Bài 1: Nơi “sơn cùng thủy tận”

(Baonghean)  - LTS: Suốt chiều dài hơn 400 km đường biên giới Nghệ An giáp với nước bạn Lào, nơi nào cũng in dấu ấn Biên phòng. Chỉ một chặng ngắn trên dải biên cương mà chúng tôi vừa trải qua, mới biết với lính biên phòng câu nói “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” không phải là những mỹ từ, khẩu hiệu suông...

Trưởng bản Cò Phạt gặp người quen cũ xởi lởi nói với tôi bằng tiếng Đan Lai: “Nhờ có các anh bộ đội biên phòng bày dạy, người Đan Lai mềnh (mình) chừ đã biết cày bừa làm ruộng nước rồi, biết ăn chín uống sôi… Cuộc sống đã có nhiều đổi mới!”

Ngược miền biên ải

Đã hai mươi năm từ lúc có dự án đập thuỷ lợi ngăn sông Giăng, vừa trị thuỷ vừa đưa nước lên tưới cho cánh đồng mường Quạ, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông hoàn thành, tôi mới có dịp trở lại ngược thượng nguồn “ông Giăng” bằng thuyền gắn máy. Ngày trước chỉ đi bộ, cứ đếm vượt hơn 70 cái thác ghềnh mới tới Cò Phạt, bản người Đan Lai đầu tiên “nơi sơn cùng thuỷ tận”, trong đại ngàn Vườn quốc gia Pù Mát. Còn Thiếu tá Nguyễn Viết Mậu, đội vũ trang cơ động Đồn BP 555 Môn Sơn bảo, từ khi BĐBP Nghệ An thực hiện kế hoạch Bảo tồn tộc người Đan Lai trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, đã có đến hàng chục lần cùng các đoàn khách mang hàng cứu trợ ngược sông Giăng vào Cò Phạt.

Máy đuôi tôm công suất 13 mã lực rú ga đẩy chiếc thuyền gỗ trọng tải ba tấn rời bến Phà Lài rẽ nước ngược nguồn. Tôi đã nhiều lần ngược sông Giăng, nhưng đây là lần đầu tiên đi bằng thuyền máy. Qua “pác pệt” (tiếng người Thái vùng này nghĩa là mỏ vịt) trước đây là nỗi kinh hoàng nhất đối với nhiều người mỗi lần ngược xuôi khúc sông này bằng thuyền, bè. Và có lẽ “pác pệt” vẫn còn ám ảnh trong một quãng đời làm báo của một phóng viên. Hôm đó, chuyến ngược sông Giăng đến với tộc người Đan Lai đúng mùa mưa lũ, đã bị dòng nước xiết cuốn người và thuyền vào cái hốc đá chìa ra như cái mỏ vịt khổng lồ tai quái nuốt chửng thuyền làm một sĩ quan trẻ Đồn biên phòng 555 dẫn đường hy sinh. Nay do ngăn đập Thuỷ lợi Phà Lài, nước dâng cao đã chìm khuất mỏ vịt hãi hùng đó. Dấu xưa đã nhiều đổi thay, tôi không còn nhận ra được vị trí cái “mỏ” ác nghiệt ấy nữa. Đi lên chỉ phải xuống đi bộ dắt thuyền ở thác “Kiêu Bè” do dốc chảy xiết, máy không thể đẩy nổi thuyền lên. Dắt kéo thuyền qua thác xong, La Phạm Thái, người lái thuyền dịch tiếng Thái cho mọi người hiểu “Kiêu Bè” nghĩa là dê đến kỳ động dục. Chúng tôi phì cười trước sự liên tưởng hình ảnh ví von tinh nghịch của người Thái đặt tên cho cái thác hiểm ấy.

Tổ công tác hướng dẫn bà con Đan Lai - bản Cò Phạt thâm canh lúa nước.

Đến bản Cò Phạt, mất gần hai tiếng, mọi người đếm đã vượt qua 68/72 thác so với trước đây. Khi qua mỗi con thác, tôi cố căng mắt nhìn dưới dòng nước trong vắt hình bóng của loài cá đặc sản sông Giăng, nhưng bây giờ tịnh không còn ánh bạc lấp lánh của đàn cá mát ken dày chao mình trên thác như trước đây. Nạn dùng chất nổ và kích điện đánh bắt đã làm cho không chỉ loài đặc sản nổi tiếng của thượng nguồn sông Giăng như: “pa khinh, pa va, pa cạo, pa lát meo…” (cá mát, cá ních, lăng, lệch…) mà nhiều loài động vật quý hiếm khác như: sao va, tô xanh, tô quang, tô chạng… (sao va, tê giác, nai lớn, voi…) trong đại ngàn Pù Mát bị con người tận diệt, có một số loài bị săn bắt đang có nguy cơ tuyệt chủng. Bây giờ, câu ca xưa: “Cơm mường Quạ, cá sông Giăng” chỉ còn trong ký ức.

Bản Cò Phạt ẩn hiện dưới chân núi Khe Màng. Đại úy Lô Văn Ngoan - Tổ trưởng tổ công tác giúp đồng bào Đan Lai cho biết, hiện trong vùng lõi này còn hơn 160 hộ người Đan Lai nằm ở hai bản Cò Phạt và bản Pủng, riêng bản Cò Phạt có 76 hộ. Khi nói người Đan Lai có lẽ ai cũng biết, tộc người này gắn với câu chuyện truyền thuyết buồn thương do sợ bị trùm làng phạt và giết chết nếu không tìm được “trăm cây nứa vàng và cái thuyền liền chèo”, đã phải thay tên đổi họ rời miền Hoa Quân (huyện Thanh Chương bây giờ) ngược sông Giăng mà trốn chạy. Cuộc sống nay đây mai đó, cứ đến lúc “tong lương” (lá vàng) - nghĩa là khi lá chuối rừng lợp nhà ngả màu vàng úa héo, lại dời bản đi nơi khác. Tối về không giường chiếu, chỉ ngồi gác cằm trên cháng cây bên bếp lửa mà ngủ… Do tập quán lâu đời mang tính tự cung tự cấp, tỷ lệ hộ đói hàng năm hơn 95%, theo đó là những hủ tục, tập tục lạc hậu...

Lính Biên phòng “cắm” bản Đan Lai

Trung tá Nguyễn Trọng Vinh, đồn trưởng Đồn Biên phòng Môn Sơn(555) cho biết, để giúp đỡ tộc người Đan Lai tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát ở xã Môn Sơn, nhiều chương trình giúp người dân Đan Lai ổn định, làm chủ cuộc sống đã được các cấp các ngành triển khai. Nằm trong đề án Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai của huyện Con Cuông và tỉnh Nghệ An đã được Chính phủ phê duyệt, BĐBP Nghệ An đã đề ra Kế hoạch số 316, trực tiếp thực hiện một số nội dung của đề án. Để thực hiện kế hoạch trên, BĐBP Nghệ An đã thành lập ban chỉ đạo phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và huyện Con Cuông tổ chức khảo sát, thống nhất để lại hai bản, số dân từ 100 hộ trở xuống. Sau hơn một năm triển khai chương trình Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai tại vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, BĐBP Nghệ An đã tổ chức thành lập tổ công tác 14 cán bộ, chiến sĩ tại mỗi bản 7 người trực tiếp “cắm” hai bản Cò Phạt và bản Búng. Đại úy Lô Văn Ngoan - tổ trưởng tổ công tác nói: Thời gian qua, hai tổ công tác chia thành 5 cụm, mỗi cụm 1 đồng chí phụ trách từ 5 đến 13 hộ, đầu tiên chọn mỗi bản 1 hộ làm thí điểm “cầm tay chỉ việc”. Tổ công tác giúp bà con quy hoạch sắp xếp lại làng bản có hàng có lối; di dời chuồng, trại gia súc, gia cầm ra khỏi gầm sàn, ăn ở hợp vệ sinh; làm đường giao thông liên bản, đào đắp xây dựng kênh mương dẫn nước. Cùng với khai hoang ruộng nước thâm canh hai vụ, tổ công tác còn hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng các loại rau màu khác, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Trạm quân dân y kết hợp ra đời đã phối hợp với Trung tâm Phòng chống sốt rét của tỉnh và Trạm Y tế của xã tổ chức khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí.

Khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào Đan Lai.

Chúng tôi vào bản Cò Phạt, nhà cửa đã có hàng có lối, nhìn cánh đồng đầu bản, những thửa ruộng mạ đã bén xanh. Trưởng bản La Xuân Đường, gặp người quen cũ xởi lởi nói với tôi bằng tiếng Đan Lai: “Lâu ngay quá mặng em hè! Ngài Đan Lai mềnh pựa ni lú mầm roọng rồi. Nhờ ái bộ đội biên phòng về ở cùng bày dáy có nhiều cái bới”. (Lâu ngày quá anh em không gặp nhau! Người Đan Lai mình bây giờ đã biết làm ruộng nước rồi, nhờ có các anh bộ đội bày dạy, cuộc sống đã có nhiều đổi mới). Năm 2010, có tổ công tác của bộ đội Biên phòng Đồn Môn Sơn đã vận động bà con Cò Phạt ngăn khe đào mương, khai hoang, nâng tổng diện tích lên hơn 10 ha ruộng nước, hướng dẫn cày bừa, kỹ thuật gieo mạ, cấy… Vụ xuân này là vụ thứ ba người Đan Lai ở Cò Phạt, bản Búng thâm canh hai vụ ruộng nước đạt năng suất gần 5tạ/ha. Đại uý Lô Văn Ngoan cho biết thêm: Tại bản Búng, tổ công tác vận động khai hoang thâm canh ruộng nước hai vụ 16 ha. Để vận động bà con làm ruộng nước có kết quả, chúng tôi lên lịch hàng ngày, vừa bắc loa gọi vừa đến từng hộ thúc dục ra đồng, hướng dẫn tỷ mỉ từ cày đất, ủ giống, gieo mạ, cấy, chăm sóc cho đến cách cầm liềm gặt… Tất cả giống, phân bón đều được Nhà nước hỗ trợ 100%.

Mới hai năm có tổ công tác của BĐBP “cắm bản”, người dân Đan Lai đã biết thâm canh lúa nước, trồng thêm ngô, sắn, rau, nuôi gia súc gia cầm. Trưởng bản La Xuân Đường nhẩm tính, trung bình mỗi hộ nuôi 1 đến 2 con lợn, trâu bò, đàn gà, vịt gần 10 con. Chúng tôi cũng vừa gặp lúc Trung uý Trần Đình Kiên, cán bộ quân y của Trạm quân dân y kết hợp Cò Phạt đang khám bệnh cho chị La Thị Mun. Chị Mun nói, nhớ những năm trước con dâu ông La Văn Yêu đẻ khó bị kiệt sức nên ngất, may nhờ cán bộ y sĩ bộ đội giúp đã đẻ được con gái, sau đó bộ đội đặt tên cho là La Thị Hoan. Hoặc như cháu La Văn Tư, 15 tuổi không may bị thuỷ điện cù giật ngất, nhờ được bộ đội Kiên ở trạm cấp cứu kịp thời đã tai qua nạn khỏi. Bây giờ đau ốm, bệnh tật bà con bản trên bản dưới không phải nhờ khài cúng nữa, bộ đội chữa nhanh khỏi hơn thầy mo. Bản Cò Phạt ơn bộ đội nhiều lắm!

Từ ngày có tổ công tác hướng dẫn bà con ngủ màn, ăn chín uống sôi, các bệnh về đường tiêu hoá, hô hấp… đã giảm hẳn, các hủ tục lạc hậu dần được đẩy lùi. Cô giáo La Thị Hằng, người con của Đan Lai sau khi học xong trở về “cắm” bản quê mình, thấy trường học trị giá 2,5 tỷ đồng với quy mô 5 lớp, 10 gian và cả ký túc cho giáo viên được xây dựng khang trang cũng ấm lòng, đỡ tủi thân hơn. Cô Hằng cho biết, tại cụm trường tiểu học Cò Phạt đã có 5 lớp từ mầm non đến lớp 5, không còn học sinh độ tuổi đến trường thất học.

Trung úy Hồ Quốc Việt - thành viên tổ công tác bản Cò Phạt tâm sự: Hiện nay bà con Đan Lai phần lớn còn phải nhờ vào cứu trợ. Để đồng bào thực sự có được sự phát triển ổn định, bền vững thì còn rất nhiều việc phải làm. Hiện nay giao thông còn khó khăn, là một hạn chế lớn khiến người dân khó có thể tiếp cận nhanh với những kỹ thuật sản xuất. Làm thay đổi nhận thức, tập quán lạc hậu lâu đời trong họ không phải là chuyện một sớm một chiều. Giúp đỡ đồng bào Đan Lai còn cần phải đầu tư rất nhiều từ hạ tầng giao thông, thủy lợi, các công trình công cộng, điện, nước... Để làm được điều đó, đòi hỏi nỗ lực không chỉ ở cấp ủy, chính quyền, BĐBP mà còn cần sự chung tay của cả cộng đồng và của chính người Đan Lai!

Bài, ảnh: Minh Thư

tin mới

Nhà hát Chèo Quân đội biểu diễn phục vụ chiến sĩ Nghệ An

Nhà hát Chèo Quân đội biểu diễn phục vụ chiến sĩ Nghệ An

(Baonghean.vn) - Tối 6/4, tại Trung đoàn 764, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Nhà hát Chèo Quân đội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức biểu diễn chương trình nghệ thuật phục vụ cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và nhân dân trên địa bàn đóng quân.

Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại'

Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại'

(Baonghean.vn) - Sáng 27/3, tại thủ đô Hà Nội, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) phối hợp với Báo Quân đội Nhân dân và Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học: “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm, động viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ tại tỉnh Xiêng Khoảng

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm, động viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ tại tỉnh Xiêng Khoảng

(Baonghean.vn) - Sáng 21/3, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành đã đến thăm, động viên cán bộ, nhân viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tại tỉnh Xiêng Khoảng, nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào.

Bộ đội Biên phòng tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị, mệnh lệnh về phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Bộ đội Biên phòng tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị, mệnh lệnh về phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

(Baonghean.vn) - Chiều 14/3, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 theo hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến với các điểm cầu trong toàn lực lượng.

Những hy sinh thầm lặng của các nữ chiến sĩ Công an Nghệ An

Những hy sinh thầm lặng của các nữ chiến sĩ Công an Nghệ An

(Baonghean.vn) - Thường xuyên phải gác lại nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ, các nữ chiến sĩ Công an Nghệ An luôn nêu cao tinh thần vượt khó, vượt gian khổ, tận tụy phụng sự tổ quốc và nhân dân. Họ không quản ngại mưa gió, nắng cháy, hiểm nguy để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.