Bài 1: Ngổn ngang Xốp Lằm

06/10/2011 15:48

Thời gian qua, người dân tại một số khu tái định cư Thủy điện Bản Vẽ đã rời bỏ nơi ở mới để tìm về nơi ở cũ trong khu vực lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, huyện Tương Dương. Bên cạnh đó, dù Thủy điện Bản Vẽ đã chính thức đi vào phát điện hơn 1 năm nay, nhưng trong khu vực lòng hồ vẫn còn gần 50 hộ chưa chịu di dời... Cuộc sống của bà con nơi đây đang ngổn ngang, tạm bợ và gặp nhiều nguy hiểm.

(Baonghean) - Thời gian qua, người dân tại một số khu tái định cư Thủy điện Bản Vẽ đã rời bỏ nơi ở mới để tìm về nơi ở cũ trong khu vực lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, huyện Tương Dương. Bên cạnh đó, dù Thủy điện Bản Vẽ đã chính thức đi vào phát điện hơn 1 năm nay, nhưng trong khu vực lòng hồ vẫn còn gần 50 hộ chưa chịu di dời... Cuộc sống của bà con nơi đây đang ngổn ngang, tạm bợ và gặp nhiều nguy hiểm.

Từ bến thượng lưu đập thủy điện, chúng tôi lên thuyền máy ngược dòng Nậm Nơn đi sâu vào lòng hồ Bản Vẽ; con thuyền nhỏ 6 người ngồi chòng chành rẽ nước xanh, để lại đằng sau hai hàng bọt trắng xóa. Anh lái thuyền Lương Văn Thắng cho biết: để vào đến bản thuộc diện di dời gần nhất là 40 km đường sông, mất 1h30 phút chạy thuyền. Trước đây anh từng chở rất nhiều người dân các bản di dời khỏi lòng hồ, thời gian gần đây lại chở rất nhiều người quay lại.

Bản Xốp Lằm (thuộc xã Hữu Dương trước đây) từ từ hiện ra sau khói sóng, với hơn 20 mái nhà sàn lợp lớp tranh sẫm màu mục nát nằm nem nép dưới chân sườn núi, mép nước hồ. Một vài sườn núi vừa sạt đổ do những cơn mưa lớn vừa rồi, lộ ra màu đất đỏ như một vết thương...Thử thách đầu tiên Xốp Lằm dành cho chúng tôi là thuyền phải lách tránh qua những chiếc nhà - bè thả trôi, những con thuyền gỗ rách, mủn xanh rêu neo trước bản. Bước khỏi thuyền, vượt qua bãi bùn lầy là lên bản. Người lớn thì ngồi trong nhà nhìn ra và đám trẻ con chơi dưới sàn. Anh Ngân Văn Oanh, 40 tuổi, người Thái, mời khách lên thăm nhà cho biết: Thực hiện chủ trương của Nhà nước, gia đình anh di dời ra khỏi lòng hồ sang bản Chà Lãnh, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong để định cư. Nhưng tại nơi ở mới một phần vì không thích nghi được cách làm ăn, lại thiếu đất sản xuất nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Không tìm được sinh kế, anh Oanh đã đưa cả gia đình về đất cũ để sinh sống. Về đây đã gần 2 năm, hàng ngày gia đình đốt nương phát rẫy, đánh bắt cá, con cái thì ở nhà; Vụ mùa này, rẫy nhà anh Oanh gieo hết 7 kg giống. Oanh so sánh: ở bên kia đường xá, nhà ở thì tốt, con cái được học hành nhưng bố mẹ lại khổ vì không kiếm được cái ăn. Về đây dễ kiếm gao và thức ăn. Lòng hồ nhiều cá, mỗi ngày cũng đánh được 2-3 yến cá đem đổi gạo và bán. Nhưng xung quanh là nước mênh mông, con cái không thể đến trường; ốm đau phải tự chạy chữa. Chuyện học hành của các con, không biết tính ra sao. Nhưng đường nào cũng chỉ chọn một mà thôi... Góp chuyện cùng, con rể của anh Ngân Văn Oanh là Lương Văn Hương, 29 tuổi, cho hay: Sống bên hồ thế này biết là rất nguy hiểm nhưng dù sao cũng kiếm được cái ăn, chứ nơi ở mới không biết cách kiếm tiền. Cả nhà vẫn thích, muốn ở lại nơi đây hơn...



Bến thuyền của những cư dân bỏ Khu tái định cư trở về lòng hồ
ở bản Xốp Lằm.



Phóng viên Báo Nghệ An phỏng vấn cư dân ở bản Xốp Lằm.

Chia tay gia đình anh Ngân Văn Oanh, chúng tôi tiếp tục hành trình leo lên sườn đồi đất trơn như mỡ đến nhà anh Kha Văn Tỉnh. Rít thuốc lào sòng sọc, anh Tỉnh cho hay: nhà anh cũng tương tự như gia đình anh Oanh di cư theo nguyện vọng về Quế Phong. 2 con anh đã bỏ học. Nhà có 4 miệng ăn nhưng nơi ở mới không có đất sản xuất; làm ruộng nước diện tích thì ít, lại chưa quen việc, tiền bồi thường đã ăn tiêu hết không đủ mua đất ở Quế Phong nên cả nhà anh cũng kéo về bản cũ. Trước là để làm ăn, núi rừng mênh mông tha hồ phát rẫy; sau là chờ tiền Nhà nước bồi thường đất sản xuất của già đình mà bản thân anh không nhớ rõ là 3 hay 4 ha gì đó. Anh Tỉnh cho biết thêm: Quay về đây thì cán bộ huyện, xã Hữu Khuông cũng đến hỏi thăm hỏi động viên. Bà con bản Xốp Lằm di cư theo nguyện vọng về Quế Phong nay trở lại đây hết rồi.

Bản Xốp Lằm trước đây có 25 hộ/25 hộ di cư thì nay đã có trên 13 hộ đưa tất cả thành viên trở lại; một số hộ khác thì gửi các con, nhà cửa cho bà con anh em ở lại nơi ở mới để quay trở lại Tương Dương làm ăn - anh Lương Văn Thy, 47 tuổi, bản Xốp Lằm cho hay: Gia đình anh di cư về xã Yên Khê, huyện Con Cuông, tiền đền bù hỗ trợ của Nhà nước đã giúp anh mua được nhà, ruộng đất đủ sản xuất và cho thu hoạch đủ sống. Nhưng để có tiền cho hai con còn đi học đại học và cao đẳng nên vợ chồng anh quay lại lòng hồ để làm thêm; nhà cửa, ruộng vườn ở Con Cuông thì bố mẹ già canh. Về Xốp Lằm, anh Thy vớt gỗ trôi, chặt tre mét làm nhà bè; mua thuyền máy chở khách và làm thêm ít rẫy. Anh Thy tiết lộ: Cuộc sống ở nơi ở mới đúng là bước đầu khó khăn thật, nhưng nếu siêng năng, học hỏi làm theo người khác thì cuộc sống cũng sẽ ổn. Mấy hộ vừa nói chuyện với nhà báo chưa nói thật đâu: Họ mong muốn về đây quá nên nói vậy chứ thực ra làm rẫy, đánh cá ở đây không ăn thua. Lúa và cá chỉ đủ ăn thôi, không có chuyện ngày được mấy chục cân đâu... Trên cái nhà bè của Lương Văn Thy, chúng tôi gặp được anh Lương Thanh Minh (cháu ruột của anh Thy, ở bản Xốp Lằm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương về thăm). Anh Minh kể về cuộc sống nơi ở mới: Chủ trương của Nhà nước thì mình phải thực hiện nghiêm, tiền di chuyển, ổn định cuộc sống không đủ thì vay mượn anh em rồi trả sau, tất cả vì lợi ích của đất nước. Tại nơi ở mới, điện, đường, trường, trạm, hạ tầng xã hội thuận lợi hơn nhiều, song những khó khăn do bà con nêu là có thật: Trước hết là khó khăn thay đổi phương thức sản xuất từ đốt nương sang làm lúa nước; đất đai có hạn không giống như đất đai lúc xưa nên gặp khó khăn trong trồng trọt và chăn nuôi. Gia đình lúc giao đất vì đi khỏi nên chưa được nhận. Ở dưới đó anh đi làm thuê, chặt keo, trồng sắn, trồng chè đủ sống qua ngày nhưng một khi thời tiết không thuận lợi, không đi làm được thì cả nhà đành chịu đói. Cả bản Xốp Lằm ở Thanh Chương chưa ai có ruộng nước như được hứa. Tuy nhiên trong xã cũng có bà con thích nghi được cách làm ăn mới mà trở nên giàu có, mua được ô tô. Đợt này anh Minh về nếu thấy làm ăn được thì gửi các cháu ở lại Thanh Chương để học hành, còn bản thân thì lên đây làm rẫy, đánh cá và... đốt rừng.

Mặt hồ Bản Vẽ những ngày sau mưa cơ man những cành cây, gốc gỗ chìm nổi. Cuộc sống những người thuộc diện di dời nay quay về bản Xốp Lằm, huyện Tương Dương cũng ngổn ngang như thế: Nhà cửa tạm bợ, con cái không được đến trường, không điện và nước sạch, cuộc sống gặp nhiều nguy hiểm, trong điều kiện thiện tai rủi ro gây ra cũng không thể được cứu trợ kịp thời do địa hình bị chia cắt sâu, tách biệt. Họ đang sống trong cảnh nhiều nhà tụ cư lại và tự chăm sóc lẫn nhau, không thuộc về một cộng đồng nào đồng nghĩa với việc không nhận được những tiện ích, sự chăm lo của toàn xã hội. "An cư, lạc nghiệp", một bộ phận người dân thuộc điện di dời bản Xốp Lằm quay về nơi ở cũ đã và đang nhầm đường, tự đi vào ngõ cụt...


Trần Hải - Thành Chung - Công Kiên

Mới nhất
x
Bài 1: Ngổn ngang Xốp Lằm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO