngang trồng theo lối thâm canh, tăng vụ. Ông Hồ Cảnh Sáu – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương, khoe rằng, trong tất cả các loại rau trồng ở đây, cây hành hoa là cho thu nhập cao nhất. 1 ha đất nếu trồng hành và chăm sóc tốt thì thu hoạch 1 tỷ đồng/năm. Nói như vậy, chắc nhiều người không tin, nhưng đặt phép tính sẽ ra ngay con số đó. 1 ha hành hoa nếu trồng thì sau 1,5 tháng (trỉa thì hơn 2 tháng) cho thu hoạch được 20 tấn, lấy giá thời điểm hiện tại 10 nghìn đồng/kg, được 200 triệu đồng. Một năm quay vòng được 5 vụ, người trồng hành thu về 1 tỷ đồng.
Nhưng đấy là con số cá biệt thôi nhé, còn tính bình quân, 185 ha đất sản xuất của Quỳnh Lương, quân bình mỗi năm thu hoạch 170 triệu đồng/ha, trừ chi phí còn lãi 100 triệu đồng là điều có thật. Đất pha cát rất phù hợp với thâm canh rau, cho nên người dân không bao giờ để đất nghỉ một ngày. Hôm nay thu hoạch xong, ngày mai trồng ngay lứa khác. Mỗi mét vuông, có thể thu hoạch được tiền triệu/năm, do đó dù đất sản xuất hay đất vườn, người dân tận dụng từng cm để trồng rau. Hiện tại cả xã đã đào và khoan được 4 nghìn cái giếng tại đồng, phục vụ tưới cho 185 ha rau xanh hàng ngày.
Người dân Bãi ngang sử dụng nguồn nước giếng tại chỗ phục vụ sản xuất.
Người trồng rau ở Bãi ngang chẳng khác gì nuôi con mọn. Từ sáng sớm, người ta đã phải ra đồng làm đất, nhổ cỏ, tưới... công việc luôn tay. Còn khâu thu hoạch thì tùy thuộc vào khách hàng. Nếu khách đặt hàng ở Thành phố Vinh thì người trồng rau phải thu hoạch từ chiều tối, đến nửa đêm xe đủ hàng, chở rau vào Vinh để bán chợ đêm. Nếu khách hàng ở Đà Nẵng, Huế thì người trồng rau thu hoạch từ 2 - 3 giờ sáng… Nói chung là tùy thuộc vào khách hàng để căn thời gian thu hoạch. Người dân bãi ngang không bao giờ tranh mua tranh bán, khi đám rau của gia đình nào đến kỳ thu hoạch, người làm dịch vụ đến tận ruộng đặt hàng, sau đó chị em tập trung thu hoạch.
Vùng rau bãi ngang lâu nay người dân thành lập thành từng tổ đổi công theo tổ liên gia, để thu hoạch cho kịp thời. Các xã trồng rau ở vùng bãi ngang đều có người chuyên dịch vụ rau, nhưng nhiều nhất vẫn là Quỳnh Lương, với 100 gia đình chuyên làm dịch vụ rau. Họ đầu tư mua sắm xe ô tô vận tải, và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Anh Hồ Trọng Hải ở xóm 4, là người chuyên làm dịch vụ rau ở xã Quỳnh Lương, nói rằng: Đã hơn 13 năm làm dịch vụ rau, nay chúng tôi đã hình thành được mạng lưới tiêu thụ rau khắp từ Bắc vào Nam, hầu như tỉnh miền Trung nào cũng có bán rau của vùng bãi ngang Quỳnh Lưu. Dù thị trường đắt hay rẻ, chúng tôi đều phải chấp nhận trung thành với khách hàng. Không những thế, giữa chúng tôi và người trồng rau cũng phải chấp nhận sự biến động của thị trường.
Vùng bãi ngang Quỳnh Lưu, đất Quỳnh Liên còn là “thủ phủ” của quả su su. Trước khi đến “thủ phủ” này, chúng tôi được nghe những thăng trầm của thị trường su su, có khi 10 nghìn đồng/kg, lúc hạ xuống chỉ còn 200 – 500 đồng/kg, nhưng người dân vẫn tận dụng từng mét vuông đất vườn để làm giàn trồng su su. Hôm chúng tôi đến là dịp cuối vụ, nhiều giàn su su đã khô lá, thỉnh thoảng vẫn còn những chiếc ô tô tải loại nhỏ về thu mua su su đi tiêu thụ.
Ghé vào vườn su su của gia đình bà Nguyễn Thị Lý, ở xóm 4, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự đầu tư chăm sóc rất khoa học của gia đình. Bà Lý, cho biết: Mảnh vườn của gia đình rộng gần 1 sào đất, toàn bộ đã làm giàn trồng su su. Mấy chục năm trồng rau, nhưng không có cây gì thu hoạch cao và dễ như cây này. Trồng su su, đầu tư nhiều nhất là khâu làm giàn, nếu có điều kiện thì sử dụng cột bê tông, lưới thép. Yếu tố cần thiết hàng đầu là phải có hệ thống tưới nước thuận lợi. Bà Lý cho biết, giá bán su su thời điểm trung tuần tháng 4 là 7 nghìn đồng/kg, nhưng không có bán, vì đây là thời điểm cuối mùa, số hộ có su su bán rất ít.
Cách đây hơn 1 tháng, giá su su không đầy 1 nghìn đồng/kg, nên nhiều gia đình chuyển sang trồng rau. Với giá bán như thời điểm này là người trồng su su trúng đậm. Năm ngoái, gia đình bà Lý đầu tư 2,5 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nước bằng ống bét nên rất thuận lợi cho việc tưới, không mất công sức, mà hiệu quả cao, do đó giàn su su lúc nào cũng phát triển tốt, quả nhanh lớn, cách 4 ngày hái một lần, được 2 - 3 tạ quả. Khi nào đến ngày hái quả, người thu mua đến tận nhà gửi túi ni lông, cuối buổi đến cân, chuyển lên xe ô tô đi tiêu thụ.
Tiêu thụ su su ở xã Quỳnh Liên.
Ông Nguyễn Văn Thuyết - cán bộ địa chính - nông nghiệp xã Quỳnh Liên, cho biết: Cây su su có ở địa phương từ năm 1996, phát triển nhiều nhất kể từ năm 2004. Vì cây này cho thu nhập cao, người dân đua nhau trồng su su. Diện tích cây su su của địa phương hiện nay có 100 ha, chiếm hơn 1/3 diện tích đất canh tác của xã. Nếu chăm sóc tốt, 1 sào cho thu hoạch 8 – 10 tấn quả/vụ, bình quân đạt 5 – 6 tấn/sào/vụ. Nhà nhà trồng su su, nên thời điểm từ tháng 11 năm nay đến tháng 5 năm sau, ngày nào cũng có ô tô nối nhau vào địa phương vận chuyển su su đi tiêu thụ. Cao điểm có những ngày Quỳnh Liên thu hoạch 120 tấn su su.
Tuy nhiên, trồng su su chấp nhận giá cả thất thường, ví như trước Tết giá 10 nghìn đồng/kg, nhưng sau Tết chỉ còn 200 – 500 đồng/kg. Giá cả là thế, nhưng theo người dân, nếu su su bán với giá tại vườn 3 – 4 nghìn đồng/kg cũng là thu nhập cao rồi. Đầu tư ban đầu cho 1 ha su su khoảng gần 100 triệu đồng. Nhưng đầu tư một lần, thời gian sử dụng được 3 – 4 vụ, nên thực chất là không cao. Giống su su 100% lấy từ Sa Pa về nên chất lượng cao, được người tiêu dùng ở các thành phố ưa chuộng. Nói Quỳnh Liên là “thủ phủ” của su su vì su su ở đây vừa nhiều, chất lượng lại ngon. Người tiêu dùng bình luận, su su ở Quỳnh Liên khác với su su ở nơi khác là sau khi luộc xong, ruột vẫn xanh, ăn có vị thơm riêng. Ưu điểm của cây su su là không có sâu hại gì nên không phải sử dụng thuốc phun, vì vậy là một thứ rau quả an toàn.
Vùng Bãi ngang Quỳnh Lưu có hơn 1 nghìn ha chuyên thâm canh rau các loại, là nơi có sản lượng rau lớn cung cấp cho thị trường miền Trung. Đặc điểm của vùng đất này là thường xuyên bị ngập úng khi có mưa to, do vậy năm 2011, Nhà nước đầu tư 100 tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ, để thực hiện dự án chống ngập úng cho vùng này.
Xuân Hoàng