Bài 1: Những công dân - giáo dân “sống tốt đời, đẹp đạo”

26/11/2012 14:34

(Baonghean) - Cộng đoàn giáo dân tỉnh Nghệ An hiện có 50.843 hộ, 257.010 nhân danh (chiếm trên 8%) dân số toàn tỉnh. Những năm qua, thực hiện lời huấn từ của Đức Giáo hoàng Bênêdictô XVI “Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”, trong phong trào "Sống tốt đời đẹp đạo", “Kính Chúa, yêu nước” của đồng bào công giáo đã xuất hiện nhiều gương người tốt, việc tốt, nhiều điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực…

Ở Giáo họ Nghĩa Tân, xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn, gia đình chị Nguyễn Thị Hải, anh Đinh Văn Huệ được biết đến như gia đình giáo dân kiểu mẫu trong phong trào thi đua yêu nước, “sống tốt đời, đẹp đạo”. Từ 2 bàn tay trắng, vợ chồng anh chị đã xây dựng cuộc sống ổn định từ mô hình sản xuất, chăn nuôi, dịch vụ vật liệu xây dựng cho thu nhập từ 120-150 triệu đồng/năm. Kinh tế gia đình khá giả, nhưng anh chị “chỉ dừng lại ở 2 con để nuôi dạy con khôn lớn”. Ngoài việc chăm lo tốt cho cuộc sống gia đình, anh chị còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện tại địa phương, xây dựng mối đoàn kết xóm giềng hòa thuận. Riêng chị Hải, với sự cố gắng vươn lên của bản thân còn được tín nhiệm bầu làm chi hội trưởng hội phụ nữ ở xóm có 60% đồng bào theo đạo công giáo. Năm 2011, chị được bầu vào BCH Hội Phụ nữ xã rồi trở thành đại biểu HĐND xã Nam Hưng nhiệm kỳ 2011-2012. Còn gia đình anh Nguyễn Văn Nhã, chị Phạm Thị Phúc ở xóm Đông Sơn, Giáo xứ Rú đất (xã Long Thành, Yên Thành) là 1 trong 12 gia đình giáo dân đạt Gia đình Văn hóa của xã. Anh Nhã nhiều năm liên tục được tín nhiệm bầu làm Phó trưởng ban hành giáo Giáo xứ Rú Đất kiêm xóm phó, còn chị Phúc là Ủy viên Ban Thường vụ Hội LHPN xã Long Thành và là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Đông Sơn. Không những tích cực hoạt động xã hội, anh chị còn động viên nhau phát triển kinh tế gia đình (làm 6 sào ruộng khoán, mở một xưởng mộc dân dụng, kết hợp chăn nuôi bò nhốt cho thu nhập khá, thành lập tổ mây tre đan xuất khẩu) để có điều kiện trang trải cuộc sống và nuôi dạy 2 cô con gái học hành tiến bộ. Hiện tại, con gái đầu của anh chị là sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Điện lực Hà Nội, cô con gái thứ hai đang là học sinh giỏi toàn diện của Trường THCS Bạch Liêu. Đến thăm gia đình giáo dân Nguyễn Trọng Đào, Giáo họ Yên Thịnh, xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng nguyên, chúng tôi thật sự ấn tượng và nể phục khi nhìn thấy hơn 100 giấy khen các loại của 6 người con, trong đó có 2 đại học chính quy đã ra trường; 1 đang học cao đẳng… được đóng khung treo trang trọng khắp 4 bức tường và theo như lời của gia chủ thì “đây là niềm tự hào, tài sản lớn nhất mà gia đình tôi có được”…



Mô hình trồng cam của giáo dân Nguyễn Hữu Bình
ở xóm Đồng Trung, xã Đồng Thành (Yên Thành)

Có thể nói, bên cạnh việc xây dựng tổ ấm yên vui, hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ với 35.037 gia đình giáo dân văn hóa trong toàn tỉnh, việc chăm lo học tập cho con em để có thể góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng được cộng đoàn giáo dân chú trọng. Trong các xứ, họ xuất hiện ngày càng nhiều gia đình có từ 1-5 con vào đại học, cao đẳng. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Trọng Lô ở Giáo họ Đông Phú, Giáo xứ Phú Lộc có 6 con tốt nghiệp đại học và trên đại học; Gia đình ông Phan Đức, Phan Sinh ở Giáo xứ Vinh Hòa có 5 con học đại học và trên đại học…

Trên lĩnh vực kinh tế, phát huy thế mạnh từng vùng, bà con giáo dân đã hăng hái thi đua sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, áp dụng tiến bộ KHKT nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, tích cực xóa đói giảm nghèo. Xuất hiện ngày càng nhiều mô hình, điển hình làm kinh tế giỏi trên các lĩnh vực, trong đó có những mô hình có mức thu nhập từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho nhiều lao động, như: Công ty cáp điện Sao Mai ở Khu công nghiệp Bắc Vinh do giáo dân Trịnh Xuân Giáo làm Giám đốc; gia đình ông Vũ Văn Đức ở Giáo xứ Xuân An, xã Quỳnh Xuân, huyện Quỳnh Lưu với 12 ha nuôi tôm thẻ chân trắng, mỗi năm cho thu nhập trên 50 tấn, lãi ròng trên 2 tỷ đồng; gia đình ông Nguyễn Hữu Kim, giáo dân họ Tri Lễ, xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn, với mô hình kinh tế trang trại và dịch vụ công nghiệp, tổng thu nhập ròng 1 năm hơn 600 triệu đồng... Tỷ lệ hộ khá, giàu trong cộng đoàn giáo dân toàn tỉnh là 41,30%, tăng 4,7% so với năm 2007; tỷ lệ hộ nghèo là 16,63% giảm 2,4%...

Tại hầu hết các xứ, họ, bà con giáo dân đã đóng góp hàng trăm nghìn ngày công, hàng tỷ đồng hiến đất, nguyên vật liệu, giải phóng mặt bằng… xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm góp sức xây dựng nông thôn mới, tạo cho diện mạo quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Điển hình như ở Quỳnh Lưu, bà con giáo dân đã mở rộng 20,56 km đường, trong đó đổ bê tông 17,2 km; ở Quy Chính (Nam Đàn) với sự giúp đỡ của cha xứ đã xây dựng 3.000m kênh tiêu rác thải làng nghề chế biến thực phẩm trị giá gần 200 triệu đồng..

Đáp lời mời gọi trong Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, như lời Đức Thánh cha “Thực thi bác ái là loan báo tin mừng”, những năm qua, nhân đức bác ái trong đạo Công giáo được phát huy và trở thành nét đẹp trong việc “sống đạo giữa đời” của các tu sĩ và tín hữu Công giáo. Cùng với đồng bào trong tỉnh, cộng đoàn giáo dân đã tham gia đóng góp xây dựng, tu sửa nhiều nghĩa trang liệt sỹ, hàng ngàn ngôi nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, ủng hộ hàng chục ngàn ngày công, hàng chục ngàn tấn gạo và các đồ dùng, vật tư khác trị giá trên 15 tỷ đồng, góp phần làm vơi đi nỗi đau, sưởi ấm bao mảnh đời bất hạnh, nhân lên niềm hy vọng cho bao gia đình. Điển hình như linh mục Nguyễn Đăng Điền – Quản xứ Nghi Lộc (xã Diễn Hạnh, Diễn Châu), Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết công giáo tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, người đã sáng lập Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, đón nhận, chăm sóc 42 trẻ trong nhiều năm nay; Tu viện Mến Thánh giá Xã Đoài cưu mang, giúp đỡ 62 trẻ em khuyết tật cơ nhỡ, hàng năm còn ủng hộ 400 triệu đồng làm từ thiện; Tu viện Mến Thánh giá Lưu Mỹ mỗi năm ủng hộ 35 triệu đồng giúp đỡ bệnh nhân phong. Ông Chu Quang Hùng ở Giáo xứ Đồng Tháp trợ cấp cho 5 hộ khó khăn từ năm 2011 đến nay mỗi tháng 100 nghìn đồng. Ông Nguyễn Văn Hiền ở Giáo xứ Làng Nam ủng hộ 200 triệu đồng xây trường mầm non… và còn biết bao tấm lòng nhân ái, nghĩa cử cao đẹp khác.

Giác ngộ sự hòa hợp giữa "đạo" và "đời", nhiều vị HĐMV ở các giáo xứ, giáo họ đã tích cực tuyên truyền vận động bà con giáo dân làm tròn bổn phận của người công dân "kính Chúa, yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo, chấp hành nghiêm chủ trương chính sách pháp luật của Nhà nước, quy ước của địa phương”. Họ tự nguyện là cầu nối giữa chính quyền và đồng bào giáo dân, giữa xã hội và giáo hội để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Điển hình như ông Phùng Trọng Sáng- người có thâm niên làm Chủ tịch Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Bột Đà 20 năm, Chủ tịch Hội đồng Mục vụ Giáo hạt Bột Đà 3 năm, Trưởng ban giáo lý hạt Bột Đà 18 năm và hiện là Ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh; Trưởng Ban đoàn kết công giáo, đại biểu HĐND huyện Đô Lương.

Hay ông Dương Văn Lịch, nguyên là thầy thuốc ưu tú, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Nghệ An, hiện là Giám đốc Phòng khám Đa khoa Tòa giám mục Xã Đoài với nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe, phát thuốc miễn phí, từ thiện, nhân đạo. Ông cũng là ủy viên Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam 3 khóa, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh, Ủy viên UBMTTQ tỉnh, Thành phố Vinh 3 khóa. Có những đảng viên gốc giáo vừa là con chiên của Chúa vừa là đảng viên của Đảng, một lòng phụng sự nhân dân, tận tâm vì đạo, vì đời, tham gia tích cực vào quá trình xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, phát triển đổi mới địa phương. Như gia đình ông Trần Khắc Mai- đảng viên giáo dân, Bí thư Chi bộ Long Tiến, xã Công Thành, Yên Thành có tới 7 đảng viên giáo dân (gồm bố đẻ, anh ruột, em ruột, 2 đứa cháu, ông và 1 người con). Trong năm 2011, Chi bộ Long Tiến đã kết nạp được 4 đảng viên giáo dân đều trong độ tuổi Đoàn, trong đó có Bí thư Chi Đoàn Nguyễn Văn Tý- một trong những điển hình thanh niên tôn giáo được Hội LHTN tỉnh tuyên dương khen thưởng.

Trong số 481 đảng viên đang tham gia sinh hoạt tôn giáo có 222 người tham gia vào hệ thống chính trị các cấp (chiếm 46,2%). Nhiều người vừa là cán bộ khối xóm, vừa là đại biểu HĐND cấp xã. Một số người khác là cán bộ cấp xã và là đại biểu HĐND huyện. Có 150 đồng chí (chiếm 31,2%) đã được tặng Huy hiệu Đảng… Họ đã và đang khẳng định ý thức và trách nhiệm công dân của người Công giáo đối với sự phát triển của quê hương. Điều này, cũng hoàn toàn phù hợp với tinh thần Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam “... Lòng yêu nước của chúng ta phải thiết thực, nghĩa là chúng ta phải ý thức những vấn đề hiện tại của quê hương, phải hiểu biết đường lối, chính sách và pháp luật của Nhà nước, và tích cực cùng đồng bào toàn quốc góp phần bảo vệ và xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, tự do và hạnh phúc…”.


Khánh Ly- Thanh Lê

Mới nhất

x
Bài 1: Những công dân - giáo dân “sống tốt đời, đẹp đạo”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO