Bài 2: Đào tạo theo địa chỉ

01/09/2011 09:47

Đào tạo nghề phải gắn với địa chỉ cụ thể để người lao động sau khi được đào tạo xong có việc làm ổn định và sống được với nghề. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số cơ sở dạy nghề thực hiện khá tốt vấn đề này. Song, để nhân rộng ra thì cần những giải pháp đồng bộ.

(Baonghean) - Đào tạo nghề phải gắn với địa chỉ cụ thể để người lao động sau khi được đào tạo xong có việc làm ổn định và sống được với nghề. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số cơ sở dạy nghề thực hiện khá tốt vấn đề này. Song, để nhân rộng ra thì cần những giải pháp đồng bộ.

Nghi Lộc là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT). Hiện nay, trên địa bàn huyện có 3 khu công nghiệp (Nam Cấm, Trường Thạch, Đồng Trộ) với nhiều nhà máy, xí nghiệp và làng nghề. Hơn nữa, Nghi Lộc là địa bàn nằm sát Thành phố Vinh - Trung tâm kinh tế - văn hoá của tỉnh. Đây có thể xem là những "địa chỉ" hấp dẫn để khi người lao động sau khi được đào tạo tay nghề xong có điều kiện tiếp cận với việc làm. Ông Nguyễn Văn Bá, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện, cho biết: Nhiều năm qua, ngoài việc giới thiệu việc làm cho lao động ở các công ty, huyện còn liên kết tạo việc làm cho học viên học các nghề tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm tại chỗ.


Lớp thực hành may mặc tại Trường trung cấp nghề Yên Thành.

Tuy không có điều kiện thuận lợi như Nghi Lộc, song Yên Thành cũng là một trong những huyện thực hiện khá tốt công tác đào tạo nghề cho LĐNT gắn với giải quyết việc làm. Là huyện thuần nông, với gần 28 vạn người, hàng năm địa phương có thêm 1.300 lao động trẻ. Nhằm hướng tới lao động có tay nghề, có việc làm ổn định lâu dài, thời gian qua, huyện Yên Thành đã liên kết với nhiều công ty, xí nghiệp đào tạo nghề cho LĐNT. Ông Trần Văn Tuấn, KS - Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề kỹ thuật Công nông nghiệp Yên Thành, cho biết: Nhiều năm qua, trường đã đào tạo được hàng ngàn học viên có tay nghề, trong đó phần lớn đã có việc làm ổn định. Từ đầu năm 2011 đến nay, nhà trường đã 2 lần giới thiệu việc làm cho gần 40 học viên đi làm việc tại một số công ty trong Nam, ngoài Bắc. Một số công ty có đơn đặt hàng lao động tại trường như Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà...

Qua tìm hiểu, được biết những địa phương thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn như Nghi Lộc và Yên Thành ở tỉnh ta chưa nhiều, mà phần lớn các cơ sở dạy nghề ở các địa phương đang "dạy cái ta có, không đào tạo được những cái thị trường cần" và đào tạo xong thì bỏ mặc người lao động tự tìm kiém việc. Ông Phan Sỹ Dương, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH chia sẻ: Để LĐNT sau khi học xong có việc làm cần mở rộng các mô hình dạy nghề theo hợp đồng có sự liên kết giữa 3 bên: Đó là cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề (các sở, ban ngành, các huyện, thành thị); các cơ sở đào tạo nghề (trung tâm dạy nghề cấp huyện, các trường trung cấp, cao đẳng nghề..) và chủ sở hữu lao động (các công ty, doanh nghiệp, làng nghề..). Việc nhân rộng mô hình liên kết này vừa tạo điều kiện để mở các lớp dạy nghề theo nhu cầu và đảm bảo người lao động sau khi được đào tạo nghề xong sẽ có việc làm ổn định. Đặc biệt, để việc học nghề thu hút được nhiều nông dân hơn nữa thì Nhà nước cần tiếp tục thực hiện biện pháp: nông dân học nghề xong thì được tạo điều kiện vay vốn với lãi suất ưu đãi để có điều kiện ứng dụng những gì mình đã học. Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghi Lộc thì cho rằng: Đối với nông dân, các lớp đào tạo nghề không nên chỉ tổ chức ở các trường, các trung tâm dạy nghề, mà còn nên tổ chức lưu động ở từng xã, xóm. Đặc biệt, cần chú trọng đến việc đào tạo nghề cho nông dân ở các xã vùng sâu, vùng xa vì đây là những vùng mà điều kiện đi lại, ăn ở cho học viên còn rất khó khăn. Bên cạnh đó, đào tạo nghề ở nông thôn cần gắn với việc thực hiện Chương trình "Mỗi làng, một nghề" đang được triển khai, cần dạy nghề cho lao động ở những làng nghề hiện có để duy trì và nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời, lại rất cần "cấy nghề" cho những địa phương chưa có nghề, để phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp, tạo điều kiện cho người dân địa phương tận dụng thời gian nhàn rỗi, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Cần chủ động, tích cực nắm bắt thông tin thị trường lao động trong và ngoài tỉnh, để có cơ sở bố trí cơ cấu ngành nghề đào tạo phù hợp, tăng cường hoạt động liên kết với doanh nghiệp để tổ chức đào tạo theo địa chỉ sử dụng lao động, đảm bảo đáp ứng việc làm sau học nghề, giúp người dân nông thôn phát triển kinh tế một cách bền vững.


X. Hoàng - P. Bằng

Mới nhất

x
Bài 2: Đào tạo theo địa chỉ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO