Bài 2: Chọn cách thoát nghèo
(Baonghean) - Trong cuộc sống, mỗi hộ một hoàn cảnh do vậy các gia đình đều có cách làm khác nhau để thoát nghèo. được nhà nước quan tâm, hỗ trợ, đã xuất hiện nhiều người biết vươn lên thoát nghèo bằng siêng năng, chịu khó, sáng tạo trong lao động sản xuất,... nhiều địa phương cũng có những trăn trở để làm sao việc hỗ trợ hộ nghèo có hiệu quả.
TIN LIÊN QUAN
Hữu Kiệm là xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất huyện Kỳ Sơn (33,7%), trong khi đó bình quân hộ nghèo của huyện là trên 60%. Trao đổi về kinh nghiệm để có tỷ lệ giảm nghèo nhanh, ông Kha Văn Quyên - Chủ tịch UBND xã, cho biết: Năm nào cũng vậy, trước khi có chương trình hỗ trợ hộ nghèo của Nhà nước là xã phân hộ nghèo thành 4 nhóm: lười lao động, ốm đau, thiếu vốn và thiếu kiến thức KHKT. Sau đó mới xác định hộ để hỗ trợ, ưu tiên những hộ thiếu vốn và thiếu KHKT, đau yếu. Làm như thế, nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước mới phát huy hiệu quả. Trong nhiều năm qua, trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều điển hình vươn lên thoát khỏi hộ nghèo, trong đó đáng khích lệ là một số hộ đồng bào Khơ mú, Thái nơi vùng sâu, vùng xa...
![]() |
Vợ chồng ông Lữ Văn May ở bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) xay xát gạo phục vụ bà con dân bản. |
Men theo con đường đất nhỏ bên khe suối, chúng tôi đến Đỉnh Sơn 1, là bản đặc biệt khó khăn của xã Hữu Kiệm, nơi cư trú của 96 hộ đồng bào Khơ mú. Lúc này ban quản lý bản Đỉnh Sơn 1 đang tập trung tại nhà văn hóa cộng đồng để phân loại các hộ trong bản, chuẩn bị cho công tác bình xét hộ nghèo năm 2015. Trưởng bản Lương Xuân Hiền thổ lộ: Mặc dù là bản đặc biệt khó khăn, có tới 68/96 hộ nghèo, trong số các hộ đã thoát nghèo đó, có những hộ vươn lên từ hai bàn tay trắng, không có một sự hỗ trợ nào của Nhà nước... Nói rồi, ông Hiền hồ hởi dẫn chúng tôi đến nhà ông Lữ Văn May.
Tiếp xúc, vợ chồng ông May cho biết: Cưới nhau năm 1986, hai bên đều nghèo nên cuộc sống vợ chồng khó khăn như bao gia đình khác trong bản. Với đức tính cần cù, chịu khó lao động, bà Luyến - vợ ông May tích cực bám nương rẫy, kết hợp chăn nuôi lợn, còn ông May khéo tay, biết làm thợ nề, nên trong bản nhà nào cần làm công trình phụ là ông nhận làm. Sau nhiều năm tích góp, năm 1991, vợ chồng dựng được căn nhà gỗ, thay thế túp lều của cha mẹ làm cho khi ra riêng. Có chỗ ở ổn định, vợ chồng tìm đến vùng đất cách nhà nửa ngày đường đi bộ để phát triển kinh tế bằng chăn nuôi. Ở đó, ông May đào 2 ao thả cá, phía trên đồi chăn thả bò.
Vì không có tiền đầu tư một lúc nhiều, nên vợ chồng ông May mua 2 con trâu cái sinh sản, trong quá trình chăn nuôi, trâu mẹ đẻ được con nào để nuôi con đó. Xung quanh ao cá trồng chuối, sắn, lấy lá làm thức ăn cho cá. Năm 1992, vợ chồng bán 1 con trâu to, mua 1 máy xay xát gạo về phục vụ bà con trong bản. 10 năm lại nay, ông chuyển từ nuôi trâu sang chăn nuôi bò. Mỗi lần bán 1 con bò to, ông mua thêm 2 con bê, đàn bò ngày càng đông. Hàng ngày, chồng ở nhà xát gạo, vợ vào trại thả bò, nuôi cá, lúc mùa vụ, vợ chồng cùng nhau lên nương thu hoạch ngô, lúa. Những hộ đến xay xát gạo, người ta thường trả bằng tiền, hoặc gạo, cám, ông đều nhận. Từ đó, gia đình có điều kiện chăn nuôi thêm lợn sinh sản, lợn thịt.
Với gia đình chị Vi Thị Thành, dân tộc Thái, ở bản Hòm, xã Hữu Kiệm, cũng có cách làm ăn riêng để thoát nghèo. Nói là riêng, thực chất chỉ là siêng năng và chịu khó lao động, chứ có gì ngoài mấy ha rẫy và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Chị Thành vui vẻ: Đồng bào vùng cao khi mới ra riêng, ai mà chẳng nghèo. Nhưng không thể cứ để nghèo, trông chờ ỉ lại Nhà nước mãi được. Không giống các hộ khác trong bản bỏ đi khắp nơi làm thuê, “được đồng nào xào đồng ấy”, năm 2010 vợ chồng chị nhận thêm vùng đất nương rẫy sát mép sông Nậm Mộ để khoanh vùng chăn nuôi gà thịt và dê. Khi đó, được Nhà nước hỗ trợ 50 con gà giống. Có gà giống, chị nhen nhóm thành đàn đông đúc, có gà thịt bán ra thị trường. Chị Thành chia sẻ: Việc chăn nuôi gà ở đây cũng không phải dễ. Để gà phát triển nhanh, không bị dịch bệnh, mình không bao giờ lấy nước sông cho gà uống, đề phòng người dân vùng thượng nguồn vứt gà chết do dịch bệnh xuống sông. Sau bao nhiêu năm trăn trở tìm hướng làm ăn, năm 2012 gia đình chị Thành đã thoát nghèo. Về kinh nghiệm thoát nghèo, chị Thành đúc kết: Nhà nào cũng vậy, nghèo hay không nghèo là do chính mình. Mình phải chịu khó lao động sản xuất thì mới có của ăn của để.
Hiện nay, toàn huyện Tương Dương còn trên 51% hộ nghèo. Những địa bàn nghèo tập trung chủ yếu tại các xã vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ. Các xã Hữu Khuông, Nhôn Mai, Mai Sơn mỗi xã đều có tỷ lệ hộ nghèo trên 80%. Đây là những địa bàn còn nhiều trở ngại trong việc phát triển kinh tế xã hội, vì thế việc thoát nghèo của người dân tại đây gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đối với những địa bàn vùng ngoài thì phong trào thoát nghèo đang diễn ra khá sôi nổi. Đã có những bản nổi lên phong trào người dân tình nguyện rút khỏi danh sách hội nghèo, trong đó phải kể đến bản Quang Thịnh, xã Tam Đình.
Đến Quang Thịnh, Trưởng bản Vi Võ Tuấn cho biết, vụ lúa nương vừa qua có thể coi là được mùa, bà con phấn khởi. Bình quân năng suất khoảng 50 tạ/ha. Có thóc gạo rồi, người bản vững dạ, chí thú làm ăn hơn, vì thế mà cái nghèo đang dần được đẩy lui. Trong bản có 193 hộ dân thì vẫn còn 93 hộ nghèo. Xem ra, số hộ nghèo của bản Quang Thịnh không ít. Tuy nhiên, so với những năm trước số hộ nghèo trong bản đã giảm mạnh. Trong năm 2014, bản giảm được 20 hộ nghèo, vượt chỉ tiêu xã giao. Còn năm 2015, bản phấn đấu số hộ nghèo sẽ giảm khoảng trên 20 hộ nữa.
Ông Tuấn chia sẻ: Trong những lần rà soát hộ nghèo, tính dân chủ được đặt lên hàng đầu. Lấy ý kiến của đông đảo người dân là công bằng nhất. Từng hộ thuộc diện nghèo trong bản được đem ra bình xét, xem tình hình kinh tế của gia đình trong thời gian qua như thế nào. Sau đó việc bình xét hộ nghèo do chính người dân quyết định. Nhờ cách làm này, thời gian qua đã có nhiều hộ tình nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Gia đình anh Xên Công Nghĩa là một trong những hộ như thế. Cách đây 2 năm, gia đình anh thuộc diện khó khăn. Nhờ chính sách hỗ trợ hộ nghèo của Nhà nước, anh mua được một con trâu. Không may trâu chết vì dịch bệnh, anh quyết định rời quê đi làm công nhân tại một doanh nghiệp ở Thái Bình. Sau thời gian làm lụng tích cóp được ít vốn, anh trở về quê, cùng vợ phát triển kinh tế hộ. Điều trước tiên, anh thanh niên 27 tuổi này đề xuất với bản là xin thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Anh Nghĩa nói: Khi đã tự nguyện xin ra hộ nghèo thì mình phải dốc sức thực hiện cho bằng được mong muốn của mình. Có vốn, anh mua lợn giống về nuôi, cứ sau vài lứa bán lợn, đồng vốn dày thêm, anh tính đến chuyện xây dựng trại chăn nuôi lợn tại vùng đất gần khu rừng săng lẻ, kết hợp trồng cây lâu năm, đào ao thả cá và chăn nuôi bò. Hiện tại trong chuồng có 20 con lợn thịt, 10 con bò. Đầu năm 2014, anh mở thêm quán bán tạp hóa để tăng thu nhập...
Trong bản còn có gia đình bà Lê Thị Phơi, cũng đã đăng ký ra khỏi danh sách hộ nghèo trong năm 2015. Cũng như anh Xên Công Nghĩa, bà mẹ đơn thân này cũng muốn lấy việc xin ra khỏi hộ nghèo để tạo động lực vượt lên khó khăn. Ông Tuấn chia sẻ: Thời gian tới, thôn bản sẽ ưu tiên cho những gia đình mới thoát nghèo thực hiện các mô hình phát triển kinh tế được huyện, xã triển khai về nhằm khuyến khích đối với những hộ đã thoát nghèo có cơ hội thuận lợi thoát nghèo bền vững.
Xã Tam Thái (Tương Dương) thời gian qua cũng có nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bằng nghị lực chính mình. Hiện địa bàn này cũng trở thành 1 trong 3 xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất huyện, chỉ còn hơn 16%. Anh Vi Viết Kiều, Chủ tịch UBND xã Tam Thái cho biết: Trong năm 2014, cán bộ công chức tại các cơ quan đơn vị đóng trên địa bàn xã nhận hỗ trợ 8 hộ thoát nghèo, mỗi hộ được hỗ trợ bằng vật nuôi trị giá 10 triệu đồng. Trước khi trao vật nuôi, cán bộ xã, bản đến các hộ dân tìm hiểu khả năng về kinh tế cũng như lao động và điều kiện tự nhiên để chọn con giống phù hợp. Cách làm này giúp người dân sử dụng nguồn vốn hiệu quả hơn trong phát triển kinh tế, từ đó việc giảm hộ nghèo trong xã nhanh hơn.
Ông Kha Văn Thắng, trú bản Tân Hợp, là một trong những hộ được hỗ trợ thoát nghèo trong năm 2015 sắp tới của xã Tam Thái. Sau những rủi ro trong làm ăn và một tai nạn ập đến gia đình vào năm 2013, ông phải bán đi căn nhà và mảnh đất vườn. Sau khi rà soát hộ nghèo cuối năm ngoái, ông được đưa vào danh sách hộ nghèo. Sau một năm cố gắng, ông đã tự tạo nguồn vốn phát triển chăn nuôi và bước đầu đã cho thu nhập. Ông Thắng nói, gia đình đang phấn đấu làm ăn, sau khoảng 2, 3 năm nữa có thể làm lại nhà. Là một người chí thú làm ăn, lại khá năng động nên bản thân ông mong sẽ thoát khỏi danh sách hộ nghèo trong những năm tới.
Thời gian qua, việc xóa đói giảm nghèo cũng được chính quyền các cấp ở huyện Tương Dương đặc biệt chú trọng. Ngoài những hỗ trợ của Nhà nước dành cho vùng đặc biệt khó khăn thì từ năm 2013, chính quyền huyện cũng có chủ trương mỗi cơ quan đơn vị đóng trên địa bàn huyện hỗ trợ 1 - 2 hộ thoát nghèo. Số tiền hỗ trợ này được vận động từ các cán bộ công chức tại các địa bàn đóng trên toàn huyện. Riêng UBND huyện trực tiếp hỗ trợ 2 xã Thạch Giám và Lượng Minh mỗi xã 2 hộ, mỗi hộ dược hỗ trợ trên 10 triệu đồng để mua vật nuôi.
Ông Kha Đình Phê - Trưởng phòng Lao động - Thương binh - Xã hội huyện Tương Dương cho biết: Trước đây, mỗi cơ quan đơn vị trực thuộc ủy ban huyện đều phải hỗ trợ một số hộ nghèo, nhưng có những phòng ban rất ít cán bộ, số tiền quyên góp được không nhiều, vì thế năm 2014 này, cả khối các cơ quan thuộc ủy ban chỉ hỗ trợ 4 hộ thoát nghèo. Biện pháp này sẽ hiệu quả hơn trong việc giúp người dân thoát nghèo...
Những hộ đã vươn lên thoát nghèo như đã đề cập chỉ là số ít trong số những tấm gương sáng đã vươn lên thoát nghèo trên địa bàn các huyện miền núi, đáng được quan tâm khích lệ. Bên cạnh đó, còn không ít hộ mặc dù đủ điều kiện để thoát nghèo, mà vẫn còn tư tưởng trông chờ ỉ lại, tìm mọi cách để được hưởng chính sách hộ nghèo, khiến dư luận không đồng tình?!
Bài, ảnh: X.Hoàng - V.Chôồng