(Baonghean) Nghị định số 49/2010/NĐ-CP, ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về các đối tượng miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục được xem là chủ trương đúng đắn, nhân văn của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện cho hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn học tập. Tuy nhiên, qua hơn 2 năm thực hiện còn nhiều bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung.
--> Xem Bài 1: Nhiều phiền hà cho đối tượng thụ hưởng
Theo Nghị định số 49, từ năm học 2010 - 2011, việc miễn giảm học phí được thực hiện theo hình thức mới. Nghĩa là, học sinh, sinh viên thuộc diện miễn, giảm học phí vẫn phải đóng học phí tại trường đang theo học như những học sinh, sinh viên khác, sau đó làm thủ tục về địa phương để nhận tiền cấp bù miễn, giảm học phí. Sau hơn 2 năm thực hiện, có thể nói quy định đóng học phí trước, rồi lấy biên lai về địa phương để nhận tiền cấp bù đã gây không ít khó khăn cho những gia đình sinh viên nghèo. Nhiều sinh viên phải vay "nóng" để đóng tiền học phí, nhưng khi làm hồ sơ để được cấp bù lại gặp trở ngại vì quá nhiều thủ tục, thời gian chờ đợi. Tại Nghệ An, sau khi có quyết định (ngày 19/7/2011) phân bổ số tiền gần 50 tỷ đồng từ kinh phí Trung ương hỗ trợ chi phí học tập (đợt 1), UBND tỉnh trích ngân sách giải quyết kinh phí hỗ trợ miễn giảm học phí đợt 1 cho các đối tượng thuộc 20 xã, thị với số tiền 35 tỷ đồng.
![]() |
Bố con ông Long (khối 1, phường Nghi Tân, T.X Cửa Lò) trao đổi với PV về những vướng mắc khi thực hiện thủ tục hoàn trả học phí.
Trong đó, Diễn Châu là huyện được cấp nhiều nhất với 4 tỷ đồng, Yên Thành 3,6 tỷ đồng, Thị xã Cửa Lò và Thị xã Thái Hòa mỗi địa phương 600 triệu đồng... Năm học 2011-2012, Sở LĐ-TB&XH đã tổng hợp dự toán nhu cầu chi phí học tập cho 20 huyện, thị với tổng kinh phí trên 26 tỷ đồng cho gần 188.000 đối tượng. Ngoài ra, có 11.146 đối tượng (trừ đối tượng người có công) được cấp bù học phí với tổng kinh phí 39 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền này vẫn chưa đến được với người được thụ hưởng.
Trưởng phòng LĐ-TB&XH Thị xã Cửa Lò – chị Hoàng Thị Mỹ Dung cho biết: Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 29 của liên bộ: Tài chính - Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) - Giáo dục và Ðào tạo, trong vòng 30 ngày kể từ ngày bắt đầu học kỳ, học sinh, sinh viên phải làm đơn đề nghị cấp tiền hỗ trợ, miễn giảm học phí theo mẫu, có xác nhận của các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục đại học công lập gửi phòng LÐ-TB&XH cấp huyện, kèm theo bản sao chứng thực các giấy tờ liên quan. Các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp và các trường có trách nhiệm xác nhận cho học sinh, sinh viên. Thế nhưng, ngay từ thủ tục xác nhận của cơ sở giáo dục nơi học sinh, sinh viên đang theo học cũng khó khăn vì chưa được nhà trường thật sự quan tâm khiến học sinh, sinh viên phải đi lại nhiều lần, làm chậm trễ thời gian hoàn thành hồ sơ. Trong khi phòng LÐ-TB&XH yêu cầu các đối tượng được miễn, giảm học phí phải có biên lai đóng tiền học phí ở nhà trường thì mới chi trả. Ðó là chưa kể một khoản chi phí không nhỏ cho việc đi lại từ trường về địa phương, tiền phô-tô giấy tờ, công chứng, chứng thực...
Cùng quan điểm với chị Dung, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐTB&XH) - ông Hoàng Ngọc Châu cho rằng: “Nghị định 49 và Thông tư liên tịch 29 vẫn có những bất cập. Chẳng hạn, Nghị định không quy định rõ việc miễn, giảm học phí cho đối tượng sống ở đồng bằng, nhưng có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Căn cứ để xác định thu nhập của một hộ dân bằng 150% so với hộ nghèo để con em họ được giảm học phí? Vì vậy, chính sách này cần sớm được các cơ quan có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi, tạo thuận lợi cho học sinh, sinh viên nghèo được miễn, giảm học phí. Nên dùng thuật ngữ hộ cận nghèo thay cho hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo để phù hợp với quy định của Quyết định 09 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2011-2015”.
Ngoài ra, theo phản ánh của một số cơ sở đào tạo, việc thực hiện quy định này gặp rất nhiều khó khăn, vì hiện nay Bộ LĐ-TB&XH mới chỉ ban hành các quyết định tạm thời quy định các danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại nguy hiểm mà không có quy định ngành học nặng nhọc độc hại, dẫn đến việc thực hiện ở các địa phương và các nhà trường không thống nhất. Nhiều cơ sở đào tạo thực hiện xác nhận tràn lan cho học sinh, sinh viên (ví dụ ngành trắc địa, dầu khí, công nghệ thông tin, sinh học, công nghệ thực phẩm, công nghệ hóa học, hóa, hóa phân tích, địa chất, nuôi trồng thủy sản...), dẫn đến việc miễn, giảm học phí không đúng đối tượng, gây khó khăn cho ngân sách nhà nước và cơ quan chi trả (trực tiếp là các phòng LĐ-TB&XH tại địa phương). Do vậy, cần phải có quy định cụ thể danh mục các ngành học, nghề nặng nhọc độc hại để cơ sở thực hiện.
Thực tế cho thấy, rất nhiều vướng mắc xung quanh việc thực hiện Nghị định 49/CP (đối tượng miễn, giảm học phí, đối tượng hỗ trợ chi phí học tập; về phương thức cấp bù miễn giảm học phí; thủ tục miễn học phí, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; việc xác nhận của các cơ sở giáo dục và đào tạo khi đào tạo theo hình thức tín chí...) cần phải được nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả.