Bài 1: Nhiều phiền hà cho đối tượng thụ hưởng

23/07/2012 19:12

Ngày 14/5/2010, Chính phủ ban hành Nghị định 49/2010/NĐ-CP về Quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Theo quy định mới, từ năm học 2010-2011, sinh viên thuộc diện miễn, giảm học phí vẫn phải đóng học phí cho trường, sau đó gia đình sẽ được địa phương hoàn trả lại khi có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ. Tuy nhiên, đến nay đã chuẩn bị bước vào năm học mới 2012-2013, nhưng nhiều gia đình thuộc đối tượng được miễn, giảm, hỗ trợ vẫn mong chờ hoàn trả học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2010-2011...

(Baonghean) - Ngày 14/5/2010, Chính phủ ban hành Nghị định 49/2010/NĐ-CP về Quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Theo quy định mới, từ năm học 2010-2011, sinh viên thuộc diện miễn, giảm học phí vẫn phải đóng học phí cho trường, sau đó gia đình sẽ được địa phương hoàn trả lại khi có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ. Tuy nhiên, đến nay đã chuẩn bị bước vào năm học mới 2012-2013, nhưng nhiều gia đình thuộc đối tượng được miễn, giảm, hỗ trợ vẫn mong chờ hoàn trả học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2010-2011...

Gia đình chị Nguyễn Thị Thoa ở khối 1, Nghi Tân (TX. Cửa Lò) có hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn (chồng chị mất cách đây 6 năm), mọi chi tiêu trong gia đình đều phụ thuộc vào chiếc xe đẩy bán hàng rong của chị. Mặc dù vất vả, nhưng bù lại các con của chị đều chăm ngoan, học giỏi. Hai con gái của chị là Nguyễn Thị Thu Nga hiện đang là sinh viên năm thứ 4 Khoa Kinh tế, Đại học Vinh và Nguyễn Hải Yến gần đây cũng thi đỗ chuyên Toán Đại học Vinh, nhưng em cho biết vì điều kiện gia đình không cho phép học xa nhà nên sẽ học 1 trường cấp 3 tại địa phương. Thuộc diện hộ nghèo, lại là vùng bãi ngang, năm học 2010-2011, mới đây, cô chị đã được cấp bù 2,8 triệu đồng tiền học phí, còn cô em thì được nhận 2,7 tháng tương đương 189.000 đồng tiền hỗ trợ đồ dùng học tập (nhận đủ là 5 tháng). Tuy nhiên, năm học 2011-2012 dù đã hoàn tất thủ tục gửi lên UBND phường, song, đến nay chưa nhận được tiền hỗ trợ. Trong khi đó, năm học mới đang cận kề, nỗi lo các khoản đóng góp đầu năm lại đè nặng.



Em Nguyễn Hải Yến, con gái chị Nguyễn Thị Thoa ở khối 1 Nghi Tân (TX. Cửa Lò) giúp mẹ bán hàng.

Cách nhà chị Thoa không xa là hộ ông Hoàng Trị Long. Em Hoàng Thị Lài - con gái ông Long hiện đang theo học tại Trường Cao đẳng GTVT. Năm học 2010-2011 do hồ sơ nộp chậm (trường thu học phí chậm hơn so với các trường CĐ, ĐH khác) nên đến nay vẫn chưa được cấp bù học phí. Ông Long cho biết, 2 năm học riêng khoản đóng học phí là 5 triệu đồng, hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải vay mượn khắp nơi để cho con đóng góp. Trong khi gia đình ông đang tiếp tục làm giấy tờ để nhận tiền hỗ trợ học phí của năm học 2012-2013 thì tiền học phí năm học 2010-2011 và 2011-2012 vẫn chưa được nhận.

Nghi Tân là địa phương thuộc khu vực bãi ngang được hưởng trợ cấp theo Nghị định 49/NĐ-CP. Song, không chỉ chị Thoa, ông Long mà nhiều gia đình ở Nghi Tân có con là học sinh, sinh viên thuộc đối tượng được miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đang chờ hoàn trả học phí, nhận tiền hỗ trợ. Vì chậm trễ, thủ tục rườm ra, nhiều gia đình nản chí, không muốn làm hồ sơ. Năm học 2011-2012, hiện mới chỉ có 2 phường là Nghi Tân và Nghi Thu gửi danh sách lên phòng LĐTB&XH với 2.428 đối tượng được xét duyệt hỗ trợ chi phí học tập với tổng tiền hơn 1,5 tỷ đồng (trong đó có tồn đọng của năm học 2010-2011 là 41,5 triệu đồng). Quy trình lòng vòng đó không chỉ gây phiền hà cho gia đình mà còn gây khó khăn cho cơ quan thực hiện.

Chị Hoàng Thị Mỹ Dung – Trưởng phòng LĐTB&XH Thị xã Cửa Lò cho hay, vì nhà trường có nơi thu trước nơi thu sau, thời gian không phải cùng một lúc nên hồ sơ các đối tượng nộp về cho phường, xã không cùng thời gian khiến cho việc tổng hợp xét duyệt tại phòng cũng vì thế rườm rà, chậm trễ. Việc thực hiện lại được phân thành nhiều cơ quan, đối với miễn, giảm học phí có phòng Giáo dục - Đào tạo thực hiện (đối tượng mầm non, tiểu học, THCS), Sở Giáo dục - Đào tạo (đối tượng THPT), và phòng Lao động-Thương binh và Xã hội (THCN, CĐ, ĐH). Riêng khoản hỗ trợ học tập (70.000 đồng/người/tháng) dành cho cấp học mầm non và THCS lại do phòng LĐTB-XH thực hiện.

Trước những bất cập đó, hiện nay việc thực hiện Nghị định 49 nhìn chung rất chậm. Tại địa bàn TX.Cửa Lò, về cấp bù học phí năm học 2010 -2011 cơ bản chi trả xong (trừ đối tượng nộp chậm hồ sơ) với tổng số tiền hoàn trả là 600 triệu đồng cho 312 đối tượng thuộc 7 phường được hưởng. TX.Cửa Lò cũng đã chi trả khoản hỗ trợ đồ dùng học tập cho 2.535 đối tượng con em vùng bãi ngang và 2.310 đối tượng là con em thuộc diện hộ nghèo (70.000 đồng/tháng) với tổng kinh phí hỗ trợ 1,120 tỷ đồng. Mỗi đối tượng mới được chi trả 2,7 tháng của năm học 2010-2011 (năm học này được hưởng 5 tháng tính từ ngày Nghị định có hiệu lực tháng 1/2010). Còn lại, năm học 2011-2012 chưa được chi trả. Việc chậm trễ này đã gây không ít khó khăn cho những gia đình học sinh, sinh viên nghèo, khi họ phải trả lãi suất tiền vay để đóng trước học phí.

Tìm hiểu được biết, do trình tự, thủ tục hồ sơ xác nhận miễn, giảm học phí rườm rà và phương thức, cơ chế cấp bù bất cập đã gây nhiều khó khăn, phiền hà cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách này. Ông Mai Văn Minh – Phó Chủ tịch HĐND Thị xã Cửa Lò cho biết: Đợt tiếp xúc cử tri mới đây, rất nhiều cử tri TX. Cửa Lò phản ánh việc chi trả tiền hỗ trợ học phí học tập theo quy định còn quá chậm, đến nay vẫn chưa nhận hết số tiền từ năm học 2010-2011. Nguyên nhân là nguồn kinh phí tỉnh chuyển về chậm, ông Minh cũng cho rằng: "Bất cập của chính sách này là sinh viên được thụ hưởng chính sách phải “đi đường vòng”. Nếu như trước đây, chỉ cần làm thủ tục xác nhận thuộc dạng chính sách nào là sẽ được miễn hay giảm học phí ngay tại trường nhưng với Nghị định và Thông tư hướng dẫn việc thực hiện miễn, giảm học phí hiện nay thì các em phải đóng học phí cho trường, sau đó lại phải trở về địa phương để lấy lại học phí".

Và không chỉ ở TX.Cửa Lò, cử tri nhiều địa phương tại các cuộc tiếp xúc cử tri đã phản ánh, chất vấn đại biểu Quốc hội về vấn đề này.

(còn nữa)


Việt Phương

Mới nhất
x
Bài 1: Nhiều phiền hà cho đối tượng thụ hưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO