Bài 2: Đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng công nghiệp
(Baonghean.vn) Ông Nguyễn Văn Thành người sở hữu một trang trại nuôi lợn ngoại sinh sản có quy mô hàng trăm con ở xã miền núi Mã Thành (Yên Thành), cho biết: "Sau khi đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm làm ăn ở nhiều nơi, thấy ở nhiều địa phương người ta đầu tư chăn nuôi tập trung, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao nên tôi đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư 6 tỷ đồng xây dựng trang trại lợn này".
Mặc dù mới được xây dựng từ năm 2010 và đưa lợn vào nuôi từ đầu năm 2011, nhưng đây là trang trại lợn ngoại sinh sản có quy mô lớn, chăn nuôi sạch sẽ, được xây dựng cách ly với khu dân cư.
Nam
Người dân đã chuyển mạnh từ chăn nuôi trâu bò phục vụ cày kéo, chăn thả tự nhiên sang chăn nuôi cày kéo kết hợp nuôi vỗ béo và nuôi bê, nghé kèm, theo phương thức thâm canh và bán thâm canh, bổ sung thức ăn công nghiệp. Hệ thống chuồng trại được quan tâm đầu tư cả về cơ sở vật chất và quy mô đàn. Hình thức chăn nuôi lợn riêng lẻ, giảm dần, thay vào đó là chuyển dịch ra đồng nuôi đàn với quy mô 10-40 con/lứa, sử dụng thức ăn công nghiệp
Mô hình chăn nuôi lợn cho thu nhập cao ở xã Bình Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Quang Dũng
Những năm qua, Diễn Châu cũng tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp. Tổng sản lượng hàng hóa cũng như số lượng đàn vật nuôi được nuôi theo hướng hàng hóa tập trung ngày càng tăng, các mô hình, vùng chăn nuôi hàng hóa, trang trại chăn nuôi tập trung ngày càng nhiều.
Đặc biệt, tại những xã như Diễn Nguyên, Diễn Đồng, Diễn Thái..., chăn nuôi lợn hàng hóa đã hình thành vùng và phát triển mạnh mẽ. Mô hình chăn nuôi bò hàng hóa có hiệu quả cao, ổn định ngày càng nhiều ở các xã Diễn Tân, Diễn Thành, Diễn Hạnh... các mô hình nông trại, trang trại tổng hợp được mở rộng dần và phát triển khá bền vững, và cùng với đó là các mô hình chăn nuôi gia cầm hàng hóa, mô hình các vật nuôi đặc sản như nhím, lợn rừng.
Nghệ An có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất nhì cả nước, với đàn trâu bò khoảng 786.000 con, lợn trên 1,1 triệu con và trên 15 triệu con gia cầm các loại. Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở NN và PTNT)- ông Lưu Công Hòa, cho biết: Từ năm 2006 đến nay, Nghệ An đã tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại. Chúng ta đã tập trung cải tạo chất lượng đàn bò theo hướng thịt, lai Zebu hóa đàn bò, tạo đàn bò có tỷ lệ máu ngoại 50-87,5%, nâng tầm vóc chất lượng lên 40%, hiện đàn trâu, bò lai Zebu đã chiếm tới 40% tổng đàn.
Đã xây dựng nhiều trang trại chăn nuôi bò hướng thịt, các trại nuôi bò sinh sản với quy mô 10- 50 con, tập trung ở các huyện miền núi thấp như Thanh Chương, Tân Kỳ... Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 200 trang trại chăn nuôi trâu, bò, toàn tỉnh hiện đã trồng được 7.200 ha cỏ phục vụ chăn nuôi.Đối với đàn lợn, cũng đã tập trung cải tiến theo hướng nạc hóa.
Ở các vùng đồng bằng và vùng quy hoạch, từ 2006 đến nay đã xây dựng được trên 40 trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại tập trung với quy mô 30 nái trở lên, tổng đàn 5.780 con, hàng năm cung cấp trên 110.000 con lợn giống. Bên cạnh đó, thực hiện các biện pháp tăng dần tỷ lệ máu ngoại trên đàn lợn nội bằng phương pháp truyền tinh nhân tạo, tạo giống đàn lợn lai nuôi thịt có tỷ lệ nạc cao, từ đó cung cấp nguồn giống, tạo điều kiện xây dựng các trang trại nuôi lợn thịt có quy mô hàng trăm con.
Những năm qua, UBND tỉnhcó nhiều chính sách như hỗ trợ về vốn, đất đai..., khuyến khích đầu tư chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, chăn nuôi gia công cho các công ty nước ngoài như CP (chăn nuôi lợn, gà, thủy sản). Bên cạnh đó là các trang trại chăn nuôi lớn như chăn nuôi bò sữa của Công ty cổ phần TH, Vinamilk, các trang trại chăn nuôi lợn gia công hướng công nghiệp tại Nam Đàn, Yên Thành, Diễn Châu..., các trang trại chăn nuôi gà tại huyện Nghi Lộc. Ngoài ra, chăn nuôi theo hình thức gia trại cũng rất phát triển.
Theo Thạc sỹ Đặng Văn Minh - Phó phòng Kiểm dịch Chi cục Thú y tỉnh thì,chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp khá đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi, chất lượng sản phẩm tốt. Trong khi đó, chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún rất khó kiểm soát vệ sinh dịch bệnh, khó khăn trong việc kiểm soát con gống, thức ăn, nước uống không đảm bảo vệ sinh, môi trường chăn nuôi không thường xuyên được khử trùng tiêu độc, khó khăn trong việc triển khai tiêm phòng... do đó dịch bệnh dễ xảy ra, thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi, đồng thời chất lượng sản phẩm không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Với những điều kiện của mình, Nghệ An hoàn toàn có khả năng phát triển chăn nuôi theo các phương thức hiện đại. Các huyện đồng bằng, ven biển có thể phát triển các trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm theo hướng công nghiệp. Vùng đồng bằng với nguồn thức ăn dồi dào từ thân cây, củ quả trong sản xuất nông nghiệp, nên chú trọng tăng chất lượng đàn bò lai hơn là tăng đàn, bên cạnh đó, có thể nuôi gà quy mô vừa và lớn theo hướng công nghiệp, có kiểm soát dịch bệnh. Với lợn, nuôi trang trại quy mô vừa và nhỏ hoặc gia trại tại các gia đình để thuận lợi trong kiểm soát dịch bệnh.
Các huyện trung du và miền núi đất đai rộng, nhiều thức ăn cây cỏ tự nhiên và có thức ăn bổ sung thì nên chú trọng tăng trưởng đàn có quy mô lớn, cải thiện chất lượng đàn phù hợp nuôi chăn thả gắn với môi trường tự nhiên. Thực tế, ở các huyện này cũng đang có xu hướng phát triển các trang trại chăn nuôi trâu, bò, đặc biệt là Nghĩa Đàn và Thái Hòa phát triển chăn nuôi trang trại bò sữa quy mô lớn. Ngành chăn nuôi Nghệ An vẫn còn nhiều hạn chế. Hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún còn phổ biến, hình thức chăn nuôi trang trại và công nghiệp chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, còn thiếu quy hoạch, chưa phát triển bền vững.
Để có thể đưa ngành chăn nuôi Nghệ An thành ngành phát triển theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, cần có chính sách đủ tầm, tạo được những "cú hích" cho những người đi tiên phong trong phát triển chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, giúp người dân tiếp cận được các nguồn vốn vay. Bên cạnh đó, để phát triển chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang công nghiệp và bán công nghiệp, cần chú trọng đào tạo, tập huấn cho người dân về kỹ thuật cũng như cách thức quản lý.
Đặc biệt, tỉnh cần quan tâm đến công tác quy hoạch và dành quỹ đất nhất định cho ngành. Quy hoạch vùng chăn nuôi hàng hóa gắn chăn nuôi với cơ sở giết mổ, chế biến tập trung để có thể cơ bản kiểm soát được việc phát sinh và lây lan mầm bệnh, hạn chế dịch bệnh. Đồng thời, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trong tìm đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi với giá cả ổn định, hỗ trợ khi các chủ trang trại gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh.
Phú Hương