Bài 1: “Viên ngọc quý” trong kho tàng văn hóa người Thái

07/01/2013 17:33

Người Thái là một trong số rất ít các dân tộc thiểu số ở tỉnh ta có chữ viết riêng. Các tài liệu chữ Thái đã truyền lại những cuốn sử chép tay, những bản trường ca, những truyện thơ dài, những câu ca dao, tục ngữ, những luật tục... như là những viên ngọc quý, nhưng đáng tiếc rằng ngày càng ít đi những người tâm huyết, biết đọc thông viết thạo chữ Thái để bảo tồn và phát huy giá trị.

(Baonghean) - Người Thái là một trong số rất ít các dân tộc thiểu số ở tỉnh ta có chữ viết riêng. Các tài liệu chữ Thái đã truyền lại những cuốn sử chép tay, những bản trường ca, những truyện thơ dài, những câu ca dao, tục ngữ, những luật tục... như là những viên ngọc quý, nhưng đáng tiếc rằng ngày càng ít đi những người tâm huyết, biết đọc thông viết thạo chữ Thái để bảo tồn và phát huy giá trị.

Ở Nghệ An, trong số các dân tộc thiểu số sinh sống ở các huyện miền núi phía Tây như: Mông, Ơ đu, Thổ, Thái… thì chỉ có dân tộc Thái là có chữ viết riêng, còn lại hoặc là không có chữ viết riêng hoặc là dùng chung hệ chữ la- tinh. Theo nghệ nhân chữ Thái - Sầm Văn Bình (người có thâm niên gần 20 năm giảng dạy, nghiên cứu chữ Thái), thì ở Nghệ An có 3 hệ chữ Thái là: Lai Tay (của người Thái ở vùng Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong, Nghĩa Đàn, Con Cuông), Lai Thanh (của đồng bào Thái ở Con Cuông, Tương Dương, có ảnh hưởng của đồng bào Thái đến từ tỉnh Thanh Hoá) và Lai Pao (người Thái đan xen người Lào ở Tương Dương, Kỳ Sơn). Chữ Lai Thanh, Lai Pao viết hàng ngang, Lai Tay viết hàng dọc.

Đây là công cụ dùng để ghi nhận và phản ánh về tư tưởng, tình cảm, tâm hồn của đồng bào người Thái và lưu giữ những thông tin từ ngày xưa thông qua các tác phẩm nghệ thuật như thơ, ca, tục ngữ, truyện, các bài văn cúng, khế ước ruộng đất... Tiêu biểu như truyện thơ Lai Củn Chương (dài hơn 2000 câu) nói về cuộc đấu tranh giữa mường Đất mường Trời, về sự hình thành của trời đất; các truyện nói về dòng họ, những người có kỳ tích trong việc dựng bản lập mường, chiến đấu dũng cảm hy sinh; các bài hát xuối, hát nhuôn… Các tài liệu viết bằng tiếng Thái ở Nghệ An hiện nay đang được lưu giữ ở một số nhà thờ họ và một số gia đình nhưng ngày càng bị mai một vì sự thiếu hiểu biết và quan tâm bảo quản. Số người đọc thông viết thạo chữ Thái để khai thác các loại tài liệu này cũng ngày càng ít, chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay như: Vi Ngọc Châu (Quỳ Châu), Lô Khánh Xuyên, Lữ Thanh Hà, Lang Mạnh Hùng (Quế Phong), Kha Văn Hợi, Ngân Văn Toán, Vi Khăm Mun, Lô Khăm Phi (Tương Dương) và Sầm Văn Bình (Quỳ Hợp)… những người này phần lớn đều tự học để biết chữ Thái.

Trên thực tế, trong vài năm trở lại đây, Ban Dân tộc miền núi tỉnh đã phối hợp với các địa phương mở các lớp dạy chữ Thái ở các huyện Quỳ Hợp,Quỳ Châu, Con Cuông..., nhưng các lớp này giảng dạy chủ yếu là hệ chữ Lai Tay, giảng viên là những người tự học và biết tiếng Thái được mời tham gia giảng dạy, các học viên tham gia các khoá học phần lớn cũng chỉ là học cho biết mặt chữ. Ông Đậu Ngọc Tuân - Phó Phòng Văn hoá huyện Quỳ Hợp, cho biết: Quỳ Hợp là huyện điểm văn hoá, trong đề án xây dựng huyện văn hoá cũng có đề cập đến việc bảo tồn chữ Thái. Đến nay, huyện đã mở được 8 lớp với trên 300 học viên, nhưng những người tham gia học chữ Thái chủ yếu là người già và học sinh nhỏ tuổi, còn người trong độ tuổi thanh niên thì tham gia rất ít.



Nghệ nhân Sầm Văn Bình giới thiệu cuốn sách cổ bằng chữ Thái.

Để có được vốn chữ Thái như ngày nay, Nghệ nhân Sầm Văn Bình đã phải tự mày mò học từng chữ, từng câu, tranh thủ mỗi lần đi giỗ, hay dự đám cưới là ông lại hỏi thêm thầy mo, nghệ nhân ở các làng, các bản để có thêm sự hiểu biết. Từ sự hiểu biết đó, ông đã tham gia giảng dạy nhiều lớp tiếng Thái, có nhiều nơi như ở bản Đồng Lụm, bản Diềm (Châu Quang-Quỳ Hợp), người dân đã lội suối đến lớp học chữ và nhiều nơi cán bộ xã cũng hăng hái tham gia học. Nhưng có một trở ngại rất lớn trong việc truyền dạy chữ Thái hiện nay là: người biết chữ Thái một cách tỏ tường và có nghiệp vụ sư phạm để giảng dạy rất ít, tài liệu giảng dạy cũng chưa được thống nhất. Để đọc thông, viết thạo chữ Thái cần phải duy trì sự học thường xuyên, trong khi đó, lớp trẻ xem chữ Thái như là một thứ ngoại ngữ không thịnh hành nên ít có sự quan tâm, chú ý trong việc học. Theo ông Bình, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là ngày càng ít đi những người tâm huyết nghiên cứu và học chữ Thái.

Ông Lang Mạnh Hùng – cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy Quế Phong, cho biết: Năm 2012, huyện Quế Phong tổ chức được 4 lớp dạy chữ Thái (trong đó 2 lớp mở tại Trung tâm GDTX của huyện và 2 lớp ở xã Châu Kim và xã Tri Lễ) với tổng số 164 học viên tham gia, thành phần là cán bộ xã và cán bộ huyện; cán bộ, sỹ quan công an, bộ đội biên phòng trên địa bàn. Kết thúc lớp học, các học viên đã biết đọc, biết viết, biết khai thác nguồn kho tàng văn học dân tộc Thái từ những cuốn sách Thái cổ, đặc biệt là những bài thuốc, những thủ tục, tập quán cưới xin, ma chay, hát giao duyên…của người Thái. Nhưng những lớp học này cũng chỉ mới đáp ứng được một phần nguyện vọng của người dân và các học viên cũng cần phải học thêm một vài lớp nữa để nâng cao thêm trình độ.

Thiết nghĩ, việc nghiên cứu giảng dạy chữ Thái là nhằm bảo tồn và phát huy kho tàng văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái ở miền Tây xứ Nghệ và làm phong phú thêm kho tàng văn hóa Việt Nam. Do đó, các ban, ngành liên quan và các địa phương cần tổ chức nghiên cứu, khảo sát, đánh giá một cách khách quan, chính xác những kết quả đã đạt được trong quá trình mở các lớp dạy tiếng Thái, từ đó tìm ra những khó khăn, vướng mắc, tồn tại khi dạy và học để xây dựng kế hoạch bảo tồn chữ Thái cho phù hợp. Cùng với đó, các đoàn thể quần chúng cần vận động mọi tầng lớp nhân dân hiểu đúng, hiểu rõ ích lợi và tầm quan trọng của chủ trương dạy và học chữ Thái; các trường sư phạm cũng cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy tiếng, chữ dân tộc thiểu số… để làm sao ngày càng có thêm nhiều “người truyền lửa” - dạy chữ Thái tại các bản, làng.

Ngày 14/1/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về Công tác dân tộc, trong đó khẳng định một trong những nguyên tắc cơ bản của công tác dân tộc là: “Đảm bảo việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết, bản sắc dân tộc, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc”; "Tiếng nói, chữ viết và truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được đưa vào chương trình giảng dạy trong các trường phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng, trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học phù hợp với địa bàn vùng dân tộc". Về chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa, Nghị định 05/2011/NĐ-CP cũng đã nhấn mạnh: "Hỗ trợ việc giữ gìn và phát triển chữ viết của các dân tộc có chữ viết. Các dân tộc thiểu số có trách nhiệm gìn giữ văn hóa truyền thống tốt đẹp, tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình phù hợp với quy định của pháp luật"...


Đức chuyên

Bài 1: “Viên ngọc quý” trong kho tàng văn hóa người Thái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO