Bài 1: Vai trò quản lý của nhà nước
(Baonghean) Trong những năm gần đây, du lịch Malaysia và Singapore nổi lên như một hiện tượng thần kỳ của châu Á; lượng du khách tìm đến hai quốc gia này đứng đầu so với các quốc gia trong khu vực ASEAN, thậm chí không thua kém số khách đến với Trung Quốc và Ấn Độ. Theo ước tính, trong năm 2012 số lượng khách đến với Singapore là 13,2 triệu lượt, doanh thu du lịch đạt 24 tỷ USD Singapore; với Malaysia là 25 triệu lượt khách và doanh thu du lịch đạt 20 tỷ USD… Phóng viên Báo Nghệ An đã có dịp đến Malaysia và Singapore để tìm hiểu cách làm du lịch của nước bạn.
Ở Malaysia và Singapore, ngành công nghiệp du lịch đã đem lại nguồn thu nhập lớn cho xã hội - đóng góp nhiều thứ 3 trong tổng sản phẩm quốc nội. Chính vì vậy, du lịch đã được chính phủ hai nước hết sức quan tâm, tạo điều kiện và đầu tư mạnh. Mỗi nước đều có cách làm du lịch riêng, song vẫn có những mẫu số chung nhất định, đó là:
Về mặt đối ngoại, Chính phủ Malaysia và Singapore chịu trách nhiệm quảng bá sản phẩm du lịch của quốc gia mình thông qua việc mở văn phòng xúc tiến du lịch ở nhiều quốc gia trên thế giới, quảng cáo trên các đài truyền hình quốc tế lớn. Hàng năm, Chính phủ đứng ra mời các nhà báo ở nhiều quốc gia, các công ty du lịch đến thăm để viết bài và kết nối với các công ty trong nước.
Về mặt đối nội, Chính phủ Malaysia và Singapore đã chỉ đạo hải quan các cửa khẩu thông thoáng trong nhập cảnh đến an ninh nội địa phải đảm bảo cho du khách an toàn khi đến đây. (Malaysia quy định: người Việt Nam đi du lịch Malaysia trong vòng 30 ngày không cần visa; Dù bất kỳ ai, chỉ cần có lý lịch rõ ràng, không tiền án tiền sự và chứng minh được tài khoản của mình có từ 40.000 USD trở lên, thích đi du lịch, yêu đất nước và con người Malaysia và điều cuối cùng là muốn ở lại đây sẽ được cấp visa trong vòng 10 năm).
Malaysia và Singapore có kế hoạch xây dựng, phát triển rõ ràng, nhất quán, đặc biệt là quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch. Từ 1996 đến 2000, Chính phủ Malaysia đã đầu tư 184,94 triệu USD, từ 2001 – 2005 là 630 triệu USD. Năm 2012, Singapore chi 300 triệu đô Sing để tổ chức các sự kiện du lịch, chi 340 triệu đô Sing phát triển các sản phẩm du lịch, chi 265 triệu đô Sing phát triển nguồn nhân lực du lịch. Dự kiến đến năm 2015, Singapore sẽ đầu tư cho Quỹ phát triển du lịch là 2 tỷ đô Sing,
Tòa Tháp đôi - điểm nhấn của du lịch Malaysia. Ảnh: Minh Thông
Cách đây hơn 40 năm, Chính phủ Malaysia đã xác định phải đa dạng hóa nền kinh tế để không phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu. Du lịch nhanh chóng trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của quốc gia. Năm 1999, Malaysia tiến hành chiến dịch quảng bá rất thành công đến toàn thế giới với slogan “Malaysia Truly Asia” và nước này thực sự trở thành điểm đến đặc biệt ở châu Á. Bắt đầu từ năm 2006, ngành Du lịch nước này đã có chương trình “Visit Malaysia” với các chương trình khuyến mại về chỗ ăn ở, đi lại và mua sắm hàng hóa. Và hiện nay nhà nước Malaysia đã thống nhất được tổng cộng 12 dự án nhằm phát triển ngành du lịch đến năm 2020. Trong sự kiện quảng bá du lịch 2014 vừa được diễn ra hoành tráng, đã có 13 bộ, ngành phối hợp cùng Bộ Du lịch và Cục Xúc tiến du lịch Malaysia tổ chức. Tại đây, Thủ tướng Malaysia, Najib Razak kêu gọi giới trẻ nước này mỗi người trở thành một đại sứ du lịch.
Còn ở Singapore, kế hoạch phát triển du lịch còn được định hình sớm hơn thế: Từ khi giành độc lập năm 1959 đến nay, Singapore đã hoạch định chiến lược, xây dựng 6 kế hoạch phát triển du lịch khác nhau, đó là: “Kế hoạch Du lịch Singapore” (năm 1968), “Kế hoạch Phát triển du lịch” (năm 1986), “Kế hoạch Phát triển chiến lược” (năm 1993), “Du lịch 21” (năm 1996), “Du lịch 2015” (năm 2005), “Địa giới du lịch 2020” (năm 2012)… Và “Quốc đảo sư tử” đã tìm cách hấp dẫn du khách bằng cách xây dựng nhiều khu nghỉ dưỡng, các trung tâm mua sắm và giải trí hấp dẫn”.
Bảo tàng Quốc gia Malaysia. Ảnh: Minh Thông
Đến với Malaysia và Singapore mới có sự cảm nhận rõ ràng hơn về vai trò quản lý của nhà nước đối với các tour du lịch: Để du khách có cái nhìn đầy đủ, đúng đắn về đất nước mình, chính phủ hai nước này đã yêu cầu các công ty khai thác, kinh doanh du lịch bắt buộc thực hiện nghiêm túc các quy định về giới thiệu lịch sử, văn hóa, đất nước và con người... Cụ thể là, khi đến với các bang, thành phố của Malaysia hay khu vực nào ở Singapore thì các công ty, tour nhất định phải dẫn du khách đến một số địa điểm theo chương trình cứng.
Hoàng cung của nhà vua Malaysia.
Khu nghỉ dưỡng, các trung tâm mua sắm và giải trí, sòng bạc trên Cao nguyên Genting - Malaysia.
Tượng đài Chiến Thắng công trình điêu khắc tưởng niệm những chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ Quốc trong 2 trận thế chiến và trong cuộc nội chiến-Malaysia.
Anh Wong Sun Wah, hướng dẫn viên của Công ty du lịch Marine Discovery Holiday cho hay: Khi đến với Thủ đô Kuala Lumpur, các công ty phải đưa du khách đến thăm các địa điểm như: Thánh đường Hồi giáo quốc gia nằm trên Đại lộ Sudan; Động đá vôi Batu nơi thờ rất linh thiêng của đạo Hindu nằm ở phía Bắc thành phố; Hoàng cung mới của nhà vua Malaysia được hoàn thành vào tháng 6/2011; Tháp đôi Petronas - biểu tượng mới nhất của Malaysia… Nếu các công ty không thực hiện đúng lộ trình tham quan này sẽ bị Tổng cục Du lịch chế tài rất nặng.
Cảnh du thuyền đêm trên sông Singapore. Ảnh: Minh Thông
Cũng giống như ở Malaysia, các công ty du lịch ở Singapore cũng được ngành Du lịch nước này yêu cầu phải truyền đạt tới được du khách hình ảnh một quốc đảo nhỏ bé, tài nguyên hạn chế, nhưng đã biết phát huy triệt để tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý và nguồn lực con người để có những bước phát triển vượt bậc. Hướng dẫn viên người Malaysia Wong Sun Wah cho biết thêm: Để thu hút khách, nếu như ở Malaysia mỗi tháng đều có 01 sự kiện, ngày hội du lịch lớn được tổ chức, thì tại Singapore cứ 6 tháng ngành du lịch nước này lại cho ra đời 1 sản phẩm du lịch mới.
Thành Chung