Bài 1: Kiên trung Nhà Giàn DK1

23/01/2013 10:49

LTS: Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, các chuyến tàu của Hải quân lại lên đường vận chuyển hàng và quà tết của quân dân cả nước đến với các đảo ở Trường Sa và các Nhà Giàn DK1. Tham dự hành trình đưa tết đến Trường Sa, phóng viên Báo Nghệ An tiếp tục may mắn được có mặt trên chuyến đi ra các Nhà Giàn DK1, ghi nhận được sự khó khăn, gian khổ trong quá trình vận chuyển và trao quà Tết cho các Nhà Giàn, cũng như niềm hạnh phúc của những người lính biển khi được nhận những tình cảm, hơi ấm thiêng liêng từ đất liền trong những dịp Tết đến Xuân về.

Bài 1: Kiên trung Nhà Giàn DK1

(Baonghean) Trong năm có rất nhiều chuyến tàu chở hàng hóa ra tiếp vận cho các Nhà Giàn, nhưng chuyến đi cuối năm này có ý nghĩa đặc biệt hơn cả, bởi ngoài những phần quà theo chế độ còn có những món quà ý nghĩa của các cơ quan, đơn vị và nhân dân cả nước gửi tặng. Đây là những tình cảm thiêng liêng, sâu nặng của hậu phương gửi tiền tuyến, mang theo bao cảm phục, nhớ nhung và cả những lời động viên tinh thần to lớn đến toàn bộ cán bộ, chiến sỹ trên các Nhà Giàn DK1 đang ngày đêm canh gác biển trời của Tổ quốc.

Đó là những lời tâm sự của Đại tá Nguyễn Công Thế - Phó chính ủy Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 2 trước lúc những chuyến tàu Hải quân bắt đầu chuyến hành trình “chở” Tết đến với các Nhà Giàn DK1.

Cuối năm, Cảng Hải đội 812 bỗng rộn rã đến lạ thường. Quà Tết khắp nơi từ Quảng Ninh, Đồng Nai, Bến Tre, Trà Vinh, Bà Rịa - Vũng Tàu... đến cả bạn đọc của Báo Tuổi trẻ được gấp rút chuyển lên tàu. Tổng số lượng quà Tết cấp phát theo chế độ và quà Tết gửi từ đất liền khoảng 20 tấn, trong đó có đầy đủ các nhu yếu phẩm để phục vụ sinh hoạt và giúp các cán bộ, chiến sỹ trên các Nhà Giàn có được một cái tết đầm ấm, vui vẻ.

Những chuyến tàu ra Nhà Giàn năm nay có ý nghĩa hơn bởi có sự xuất hiện của đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành trong cả nước. Đặc biệt, sự có mặt của các mẹ, các chị là nguồn cổ vũ tinh thần vô cùng to lớn đối với các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên các Nhà Giàn. Thuyền trưởng tàu HQ624 Trần Quang Đông chia sẻ: “Chúng tôi đang mang trên mình một trọng trách vô cùng to lớn là nối gần lại đất liền với Nhà Giàn. Vì vậy, cả đoàn đều cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Đúng 11h30 ngày 13/1, hai chiếc tàu HQ624 và HQ636 rúc lên 3 hồi còi rồi tiến ra biển khơi. Theo lịch trình, tàu HQ624 sẽ đi thăm và chúc tết 14 Nhà Giàn DK1 tại các cụm Phúc Tần, Huyền Trân, Ba Kè, Quế Đường, Phúc Nguyên, Tư Chính. Cùng lúc đó, tàu HQ636 sẽ đi thăm và chúc tết Nhà Giàn DK1/10 thuộc cụm Cà Mau và trạm rađa Côn Đảo. Đoàn người tiễn đưa nghẹn ngào vẫy tay, chúc đoàn lên đường mạnh khỏe và nhờ đoàn chuyển lời thăm hỏi đến với các cán bộ, chiến sỹ. Rồi dải đất liền cũng mờ dần sau những con sóng biển. Con tàu HQ624 như con kình ngư cưỡi sóng tiến nhanh bởi ngoài kia, các cán bộ, chiến sỹ đang ngày đêm trông mong.



Tàu HQ624 chở tình quân dân ra biển lớn đến với Nhà Giàn DK1.



Quà tết được đóng gói cẩn thận.

Nhắc đến Nhà Giàn DK1, không phải ai cũng hiểu rõ sự ra đời và nhiệm vụ của nó hiện tại. Năm 1988, Đô đốc Giáp Văn Cương, Tư lệnh Hải quân nhận thấy được của tầm quan trọng của bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển, nhất là bảo vệ an toàn cho các giàn khoan dầu khí hoạt động, khai thác phục vụ chiến lược phát triển kinh tế biển trong tương lai, ông đã mạnh dạn đề xuất với Bộ Quốc phòng và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) khẩn trương khảo sát, xây dựng các nhà nổi trên các bãi san hô ngầm, dạng vành đai vòng ngoài từ Bãi cạn Ba Kè (giáp quần đảo Trường Sa) đến Bãi cạn Cà Mau (vùng tiếp giáp với biển Malaysia và Philippines).

Trước đó, ngày 6/11/1988, Trung tá Phạm Xuân Hoa, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 171 Hải quân chỉ huy cùng đoàn đã khảo sát thềm lục địa. Với những trang thiết bị đo độ sâu, biên đội tàu HQ-713 và HQ-668 đã khảo sát, đo đạc trên vùng biển rộng 60.000km2, tìm ra các bãi cạn và bãi đá ngầm Ba Kè, Phúc Tần, Phúc Nguyên, Quế Đường, Tư Chính và Huyền Trân. Chính từ những dữ liệu đó, hệ thống Nhà Giàn DK1 được xây dựng. Tháng 6/1989, Nhà Giàn đầu tiên tại bãi đá ngầm Phúc Tần được xây dựng xong và đưa vào sử dụng với tên gọi là DK1/3. Từ đó đến năm 1998, đã có thêm 20 Nhà Giàn DK1 được xây dựng. Hiện tổng cộng có 15 Nhà Giàn thuộc 7 cụm đang sử dụng, trong đó có 8 Nhà Giàn có bãi đỗ trực thăng trên nóc, 4 Nhà Giàn có hải đăng, 1 Nhà Giàn có trạm quan sát khí tượng.

DK1 là Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ được xây dựng dưới dạng các Nhà Giàn, trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Với tên gọi Trạm kinh tế - khoa học - dịch vụ, nhưng thực chất Nhà Giàn là chỗ dựa cho ngư dân ra đánh bắt hải sản, làm tiêu cho tàu thuyền qua lại, thu thập số liệu thủy văn, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ vùng biển, vùng trời thềm lục địa của Tổ quốc. Các Nhà Giàn này là những “bia chủ quyền sống” trên biển khẳng định chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng bất khả xâm phạm trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. 23 năm qua, những Nhà Giàn DK1 đứng hiên ngang giữa biển khơi, minh chứng cho sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của các cán bộ, chiến sỹ đang ngày đêm làm nhiệm vụ trên các Nhà Giàn.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước cũng như các cơ quan, đơn vị và nhân dân trong cả nước thấy rõ được tầm quan trọng cũng như những khó khăn, thiếu thốn trên các Nhà Giàn nên đã có sự quan tâm, đầu tư hơn đối với các Nhà Giàn. Hiện nay, 100% các Nhà Giàn đã có điện thắp sáng từ nguồn pin năng lượng mặt trời, đời sống từng bước được cải thiện. Chiều thứ Bảy các chiến sĩ được gọi điện về đất liền thăm hỏi người thân, thông tin được cập nhật qua internet… Dù xa xôi, thiếu thốn, khắc nghiên nhưng khát vọng lớn nhất của họ là quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.


Phạm Bằng (E-mail từ Nhà Giàn DK1)

Mới nhất
x
x
Bài 1: Kiên trung Nhà Giàn DK1
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO