Bài 1: Nhìn từ hai phía - chính quyền và người dân

01/04/2013 20:18

Công khai, minh bạch các quy định, thủ tục hành chính là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với các sở, ban ngành và chính quyền các cấp. Đây cũng là giải pháp góp phần giảm phiền hà, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, đồng thời tăng cường vai trò giám sát của nhân dân…

(Baonghean) Công khai, minh bạch các quy định, thủ tục hành chính là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với các sở, ban ngành và chính quyền các cấp. Đây cũng là giải pháp góp phần giảm phiền hà, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, đồng thời tăng cường vai trò giám sát của nhân dân…

Thực tế những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước. Đến nay đã có 22/25 sở, ngành, 20/20 huyện, thành, thị và 456/480 đơn vị cấp xã duy trì vận hành cơ chế một cửa, một cửa liên thông. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2680/QĐ-UBND ngày 18/7/2012 thành lập Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa liên thông trong lĩnh vực đầu tư đối với các dự án 100% vốn của nhà đầu tư, đầu tư trực tiếp vào các khu vực ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp. Các cơ quan trong hệ thống liên thông gồm: Văn phòng UBND tỉnh và các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên Môi trường, Tài chính và Công an tỉnh. Đây là một trong những điểm mới thể hiện quyết tâm cao của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư.

Ngoài các thủ tục hành chính đã công bố được công khai trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, đăng tải lên trang Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, UBND tỉnh cũng đã ban hành công văn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương công khai đầy đủ thủ tục hành chính trên các phương tiện thông tin của ngành, địa phương; niêm yết công khai tại các điểm tiếp nhận hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính. Tổng số TTHC được áp dụng thực hiện tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh (kể cả các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh: Công an, Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước, Cục Hải quan, Bảo hiểm xã hội) là 1.436 TTHC, tại UBND cấp huyện là 256 thủ tục, tại UBND cấp xã là 143 thủ tục. Hiện nay các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã cơ bản công khai, niêm yết thủ tục hành chính tại trụ sở, đăng tải lên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, trong đó Sở Kế hoạch Đầu tư với 240/1436 thủ tục, Cục Thuế tỉnh 179/1436 thủ tục, Sở NN và PTNT 86/1436 thủ tục...



Hoạt động tại một cửa liên thông ở Sở Giao thông vận tải. Ảnh: Sỹ Minh

Mặc dù đã đạt được một số kết quả, song việc thực hiện công khai, minh bạch thủ tục hành chính hiện nay ở nhiều địa phương, đơn vị còn mang tính đối phó, chiếu lệ và thiếu sự giám sát, làm cho hoạt động hành chính công còn nhiều phiền hà, nhũng nhiễu…

Gần đây, dư luận đang xôn xao về những việc làm thiếu minh bạch của cán bộ xã Thanh Chi (Thanh Chương) trong việc “khai tử” cho người còn sống, là thân nhân gia đình có công với cách mạng. Không những thế, cán bộ xã Thanh Chi còn chi trả sai chế độ, bớt xén tiền trợ cấp của người cao tuổi, người bị tàn tật, người bị bệnh tâm thần… với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng.

Còn ở Thị xã Thái Hòa, vào tháng 8/2012, TAND thị xã đã mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Văn Hùng (SN 1959), nguyên Chủ tịch UBND xã Đông Hiếu về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ". Trong vụ việc này, ông Nguyễn Văn Hùng với chức vụ là Chủ tịch UBND xã đã chỉ đạo cán bộ giao thông - thủy lợi, địa chính thu tiền làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 13 gia đình với tổng số tiền hơn 160 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này được bỏ ngoài sổ sách, chi tiêu sai nguyên tắc tài chính và trái quy định của pháp luật. Trên đây chỉ là vài trong số hàng loạt các sự việc đã bị phát giác, còn những sự việc đang khuất lấp, chưa được phát hiện chắc chắn là không ít.

Ông Nguyễn Chí Nhâm, Chánh thanh tra tỉnh cho rằng những sai phạm trên xuất phát từ động cơ cá nhân của cán bộ, công chức và sự thiếu minh bạch trong giải quyết các thủ tục hành chính ở cơ sở. Nguyên nhân căn bản của vi phạm có tính hệ thống trong thực hiện hành chính công ở các địa phương và các sở, ban, ngành là công tác minh bạch thủ tục hành chính hời hợt; quá trình thực hiện, cán bộ, công chức không hướng dẫn cụ thể cho người dân, không công khai giấy hẹn thời gian giải quyết công việc, cố tình kéo dài để nhận “bôi trơn”, lợi dụng trục lợi và cán bộ, lãnh đạo thiếu kiểm tra, đôn đốc.

Một lĩnh vực mà Thanh tra tỉnh đã và đang thanh tra xử lý ở các địa phương và sở, ngành là tính thiếu minh bạch trong giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Quy trình của công tác này nằm trong bộ thủ tục hành chính là sau khi tiếp dân, nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo thì đơn vị, cơ quan, địa phương cần công khai trả lời cho công dân biết về quy trình xử lý; công khai quyết định xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và công khai kết luận thanh tra. Thế nhưng, nhiều địa phương, đơn vị chưa thực hiện tốt công tác công khai, minh bạch dẫn đến đơn thư khiếu kiện vượt cấp, kéo dài, làm giảm niềm tin của nhân dân vào chính quyền sở tại.

Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện dân chủ xã phường, thị trấn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 2007 đã khẳng định vai trò to lớn của nhân dân trong việc “được biết, được bàn và kiểm tra” quá trình điều hành phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở. Pháp lệnh cũng đã quy định cụ thể các hình thức công khai gồm: Niêm yết công khai tại trụ sở hành chính, trên hệ thống truyền thanh của cấp xã, phường, thị trấn và công khai thông qua trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố để thông báo đến hộ dân, thậm chí trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bên cạnh thực hiện Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH, những năm qua chính quyền các cấp đã tăng cường thực hiện cải cách hành chính, tiến hành công khai, minh bạch những nội dung liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của nhân dân. Tuy vậy, ở nhiều địa phương và các sở, ban ngành, do quá trình thực hiện việc công khai, minh bạch các thủ tục hành chính còn mang tính hình thức, dẫn đến tình trạng người dân không biết các quy trình thủ tục liên quan, còn cán bộ, công chức thì nhũng nhiễu, phiền hà, “chờ có quà mới giải quyết”, hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để làm sai, trục lợi cá nhân ;các đường dây hoạt động của “cò” cũng xuất hiện từ việc không công khai, minh bạch thủ tục hành chính.

Ông Lê Bá Thiệu, Trưởng phòng kiểm tra và theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) Sở Tư pháp cho rằng, tính công khai, minh bạch của các thủ tục hành chính, VBQPPL thể hiện cả trong khâu xây dựng, ban hành văn bản. Trong sáu bước để soạn thảo, ban hành VBQPPL có hai bước quan trọng là lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động của văn bản trước khi ban hành và niêm yết công khai tại trụ sở, gửi đến khối xóm, phổ biến cho người dân. Thế nhưng, ở rất nhiều xã, phường, thị trấn thể hiện sự thiếu minh bạch, công khai ngay từ khi trước khi ban hành là không lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động của văn bản. Năm 2012, Sở Tư pháp tiến hành kiểm tra 12 huyện với tổng số 519 VBQPPL và 76.336 văn bản hành chính đã phát hiện 410 văn bản sai sót về thiếu tính minh bạch và không đúng quy định, trái thẩm quyền.

Việc công khai, minh bạch thủ tục hành chính là yêu cầu bắt buộc để thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Bởi vậy, một văn bản hành chính nếu muốn phát huy được hiệu quả cần phải thông qua nhiều kênh thông tin để tuyên truyền đến nhân dân. Trong vấn đề này, bên cạnh việc nhìn nhận vai trò của các cấp chính quyền, đồng thời cũng cần phải xét đến trách nhiệm nắm bắt, giám sát của người dân. Lâu nay, nhiều lĩnh vực hành chính được công khai niêm yết tại trụ sở xã, phường, thông báo qua hệ thống truyền thanh cơ sở và đến từng trưởng xóm, khối trưởng nhưng người dân thiếu quan tâm, không nắm rõ dẫn đến nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo không đúng thực tế, làm mất thời gian, công sức xác minh của các cơ quan chức năng.

Kết quả điều tra chỉ số “hiệu quả quản trị và hành chính công” năm 2011, qua điều tra hàng nghìn người dân ở 30 tỉnh, thành có đến trên 80% người trả lời không biết về thu chi ngân sách, không biết thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của xã, phường mình sống. Như vậy, chính người dân, hơn ai hết, phải là người chủ động trong việc nắm bắt các thông tin chính sách để vừa thực hiện đúng các thủ tục hành chính, đồng thời giám sát tốt việc quản lý các thủ tục ấy của các cấp lãnh đạo...


Nguyên Sơn - Khánh Ly

Mới nhất
x
Bài 1: Nhìn từ hai phía - chính quyền và người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO