Bài 2: Chưa tương xứng tiềm năng

22/04/2012 09:56

Tiềm năng về đất đai, con người ở vùng miền núi rất nhiều và đa dạng nhưng chúng ta chưa có chính sách đầu tư theo “chuỗi” nên nhiều cây trồng, vật nuôi phát triển không bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng. Ở nhiều địa phương, việc trồng cây gì, nuôi con gì, cơ quan quản lý không thể định hướng được, vì không chủ động được khâu tiêu thụ... 

(Baonghean) - Tiềm năng về đất đai, con người ở vùng miền núi rất nhiều và đa dạng nhưng chúng ta chưa có chính sách đầu tư theo “chuỗi” nên nhiều cây trồng, vật nuôi phát triển không bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng. Ở nhiều địa phương, việc trồng cây gì, nuôi con gì, cơ quan quản lý không thể định hướng được, vì không chủ động được khâu tiêu thụ...

Miền Tây Nghệ An có tiềm năng đất đai rộng lớn, lượng lao động dồi dào, đang thiếu việc làm ổn định… là cơ hội để vùng miền núi phát triển kinh tế. Lâu nay, chúng ta đã tìm ra được nhiều cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng từng vùng để trồng, song hiệu quả kinh tế thấp. Diện tích đất đai vùng miền núi rộng lớn, nhưng vấn đề ở chỗ là phải quy hoạch, có quy hoạch thành vùng cụ thể thì khi đó sản phẩm mới có tính hàng hóa, tiềm năng mới được khai thác. Không ít người bỏ quê vào vùng Tây Nguyên lập nghiệp, ở đó đất đai cũng dồi dào, và họ đã làm giàu từ trồng cà phê, hồ tiêu... Khát khao làm giàu ngay tại mảnh đất của chính quê hương mình là niềm mong muốn của mỗi người dân. Họ biết tiềm năng có đấy, nhưng khó làm được vì sản phẩm làm ra bán ở đâu, bán cho ai? Trong khi cơ quan chức năng đang bế tắc khâu này. Bởi thế, có những địa phương thời gian qua xảy ra tình trạng diện tích sắn tăng một cách không kiểm soát được. Sắn được bà con nông dân trồng xen trong diện tích rừng nguyên liệu chưa khép tán. Thậm chí có gia đình phá cả rừng keo để trồng sắn, đem lại lợi ích trước mắt.



Bà con nông dân vùng miền núi ồ ạt trồng sắn ngoài tầm kiểm soát của huyện, dẫn đến sản phẩm bán rẻ, thậm chí khó tiêu thụ.

Vậy tại sao, người dân lại chọn cây sắn để trồng xen? Ông Trần Tử Bá - Hội phó Hội Làm vườn huyện Tân Kỳ, cho rằng: Trồng sắn đầu tư ít, làm qua loa cũng có ăn. Điều này rất phù hợp với những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn và phải nói thẳng là lười. Những gia đình có điều kiện và siêng năng thì họ không bao giờ trồng sắn. Vì trồng sắn có 3 cái hại. Thứ nhất, làm cho đất đai bạc màu, thứ hai là giá trị sản phẩm thấp, và thứ ba là nhiều khi tiền bán sắn không đủ chi phí cho tiền thuê thu hoạch. Như vậy đối với người trồng sắn, được ví như “cháy nhà hai đầu cháy lại”. Vấn đề ở chỗ là biết đó mà chính quyền địa phương từ xã đến huyện bó tay, mặc dù trên vùng đất đó có thể trồng được nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao hơn và thị trường đang cần. Ví như trồng cây sả, gừng, dong riềng… nhưng trồng thì sản phẩm đó không biết tiêu thụ ở đâu. Đặc biệt là cây dong riềng vừa thu hoạch được củ, lá và thân của nó đem lại lợi ích cho đất.

Vấn đề rất cần thiết là phải xác định cây trồng phù hợp để phát triển cây đó. Ví dụ, ở huyện Tân Kỳ đất đai rất phù hợp với cây cao su thì chú trọng phát triển cây cao su. Lâu nay, huyện cũng đã quan tâm đến phát triển diện tích cao su theo quy hoạch, nhưng đến nay diện tích cao su của huyện mới đạt hơn 4 nghìn ha là chưa tương xứng. Nhu cầu mủ cao su trên thị trường trong nước và xuất khẩu rất lớn, do vậy Tân Kỳ cần phải có một chiến lược phát triển cây cao su theo quy hoạch, diện tích, năng suất và quy trình bảo vệ. Theo khảo sát, Tân Kỳ phải trồng cho được từ 10 – 15 nghìn ha cao su mới tương xứng với tiềm năng. Bên cạnh cây cao su, cây mía cũng là tiềm năng trên đất Tân Kỳ. Song không phải vì thế mà phát triển một cách ồ ạt, bởi vì phải dựa vào công suất của Nhà máy mía đường Sông Con. Hiện nay, diện tích mía đứng của Tân Kỳ hơn 4 nghìn ha là hợp lý. Vần đề cần phải quan tâm là tìm giải pháp để tăng năng suất. Hiện tại, năng suất bình quân của mía ở Tân Kỳ 50 tấn/ha là thấp, yêu cầu của người dân là năng suất phải gấp đôi mới thỏa mãn.

Cây nguyên liệu giấy, tức là trồng rừng nguyên liệu có lẽ là tiềm năng lớn nhất đối với các huyện: Con Cuông, Anh Sơn, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp. Trồng rừng nguyên liệu sau 6 – 7 năm là thu hoạch, như vậy trồng rồi lại khai thác, khai thác xong lại trồng. Quy trình đó lặp đi lặp, lại trở thành cuộc chiến trồng rừng diễn ra mãi mãi. Vì vậy, đây chính là nơi thu hút nhiều lực lượng lao động mang tính ổn định, bền vững. Nhưng xét về hiệu quả thì người trồng rừng còn thiệt thòi. Bởi một lẽ, giá bán gỗ nguyên liệu quá thấp. Anh Lô Văn Đại, chủ rừng ở xã Tân Hợp, huyện Tân Kỳ có 11 ha rừng nguyên liệu trồng cách đây 6 năm, nay đã đến kỳ thu hoạch. Nhưng theo anh Đại cho biết, cuối năm 2011, có người đến hỏi mua quả với giá 10 triệu đồng/ha. Thấy quá rẻ, anh Đức tiếc của nên không bán. Mong muốn của anh là giá cả tăng lên để bán, sau đó trồng lứa khác. Ở xã Tân Hợp, cuối năm 2011, có những gia đình phải cắn răng chấp nhận bán rừng với giá 7 – 8 triệu đồng/ha. Nguyên nhân dẫn đến bán rừng với giá rẻ, theo một số lái xe vận tải cho biết là giao thông đi lại khó khăn nên ép chủ rừng.

Mét được xác định là cây trồng chủ lực để xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các huyện Tương Dương, Con Cuông, nhưng sản phẩm bán ra không được như mong muốn. Cũng trên địa bàn huyện Con Cuông, thậm chí là trong một xã, giá bán mét chênh lệch quá nhiều. Thời điểm đầu năm 2012, tại xã Bồng Khê, Yên Khê, Chi Khê… những xã có giao thông thuận lợi thì giá bán một cây mét loại to đẹp 8 – 10 nghìn đồng, nhưng ở các xã; Mậu Đức, Đôn Phục, Bình Chuẩn, Thạch Ngàn… (Con Cuông) chỉ có 5 – 6 nghìn đồng. Ông Dương Văn Ngân – Phó Chủ tịch UBND xã Mậu Đức, cho biết: Trên địa bàn xã hiện có khoảng 100 ha mét, năm nào bà con cũng thu hoạch tỉa nên có tiền tiêu những lúc giáp hạt. Nhờ có cây mét, những hộ nghèo bớt khó khăn. Tuy nhiên, do mạng lưới giao thông đi lại quá khó khăn vào mùa mưa, hơn nữa thị trường tiêu thụ không có địa chỉ ổn định nên giá bán mét quá rẻ.

Ngay cả sản phẩm cam Bãi Phủ, thuộc 2 huyện Anh Sơn và Con Cuông được người tiêu dùng ưa chuộng từ hàng chục năm nay. Mặc dù quỹ đất ở vùng này để phát triển diện tích cam còn nhiều, nhưng do cơ chế và nhận thức của người dân nên khó phát triển. Trong khi đó, sản phẩm cam Bãi Phủ hiện tại là chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho thị trường nội địa, chưa nói đến cung cấp cho nhà máy chế biến. Quy hoạch lại vùng cam Bãi Phủ là rất cần thiết. Hiện nay, có một điều rất thực tế là nhiều thương lái lợi dụng thương hiệu cam Bãi Phủ, chuyển cam từ các nơi về bày bán hai bên Quốc lộ 7, đoạn chạy qua xã Yên Khê (Con Cuông) để bán cho khách.

Việc trồng cây gì, nuôi con gì là do ngành Nông nghiệp định hướng, quản lý. Tuy nhiên, việc này lâu nay đối với vùng miền núi còn bỏ ngỏ. Có rất nhiều nguyên nhân, đó là do trình độ của đội ngũ cán bộ còn hạn chế và cơ chế không hợp lý. Cơ chế ở đây là lâu nay chúng ta đang đầu tư nửa vời. Ông Lê Công Tâm – Trưởng phòng Nông nghiêp – PTNT huyện Kỳ Sơn, cho rằng: Năm nào Nhà nước cũng đầu tư xây dựng nhiều mô hình trồng cây, con cho các huyện miền núi, nhưng điểm lại cho thấy số mô hình được bà con áp dụng, nhân rộng là rất ít. Lý do là mô hình chỉ triển khai 2 – 3 vụ, chưa đủ thời gian để bà con làm theo. Cán bộ nông nghiệp mà trực tiếp là cấp huyện trở lên phải định hướng cho nông dân trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp với điều kiện, tiềm năng. Nhưng do không chủ động được khâu tiêu thụ nên không thể định hướng được. Do vậy dẫn đến tình trạng dân muốn trồng cây gì thì trồng, không ai quản lý, không ai chỉ đạo. Sản phẩm bí ở Tương Dương, gừng ở Kỳ Sơn là hai mặt hàng có thể làm giàu cho nông dân, nhưng khi trồng ra sản phẩm rồi thì hỏi bán ở đâu không ai biết. Chỉ biết năm nay, giá bán bao nhiêu, năm ngoái bán như thế nào… hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường tự do. Giá như các địa phương đó có quy hoạch vùng trồng bí, trồng gừng… Nhà nước có đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tại chỗ thì sản phẩm đó chắc chắn phát triển bền vững. Tại sao tiềm năng đó chúng ta đã biết, và rất phù hợp với đồng bào các dân tộc, nhưng vẫn không khai thác được? Rõ nét nhất là cây gừng, năm ngoái giá gừng ở Kỳ Sơn lên đến 20 nghìn đồng/kg, rất nhiều gia đình ở các xã: Mường Lống, Huồi Tụ, Phà Đánh đua nhau trồng gừng, với mong muốn đổi đời. Thế nhưng bước sang năm nay, giá gừng lại hạ xuống 5 nghìn đồng/kg, tâm lý người nông dân chùng xuống. Và có một điều rất thực tế là sang năm chắc diện tích gừng sẽ giảm sút, ngược lại giá cả lại tăng. Điều này chẳng có gì lạ khi mà sản phẩm nông nghiệp đang hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường “mạnh ai nấy làm”. Có một nghịch lý xưa nay thường gặp là người nông dân trồng cây gì thì tự lo khâu tiêu thụ?!

Để khai thác tiềm năng phát triển cây trồng, vật nuôi vùng miền núi một cách bền vững, nhiều ý kiến cho rằng các địa phương phải có kế hoạch đầu tư dài hơi. Các chính sách hỗ trợ của nhà nước phải đồng bộ, trong đó lấy thị trường làm đòn bẩy quyết định để kích cầu phát triển cây trồng vật nuôi có hiệu quả.


Xuân Hoàng

Mới nhất
x
Bài 2: Chưa tương xứng tiềm năng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO