Bài 1: Những đổi thay ở tộc người ngủ ngồi

04/12/2013 14:25

(Baonghean) - Hàng chục năm trước, khi tuần tra biên giới, lực lượng bộ đội Biên phòng Nghệ An phát hiện tộc người Đan Lai sống ở vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, thuộc thượng nguồn sông Giăng. Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án về Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai. Đến nay, sau 6 năm thực hiện, bên cạnh những hạng mục như điện, đường, trường, trạm được đầu tư, quan trọng hơn, đã có sự thay đổi trong nhận thức của bà con…

Khu định cư của người  Đan Lai ở Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn (Con Cuông).
Khu định cư của người Đan Lai ở Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn (Con Cuông).

TIN LIÊN QUAN

Theo sử sách, tộc người Đan Lai hiện nay có nguồn gốc từ miền xuôi, ở vùng đất Hoa Quân, nay thuộc huyện Thanh Chương. Vùng này có một tên bạo chúa, bắt dòng họ La, hoặc Lê phải tìm cho ra 100 cây nứa bằng vàng, 1 chiếc thuyền liền chèo, nếu không, cả họ sẽ bị thảm sát. Giữa đất trời này làm gì có những thứ đó, chẳng qua là cái cớ để tên bạo chúa sát hại người. Vì sự tồn vong, dòng họ La đã gồng gánh, dắt díu nhau ngược dòng sông Giăng mà chạy. Họ trốn chạy ngày này qua ngày khác và đã lên tận đầu nguồn dòng sông, nơi sơn cùng thủy tận, dựa vào rừng núi để che thân, lấy việc đặt bẫy, săn bắn, hái lượm để duy trì cuộc sống. Còn có truyền thuyết kể rằng người Đan Lai dùng lá cây chuối để làm mái nhà cho mình, khi nào lá héo, họ lại rời đi tìm chỗ ở mới, họ có tục ngủ ngồi vì luôn phải sống trong lo lắng, sợ hãi; trẻ con mới sinh ra được mang xuống sông Giăng tắm rửa, nhúng nước trước khi được chăm sóc,…

Vì sống biệt lập với thế giới bên ngoài, nên tộc người Đan Lai đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì sự nghèo đói, lạc hậu, bệnh tật và hôn nhân cận huyết. Sau khi lực lượng bộ đội Biên phòng Nghệ An phát hiện ra sự tồn tại của tộc người Đan Lai, chính quyền địa phương các cấp, các đoàn thể xã hội, đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào. Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai hiện đang sinh sống tại vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An".

Mục tiêu của đề án là nâng cao điều kiện sống, phát triển kinh tế - xã hội nhằm bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số hiện đang sinh sống tại vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, bảo tồn thiên nhiên Vườn Quốc gia Pù Mát, bảo vệ an ninh biên giới; tổ chức di chuyển 146 hộ dân tộc thiểu số Đan Lai đang sinh sống trên thượng nguồn Khe Khặng thuộc 2 bản Khe Cồn và Bản Búng xã Môn Sơn, đến vùng tái định cư tại 3 bản: Kẻ Gia, Kẻ Tắt, Bá Hạ xã Thạch Ngàn; tổ chức ổn định cuộc sống cho 30 hộ dân ở lại tại bản Cò Phạt xã Môn Sơn, huyện Con Cuông; tiếp tục hỗ trợ 36 hộ dân đã di chuyển năm 2002. Đề án hướng tới mục tiêu gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, ngăn chặn các nguy cơ suy thoái giống nòi; nâng cao nhận thức, trình độ dân trí cho đồng bào tộc người Đan Lai,…

Từ Quốc lộ 7, men theo con đường nguyên liệu, qua các xã Yên Khê, Lục Dạ, chúng tôi đến xã miền núi Môn Sơn vào một chiều đầu đông. Sau khi trao đổi với bà Ngân Thị Hà, Chủ tịch UBND xã, chúng tôi được cán bộ xã Môn Sơn đưa đến khu tái định cư ở bản Tân Sơn và bản Cửa Rào. Đây là 2 điểm dân cư được hình thành từ năm 2002, khi 36 hộ dân Đan Lai di chuyển ra khỏi vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát. Ở vùng đất mới, những hộ dân này được cấp đất sản xuất và hỗ trợ sinh kế bằng nhiều hình thức khác nhau như cho vay vốn làm ăn, hỗ trợ cây, con giống.

Con em Đan Lai được đến trường học, được khám bệnh ở trạm y tế. Dự án cải tạo ruộng cho đồng bào cũng được thực hiện, biến 12ha đất hoang hóa thành các thửa ruộng bậc thang với hệ thống thủy lợi, dẫn nước từ đập Phà Lài về tưới mát cho các cánh đồng. Năm 2013 đã có gia đình tộc người Đan Lai đầu tiên thoát nghèo, đó là chị La Thị Nguyệt, Tổ trưởng Tổ dân cư kiêm cán bộ Hội Phụ nữ vùng tái định cư Cửa Rào. Chị Nguyệt là người tiên phong trong việc cải tạo ruộng vườn, trồng các loại rau, màu, ngô kết hợp với chăn nuôi lợn, nấu rượu. Hiện nay, chính quyền xã Môn Sơn đang nhân rộng mô hình kinh tế của chị Nguyệt để bà con tộc người Đan Lai học tập và làm theo.

Cách bản Cửa Rào không xa, ngay dưới chân đập Phà Lài thơ mộng là một cây cầu treo kiên cố, bắc qua sông Giăng nối trung tâm xã Môn Sơn đến con đường đi vào trung tâm bản Cò Phạt ở thượng nguồn sông Giăng. Cầu đã xây xong, nhiều đoạn đường cũng đang được thi công gấp rút. Theo kế hoạch, đến năm 2014, tuyến đường bộ vào Cò Phạt sẽ hoàn thành, bà con tộc người Đan Lai sẽ không còn cảnh phải ngược nguồn sông Giăng bằng thuyền nữa. Cùng với dự án xây cầu treo, làm đường bộ, Cò Phạt hiện nay cũng đổi thay hơn trước rất nhiều nhờ những dự án phát triển kinh tế - xã hội của Bộ đội Biên phòng Nghệ An.

Tại đây, hệ thống đường giao thông nội bản cơ bản hoàn thiện, các công trình như nhà cộng đồng, trạm y tế, trường mầm non đang ngày càng phát huy hiệu quả. Trong đề án Bảo tồn bền vững tộc người Đan Lai, vai trò của lực lượng bộ đội Biên phòng hết sức quan trọng trong việc tái định cư tại chỗ cho các hộ dân còn lại ở Cò Phạt và Bản Búng. Bộ đội Biên phòng đã thành lập 2 tổ công tác bám dân, bám bản, hướng dẫn bà con từng bước thay đổi thói quen săn bắt, hái lượm sang trồng trọt, chăn nuôi. Bằng nhiều cách làm khác nhau, hợp phần của đề án do bộ đội Biên phòng đảm nhiệm về cơ bản đã hoàn thành và mang lại những thay đổi nhận thức trong đồng bào tộc người Đan Lai. Giọng nói chậm rãi, ông La Văn Báo, Trưởng bản Búng tâm sự: “Người Đan Lai trước đây vẫn có thói quen ngủ ngồi, ăn sống, uống lã, sống nay đây mai đó và không biết đến việc học hành là gì. Nhưng từ khi được Nhà nước quan tâm, đến nay, bà con Đan Lai đang dần thay đổi, tiếp cận với văn minh, không còn cảnh lấy nhau tạp nham, người ốm được đến trạm y tế, trẻ con được đến trường. Tất cả là nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước”.

Bà con Đan Lai được tiếp xúc với máy cày, cách trồng lúa nước.
Bà con Đan Lai được tiếp xúc với máy cày, cách trồng lúa nước.

Nói về những đổi thay ở vùng đất Cò Phạt, Bản Búng, Đại tá Nguyễn Đình Đức, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng Nghệ An cho biết: Với mục tiêu bảo tồn bền vững cho tộc người Đan Lai, giữ đất, giữ rừng, giữ an ninh biên giới, Bộ Tư lệnh Biên phòng Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, đầu tư nhiều chương trình, dự án với tổng số vốn gần 40 tỷ đồng giúp đỡ đồng bào Đan Lai thoát nghèo. Với người dân Đan Lai, vấn đề không phải đầu tư tiền của là được mà phải cầm tay, chỉ việc, hiểu bà con để từng bước thay đổi nhận thức, cách nghĩ, cách làm. Trong quý 1/2014, bộ đội sẽ tiếp tục hỗ trợ bà con 400 triệu đồng tiền giống và cây con để người dân sản xuất. Dự kiến, đến hết năm 2014, tất cả các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở Cò Phạt và Bản Búng do bộ đội Biên phòng thực hiện sẽ cơ bản hoàn thành.

Rời xã Môn Sơn, chúng tôi quay ngược lại Quốc lộ 7, xuống huyện Anh Sơn, qua cầu treo Cây Chanh, theo đường nguyên liệu của huyện để vào xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông. Mùa này, con đường vào Thạch Ngàn như một đám ruộng vừa cày xong, chỉ có 2 cách để vào, hoặc là đi theo xe tải chở sắn, mía, keo, hoặc là lội bộ. Từ trung tâm xã Thạch Ngàn, chúng tôi phải vượt qua 5 đập tràn nữa mới đến được bản Thạch Sơn, bản mới của tộc người Đan Lai. Năm 2007, thực hiện đề án của Chính phủ, 42 hộ dân người Đan Lai ở vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát được di chuyển ra khu tái định cư Thạch Sơn thuộc xã Thạch Ngàn.

Có thể khẳng định, điều kiện sống ở Thạch Ngàn hơn hẳn Cò Phạt và Bản Búng. Bà con được cấp nhà sàn kiểu mới, kiên cố, khang trang, có điện lưới, có trường học, có ruộng nước, đất bãi và cả rừng để trồng cây nguyên liệu. Sau những bỡ ngỡ ban đầu về cuộc sống ở vùng đất mới, đến nay, bà con Đan Lai đang thực sự bắt nhịp với cuộc sống hiện đại. Hầu hết các gia đình đều có ti vi, điện thoại, một số hộ đã có thêm xe máy, có trâu bò, gà lợn,… Bí thư chị bộ bản, ông La Giang Sơn tâm sự: Bà con không những biết làm ruộng nước, trồng hoa màu, chăn nuôi mà còn được tổ công tác cắm bản của huyện Con Cuông và xã Thạch Ngàn gồm cán bộ là các kỹ sư, chuyên gia trên các lĩnh vực như nông nghiệp, xây dựng, quân sự, công an, đoàn thanh niên hướng dẫn tự tổ chức sản xuất, dùng máy cày để cày ruộng, hướng dẫn cách bảo quản nông sản.

Từ 42 hộ dân ban đầu hiện nay, bản Thạch Sơn đã tăng lên 50 hộ, có nhiều người dân tộc Thái ở các bản khác đã đến lập gia đình với người dân Đan Lai. Hình ảnh những đứa trẻ tộc người Đan Lai đến lớp không còn xa lạ. Điểm trường mầm non ở Thạch Sơn còn là nơi học tập chung của con em người dân tộc Kinh, người Thái tại xã Thạch Ngàn. Nhiều học sinh khác đã vượt qua những đập tràn ngập nước băng băng để đi học phổ thông ở trường huyện.

Có thể nói rằng, đến thời điểm này, nhờ đề án bảo tồn bền vững mà cuộc sống của bà con tộc người Đan Lai ở Nghệ An đã thực sự chuyển biến. Ông Hồ Đăng Tài - Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông tâm sự, cái được lớn nhất của đề án sau 6 năm thực hiện không chỉ là những hạng mục như điện, đường, trường, trạm mà là sự thay đổi trong nhận thức của bà con. “Hiện nay, người dân đang làm quen dần với những phương thức sản xuất mới, với văn minh mới, tình trạng hôn nhân cận huyết cũng đang giảm dần. Đời sống kinh tế - xã hội của người dân khá lên trông thấy”.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: Nhóm PV

Mới nhất

x
Bài 1: Những đổi thay ở tộc người ngủ ngồi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO