Bài 1: Những tấm lòng sẻ chia

04/07/2013 10:22

(Baonghean) - LTS: Việc phân công các cơ quan, đơn vị nhận hỗ trợ, giúp đỡ các xã nghèo vùng miền Tây Nghệ An của tỉnh trong thời gian qua đã tạo nên phong trào thi đua sôi nổi với nhiều việc làm có ý nghĩa, thiết thực hướng về xã nghèo. Đây là một chủ trương lớn của tỉnh nhằm đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đi vào chiều sâu trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, khơi dậy truyền thống đạo lý dân tộc, tình cảm sẻ chia đối với người dân

(Baonghean) - LTS: Việc phân công các cơ quan, đơn vị nhận hỗ trợ, giúp đỡ các xã nghèo vùng miền Tây Nghệ An của tỉnh trong thời gian qua đã tạo nên phong trào thi đua sôi nổi với nhiều việc làm có ý nghĩa, thiết thực hướng về xã nghèo. Đây là một chủ trương lớn của tỉnh nhằm đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đi vào chiều sâu trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, khơi dậy truyền thống đạo lý dân tộc, tình cảm sẻ chia đối với người dânở vùng khó khăn.

Hơn một năm qua, chúng tôi từng theo nhiều đoàn cán bộ về tặng quà cho người nghèo ở các vùng miền núi khó khăn. Đó là những cái áo ấm, chăn bông trong mùa đông giá lạnh, những bộ tăng âm, loa đài cho xã, bản hay một công trình nước sạch… giá trị vật chất của các món quà dù ít hay nhiều cũng đã làm ấm đượm thêm tình cảm sẻ chia của cộng đồng. Ở vùng đất Nậm Giải (Quế Phong) heo hút, nghèo khó giáp với biên giới Việt – Lào, hình ảnh của những người lính Cụ Hồ vốn rất đỗi gần gũi, thân thiết với bà con nay càng thêm thắm thiết, mặn nồng bởi những việc làm thiết thực của những người lính cho mảnh đất này. Hơn 1 năm qua, với sự giúp đỡ chí tình của Bộ CHQS tỉnh, cán bộ, nhân dân Nậm Giải dường như vững tin hơn trên con đường xóa đói giảm nghèo.

Trạm xá xã Nậm Giải khép mình bên con đường nhựa phẳng lỳ dẫn vào bản Cáng. Khi chúng tôi đến, chị Vi Thị Việt – Trạm trưởng cùng cán bộ y sỹ đang tập trung khám bệnh cho đồng bào, chị tâm sự: “Trong điều kiện khó khăn nhưng với sự đầu tư của Nhà nước và tấm lòng giúp đỡ của Bộ CHQS tỉnh, trạm xá đã đạt chuẩn quốc gia về y tế mức độ 1. Do đó, điều kiện làm việc, khám chữa bệnh của chúng tôi thuận lợi hơn trước rất nhiều”. Thực hiện chương trình giúp đỡ xã Nậm Giải, Bộ CHQS tỉnh đã giúp trạm xây dựng 50m dài tường rào, 6 giường bệnh, 7 tủ đầu giường, 3 bộ đo huyết áp, 1 bộ dụng cụ nha khoa; đặc biệt, các bác sỹ của Tỉnh đội đã 2 lần không quản đường sá xa xôi lên khám, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân vùng cao Nậm Giải. Nhờ vậy mà công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tốt hơn, trên địa bàn xã không có dịch bệnh xảy ra.



Đại tá Nguyễn Việt Hà - Phó Chính ủy BĐBP tỉnh tặng quà học sinh nghèo
xã Mường Ải (Kỳ Sơn).

Không chỉ dừng lại ở những việc làm đó, Bộ CHQS tỉnh còn để lại nhiều dấu ấn như: hỗ trợ 5 con bò cho 5 hộ nghèo, vận động nhân dân hiến đất làm đường nông thôn mới ở bản Cáng, bản Pục. Đây là những địa bàn còn khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng. Sau khi nghe bộ đội vận động, giải thích, đồng bào đã cùng nhau hiến đất mở đường rộng để đi lại thuận lợi hơn. Ông Quang Văn Tâm – Chủ tịch UBND xã tấm tắc: “Vì có sự bàn bạc và thống nhất trước nên những chương trình giúp đỡ của Tỉnh đội thực sự sâu sát với nhu cầu và tình hình thực tế của địa phương nên bước đầu phát huy hiệu quả. Đảng ủy, chính quyền cũng như nhân dân rất cảm ơn tấm lòng của bộ đội. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp nhịp nhàng hơn nữa góp phần mang lại chuyển biến sâu rộng trên mọi lĩnh vực, giúp xã xóa đói giảm nghèo nhanh hơn”.

Còn ở Châu Phong - một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Quỳ Châu - tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, đặc biệt lưới điện quốc gia chưa kéo về xã. Vì vậy, lãnh đạo xã xác định, tất cả các dự án đầu tư, ủng hộ, giúp đỡ vào địa bàn dù ít hay nhiều đều đáng quý, nếu sử dụng hiệu quả sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho địa phương. Trên tinh thần đó, khi được Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh Trung Đô nhận giúp đỡ theo Quyết định của UBND tỉnh, xã và ngân hàng đã thực sự vào cuộc nghiêm túc, bài bản, thể hiện rõ qua kết quả bước đầu. Đó là công trình nước kéo dài 3km từ trên núi về được đưa vào sử dụng ngày 6/2/2013 với số tiền hỗ trợ 101 triệu đồng.

Tiếp nối công trình này, Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh Trung Đô đang hỗ trợ xây một căn nhà trị giá 50 triệu đồng cho hộ nghèo ở bản Quàng. Ông Nguyễn Hữu Chỉnh – Chủ tịch xã cho biết: “Trước đây, 400 học sinh, giáo viên Trường THCS bán trú Châu Phong phải đi xách nước ở khe, suối về dùng nên không đảm bảo vệ sinh. Bây giờ, có công trình nước, phụ huynh rất yên tâm khi có con theo học ở trường. Ngoài ra, nó còn phục vụ nước cho cả trạm xá và phòng khám đa khoa khu vực; trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã. Thời gian tiếp theo, xã đang khảo sát để xây dựng các mô hình kinh tế, tạo điểm nhấn cho người dân học tập phát triển kinh tế, ngân hàng rất ủng hộ hướng đi này và cam kết tiếp tục hỗ trợ chúng tôi”.

Và tại xã Xiêng My (Tương Dương), địa phương do Báo Nghệ An nhận giúp đỡ, các hoạt động tặng quà cho các gia đình đặc biệt khó khăn và tặng bò cho 4 hộ nghèo nuôi luân phiên đã phát huy hiệu quả tích cực. Ngoài hỗ trợ bò giống bản địa, các hộ còn được nhận số tiền hỗ trợ làm chuồng trại đảm bảo bò phát triển bình thường ở mọi điều kiện thời tiết. UBND xã cam kết sẽ theo sát các hộ nhận bò, sau khi sinh sản, bò sẽ được chuyển sang cho các gia đình khác nuôi. Sau hơn một năm, ông Lô Văn Tình- Chủ tịch UBND xã phấn khởi cho biết: “Hai con bò đã đẻ được me, còn hai con nữa cũng sắp sinh sản, các hộ dân vui lắm…”. Ngoài ra, với chức năng và nhiệm vụ của một cơ quan tuyên truyền, Báo Nghệ An đã kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc của người dân Xiêng My trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội. Nhờ đó, một số vấn đề đã được chính quyền, các ban ngành đoàn thể chung tay tháo gỡ như giải quyết vướng mắc trong xây dựng hệ thống đường điện vào xã, vấn đề đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy…



Báo Nghệ An tặng quà học sinh nghèo học giỏi
xã Xiêng My (Tương Dương).

Những nghĩa cử tốt đẹp trên xuất phát từ chủ trương lớn của tỉnh Nghệ An - Chương trình hỗ trợ, giúp đỡ xã nghèo vùng miền Tây Nghệ An theo Quyết định số 1310/QĐ-UBND ngày 20/4/2012 và Quyết định số 4903/QĐ-UBND ngày 05/12/2012 của UBND tỉnh - phân công cho 85 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh nhận ủng hộ, giúp đỡ 89 xã nghèo. Chủ trương này được khởi nguồn từ năm 2007, khi Ban Thường vụ Đảng ủy Khối CCQ cấp tỉnh có Nghị quyết 01-NQ/ĐU chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc được phân công trực tiếp giúp đỡ các xã miền núi đặc biệt khó khăn ở hai huyện Tương Dương và Kỳ Sơn.

Hơn một năm triển khai, hiệu quả của chương trình chỉ mới dừng lại bước đầu nhưng đã thể hiện rõ tình cảm gắn bó thuỷ chung giữa miền xuôi và miền ngược, điều này càng có ý nghĩa hơn khi chủ trương này gắn với Cuộc vận động lớn “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Qua đó, đã đưa cán bộ của các sở, ban, ngành về với cơ sở để nắm bắt tình hình thực tiễn, giúp cho cán bộ, công chức nhận thức đầy đủ hơn tình hình cuộc sống của nhân dân để có những kế hoạch tham mưu cho cấp uỷ sát với tình hình thực tế.

Đối với nhân dân vùng được giúp đỡ đã nâng cao được nhận thức về cuộc sống cộng đồng, xoá bỏ nếp nghĩ cũ, các tập tục lạc hậu, dần thay đổi cách thức làm ăn tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hoá phù hợp với cơ chế thị trường. Như lời bà Trương Thị Tuyết Mai – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong chia sẻ: “Chúng tôi rất trân trọng những sự giúp đỡ của các cơ quan ban ngành đối với huyện. Bên cạnh các chương trình đầu tư của Nhà nước, sự giúp sức đó là động lực lớn lao góp phần đưa Quế Phong nói riêng, miền Tây Nghệ An nói chung xóa đói giảm nghèo, phát triển vững chắc”.

Sau khi được phân công, nhiều cơ quan, đơn vị đã cử cán bộ xuống các xã được giúp đỡ để khảo sát nắm tình hình, nhu cầu, nguyện vọng của từng xã, từ đó xây dựng kế hoạch giúp trong từng giai đoạn cụ thể, phù hợp với hoàn cảnh điều kiện của đơn vị mình. Trong đó, tập trung giúp cơ sở xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và các đoàn thể quần chúng vững mạnh; xây dựng các mô hình trồng phát triển kinh tế kết hợp tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật... Kết quả năm 2012, các đơn vị đã giúp đỡ trị giá gần 29 tỷ đồng. Số tiền có thể chưa phải là lớn nhưng đó là tấm lòng sẻ chia, giúp đỡ đồng bào nghèo của hàng chục nghìn cán bộ, đảng viên các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với các xã nghèo đúng với tinh thần của chương trình đề ra.

Đồng chí Hồ Đức Phớc- Bí thư Tỉnh ủy từng nhấn mạnh: “Còn rất nhiều địa phương ở trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động chăm lo cho người nghèo, cải thiện mức sống đồng bào nghèo ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Các sở, ban, ngành, đoàn thể tiếp tục vận động các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước và các tầng lớp nhân dân hết lòng chăm lo, giúp đỡ các hộ nghèo, xã nghèo, huyện nghèo. Xây dựng chương trình, huy động nguồn lực và triển khai các hoạt động hỗ trợ đạt hiệu quả thiết thực. Nhằm huy động được mọi nguồn lực về vật chất và tinh thần giúp đỡ người nghèo”.


Kho bạc Nhà nước Nghệ An tặng lợn giống giúp hộ nghèo xã Hạ Sơn, Quỳ Hợp.

Rất nhiều mô hình giúp đỡ xã nghèo đã và đang phát huy hiệu quả, song cũng còn nhiều việc giúp còn ở mức độ khiêm tốn. Nhưng, nhìn lại các hoạt động ủng hộ, giúp đỡ xã nghèo miền Tây Nghệ An để thêm vững tin rằng, trong khó khăn, ý nghĩa của từ “đồng bào” là đùm bọc và sẻ chia, là yêu thương và dìu đỡ. Đó là hành động cụ thể hóa chính sách của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân các xã đặc biệt khó khăn. Sự trợ giúp đó cùng với đầu tư của Nhà nước và nỗ lực cố gắng vươn lên của các hộ nghèo, xã nghèo đã tạo thành một sức mạnh tổng hợp góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xoá đói giảm nghèo trên địa bàn.


Bài, ảnh: nhóm PVTS

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Bài 1: Những tấm lòng sẻ chia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO