Bài 1: Một dải trù phú

17/05/2013 20:55

Đường Hồ Chí Minh - con đường “tuyến lửa” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta. ở Nghệ An, đường Hồ Chí Minh chạy qua địa phận 29 xã của 4 huyện: Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Anh Sơn và Thanh Chương, dài 134 km. Đã 6 năm kể từ khi con đường Hồ Chí Minh đưa vào sử dụng, đã đem đến luồng ánh sáng văn hóa cho người dân dọc 2 bên cung đường này...

(Baonghean) - Đường Hồ Chí Minh - con đường “tuyến lửa” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta. ở Nghệ An, đường Hồ Chí Minh chạy qua địa phận 29 xã của 4 huyện: Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Anh Sơn và Thanh Chương, dài 134 km. Đã 6 năm kể từ khi con đường Hồ Chí Minh đưa vào sử dụng, đã đem đến luồng ánh sáng văn hóa cho người dân dọc 2 bên cung đường này...

Những ngày đầu tháng 5, nắng như đổ lửa, chúng tôi quyết định thực hiện chuyến đi dọc tuyến đường Hồ Chí Minh. Điểm đầu xuất phát từ km 632+300, bên kia là địa phận huyện Như Xuân (Thanh Hóa), bên này là xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An). Ấn tượng đầu tiên nơi giáp ranh này là hình ảnh 2 nhà máy, phía bên Thanh Hóa là Nhà máy chế biến gỗ công nghiệp – Tổng Công ty Thành Nam (Ninh Bình); bên Nghệ An là Nhà máy Bột đá Nguyên Lộc. Từng chuyến xe ô tô tải chở đầy gỗ keo từ Thanh Hóa vào, Nghệ An ra, cung cấp nguyên liệu. Còn Nhà máy Bột đá Nguyên Lộc thời điểm này đang ngừng hoạt động. Suốt ngần ấy chiều dài của cung đường Hồ Chí Minh là trường học mới xây, là những xóm nhà dân xum xuê mái ngói, xum xuê vườn cây ăn quả. Là những triền mía, rừng keo xanh ngắt trong cái nắng gay gắt. Là rất nhiều giọng nói khác nhau. Họ là những con người góp công sức để làm đẹp cho cung đường này...



Người dân xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Đàn) vận chuyển
chuối hàng hóa.

Tôi dừng chân bên một quán nước ven đường, chủ hàng là người đàn ông trạc 50 tuổi, tên Bình. Ông là một nông dân, không may bị tai nạn lao động, liệt cả 2 chân. Hơn 10 năm nay, ông phải ngồi xe lăn. Bán hàng là công việc duy nhất đối với ông để giúp vợ con từ nhiều năm này. Ông Bình trò chuyện: Khi đường đang khởi công xây dựng, ông bàn với vợ mạnh dạn mua một mảnh đất vườn của người ta để làm cái quán nhỏ, bán nước giải khát cho khách đi đường. Còn vợ ông, vì không có ruộng nên nhận đất đồi để trồng sắn, mía, rảnh việc thì đi làm thuê. Ông Bình, thổ lộ thêm: May mà vùng này có 2 nhà máy nên lao động ở đây có việc làm. Ruộng nước ít, lực lượng lao động trẻ không có ruộng sản xuất, nên vào làm công nhân phổ thông cho nhà máy. Tiền công tuy không cao, nhưng giải quyết việc làm tại chỗ, và có thu nhập cao hơn làm nông nghiệp.

Dọc hai bên đường, qua 2 xã: Nghĩa Lâm và Nghĩa Sơn, đang là những ngày thu hoạch dưa hấu. Những cánh đồng dưa bạt ngàn, vươn xa tận chân đồi. Những chiếc xe ô tô vận tải mang biển Thanh Hóa, Hà Tây, Ninh Bình… đậu hai bên đường để mua dưa, vận chuyển đi tiêu thụ. Vợ chồng anh chị Vân Bảy, ở xã Nghĩa Lâm, vụ này trồng 25 sào dưa hấu, nhưng theo anh chị là lãi không bằng năm ngoái trồng 15 sào. Nguyên nhân là giá bán dưa năm nay thấp hơn nhiều so với năm trước. Năm nay, nếu bán sỉ tại ruộng 2,5-3 nghìn đồng/kg, nếu bán lẻ dọc đường 4-5 nghìn đồng/kg. Còn năm trước, bán tại ruộng 4-5 nghìn đồng/kg. 15 sào dưa, năm ngoái vợ chồng anh chị thu về 150 triệu đồng, còn 25 sào dưa năm nay chỉ bán được hơn trăm triệu đồng.

Ngoài dưa hấu, chúng tôi còn nhìn thấy từ xa trên các triền đồi là những vạt chuối. Thỉnh thoảng, bắt gặp những người đi xe gắn máy chở đầy chuối xanh chạy về xuôi. Anh Minh, quê ở cầu Giát (Quỳnh Lưu) là người chuyên đi buôn chuối xanh, bộc bạch: “Chuối người ta trồng ở đây rặt chuối mốc, chuối tiêu, dùng để thắp hương vào các ngày mồng 1 và rằm hàng tháng. Ngày nào tôi cũng ngược vùng này để mua chuối về phục vụ nhu cầu của người dân vùng miền xuôi. Mua tại vườn buồng nhỏ 20 nghìn đồng, buồng to 30 nghìn đồng. Mỗi chuyến, một chiếc xe máy chở khoảng gần 2 tạ chuối về xuôi...”.

Trung tâm xã Nghĩa Lâm, cách đường Hồ Chí Minh chừng 1 km, là nơi giao lưu hàng hóa của người dân nhiều địa phương lân cận, bởi ở đây có chợ Nghĩa Lâm, chợ họp mỗi ngày một phiên, là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân các xã: Nghĩa Lâm, Nghĩa Sơn, Nghĩa Yên, Nghĩa Minh và cán bộ CNVC Công ty sữa TH. Bà Nguyễn Thị Thành Vinh – Chủ tịch UBND xã cho biết: Nhờ có đường Hồ Chí Minh chạy qua gần trung tâm xã mà đời sống người dân được cải thiện, từ kinh doanh dịch vụ, và bộ mặt dân cư ngày càng đẹp hơn.

Lợi thế của địa phương là đất màu trù phú, màu mỡ, rất thuận lợi để trồng các loại cây màu ngắn ngày. Đặc biệt, những năm gần đây, xã có chủ trương trồng dưa hấu hàng hóa, được người dân trồng và mang lại hiệu quả cao. Năm 2012, toàn xã trồng được 70 ha dưa hấu, năm nay tăng lên 109 ha. Quả dưa trồng ra, đến ngày thu hoạch, khách hàng từ phía Bắc đánh ô tô vào tận ruộng thu mua bằng hết. Ngoài ra, bà con còn tận dụng thời gian, và lợi dụng tuyến đường Hồ Chí Minh, dựng lều tạm, bày bán 2 bên đường cho khách đi đường.

Bà Vinh cho biết thêm: Từ ngày có Công ty sữa TH hoạt động trên địa bàn, đã có 500 lao động trẻ, có tay nghề được tuyển vào làm công nhân cho công ty. Và đã có 450 ha đất sản xuất của xã chuyển giao cho Công ty sữa TH. Bên cạnh đó, cũng nảy sinh bất cập đối với một số lao động của địa phương. Đó là còn khoảng 300 lao động, tuổi trên 40 do không có tay nghề nên không được Công ty sữa TH tuyển dụng. Đất sản xuất không có nữa, đồng nghĩa với không có việc làm. Buộc người ta phải tìm mọi kế sinh nhai, từ kinh doanh dịch vụ, buôn bán tại chợ, đến đi vào Nam tìm việc làm. Bên cạnh những thuận lợi đem đến từ khi có đường Hồ Chí Minh, là kèm theo những hệ lụy không đáng có, đó là tai nạn giao thông và nạn buôn bán hàng cấm. Không ít vụ tai nạn giao thông chết người do người điều khiển xe máy, ô tô, xẩy ra trên đường Hồ Chí Minh, rồi một số đối tượng lợi dụng tuyến đường này để buôn bán, vận chuyển hàng hóa trái phép, đã bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.

Ngã tư Đông Hiếu - nơi giao tiếp giữa đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 48, là một trong những điểm sôi động trên tuyến đường này. Tại ngã tư đã có siêu thị điện máy, cùng nhiều loại hình dịch vụ khác rất phong phú, đa dạng. Trên đường đi, chúng tôi nhìn thấy nhiều cổng làng văn hóa, rồi chúng tôi cũng ghé vào cổng Làng Văn hóa Đông Hà (xã Đông Hiếu) được xây dựng kiên cố ngay cạnh đường Hồ Chí Minh. Bước vào cổng làng, cái cảm giác mát mẻ được tỏa ra từ rừng keo hai bên con đường dẫn vào làng đã được đổ bê tông. Ông Hoàng Đức Mỳ - xóm trưởng, cho biết, xóm có 126 hộ, là nơi hội tụ của nhiều giọng nói, từ Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nam Đàn, Thanh Hóa… từ khi thành lập Nông trường Đông Hiếu, năm 1956 đến nay. Do vậy, phần lớn những người cao tuổi ở đây là cán bộ, công nhân của nông trường nghỉ hưu. Đất đỏ bazan ở đây rất thuận lợi cho các loại cây trồng dài ngày: cà phê, cam, nên từ trước đến nay người dân vẫn bám trụ với các loại cây trồng này. Chỉ có một nỗi, con em sinh ra không được chia đất, nên lớn lên không có việc làm, buộc phải tìm việc làm từ nhiều cách khác nhau: XKLĐ, vào Nam, ra Bắc…

Nhà ông xóm trưởng có 3 đứa con, đã đến tuổi trưởng thành. Do học hành không đỗ đạt các trường đại học, nên cả 3 người con đều đi lao động ở nước ngoài. Nói về con đường Hồ Chí Minh, ông Mỳ khẳng định, đây không chỉ là niềm tự hào của đất nước mà còn là cái “xương sống” để nhiều địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Nói gì chuyện lớn, ngay cả bà con trong xóm, trước đây trồng được cây chuối, khi quả chín, bán không được mà dùng cũng chẳng hết. Nhưng từ khi đường Hồ Chí Minh xây dựng, xe cộ đi lại dễ dàng, mỗi buồng chuối xanh cũng bán được 30 nghìn đồng. Đất này trồng chuối hạp lắm, nên gia đình nào cũng trồng chuối để bán cho lái buôn. Ngay cả cái cổng làng, trước đây ngoảnh ra đường 15a, nhưng từ khi Nhà nước đo đạc để đầu tư nâng cấp đường Hồ Chí Minh, thì xóm chuyển hướng ngoảnh ra đường Hồ Chí Minh. Mỗi khi người dân trong xóm cần đi đâu xa, chỉ cần đi bộ ra đầu làng để đón xe khách.

Mỗi địa phương đều có lợi thế riêng, có cách làm riêng. Chúng tôi đều cảm nhận được sự trù phú của dải đất này, và con người ở đây đang vận dụng sự thuận lợi của con đường Hồ Chí Minh để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội...


Bài, ảnh: Xuân Hoàng

Mới nhất
x
Bài 1: Một dải trù phú
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO