Bài 2: “Chiếc áo quá chật”

(Baonghean) - Những kết quả đạt được trong gần 30 năm đã khẳng định hướng đi đúng đắn của lực lượng TNXP - XDKT Nghệ An. Tuy nhiên, là một mô hình mới nên trong quá trình hoạt động đã nảy sinh những bất cập, các cơ chế, chính sách cho Tổng đội đã không còn phù hợp và hệ quả là các tổng đội đã không bắt kịp xu thế chung của sự phát triển. Và để phát huy được tiềm năng đất đai rộng lớn thì vấn đề chuyển đổi mô hình tổng đội là một yêu cầu tất yếu.
Vướng mắc trong thủ tục đất đai
Các tổng đội TNXP - XDKT được giao hàng nghìn héc ta đất để thực hiện các dự án, nhưng kể từ khi thành lập tổng đội đầu tiên năm 1986 (Tổng đội 1) cho đến các tổng đội sau này, không tổng đội nào lập quy hoạch sử dụng đất chi tiết hàng năm theo quy định. Hầu hết các tổng đội đều chưa thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp; chưa lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng trụ sở, các công trình công cộng và đất  giao cho đội viên làm nhà ở, đất khai hoang sản xuất nông nghiệp.
Năm 1986, Tổng đội TNXP 1 (đóng tại xã Long Sơn, huyện Anh Sơn), khi giao đất được quy hoạch 409,82 ha, trong đó 329 ha là đất nông nghiệp. Vậy nhưng đã gần 30 năm trôi qua, các đội viên ở đây vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thậm chí, tháng 11/1997, UBND tỉnh có công văn giao Tổng đội 1 và Sở Địa chính (nay là Sở TN và MT) tiến hành đo đạc, lập hồ sơ địa chính để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị định 64/CP của Chính phủ. Nhưng từ đó đến nay việc triển khai vẫn không thể hoàn thành. Không lập được quy hoạch, không có kế hoạch sử dụng đất chi tiết, đội viên là những người chịu thiệt thòi nhất, bởi dù là đất của mình nhưng họ không có quyền chuyển nhượng hoặc cầm cố để vay ngân hàng. Bản thân tổng đội, vì không có ranh giới cụ thể và chỉ quản lý trên hiện trạng nên hiện có khoảng 90 ha bị các hộ dân các xã Long Sơn, Cao Sơn, Khai Sơn (huyện Anh Sơn) xâm canh trồng cây lâm nghiệp. Ông Phạm Văn Loan, Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP 1 thừa nhận, nguyên nhân chính là do sự buông lỏng trong quản lý đất đai của lãnh đạo đơn vị qua các thời kỳ.  Đây cũng là thực trạng chung của các tổng đội và là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tranh chấp, xâm lấn đất đai kéo dài khó giải quyết.
Ở Tổng đội TNXP 3 Quỳ Hợp hiện có khoảng 320 ha đất đang bị các hộ dân địa phương ở 3 xóm Tổng Hốc, Bù Sen, Bản Hầm  (xã Châu Đình) và xóm Văn Giai (xã Châu Lợi) xâm canh và đang có tranh chấp với tổng đội. So với đất được giao, còn thiếu 2.978 ha là đất của các hộ dân sử dụng từ trước và các hộ này đã được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ. Tổng đội TNXP 2 Thanh Chương diện tích thực tế cũng thiếu 191 ha so với quyết định cấp; Tổng đội 5 thiếu 152 ha và hiện cũng không thể đòi lại bởi toàn bộ diện tích đất này đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các các hộ dân theo Nghị định số 163/1999/NĐ – CP ngày 15/11/1999 của Chính phủ.
Khá phức tạp về tranh chấp đất đai là trường hợp của Tổng đội TNXP 4 (đóng trên địa bàn xã Giai Xuân và Tân Hợp, huyện Tân Kỳ). Mặc dù từ  tháng 5/2011, Tổng đội đã được sáp nhập vào Công ty cổ phần mía đường Sông Con với tên gọi mới Công ty TNHH TNXP 4 - Sông Con. Nhưng sau khi sáp nhập, từ  tháng 1/2012 đến tháng 5/2013 có 12 trường hợp, trong đó có hộ đội viên của Tổng đội TNXP 4 (cũ) và nhân dân xóm Đồi Chè, xã Giai Xuân ngang nhiên lấn chiếm hơn 119.200 m2  đất sản xuất tập trung của công ty. Mặc dù, các cấp chính quyền huyện, xã và công ty đã tuyên truyền giải thích nhưng các đội viên, hộ dân không chấp hành trả lại, có trường hợp còn huy động lực lượng từ 20 - 30 người chống đối, cho trâu, bò cày, bừa tróc hàng trên diện tích đất của công ty để trồng mía, sắn dây... Thậm chí, khi Công ty TNHH TNXP4 - Sông Con tổ chức lực lượng vào hiện trường kiểm tra, ngăn chặn thì đã bị các hộ dân này hành hung, như vụ đánh anh Nguyễn Như Hùng, tổ bảo vệ Công ty gãy tay phải vào ngày 1/2/2013.
Nhà ở xây dựng trái phép trên đất xâm chiếm của Công ty TNHH TNXP4 - Sông Con (Tổng đội TNXP 4- cũ).
Nhà ở xây dựng trái phép trên đất xâm chiếm của Công ty TNHH TNXP4 - Sông Con (Tổng đội TNXP 4- cũ).
Ông Nguyễn Sỹ Hải - Phó Giám đốc công ty TNHH TNXP 4 Sông Con cho biết: Bên cạnh nhận thức của người dân thì nguyên nhân sâu xa của vụ việc này bắt nguồn từ sự thiếu chặt chẽ trong công tác quản lý nhà nước. Cụ thể, một số hộ đội viên trước đây là công dân xã Giai Xuân có nhận đất trồng rừng theo Dự án 327 của Lâm trường Tân Kỳ. Năm 1998, UBND tỉnh có Quyết định 1204 thu hồi toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp để giao cho Tổng đội TNXP 4 quản lý nhưng lâm trường Tân Kỳ không tiến hành các thủ tục thu hồi trước khi bàn giao cho Tổng đội TNXP4, trong đó có thủ tục thanh lý tài sản (cây cối trên đất). Khi Tổng đội TNXP4 vào tiếp nhận, các hộ dân đã thực hiện theo quyết định thu hồi của UBND tỉnh để triển khai các dự án quy hoạch của tổng đội. Suốt 14 năm nay, không có điều gì xảy ra, nhưng khi có quyết định sáp nhập Tổng đội TNXP4 vào Công ty mía đường Sông Con thành Công ty TNHH TNXP 4 - Sông Con thì một số hộ cho rằng đây là công ty của doanh nghiệp không phải của Nhà nước nên họ lấy lại đất trước đây đã hợp đồng với Lâm trường Tân Kỳ (hiện nay có khoảng 5 hộ vẫn còn giữ hợp đồng với Lâm trường Tân Kỳ). Một số hộ khác là công dân xã Giai Xuân thì lợi dụng thời điểm tách nhập chưa ổn định để tiến hành xâm chiếm đất.
Sai phạm trong quản lý
Ngày 26/9/2005, Tổng đội 9 được thành lập theo Quyết định số 81/2005/QĐ.UBND tỉnh tại xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông với nhiệm vụ được  giao: Tiếp nhận, triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn; Huy động và tổ chức cho thanh niên tham gia thực hiện các chương trình, dự án, qua đó giải quyết việc làm cho thanh niên và nhân dân trong vùng.
Thạch Ngàn là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Con Cuông. Nhớ lại thời điểm đưa lực lượng TNXP lên triển khai dự án lãnh đạo tỉnh và chính quyền địa phương đã rất kỳ vọng, những kinh nghiệm và những thử thách đã được “tôi luyện” của các TNXP sẽ một lần nữa làm nên kỳ tích trên vùng đất khó này.  Nhưng thực tế, sau lễ ra quân rầm rộ, 7 năm qua những gì mà Tổng đội 9 làm được là quá nhỏ bé. Thậm chí không muốn nói là thất bại. Một vài ha keo, công trình nhà ở, nhà làm việc, hai, ba cái cầu tràn là những kết quả mà chúng tôi đã nhìn thấy ở Tổng đội 9 sau 7 năm tiêu tốn gần 7 tỷ đồng của Nhà nước. 
Theo ông Lê Đức Bình - Tổng đội trưởng: Không có đất - tư liệu sản xuất là nguyên nhân chính khiến cho mọi kế hoạch ở Tổng đội 9 bị trì trệ và không thể triển khai được. Cụ thể, theo kế hoạch, sau khi thành lập Tổng đội 9 sẽ tiến hành thu hồi 22 ha đất trồng rừng của bà con Thạch Ngàn để làm vườn ươm, xây dựng mô hình rồi nhân rộng ra địa bàn toàn khu vực với dự tính phạm vi  quy hoạch sẽ là 200 ha. Thế nhưng, do vướng mắc trong đền bù nên từ ngày ấy đến nay việc triển khai vẫn chỉ làm …trên giấy. Đề án không thực hiện được, tổng đội từ 28 đội viên nay chỉ giữ lại được 3 người để làm công việc hàng ngày, một vài giống cây trồng như chè, cam đến kỳ xuất vườn nhưng không triển khai được đành để hư hỏng gây thiệt hại hơn 250 triệu đồng. Đất đã khai hoang hoàn chỉnh 13 ha nhưng cũng không canh tác được gây thiệt hại hơn 90 triệu đồng. Thậm chí, hiện nay tổng đội đang có vài ha làm mô hình, đến thời điểm thu hoạch nhưng không dám khai thác vì sợ người dân đến đòi lại đất.
Dự án sau  gần 7 năm triển khai vẫn “dẫm chân tại chỗ”, vẫn  không giải quyết được… 22 ha đất để làm mô hình là một thất bại, không chỉ riêng của Tổng đội 9 mà sâu xa hơn nó làm mất uy tín, tác động tiêu cực đến phong trào chung của lực lượng TNXP - XDKT. Cũng cần phải nói thêm rằng, ban đầu đề án được quy hoạch với tổng diện tích 6.000 ha, nhưng sau đó thấy khả năng của Tổng đội 9 khó thực hiện được đã điều chỉnh giảm xuống  3.200 ha, rồi  200 ha và cuối cùng là 22 ha nhưng nay thì 1 ha cũng khó mà thực hiện. Nói như vậy cũng để thấy tiềm năng ở vùng Thạch Ngàn, Con Cuông là rất lớn, bà con ở đây cũng rất mong chờ có một đơn vị về đây để “khai hoang”, để “cầm tay chỉ việc”, để khai phá vùng đất đang ngủ yên này. Chỉ tiếc rằng, nỗi mong đợi đó đã không thể thực hiện được bởi một tập thể thiếu tinh thần, thiếu nhiệt huyết, chưa tận tâm, tận lực với bà con, với công việc của mình. Tình trạng bế tắc ở Tổng đội 9 gây ra một sự lãng phí lớn bởi gần 7 năm qua ngân sách Nhà nước vẫn cấp 1 năm gần 700 triệu đồng để “nuôi không” cả bộ máy của tổng đội
Theo ông Đàm Hữu Hồng, Chỉ huy trưởng lực lượng TNXP Nghệ An, việc ra đời và quyết định đưa Tổng đội TNXP 9 lên vùng Thạch Ngàn (Con Cuông) là một chủ trương đúng, đã nhận được sự đồng tình ủng hộ cao từ lãnh đạo tỉnh đến chính quyền địa phương. Thất bại ở đây, trách nhiệm chính thuộc về ban lãnh đạo tổng đội, bởi không xác định rõ nhiệm vụ của mình, chỉ lo về vấn đề đầu tư cơ bản mà không quan tâm vào việc giải quyết đất đai. Khi sự việc chậm được giải quyết thì có dấu hiệu buông xuôi, bỏ lỡ nhiều cơ hội, chưa làm tốt công tác dân vận, chưa nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ. Ngay cả lãnh đạo chính quyền địa phương là ông Vi Xuân Giáp - Bí thư Huyện ủy Con Cuông cũng cảm thấy “đau lắm” khi một dự án được mong chờ, được trông đợi nay trở về “số 0”. Ông Giáp nhớ lại: “Thời điểm Tổng đội 9 mới lên, đất bỏ hoang nhiều nếu làm quyết liệt thì đã giải quyết xong lâu rồi”. Thất bại này cũng có trách nhiệm của Tỉnh đoàn, của Ban Chỉ huy lực lượng TNXP, bởi theo như ông Phạm Tuấn Vinh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn thì “Tỉnh đoàn đã không sâu sát  trong quá trình thực hiện”. 
Một đợt thanh tra mới đây của tỉnh cũng cho thấy, không riêng gì ở tổng đội 9 mà tại một số tổng đội khác vẫn còn nhiều sai phạm trong quá trình quản lý, đặc biệt là trong quản lý tài sản, đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản. Điển hình như việc thanh lý vườn chè tập thể ở Tổng đội 1. Chuyển nhượng với diện tích hơn 130 ha cho 96 hộ đội viên nhưng quá trình thực hiện Ban lãnh đạo tổng đội lại “tự ý”, không xin phép chủ trương của tổng đội và của Tỉnh đoàn, vi phạm Luật Ngân sách và Luật Quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước; công trình xây dựng đường giao thông từ đường đi Cửa khẩu Thanh Thủy vào Văn phòng Tổng đội 5 cũng phát hiện có sai phạm hơn 40 triệu đồng do quyết toán khống khối lượng đá, lao dầm bản, quét nhựa vào dầm cầu; công trình xây dựng khu chăn nuôi ở Tổng đội TNXP 8 (Huồi Tụ, Kỳ Sơn) chậm so với kế hoạch gần 3 năm nhưng vẫn chưa xong…
Từ những tồn đọng về đất đai kéo dài quá lâu chưa được giải quyết, từ bài học đắt giá ở Tổng đội TNXP 9 và từ những vấn đề vướng mắc trong quá trình quản lý đã cho thấy rằng sự hoạt động, điều hành của các tổng đội hiện nay đang có nhiều bất cập. Lý do chính một phần là do năng lực quản lý, sử dụng đất của đội ngũ cán bộ TNXP – XDKT còn hạn chế, công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị TNXP – XDKT chưa được thường xuyên. Bên cạnh đó, quá trình hoạt động của các tổng đội hiện nay cho thấy mô hình cũ của các tổng đội đã không phù hợp, không theo kịp sự phát triển kinh tế, xã hội.
Về điều này, một số ý kiến cũng cho rằng, nhiệm vụ của các tổng đội TNXP là tham gia thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội được giao ở vùng khó khăn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định dân cư. Quá trình hoạt động đã được Nhà nước cấp kinh phí để thực hiện các chương trình, dự án, được Nhà nước giao quyền sử dụng đất, giao rừng và được miễn, giảm thuế sử dụng đất, cán bộ làm công tác quản lý TNXP được hưởng các chế độ, chính sách áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức… Vậy thì, lẽ nào khi dự án đã hoàn thành, khi nhiệm vụ đã thực hiện xong có cần thiết hay không phải duy trì một đơn vị mà không có tiềm lực tài chính, không đủ điều kiện để “nuôi”.
Ngay cả các đội viên TNXP, bao năm qua, Nhà nước, tỉnh đã quan tâm, đầu tư hỗ trợ, triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế cho các tổng đội, các hộ đội viên mà không thu thuế hay bất cứ các loại quĩ phí nào. Nay đã phát triển ổn định đến lượt các tổng đội, các hộ đội viên cũng phải đóng góp cho ngân sách nhà nước, quyền lợi đi đôi với nghĩa vụ, chứ không thể thực hiện mãi một cơ chế “bao cấp”, thiếu công bằng như hiện nay. Thay thế, chuyển đổi mô hình của các tổng đội là điều tất yếu, chỉ có điều cần phải cân nhắc, lựa chọn phương pháp cho thích hợp để vừa đảm bảo được quyền lợi của cán bộ, đảng viên, vừa để tổng đội phát triển đi lên theo kịp xu thế mới…
(Còn nữa)
Mỹ Hà - Khánh Ly

tin mới

Nút giao lên xuống giữa cao tốc Bắc Nam với đường N5, xã Nghi Phương, Nghi Lộc

Dịp 30/4, phương tiện di chuyển trên cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu- Bãi Vọt thế nào?

(Baonghean.vn) - Cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt có tổng chiều dài 49,3 km, trong đó đoạn qua địa phận Nghệ An là 44,4 km và Hà Tĩnh 4,9 km. Theo kế hoạch, vào ngày 28/4/2024 sẽ khánh thành và thông xe kỹ thuật để phục vụ người dân sẽ đi lại dịp lễ 30/4 và 1/5.

Bùng nổ khuyến mại lên tới 50% trên toàn hệ thống WinMart

Bùng nổ khuyến mại lên tới 50% trên toàn hệ thống WinMart

(Baonghean.vn) - Từ nay cho đến hết 8/5/2024, chuỗi bán lẻ của WinCommerce sẽ triển khai tích cực các chương trình khuyến mại định kỳ áp dụng giá tốt cho hơn 600 sản phẩm giá siêu sốc và Tuần lễ Thương hiệu Clear tại hơn 3600 điểm bán trên toàn quốc, mang tới nhiều ưu đãi cho hội viên WiN.

"Tài chính vững vàng- sẵn sàng bứt phá" từ BAC A BANK. Ảnh: BAB

BAC A BANK ưu đãi lãi suất vay - Trao doanh nghiệp 'đặc quyền vượt trội' để bứt phá kinh doanh

(Baonghean.vn) - Đồng hành cùng các doanh nghiệp củng cố lợi thế cạnh tranh, tối ưu hiệu quả kinh doanh, hướng tới mục tiêu tăng trưởng toàn diện, BAC A BANK triển khai Chương trình ưu đãi lãi suất cho vay trung dài hạn “Tài chính vững vàng - Sẵn sàng bứt phá” với tổng hạn mức lên tới 3.000 tỷ đồng.

Xuân Hoàng

Khi nào thì vận hành lưới điện 110kV ở Tân Kỳ?

(Baonghean.vn) - Mặc dù dự án lưới điện 110kV của huyện Tân Kỳ đã được đầu tư xây dựng cách đây hơn 2 năm, nhưng do vướng mắc giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Đô Lương nên đến nay vẫn chưa đưa vào vận hành được.

Nỗ lực ‘đánh thức’ báu vật du lịch Pù Mát

Nỗ lực ‘đánh thức’ báu vật du lịch Pù Mát

(Baonghean.vn) - Vườn Quốc gia Pù Mát là “kho báu” trong khai thác giá trị kinh tế ngành du lịch, dịch vụ theo hướng sinh thái bền vững. Hiện, chính quyền và người dân đang nỗ lực xây dựng các mô hình dịch vụ du lịch xanh, bước đầu cho hiệu quả, song vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập cần tháo gỡ.

BNI vùng Thanh Nghệ Tĩnh kỷ niệm 10 năm thành lập

BNI vùng Thanh Nghệ Tĩnh kỷ niệm 10 năm thành lập

(Baonghean.vn) - Cùng với việc tạo ra hàng trăm nghìn cơ hội kinh doanh và trị giá doanh số giao dịch, kinh doanh lên tới hàng nghìn tỷ đồng, BNI vùng Thanh Nghệ Tĩnh còn tích cực tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội trên địa bàn.

Thị trường vàng Nghệ An im ắng trước giờ 'G'

Thị trường vàng Nghệ An im ắng trước giờ 'G'

(Baonghean.vn) -Ngày mai (22/4) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng SJC, nhằm góp phần hạ nhiệt giá vàng, thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước với giá vàng thế giới. Trước thông tin này, thị trường vàng Nghệ An trong những ngày qua khá trầm lắng, giao dịch giảm hẳn…