Bài 2: Công ty TNHH một thành viên nông nghiệp - Bước đột phá về năng suất, chất lượng

30/01/2013 14:51

Đối với các nông trường được chuyển đổi theo Nghị quyết 28 -NQ/T.Ư của Bộ Chính trị sang Công ty TNHH một thành viên nông nghiệp đã có bước phát triển rất rõ nét, đặc biệt hiệu quả trong việc sử dụng đất, giá trị kinh tế ngày càng tăng trên đơn vị diện tích.

> Xem Bài 1: Hệ thống lâm trường ngày càng khởi sắc

Cụ thể là Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành (Quỳ Hợp) sau khi chuyển đổi đã có bước “đột phá” ngoạn mục. Ông Hoàng Minh - Giám đốc Công ty cho biết: Trước đây Công ty có tên gọi là Nông trường quốc doanh Xuân Thành, chủ yếu cơ cấu các loại cây cam, cao su, chè, mía… Sau khi chuyển đổi, diện tích đất của Công ty là 1.700 ha, qua nghiên cứu, khảo nghiệm các giống cây Công ty đã quyết định trồng 2 loại cây chủ lực là cam và cao su.

Riêng cây cam mang lại hiệu quả cao, với diện tích cơ cấu trên 650 ha, chủ yếu các loại cam Vân Du, cam Xã Đoài và cam Valenxia 2. Đây là 3 giống cam chống chịu được thời tiết khắc nghiệt và phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng nơi đây. Các giống cam đều được trồng rải vụ, chín muộn, chín sớm, đặc biệt là có trên 300 ha phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán. Công ty đã được Dự án DA 15 (Bộ Công an và Viện Di truyền) đầu tư xây dựng hệ thống vườn ươm nhà lưới sản xuất giống cam, quýt sạch bệnh, mỗi năm sản xuất trên 25.000 giống cây cam. Cam của Công ty đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp chứng chỉ chỉ dẫn địa lý với thương hiệu “Cam Vinh”.



Thu hoạch cam ở Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành (Quỳ Hợp).

Tại các lô cam dịp này các hộ nhận khoán đang nhộn nhịp thu hoạch. Chị Nguyễn Thị Hiền là hộ nhận khoán ở đội 3 đang cắt những trái cam chín mọng đóng hộp phấn khởi khoe: Cam năm nay được mùa, gia đình trồng 1,2 ha cam thu hoạch khoảng 40 tấn, bán với giá tại gốc 40.000 đ/kg doanh thu 1,6 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi 1,2 tỷ đồng; hộ anh Ngọ Minh ở đội 4 doanh thu 1,4 tỷ đồng/năm, chị Nam Giang đạt 1 tỷ đồng/năm …

Ông Minh cho biết thêm: Đối với hình thức cho các hộ nhận khoán trồng cam thì Công ty quy hoạch đất, cung ứng giống, hỗ trợ về kỹ thuật, dịch vụ, lo tiêu thụ đầu ra, cho bà con vay vốn trồng cam, Công ty thu 5-6%; năng suất cam bình quân đạt 25 tấn cam/ha. Hiện Công ty đang trồng 40 ha cam Mat giống lai ngoại, cam chín sớm. Bên cạnh đó, Công ty có 557 ha cao su với 780 hộ nhận khoán; có nhà máy chế biến đạt công suất 6 tấn mủ khô/ngày. Trước chuyển đổi năm 2005, Công ty đạt doanh thu hơn 3,5 tỷ đồng, sau chuyển đổi năm 2012 doanh thu đạt trên 19 tỷ đồng, lương bình quân công nhân đạt 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Công ty TNHH-MTV Cây ăn quả Nghệ An sau khi chuyển đổi cũng có bước khởi sắc. Công ty có 1.800 ha đất, sau chuyển đổi Công ty cơ cấu chủ là cây cao su (trên 900 ha), nhờ trồng giống mới chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất cao su đạt từ 1,4-1,5 tấn mủ khô/ha, bình quân đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm. Trong năm 2007, Công ty đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền chế biến mủ cao su đạt 3.000 tấn mủ khô/năm; riêng dây chuyền này tạo việc làm cho 60 lao động với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng. Công ty còn năng động thu mua nguyên liệu cao su ở tỉnh Thanh Hoá về để chế biến, ngoài ra liên kết đầu tư cùng với bà con các xã trên địa bàn trồng được trên 300 ha cao su, sang năm 2013 sẽ cho thu hoạch. Đến thời điểm này Công ty đã tạo việc làm cho trên 300 lao động, với mức lương bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu năm 2006 là 15 tỷ đồng thì năm 2012 đạt 81 tỷ đồng.

Có thể nói, hệ thống nông trường sau chuyển đổi sang Công ty TNHH một thành viên nông nghiệp do mang tính tự chủ cao, cộng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, các công ty đã năng động khai thác tiềm năng lợi thế để phát triển các loại cây thế mạnh của từng vùng đất. Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch tích cực, vốn và tài sản, cơ sở vật chất kỹ thuật được đầu tư đáp ứng yêu cầu sản xuất phát triển, đất đai được quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả. Liên kết tiêu thụ sản phẩm với các đơn vị bạn để có đầu ra ổn định sản phẩm.

Đặc biệt là nhờ các công ty có nhiều biện pháp ứng dụng tiến bộ KHKT công nghệ vào sản xuất, đầu tư chăm sóc đúng với quy trình kỹ thuật, nên năng suất chất lượng tăng cao. Như cây cam tăng năng suất từ 100 tạ/ha lên 150 tạ/ha, với giá bán cao nên doanh thu đạt từ 500-600 triệu đồng/ha/năm, cây nguyên liệu mía tăng từ 60 tấn mía/ha/năm lên 90-100 tấn/ha/năm… Khối lượng sản phẩm kinh doanh đạt cao như cao su mủ khô đạt 1.320 tấn, sau chuyển đổi đạt 4.160 tấn, cam quả đạt 8.500 tấn, sau chuyển đổi đạt 14.500 tấn. Đặc biệt là do quỹ đất hạn hẹp nên các Công ty đã liên kết được với các xã trên địa bàn để trồng các loại cây phù hợp với thổ nhưỡng như cây mía, chè, cà phê, cao su mang lại lợi nhuận cho Công ty và các hộ dân.

Tuy nhiên, khó khăn đặt ra hiện nay là một số Công ty vẫn thiếu vốn để đầu tư sản xuất quy hoạch và cải tạo, như xây dựng đường nguyên liệu, xây dựng hệ thống thuỷ lợi tưới cho cây công nghiệp, xây dựng các dây chuyền chế biến cà phê, cao su hiện đại, đầu tư cơ giới hoá vào sản xuất …


Văn Trường - Hoàng Vĩnh

Mới nhất
x
Bài 2: Công ty TNHH một thành viên nông nghiệp - Bước đột phá về năng suất, chất lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO