Bài 1: Lan tỏa các mô hình, dự án KHCN

(Baonghean) - Những năm qua, cùng với cơ chế khuyến khích của tỉnh, Trung ương, nhiều đề tài, dự án khoa học công nghệ (KHCN) được triển khai trên địa bàn Nghệ An. Qua đó, nhiều đề tài thành công, có tính thực tiễn cao được người dân hồ hởi ứng dụng, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Đầu tư ít, hiệu quả cao

Chúng tôi tìm về một trang trại gà ở xóm 8, xã Diễn Trung, Diễn Châu vào một ngày giữa tháng 6. Mặc dù trời nắng nóng gay gắt và trang trại có quy mô chăn nuôi gà lớn, song qua quan sát, chúng tôi nhận thấy trang trại tương đối sạch sẽ, không có mùi hôi thối, ô nhiễm. Tìm hiểu được biết, có được kết quả đó là nhờ trang trại đã áp dụng mô hình nuôi gà thả vườn bằng đệm lót sinh học được Sở KH&CN chuyển giao khoa học kỹ thuật từ năm 2014. Chủ trang trại, ông Lê Văn Sáu vui vẻ tâm sự: Được cán bộ Sở KH&CN trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, ban đầu gia đình tôi chỉ làm thử nghiệm khoảng 60m2 với quy mô 500 con gà đẻ. Quy trình ứng dụng đệm lót sinh thái khá đơn giản, ban đầu thực hiện làm đệm lót dày khoảng 10-15 cm, rải trấu lên nền chuồng sau đó thả gà con vào nuôi. Thả gà con sau khoảng 2 tuần phân gà đã phủ lớp bề mặt, sau đó cào lớp phân và rải đều chế phẩm men Balasa-N01 được pha trộn và ủ sẵn với bột bắp hoặc cám gạo lên bề lớp đệm lót. Giá thành của việc ứng dụng đệm lót sinh học không cao lắm, trên 100.000 đồng/m2, nhưng hiệu quả mang lại khá cao. Sản phẩm vi sinh Balasa No1 đã giúp phân hủy phân, giảm mùi hôi thối và khí độc chuồng nuôi, tạo môi trường trong lành cho vật nuôi phát triển tốt. Không phải tốn công dọn quét chuồng thường xuyên như trước đây. Nhờ chế phẩm này chuồng trại chăn nuôi luôn được khô ráo, sạch sẽ, đàn gà phát triển nhanh, khỏe mạnh, giảm tỷ lệ mắc các loại dịch bệnh. Thấy được hiệu quả, năm 2015, ông Lê Văn Sáu tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích đệm lót sinh học lên 500m2 với quy mô 1.600 con gà đẻ. Trước đây khi chưa thực hiện đệm lót sinh học tỷ lệ gà đẻ chỉ đạt 50% (khoảng 800 quả trứng/ngày), nay gà đẻ đạt 70%  (hơn 1.000 quả trứng/ngày) bán với giá 2.700 đồng/quả, doanh thu 2,7 triệu đồng/ngày, trừ chi chí còn lãi 2 triệu đồng/ngày. Đệm lót sinh học sau 8-10 tháng mới thay thế trở thành nguồn phân bón chất lượng cho các loại cây trồng. Trong lần thải loại đầu tiên ông Sáu đã bán được trên 10 tấn phân bón cho các trang trại. 

Mô hình nuôi cá tầm của hộ ông Trần Đình Sơn ở xã Tiền Phong (Quế Phong).
Mô hình nuôi cá tầm của hộ ông Trần Đình Sơn ở xã Tiền Phong (Quế Phong).

Học hỏi từ mô hình của ông Sáu, anh Lê Văn Giang cùng  ở xóm 8, xã Diễn Trung đã tự bỏ kinh phí để xây dựng 60m2 đệm lót sinh học với quy mô 500 con gà thịt. Với mô hình đệm lót sinh học, anh Giang không phải tốn nhiều công dọn phân và dọn chuồng như trước nữa. Sau 4 tháng nuôi, gà đạt trọng lượng từ 1,7-1,8 kg, trừ chi phí đầu tư, với 500 con gà sau mỗi lứa anh Giang thu lãi trên 20 triệu đồng. Được biết, tại xã Diễn Trung hiện có trên 30 mô hình được nhân rộng sử dụng nuôi gà trên đệm lót sinh học với quy mô từ 500 -1.600 con gà/mô hình. Không chỉ ở Diễn Trung (Diễn Châu), mà nhiều hộ dân ở  Đô Lương, Tân Kỳ cũng nhờ dự án xây dựng đệm lót sinh học của  Sở KH&CN tỉnh đã mạnh dạn áp dụng vừa cho hiệu quả kinh tế cao vừa đảm bảo vệ sinh môi trường. Đến thời điểm này toàn huyện Đô Lương đã có hơn 20 trang trại áp dụng nuôi lợn trên đệm lót sinh học ở các xã Văn Sơn, Thượng Sơn, Xuân Sơn, Yên Sơn.

Dự án “Hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất và chế biến chè theo hướng VietGAP tại huyện Anh Sơn” được thực hiện từ tháng 7/2011 đến tháng 1/2014 do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Nghệ An chủ trì thực hiện. Tổng kinh phí thực hiện dự án gần 990 triệu đồng, trong đó: Ngân sách hỗ trợ từ khoa học công nghệ hơn 482 triệu đồng. Nguồn đối ứng từ Xí nghiệp chè Hùng Sơn trên 376 triệu đồng. Nguồn vốn người dân tham gia đối ứng: 131 triệu đồng.  Mô hình sản xuất và chế biến chè theo hướng VietGap trên diện tích 10 ha tại vùng đồi Khe Lông (huyện Anh Sơn) đạt năng suất 16,5 – 18,3 tấn/ha và chế biến được 107,4 tấn chè xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP, được Xí nghiệp chè Hùng Sơn áp dụng mở rộng trên toàn bộ diện tích của xí nghiệp. Năng suất chè tại mô hình VietGAP nhân rộng (đạt 15,22 – 17,53 tấn/ha), cao hơn so với mô hình sản xuất thông thường từ 2,5 – 4,0 tấn/ha/năm. Các mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt, được Xí nghiệp chè Hùng Sơn thu mua với giá cao hơn từ 200 – 300 đồng/kg chè búp tươi. Lợi nhuận mang lại từ trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP trong năm 2012 cao nhất đạt hơn 22 triệu đồng/ha, năm 2013 trên 18 triệu đồng/ha. Hiệu quả kinh tế từ mô hình VietGAP cao hơn từ 5 triệu – 8,8 triệu đồng/ha so với các mô hình sản xuất thông thường không áp dụng theo quy trình VietGAP. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình các hộ sản xuất chè trong toàn xã đã đăng ký sản xuất chè an toàn để cung cấp nguyên liệu cho xí nghiệp. Đến nay toàn xã Hùng Sơn đã nhân rộng trên 55 ha chè theo hướng VietGAP. 

Trên lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất,  các dự án KHCN thành công được nhân rộng còn có nhiều dự án, như Dự án nuôi cá trắm đen trên hồ Thủy điện Bản Vẽ đã mở rộng hơn 200 lồng nuôi cá trên địa bàn huyện Tương Dương và một số lồng tại các huyện khác; mô hình sản xuất giống ngao tại Quỳnh Lưu; sản xuất giống chuối tiêu hồng bằng kỹ thuật nuôi cấy mô, sản xuất giống nấm ăn và nấm dược liệu, giống chanh leo, bò Mông, bò U rìu; kỹ thuật nâng nhiệt sản xuất và lưu giữ giống cá lóc đen trong mùa Đông, sinh sản nhân tạo cá lăng chấm...

Chú trọng phát triển KHCN

Trong những năm qua, tỉnh ta đã quan tâm, chú trọng đưa ra nhiều chính sách để phát triển KHCN. Từ 2011 - 2015, tỉnh đã ban hành 25 văn bản trong lĩnh vực KH&CN; trong đó có 4 nghị quyết; 4 đề án; 1 kế hoạch và 16 quyết định, quy định, quy chế khác. Nhìn chung, các đề án, kế hoạch, quy định, quy chế đã và đang phát huy được hiệu quả trong quản lý KH&CN trên địa bàn tỉnh. Quyết định số 24/2014/QĐ-UBND về việc ban hành cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ mới, đổi mới công nghệ, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa của tỉnh nhà, đối với các dự án đầu tư công nghệ mới; dự án đổi mới công nghệ, cải tiến công nghệ; dự án nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHCN đều có mức hỗ trợ cụ thể trong các lĩnh vực. Mới đây, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 23/2015/QĐ-UBND về việc ban hành quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, trình tự, thủ tục hưởng chính sách ưu đãi; tiêu chí, thủ tục công nhận dự án công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020. 

Trang trại chăn nuôi gà của ông Lê Văn Sáu (Diễn Trung, Diễn Châu) áp dụng đệm lót sinh học. Quỳnh Lan
Trang trại chăn nuôi gà của ông Lê Văn Sáu (Diễn Trung, Diễn Châu) áp dụng đệm lót sinh học. Quỳnh Lan

Đối với việc tổ chức hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh, trong giai đoạn 2011 - 2014, UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện 12 chương trình KH&CN với 226 đề tài, dự án KH&CN cấp tỉnh đã và đang được triển khai, trong đó có 149 đề tài, dự án đã hoàn thành và được nghiệm thu. Riêng năm 2013 tổng số đề tài, dự án KHCN triển khai thực hiện do Sở KHCN quản lý là 149, trong đó 96 đề tài chuyển tiếp, thực hiện giai đoạn II gồm 49 đề tài, dự án mới. Trong năm nay đã nghiệm thu 46 đề tài, dự án. Kết quả thực hiện các đề tài, dự án đã giúp các tổ chức KH&CN, các doanh nghiệp và các địa phương tiếp nhận, làm chủ và phát triển gần 60 quy trình kỹ thuật thật sự mang lại hiệu quả thiết thực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, có giá trị về mặt khoa học và đời sống. Năm 2014, tổng số đề tài, dự án KH&CN triển khai thực hiện do sở quản lý trong năm gồm 107, trong đó chuyển tiếp của năm 2012, 2013  gồm 60 đề tài, dự án và 47 đề tài, dự án được tổ chức triển khai mới trong năm 2014. Trong năm đã nghiệm thu 29 đề tài, dự án. Kết quả thực hiện các đề tài, dự án đã giúp các tổ chức KH&CN, các doanh nghiệp và các địa phương tiếp nhận, làm chủ và phát triển trên 60 quy trình kỹ thuật. Những tiến bộ đã được ứng dụng trong lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, bảo đảm quốc phòng- an ninh trên địa bàn tỉnh. Cụ thể: đã đưa năng suất lúa bình quân lên 53,81 tạ/ha, cao hơn năm 2013 là 8,6%; năng suất mía đạt 612 tạ/ha, tăng 11,2% so với năm 2013; năng suất chè 116 tạ/ha, sản lượng đạt 71.000 tấn… Trong lĩnh vực thủy sản, đã đưa tổng sản lượng thủy sản đạt 144.598 tấn, tăng 8,04%...

Qua quá trình thực hiện các đề tài khoa học công nghệ cũng đã tiến hành khảo nghiệm, thử nghiệm thành công một số loại cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt như giống đậu xanh, đậu đỏ để khuyến cáo thay thế dần cây vừng trên đất lạc xuân. Nuôi thương phẩm cá rô đầu vuông, cá chiên, cá rô phi NOVIT 4 đơn tính nhằm đa dạng hóa các loài nuôi trồng thủy sản nước ngọt và phát huy lợi thế đặc thù ở Nghệ An và thay thế những cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả. Đặc biệt là giống lúa thảo dược Vĩnh Hòa được cấp bằng bảo hộ công nghiệp giống cây trồng, mở rộng diện tích sản xuất trên 6.000 ha trong vụ xuân 2014 trên toàn quốc.

Theo ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở KHCN Nghệ An, các đề tài khoa học công nghệ có hiệu quả trên địa bàn tỉnh chiếm 70%, (mức bình quân chung của cả nước là 60%), 30% còn lại là hiệu quả thấp hoặc không nhân rộng được. Thành công của các đề tài, dự án KHCN được áp dụng vào thực tiễn trong thời gian qua đã làm thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Ấy là cái được lớn của KHCN đem lại cho xã hội, qua đó từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Quỳnh Lan - Văn Trường

Tin mới

Nhận diện U19 Sông Lam Nghệ An ở mùa giải 2023

Nhận diện U19 Sông Lam Nghệ An ở mùa giải 2023

(Baonghean.vn) - Lực lượng của U19 Sông Lam Nghệ An năm nay có sự ghép nối của 3 lứa tuổi và họ chỉ có một thời gian ngắn để hòa nhập cùng nhau. Tuy nhiên, qua trận đấu mở màn Giải U19 Quốc gia 2023, đội bóng của huấn luyện viên Nguyễn Văn Vinh đã mang đến những điểm sáng đáng để chờ đợi.
Nghệ An: Thông tin nổi bật ngày 26/3

Nghệ An: Thông tin nổi bật ngày 26/3

(Baonghean.vn) - Nghệ An chính thức công bố phương thức tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023 - 2024; Hỗ trợ xây dựng mô hình xử lý chất thải sinh hoạt cấp huyện; Nhiều vườn cây cao su đang trong độ tuổi cho khai thác đã bị đốn hạ... là những thông tin nổi bật trong ngày 26/3.