Bài 1: Vắng dần váy Thái, xuối, nhuôn

02/10/2014 15:49

Thời kỳ đổi mới đang tạo nên những thay đổi nhất định trong văn hóa, lối sống của giới trẻ vùng cao. Ngày nay, truyền hình, internet... không còn là điều xa lạ với các làng bản nữa. cùng với đó là những đổi mới về đời sống kinh tế - xã hội đã và đang làm xuất hiện những trào lưu mới trong giới trẻ nơi này.

Báo Nghệ An xin giới thiệu chuyên đề “giới trẻ vùng cao trong cuộc sống hôm nay” như một tham khảo, qua đó giúp bạn đọc có một cái nhìn căn bản về họ...

(Baonghean) - Chỉ trong một thời gian ngắn, một bộ phận trong giới trẻ vùng cao gần như đang trở nên xa lạ đối với trang phục cũng việc canh cửi. Bên cạnh đó, những điệu dân ca cũng như các trò chơi dân gian cũng dần vắng bóng trong đời sống tinh thần của họ?

Mặc váy Thái, thấy ngại

Từ nhiều năm nay, bản Bón, xã Yên Na (Tương Dương) được công nhận là Làng Văn hóa. Đây cũng là bản được đánh giá có phong trào văn hóa, văn nghệ sôi nổi nhất xã vùng trong của huyện miền núi này, với một đội văn nghệ mạnh, thường đi diễn trong xã, ngoài huyện. Đường ngang, ngõ tắt trong bản đều đã bê tông hóa, sạch đẹp. Bước chân đến đây, dễ khiến người ta ngờ rằng mình đang lạc vào một khu “phố bản” với toàn những nếp nhà sàn cổ kính. Những câu chào “khỏe không anh?” hay “khỏe chứ chú?” vọng ra từ những ô cửa sổ khiến lòng người phương xa thấy thư thái lạ!

Nghe bảo, các cụ trong bản vẫn còn nhớ được truyện cổ tích. Thỉnh thoảng bản có đám cưới, đám mừng nhà mới, thì tiếng hát sươn, xuối, nhuôn vẫn vang lên dưới nếp nhà sàn.

Anh bạn làm đài truyền thanh xã chọn cho tôi một căn nhà sàn cổ để ghé thăm, nói rằng là nhà có họ hàng xa. Chỉ có các mế, các cô ở nhà. Thấy khách vào nhà, tất cả đều đứng dậy nâng hai cánh tay chào theo cách chúng ta vẫn gặp ở người Thái và người Lào. Người con gái trẻ nhất nhà được gọi ra rót nước mời khách. Cảm tưởng ban đầu thì đó là một cô gái ưa nhìn và chẳng khác mấy so với con gái tân thời miền xuôi. Cô gái bận váy ngắn, áo hoa rất hợp “mốt”. Sợi chỉ trên cổ tay có lẽ là dấu hiệu duy nhất để nhận biết được cô gái này là người vùng cao.

Sau chén rượu mời khách cô gái giới thiệu tên là Quỳnh Thương, họ Lương, năm nay 23 tuổi. Vậy là ngay cả cái tên cũng hoàn toàn xa lạ với văn hóa Thái. Cô tâm sự, học xong cấp 3 thì đã không chọn con đường học lên như chúng bạn trong xã, trong bản mà ở nhà giúp gia đình cáng đáng việc ruộng nương. Tuy vậy, đối với cô việc thêu thùa, canh cửi đã trở nên xa lạ. Ngày nhỏ, chả ai bày dạy cũng không muốn học. Các bạn gái cùng lứa trong bản đều thế cả. Không biết thêu váy, dệt chăn, về sau lấy gì mặc về nhà chồng? Lưỡng lự một lúc, cô gái trả lới: “Thì đi mua thôi. Bây giờ nghe nói đên mặc váy dân tộc là thấy ngại!”.

Theo Thương thì con gái trong bản chẳng còn mấy ai biết thêu thùa, dệt cửi nữa. Và lẽ đương nhiên là những cô gái trẻ ở đây cũng chẳng còn ai dùng trang phục của dân tộc mình hàng ngày nữa. Họa hoằn lắm, trong các dịp diễn văn nghệ, trong bản, ngoài xã, họ mới đụng đến váy, áo Thái. “Lần diễn văn nghệ vừa rồi, em còn quên đội khăn.” - cô gái thật thà chia sẻ.

Sự xa rời trang phục truyền thống dân tộc không chỉ xảy ra ở bản Bón mà với nhiều làng bản người thiểu số khác. Bản Sơn Khê (Chi Khê - Con Cuông) gần đây xuất hiện một số lớp học nhằm khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm. Cũng phải nói rằng, những lớp học như vậy đang như “nấm sau mưa” ở các địa bàn vùng cao, rất cần thiết đối với nghề dệt thổ cẩm cũng như một số ngành, nghề của bà con. Tuy nhiên, điều đáng nói là học viên tham gia các lớp học này đều đã có tuổi, số người trẻ theo học thường chiếm tỷ lệ ít ỏi. Có bạn trẻ còn không ngại chia sẻ, đi học cốt cho vui và để “lấy tiền” hỗ trợ. Một học viên bản Sơn Khê thì chia sẻ: “Em đi học để không quên nghề của ông bà”. Một thời gian sau, trở lại thì được biết, sau lớp học, cô bé cũng chẳng còn đụng đến kim chỉ và khung dệt nữa. Ngoài thời gian trên lớp, giúp mẹ việc nhà, cô tập trung cho... cái điện thoại di động mới sắm được?!

Vắng dần những nét quen

Những nghề như thổ cẩm, đan lát được khôi phục lại đã tạo ra một nghề phụ, việc làm lúc nông nhà cho phụ nữ vùng cao. Vì nhiều lý do, những ngành nghề này tỏ ra không hấp dẫn đối với giới trẻ. Không chỉ có trang phục dân tộc và những làn điệu dân ca, các trò chơi dân gian cũng đang dần vắng bóng trong các sinh hoạt hàng ngày. Sau mỗi ngày làm lụng, cuối chiều những thanh niên nam nữ trong các bản vùng cao lại tụ tập tại các sân bóng của bản chơi bóng chuyền, bóng đá. Tối đến, trai bản lại tập trung về những nhà có bàn bi-a, kỳ thực không chỉ để “cho vui” mà bên thua thường phải mất tiền chiêu đãi nước ngọt, thậm chỉ là tiền ăn đêm, ăn sáng cho bên được cuộc. Những trò chơi dân gian như đẩy gậy, kéo co chỉ còn xuất hiện rải rác trong những ngày hội, ngày tết. Cùng với đó là sự vắng bóng của những làn điệu dân ca vẫn được coi như là một nét đặc sắc trong văn hóa vùng cao, thay vào đó là những tiếng loa, đài mở nhạc sàn, nhạc trẻ, hát karaoke thâu đêm suốt sáng, nhất là mỗi khi có đám cưới hay mừng nhà mới.

Nét tân thời trong một đám cưới ở vùng cao.
Nét tân thời trong một đám cưới ở vùng cao.

Báo chí đã nói nhiều về điều này, nhưng ít khi có sự lắng nghe chính những người trẻ nói về sự thay đổi. Anh Vi Khái Hải, 29 tuổi trú bản Bón (Yên Na - Tương Dương) chia sẻ: Thế hệ các anh khi nghe tiếng pí, tiếng khèn thì vẫn còn nạp được. Còn lớp sau nữa, nhất là những người sinh vào thập niên 1990 thì không ai còn muốn nghe nhạc dân tộc đâu!

Trong khi đó, một cán bộ xã Yên Na rất say sưa với những vốn cổ (trong đó có chữ Lai Pao, trò chơi “gọi nàng tiên trăng”...) chia sẻ: Bọn mình ngày trước mỗi khi nghe thấy tiếng “pí thiu” (sáo bằng nứa) thì dù có đang ăn cơm cũng buông đũa chạy theo chúng bạn. Bây giờ, muốn nghe cũng không còn nữa rồi!”.

Như vậy, bức tranh về đời sống văn hóa tinh thần của người vùng cao đang có hai mảng khác nhau. Những người trung tuổi và cao tuổi vẫn còn mặn mà với văn hóa truyền thống của ông cha, còn lớp trẻ lại đang quay lưng lại với những sản phẩm văn hóa của quê hương mình. Bản Bón là một địa bàn thể hiện rõ nhất bức tranh này. Ở đây, những phụ nữ trung tuổi, cao tuổi vẫn thích ngồi ghế mây, thêu thùa, mặc váy Thái hàng ngày, còn những nam thanh, nữ tú thì chẳng khác nào những “người khách lạ” với váy ngắn, tóc nhuộm, luôn kè kè một chiếc điện thoại cảm ứng... Đối với những ai quan tâm đến văn hóa vùng cao, đấy là điều đáng ngại và là mối nguy cơ làm mai một nhiều nét văn hóa cổ truyền?!

Hữu Vi

Mới nhất
x
Bài 1: Vắng dần váy Thái, xuối, nhuôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO