Bài 11: Họ Đặng lập mường Xiềng Nứa

16/08/2013 18:36

(Baonghean) - Bản Xiềng Nứa (Yên Na - Tương Dương), trung tâm mường Xiềng Nứa xưa, có dòng họ Đặng gốc gác là người Kinh. Vì nhiều lý do khác nhau, họ dần dần "bản địa hóa", trở thành người Thái và từng là một họ tộc danh giá nhất, cai quản mường vùng cao này...

>>Bài 10: Họ Lô và Lễ hội mường Chai

Mường Xiềng Nứa xưa có 8 bản (gồm Na Pu, bản Bón, Xiềng Nứa, Co Phạo, Huồi Cụt, Pá Khốm, bản Vẽ). Ngoài ra, còn bản Bánh Thoóng ở sâu trong nguồn suối. Nay, họ đã chuyển ra lập bản mới, gọi là Xốp Pu. Mường Xiềng Nửa thuộc tổng Tĩnh Na, phủ Tương Dương xưa, tính ra là gần toàn bộ xã Yên Na ngày nay. Cũng như những mường vùng cao khác, mường Xiềng Nứa tồn tại cho đến năm 1945, khi chính quyền về tay cách mạng mới bị giải thể. Ông Đặng Bố Hoan, 75 tuổi, tộc trưởng họ Đặng cho biết, ông là thế hệ thứ 4 của dòng họ đến cư trú tại bản này. Khi những người họ Đặng đến, bản Xiềng Nứa chỉ có 17 nóc nhà, dù đây là trung tâm của mường.



Một góc bản Xiềng Nứa (Yên Na, Tương Dương).

Nguồn gốc họ Đặng bản Xiềng Nứa là người Kinh ở tỉnh Hà Tĩnh, không còn nhớ là huyện nào. Cuộc sống nơi "đất chật người đông" trăm bề khó khăn khiến họ tộc này phải đi tìm một miền cư trú mới. Ban đầu, một chi trong dòng họ Đặng chuyển ra Nghệ An, đến sinh sống tại huyện Thanh Chương, rồi lại chuyển đến huyện Đô Lương.

Sau đó, quá trình “Thái hóa” của dòng họ Đặng bắt đầu khi họ chuyển lên Quỳ Hợp sống trong làng bản của người vùng cao. Văn hóa Thái ngấm dần vào cuộc sống vật chất cũng như tinh thần của họ. Dần dà, họ chỉ nói tiếng Thái, đàn bà con gái ăn mặc như phụ nữ Thái. Họ cũng làm rãy, ở nhà sàn và nghiễm nhiên trở thành người Thái. Hiện nay, chỉ còn một số ít những người cao tuổi nhớ được gốc gác xa xưa của mình. Cũng may, những thế hệ đầu tiên đến vùng cao đã không thay đổi họ như nhiều dòng tộc người Kinh khi lên miền núi, để giờ đây con cháu vẫn còn chút căn cứ để nhớ về gốc rễ xa xưa của mình...

Từ Quỳ Hợp, một cuộc "thiên di" nữa đã xảy ra trong cộng đồng họ Đặng. Cách đây khoảng 150 năm, họ Đặng lại dắt dìu nhau chuyển đến sinh cơ lập nghiệp tại bản Xiềng Nứa cho đến ngày nay. Ông Đặng Bố Hoan nghĩ rằng, bản Xiềng Nứa sẽ là điểm dừng chân lâu bền của dòng họ. Bởi cách mạng đã mang lại sự bình yên, không còn giặc đói, giặc cướp như xưa nên cuộc sống ổn định.

Người đứng đầu dòng họ khi đến Xiềng Nứa gọi là Hầu Kỷ, sau được thờ tại đền họ Đặng, cũng là đền mường ngày ấy. Về sau, con trai của Hầu Kỷ có công cầm quân đánh dẹp giặc cướp và chiến thắng giặc Nhà Tàu (?), được triều đình phong thưởng, sau được cử làm Thống Lý, người bản gọi là Xống Thạo (Thống Thạo). Ngày ấy, Xống Thạo không chỉ đánh đuổi giặc cướp trong mường mà còn giúp người mường Xiêng Men (Yên Hòa - Tương Dương ngày nay) đuổi cướp. Trước đây tại đền thờ dòng họ từng lưu giữ những sắc chế, phong thưởng của triều đình, cùng gia phả dòng họ. Cuộc hoả hoạn năm 1963 đã thiêu trụi tất cả.

Khi đã củng cố được vị thế của mình, những người đứng đầu dòng họ, cũng là chức dịch trong bản, mường chiêu tập dân về khai khẩn nên đồng lúa ruộng bậc thang 15ha, rộng nhất xã Yên Na ngày nay. Tuy vậy, khi quyền lực đã về trong tay, những người giữ chức chánh tổng, lý trưởng trong dòng tộc họ Đặng cũng tỏ ra hà khắc đối với người dân. Ông Đặng Bố Hoan nhớ lại, thời ấu thơ của mình trong bản có Chánh tổng Đặng Văn Cương rất hay dùng gậy đánh những người trong bản.

Nhiều người không chịu được, phải bỏ bản đi làm nhà ở nơi khác. Tuy nhiên, theo ông Hoan thì thời trước pháp luật nhà nước vẫn còn khá xa lạ đối với dân bản. Những chức dịch cũng thường chỉ hành xử theo lệ mường. Đó cũng là một cách để áp chế những kẻ sống buông thả trong bản. Chánh tổng Cương ngày ấy chưa phải là hạng ác bá, bởi ông chỉ hành hung những kẻ bê tha, chuyên gây rối. Ông Hoan nhớ lai: "Ngày ấy, chánh tổng ở trong ngôi nhà gỗ lát, phên cách đan 2 lớp, lợp lá cọ. Trong nhà lúc nào cũng tối tăm, ngày cũng như đêm đều phải thắp đèn mỡ lợn".

Là dòng họ lớn nhất, mọi chức dịch trong mường từ lý trưởng đến chắm mường (cai quản việc cúng bái) đều thuộc về người họ Đặng, nên đền thờ mường ngày ấy cũng là đền thờ họ Đặng. Mỗi năm, các bản trong mường phải 2 lần về lễ đền. Tháng 5 lễ moọc (cúng món moọc), tháng 10 lễ lợn. Cứ 3 năm 1 lần lễ trâu, vào ngày 16 hoặc 26 tháng 12 âm lịch. Nhưng rồi, cũng như số phận của nhiều đền mường, đền bản khác, vào năm 1960 đền họ Đặng cũng bị phá hủy. Hiện đã có con đường dân sinh đi qua vị trí ngôi đền cũ.

Cùng với sự thăng trầm của thời cuộc, họ Đặng bản Xiềng Nứa giờ chỉ còn 11 hộ. Phần lớn đều đã ly tán đi sinh sống ở nhiều nơi khác nhau. Người học cao nhất hiện giờ là một nữ sinh đang theo học ngành Luật tại Hà Nội. Có lẽ con cháu họ Đặng Xiềng Nứa không còn mấy ai nhớ được truyền thống ngày xưa của cha ông mình, những người đã lập nên một mường lớn của phủ Tương Dương thuở nào?!


Bài, ảnh: Hữu Vi

Mới nhất

x
Bài 11: Họ Đặng lập mường Xiềng Nứa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO