Bài 2: Cần tăng cường hành lang pháp lý
Để phong trào CNVC-LĐ và hoạt động tổ chức công đoàn ngày càng phát triển, vấn đề đặt ra là ngoài việc công đoàn các cấp phải bám sát và tập trung thực hiện tốt 3 chức năng cơ bản, đặc biệt là chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của CNVC-LĐ, thì cần tăng cường hành lang pháp lý cho vấn đề này.
(Baonghean.vn) - Để phong trào CNVC-LĐ và hoạt động tổ chức công đoàn ngày càng phát triển, vấn đề đặt ra là ngoài việc công đoàn các cấp phải bám sát và tập trung thực hiện tốt 3 chức năng cơ bản, đặc biệt là chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của CNVC-LĐ, thì cần tăng cường hành lang pháp lý cho vấn đề này.
>>Bài 1: Bất cập mối quan hệ chủ - thợ
Là người có kinh nghiệm trong công tác phát triển đoàn viên và thành lập CĐ cơ sở, anh Nguyễn Thái Sơn – Chuyên viên Ban Tổ chức Liên đoàn lao động tỉnh, cho biết: Sự phối hợp giữa những người làm công tác quản trị DN với đại diện người lao động (tổ chức CĐ) là cầu nối trong mọi quan hệ với bộ máy quản trị DN. Với tư cách là người đại diện quyền và lợi ích chính đáng của cán bộ, đoàn viên, tổ chức CĐ sẽ đóng góp rất nhiều cho quá trình ổn định, phát triển bền vững và nâng cao hiệu quả về SXKD, đem lại quyền lợi thiết thực cho các bên trong mỗi doanh nghiệp. Thế nhưng, rất nhiều doanh nghiệp thoái thác, thậm chí tìm cách... trốn khi có cán bộ liên đoàn tới làm việc. Nhiều doanh nghiệp khi đến kiểm tra thì đã chuyển trụ sở.
"Lẽ ra, việc thành lập công đoàn phải đi từ người lao động, người lao động quyết định việc thành lập hay không, nhưng thực tế lại hoàn toàn phụ thuộc vào chủ doanh nghiệp. Trong khi đó, nhiều chủ DN không mặn mà. Chính vì thế, nhiều đơn vị dù có tổ chức công đoàn nhưng hoạt động hình thức, không mang lại quyền lợi thực sự cho người lao động." – Anh Sơn nói.
Người lao động phải xác định vai trò làm chủ, nâng cao nhận thức về pháp luật, nâng cao tay nghề
Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng, cho rằng: các đơn vị tham gia hoạt động công đoàn thì công đoàn cấp trên giám sát rất kỹ càng, yêu cầu các đơn vị thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho người lao động, nhất là nộp BHXH, BHYT, BHTN. Một số đơn vị của ngành tuy rất khó khăn nhưng vẫn đảm bảo thực hiện được các chế độ cho người lao động. Tại những đơn vị này, người lao động yên tâm làm việc, đóng góp nhiều cho quá trình ổn định, phát triển bền vững và nâng cao hiệu quả SXKD của DN. Tuy nhiên, tỷ lệ các đơn vị có tổ chức công đoàn so với các đơn vị đang có hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh ta là rất thấp. Hiện công đoàn ngành mới chỉ có 20 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn trong tổng số hơn 200 DN hành nghề xây dựng do ngành quản lý. Ở các đơn vị không có tổ chức công đoàn thì công nhân lao động không được quan tâm lắm về các chế độ chính sách, họ chỉ quan tâm đến một chỉ tiêu đó là tiền lương. Việc thành lập công đoàn và hoạt động công đoàn ở các DN đó là hết sức khó khăn mà Công đoàn ngành rất trăn trở. Hơn nữa các DN có tổ chức công đoàn trong ngành họ cũng rất bất bình vì sự bất bình đẳng trong việc chấp hành pháp luật của các DN đó (số tiền trốn đóng bảo hiểm ở các DN NQD là rất lớn).
Hiện tại, công đoàn các cấp đang tổ chức đại hội, tiến tới Đại hội Công đoàn Nghệ An lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2013-2018. Công tác nhân sự cho đại hội công đoàn các cấp đang được Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh và LĐLĐ các huyện, công đoàn ngành quan tâm đặc biệt. Đại hội là dịp để kiện toàn, củng cố tổ chức công đoàn. Tuy nhiên, vì nhiều khó khăn, đến ngày 6/9, có khoảng 37 công đoàn cơ sở không có khả năng tổ chức đại hội vì lý do đơn vị quá khó khăn, ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh. Và con số đó mới chỉ là thống kê chưa đầy đủ từ các huyện, thực tế con số này còn lớn hơn nhiều.
Ông Ngô Phúc Đường – Phó GĐ Bảo hiểm xã hội thành phố Vinh cho hay: Vì nhiều lý do, hoạt động công đoàn khó khăn, cũng chính vì thế, nhiều doanh nghiệp trốn đóng BHXH cho người lao động, quyền lợi người lao động bị ảnh hưởng. Đến 30/8/2012, có 828 đơn vị nợ BHXH 3 tháng trở lên với tổng số tiền 46 tỷ đồng. Hiện nay cơ quan bảo hiểm đang tăng cường đốc thúc, xử lý song tình hình cũng rất khó khăn.
Ông Ngô Phúc Đường – Phó GĐ Bảo hiểm xã hội thành phố Vinh
Công tác này muốn đạt được hiệu quả, khắc phục tính hình thức thì phải có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành LĐ-TB&XH, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động về pháp luật lao động và pháp luật công đoàn đối với chủ doanh nghiệp và người lao động; xây dựng được đội ngũ cán bộ công đoàn có trình độ và kỹ năng thương lượng, đàm phán để ký kết thỏa ước lao động tập thể có nội dung lợi hơn cho người lao động. Đặc biệt, công đoàn cấp trên cần tăng cường tập huấn về phương pháp, kỹ năng nghiệp vụ công đoàn, về đàm phán, thương lượng, xây dựng những bộ tài liệu cần thiết liên quan trong công tác ký kết và hoạt động công đoàn trong tình hình mới. Về phía người lao động phải xác định vai trò làm chủ, nâng cao nhận thức về pháp luật cũng như tự thân vươn lên nâng cao tay nghề.
"Ngoài ra, chúng tôi cho rằng cần có hành lang pháp lý để xử lý khi có vi phạm. Đăng ký kinh doanh quá dễ cũng là khó khăn cho hoạt động công đoàn hiện nay. Cần có điều kiện khi đăng ký kinh doanh; phải có cam kết thành lập công đoàn khi thành lập doanh nghiệp." – Chị Hạnh và ông Quang cùng có chung ý kiến như vậy.
Thu Huyền